March 29, 2024, 6:29 am

SHUSHA và cơ hội hợp tác văn hoá Việt Nam - Azerbaijan

Shusha là thành phố văn hóa đặc biệt, Shusha được thành lập vào năm 1752 bởi Karabakh Panahali Khan, nơi được ví như cái nôi của nghệ thuật và văn hóa, là hòn ngọc của vùng Karabakh. Ngày 5/1/2022, Tổng thống Ilham Aliyev đã tuyên bố năm 2022 là “Năm Shusha” ở Cộng hòa Azerbaijan.

Trong thời kỳ Xô Viết, Shusha là một điểm du lịch nổi tiếng và được coi là một trong những điểm chiến lược quan trọng nhất của Azerbaijan với vị trí đặc biệt ở độ cao 1.400-1.800 mét trong dãy núi Karabakh. Shusha được coi là một trong những trung tâm chính trị, kinh tế và văn hoá quan trọng của Azerbaijan trong thế kỷ XVIII-XIX. Trong suốt nhiều thế kỷ qua, vùng đất linh thiêng này đã ban tặng cho đất nước Azerbaijan rất nhiều nghệ nhân, nhân vật văn hóa, nhà sư phạm lỗi lạc, trong đó Molla Panah Vagif (1717-1797) nhà thơ Azerbaijan thế kỷ 18 là một biểu tượng quan trọng của Shusha và của quốc gia, người hội tụ nhiều tài năng trác việt: Vừa là nhà thơ, chính khách và nhà ngoại giao lỗi lạc (Từng là vizier - bộ trưởng ngoại giao của hãn quốc Karabakh). Những bài thơ của Molla Panah Vagif được thu thập lần đầu tiên vào năm 1856 do Mirza Yousif Nersesov tổ chức in ấn. Ngay sau đó, tuyển tập thơ của ông được học giả Adolf Berge xuất bản tại Leipzig vào năm 1867. Các tác phẩm của Vagif báo trước một kỷ nguyên mới trong thơ ca của xứ sở Azerbaijan, ông đã xử lý những cảm xúc và mong muốn của người đời theo hướng trần tục hơn là các chủ đề trừu tượng và đậm chất tôn giáo phổ biến trong phong cách thơ ca phổ biến thời bấy giờ. Đây là đặc điểm chính làm nên sự khác biệt của Vagif với những người tiền nhiệm và khiến ông trở thành người sáng lập ra thể loại chủ nghĩa hiện thực trong thơ của dân tộc Azeris (chỉ người Azerbaijan nói tiếng Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Azerbaijan và 1 vùng lớn ở Iran). Ngôn ngữ các bài thơ của Vagif cũng được đổi mới về phong cách: sinh động, đơn giản và gần gũi với tiếng tiếng địa phương của Azerbaijan. Thơ ca của Vagif đã có ảnh hưởng lớn đến văn hóa dân gian Azeri và nhiều bài trong số đó được sử dụng nhiều lần trong âm nhạc dân gian. 

Hài cốt của Vagif được lưu giữ ở Shusha, nơi lăng mộ ông được xây dựng trong nhưng năm 1970. Lăng mộ này đã bị phá hủy vào năm 1992 trong cuộc chiến Nagorno- Karrabakh lần 1 và mới được trùng tu mấy năm gần đây và trở thành 1 điểm nhấn cho Shusha.

Người dân Azerbaijan ăn mừng chiến thắng sau khi quân đội nước này kiểm soát được thành phố Shusha (11.2020)

