March 28, 2024, 6:59 pm

Số hóa Bảo tàng – Mở ra thế giới phẳng cho di sản ( Kỳ 1)

 

Tháng 1/2021, lần đầu tiên, nền tảng Google Arts and Culture khởi động một triển lãm trực tuyến về các thắng cảnh, di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, ẩm thực của 4 tỉnh miền Trung Việt Nam (với 35 chủ đề, gần 1.400 bức ảnh), bằng công nghệ tương tác hiện đại.

Trong sự kiện được Tổng Cục Du lịch Việt Nam, phối hợp cùng Tập đoàn Google tổ chức, Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) vinh dự là Bảo tàng đầu tiên và duy nhất (cho đến nay), được giới thiệu trong chuyên mục “Điểm đến các bảo tàng”.

 

 

Hiện vật tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm (Đà Nẵng) 

 

Buổi đầu “số hóa” của Bảo tàng đầu tiên ứng dụng số hóa

Cũng trong bối cảnh “nín thở” chung sống cùng Covid-19, năm 2020, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là Bảo tàng duy nhất (trên địa bàn thành phố), có ứng dụng tham quan Bảo tàng thực tế ảo được tích hợp, đồng bộ trên nền tảng VR360 – Một chạm đến Đà Nẵng, quảng bá các điểm du lịch của thành phố. Có 4 phòng trưng bày quan trọng và 14 hiện vật tiêu biểu được giới thiệu thông tin (thuyết minh Việt ngữ/ Anh ngữ). Trên nền tảng VR360, Trang tham quan ảo về Bảo tàng đã thu hút trung bình 800 lượt truy cập/tháng (trong đó 1/3 là lượt truy cập quốc tế).

Tháng 9/2022 mới đây, Bảo tàng tiếp tục được giới thiệu trên nền tảng VR360 –với phiên bản nâng cấp, tích hợp nhiều tính năng mới, đặc biệt lần đầu tiên thử nghiệm giới thiệu trên không gian vũ trụ ảo (Metaverse). Trước đó, vào tháng 3/2022, Bảo tàng đã triển khai một gian hàng giới thiệu về mình tại hội chợ Du lịch quốc tế trực tuyến Danang Fantasticity 2022. “Đây cũng là lần đầu tiên bảo tàng chúng tôi tham gia một hội chợ xúc tiến, quảng bá du lịch trên nền tảng trực tuyến, thích ứng hài hòa với bối cảnh dịch bệnh Covid19 vẫn còn đang ảnh hưởng nghiêm trọng ở nhiều quốc gia. Hẳn nhiên, tất cả những gì được giới thiệu, chỉ mới một phần nhỏ. Di sản văn hóa đồ sộ mà chúng tôi đang quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt, thậm chí có cổ vật rất quý, được xếp vào hạng “bảo vệ - bảo quản đặc biệt”, phải đến trên 2.000 cổ vật, song mới chỉ có ¼ trong số đó được trưng bày, giới thiệu”, anh Lý Hòa Bình – Chuyên viên Phòng Giáo dục và Truyền thông của Bảo tàng, cho biết.

 Chia sẻ về buổi đầu “số hóa” của bảo tàng, anh Lý Hòa Bình, bộc bạch: “Năm 2009, chúng tôi là bảo tàng đầu tiên tại Đà Nẵng xây dựng và đưa vào sử dụng Trang thông tin điện tử (với 2 ngôn ngữ Việt, Anh), phục vụ yêu cầu truyền thông quảng bá. Sau đó, anh chị em tiếp tục ứng dụng triệt để hơn, công nghệ thông tin và truyền thông vào công việc chuyên môn, nghiệp vụ. Lúc đó, chưa có gì để gọi là chuyển đổi số đâu. Nhưng số hóa dữ liệu để thay đổi cách tương tác với khách tham quan, thì có. Chủ yếu, anh chị em vừa làm, vừa học, tự nghiên cứu, xem cái gì là phù hợp khả năng, là cấp thiết cần làm sớm, thì bắt tay ngay. Cứ thế,  cho  năm 2017, chúng tôi đã có những khởi động, đó là triển khai hệ thống hỗ trợ (đầu tiên) phục vụ du khách tham quan bảo tàng và di tích Chăm 3D tại các phòng trưng bày. Ứng dụng giúp du khách tùy ý tham quan các không gian và hiện vật trưng bày, cũng như một số điểm di tích Chăm tiêu biểu trên không gian ảo.

Có 50 hiện vật cùng 7 điểm di tích Chăm tiêu biểu, bao gồm cả di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn, được số hóa 3D, du khách khi xem, tìm hiểu về hiện vật có được lượng thông tin biên soạn kỹ càng, rất chi tiết và sinh động. Năm 2022, chúng tôi tiếp tục số hóa khoảng 100 bài nghiên cứu lịch sử, văn hóa Champa trong tạp chí Khảo cổ học hiện có tại Thư viện, bổ sung thêm gần 300 đầu mục tài liệu điện tử (từ các nguồn nghiên cứu và chia sẻ tài liệu chuyên ngành, trong nước, quốc tế) rất quý”. ( chị Hà Thị Huyền Anh - Chuyên viên Phòng Giáo dục và Truyền thông của Bảo tàng,cho biết)

Du khách có thể chọn ngôn ngữ để nghe thuyết minh về di sản

“Bước tiếp theo là ứng dụng công nghệ quét mã QR. Năm 2019, Bảo tàng nâng cấp và đưa vào sử dụng hệ thống thuyết minh tự động (audio guide) về phòng trưng bày, hiện vật, với hơn 80 nội dung. Chỉ cần truy cập vào ứng dụng, quét mã QR tại các phòng trưng bày, thông tin sẽ hiển thị trên ứng dụng; du khách tùy ý đọc hoặc nghe thuyết minh với 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, không cần hỗ trợ từ thuyết minh viên. Đến tháng 6/2022 vừa qua, anh chị em Bảo tàng tiếp tục nghiên cứu, đưa công nghệ quét mã QR vào quản lý thông tin hiện vật kho. So với việc truy xuất thông tin hiện vật theo cách truyền thống (phải dò theo từng mã kiểm kê ghi chú trên hiện vật như trước đây), cách truy xuất thông tin hiện vật bằng QR nhanh chóng, tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian”, chị Hà Thị Huyền Anh - Chuyên viên Phòng Giáo dục và Truyền thông của Bảo tàng, bổ sung thêm.

 

Các chuyên viên Bảo tàng điêu khắc Chăm chia sẻ thêm câu chuyện, rằng một nghiên cứu sinh Đại học quốc gia Yokohama (Nhật Bản) từng đặt câu hỏi với NSND Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Đà Nẵng (nay đã nghỉ hưu), rằng “Nếu tôi đến thăm Đà Nẵng, địa chỉ văn hóa nào tôi nhất định phải tìm đến ?”, Câu trả lời là:

“Bảo tàng Điêu khắc Champa, “viên ngọc quý” duy nhất trên thế giới, điểm đến được bạn bè quốc tế ước ao có một lần đến”. Và trong thực tế, nhiều Nguyên thủ quốc gia khi đến Đà Nẵng, nếu có ít thời gian, thì nơi đây sẽ là điểm đến đặc biệt duy nhất; nếu có nhiều thời gian hơn, thì nơi đây vẫn được ghi vào điểm đến đầu tiên của hành trình. “Bảo tàng điêu khắc Chăm là nơi mà du khách có thể “nhìn thấu” được chiều dài lịch sử thăm thẳm của một vùng đất từ thuở hồng hoang” – ông Hùng phân tích thêm.

 

Số hóa để nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cả về lịch sử, văn hóa, khoa học ra mắt công chúng

 

Hướng dẫn viên giới thiệu về danh tướng Nguyễn Tri Phương và trận đánh thành Điện Hải.

 

“Hiện nay, kho cơ sở của Bảo tàng Đà Nẵng đang lưu giữ rất nhiều bộ sưu tập hiện vật có giá trị cả về lịch sử, văn hóa, khoa học. Nhiều hiện vật vẫn chưa có điều kiện về cơ sở vật chất, hệ thống phương tiện trưng bày để giới thiệu với công chúng. Chính vì vậy, việc số hóa hiện vật là phương cách tiện lợi và phù hợp với xu thế hiện nay trong bảo tồn và phát giá trị di sản. Công nghệ dù “ảo” nhưng lại mang đến những giá trị “thật”, thúc đẩy việc phát huy các giá trị văn hóa từ quá khứ đến hiện đại. Thiết nghĩ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực di sản văn hóa là rất cần thiết và cả cấp thiết.

Tuy chưa phải đã hoàn thiện tuyệt đối, đồng bộ, những năm gần đây, công chúng và đối tác đã có thể “nhận diện” hình ảnh chuyển đổi số của Bảo tàng Đà Nẵng thông qua các ứng dụng như: Phần mềm Bản đồ số, Hệ thống thuyết minh tự động đa ngữ qua thiết bị di động sử dụng mã QR. Thời gian đến, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục ứng dụng công nghệ số, đem đến giá trị mới ngay trên những trưng bày hiện tại hay hình thức mới cho các diễn giải di tích”, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng chia sẻ.

 

Được biết, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Bảo tàng Đà Nẵng đã đầu tư, ứng dụng công nghệ trong hoạt động chuyên môn và những trải nghiệm, tiện ích mới phục vụ cho công chúng. “Xu hướng xây dựng bảo tàng mở hiện nay đã quá phổ biến. Công chúng không phải đến trực tiếp bảo tàng mới biết trong đó có gì, mà có ngồi tại nhà hay lớp học, hoặc bất kỳ một không gian nào, cũng có thể kết nối “để tham quan như thật” một bảo tàng”.

 

Tích cực ứng dụng công nghệ vào hoạt động chuyên môn, Bảo tàng Đà Nẵng đã luôn duy trì được sự kết nối, tương tác với công chúng. Thông tin, hình ảnh của Bảo tàng Đà Nẵng vẫn được truyền tải đến với đông đảo người dân mà không bị hạn chế về mặt địa lý. Bảo tàng cũng đã mở triển lãm online trên nền tảng website của mình. Nhờ đó, nhận được sự quan tâm, theo dõi của công chúng đối với các hoạt động chuyên môn của Bảo tàng và góp phần phát triển công chúng tiềm năng của Bảo tàng Đà Nẵng, đặc biệt là những người thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ.

Hiện Bảo tàng có đến 6 kênh tương tác truyền thông (trên các nền tảng Facebook, Zalo, Instagram, Twitter, Tiktok, và Youtube), tiếp cận rộng rãi công chúng quan tâm đến các hoạt động của Bảo tàng theo những cách tiện lợi, phổ dụng nhất. “Chúng tôi tận dụng tối đa thế mạnh của công nghệ số, khi nhận thấy nhu cầu tiếp cận thông tin trên môi trường Internet rất cao, đặc biệt là trong giới trẻ; thực sự, Bảo tàng Đà Nẵng đã thành công trong đổi mới cách tiếp cận công chúng nhờ ứng dụng thành tựu của công nghệ số. Đặc biệt, Bảo tàng đã thành công trong xây dựng và cập nhật phần mềm “Bản đồ số di sản Đà Nẵng”, là bước phát triển các ứng dụng công nghệ mang đến nhiều trải nghiệm mới cho công chúng ở cả hai hình thức trực tiếp và trực tuyến”, ông Thiện nhìn nhận.

Cũng như tại Bảo tàng điêu khắc Chăm, chỉ với một mã QR, du khách có thể nghe thuyết minh tự động đa ngữ qua thiết bị di động tại bảo tàng và các di tích lịch sử, công trình kiến trúc – văn hóa trên địa bàn thành phố. Cũng chỉ với mã QR được cấp, khách tham quan thoải mái truy cập vào các trang thông tin của Bảo tàng, hay đăng ký tham dự các sự kiện cùng trải nghiệm, khám phá.

“Trước khi phát triển các ứng dụng, chúng tôi đều tiến hành khảo sát,  phân tích các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt tìm hiểu sở thích, thói quen của công chúng. Đây là bước đi, từ số hóa đến chuyển đổi số, sau đó, xây dựng nội dung chuyển đổi số theo từng giai đoạn ở các lĩnh vực hoạt động của Bảo tàng sao cho phù hợp nhất”..ông Trần Văn Chuẩn, Trưởng phòng Giáo dục và Truyền thông của bảo tàng cho biết.

Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã triển khai công tác số hóa hàng loạt hiện vật, tư liệu đang được lưu giữ, trưng bày; phát triển hệ thống đăng ký và thanh toán trực tuyến đối với vé tham quan cũng như một số dịch vụ khác tại Bảo tàng; Sử dụng các thiết bị trình chiếu, tương tác thông minh cho hệ thống trưng bày. Bên cạnh đó, Bảo tàng cũng tập trung vào xây dựng các dự án phục vụ công tác chuyên môn, góp phần tin học hóa các hoạt động chuyên môn, tiết kiệm thời gian và nhân lực như: Hệ thống lưu trữ và Quản lý cơ sở dữ liệu hiện vật Bảo tàng; Quản lý cơ sở dữ liệu di sản văn hóa.

 

Sở VHTT&DL đang xây dựng đề án  Chuyển đổi số của ngành, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực Bảo tàng và Di sản văn hóa , bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng

 

Dự kiến vào cuối năm 2023, khi Bảo tàng Đà Nẵng chính thức  hoạt động tại địa chỉ mới (số 42 – 44 đường Bạch Đằng, nơi đây trước năm 2015, là trụ sở Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng, trước đó nữa là Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng), các ứng dụng, phần mềm mới sẽ được áp dụng đồng bộ, góp phần đưa Bảo tàng Đà Nẵng trở thành một thiết chế văn hóa quan trọng, xứng tầm, bắt kịp với xu hướng công nghệ trên thế giới để đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của công chúng trong nước và quốc tế.

Các Bảo tàng trên địa bàn đã và sắp có có ứng dụng số hóa 3D, các hình thức tương tác ảo, đối với hiện vật, di vật và cổ vật tiêu biểu, gắn với di sản văn hóa của thành phố Đà Nẵng tại không gian của chính các bảo tàng và cả trên không gian mạng. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động của các Bảo tàng đã và sẽ tạo ra các sản phẩm ứng dụng đa dạng cho ngành du lịch, gia tăng trải nghiệm của du khách, là bước tiến nhanh nhất, sinh động nhất để đưa hình ảnh điểm đến của du lịch Đà Nẵng đến với du khách trong và ngoài nước”, ông Tán Văn Vương – Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng chia sẻ.

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Đà Nẵng đang tiến hành xây dựng đề án Chuyển đổi số của ngành, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực Bảo tàng và Di sản văn hóa (bao gồm Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm và Bảo tàng Mỹ thuật). Rõ ràng, trước tác động mạnh mẽ của khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực, cũng như những thay đổi xu hướng hưởng thụ văn hóa “rõ mồn một” của người dân và du khách; các bảo tàng trong nước nói chung, thành phố Đà Nẵng, đang “nhạy cảm” hơn để khai thác và ứng dụng công nghệ số vào các mặt hoạt động quản lý và chuyên môn của mình.

(Còn nữa)

Trần Ngọc 


Có thể bạn quan tâm