Lịch sử huy hoàng

Bên cạnh tiềm năng tự nhiên, về mặt xã hội, Shusha còn là thành phố lưu giữ nhiều nét văn hoá, truyền thống của cư dân nơi đây. Nhiều di tích lịch sử cùng các bảo tàng văn hóa, ẩm thực, nghề thảm truyền thống… và nhiều yếu tố khác đã tạo nên thủ đô lịch sử - văn hóa với nhiều tiềm năng lớn cho sự phát triển của Shusha. Trong nửa sau của thế kỷ XIX, Shusha không chỉ là một trung tâm văn hóa quan trọng với Karabakh mà còn với toàn bộ Azerbaijan. Shusha còn được gọi là ngôi đền âm nhạc và nổi tiếng với “khu bảo tồn Nam Caucasus” cùng nhiều nét nổi bật đặc trưng như các ca sĩ vĩ đại đã quảng bá cho âm nhạc mugham Azerbaijan ở Châu Âu, bao gồm Jabbar Garyaghdioghlu và Mahammad Kechachioghlu, Bulbul với biệt danh chim sơn ca hay nhà soạn nhạc Hajibeyov - người đã sáng lập nền âm nhạc cổ điển Azerbaijan và nhiều người khác đã sống và đã làm việc ở Shusha. Bắt đầu từ năm 1848, các buổi biểu diễn sân khấu, rạp hát lớn và rạp xiếc ở Shusha đã được trình chiếu lần đầu tiên trong lịch sử văn hóa của Azerbaijan. Rất nhiều bộ phim nổi tiếng của đất nước cũng được quay ở Shusha bao gồm “Koroglu”, “Gilan gizi”, “Haji Gara”,... Lễ hội âm nhạc hàng năm “Kharibulbul” được tổ chức tại đồng bằng Jidir đã trở thành biểu tượng của Shusha kể từ năm 1989. Vào tháng 2 năm 1897, thư viện đầu tiên thành phố được thành lập, đặt thêm viên gạch nền móng cho văn hóa thành phố...

Văn học Azerbaijan cũng có một lịch sử phát triển vô cùng phong phú được bắt nguồn từ với thành phố Shusha. Vào cuối thể kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, tác phẩm Tazkireyi-Navvab của họa sĩ, nhà thơ và học giả Mir Mohsun Navva đã trích dẫn tên của gần 100 nhà văn sống ở thành phố trong khoảng thời gian đó1. Vùng đất này cũng nuôi dưỡng các nhà văn và nhà viết kịch như Najaf bay Vazirov, Abdurrahim bay Haqverdiyev, Yusif Vazir Chamanzaminli và Suleyman Sani Akhundov. Trong đó, Molla Panah Vagif là một đại diện nổi bật của thơ ca hiện thực cổ điển Azerbaijan, “là một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất của Azerbaijan trong thế kỷ XVIII. Tác phẩm của ông có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lâu dài của nền thơ ca đất nước”. Ông có thể hợp nhất một cách hữu cơ hai nhánh di sản văn học, đó là văn học cổ điển và văn học dân gian, và đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển của ngôn ngữ văn học Azerbaijan.

Kiến trúc Shusha cũng rất phát triển trong những năm 1970-1980. Tiêu biểu là một số di tích kiến ​​trúc và đài tưởng niệm mới, bao gồm tượng bán thân của một số nhà thơ Azerbaijan, thánh đường Hồi giáo Govhar Agha  đã được xây dựng ở Shusha. Nhà thờ Hồi giáo Yukhari Govhar Agha hay Nhà thờ Hồi giáo Shusha Juma là nhà thờ Hồi giáo lâu đời nhất tọa lạc tại Quảng trường trung tâm của thành phố Shusha và được xây dựng trên địa phận của thành phố. Vào năm 1977, lãnh tụ Heydar Aliyev đã tuyên bố di tích lịch sử có tầm quan trọng của Shusha là khu bảo tồn kiến trúc-lịch sử của Azerbaijan.

Shusha được xem là thủ đô văn hóa, nơi lưu giữ những giá trị thiêng liêng đối với người dân Azerbaijan. Ảnh: Caspian News. 

Những tổn thất do cuộc chiến

Vào năm 1992, lực lượng vũ trang Armenia đã giành quyền kiểm soát thành phố Shusha. Trong suốt gần 30 năm, Armenia đã liên tục phá hủy hơn 300 di tích lịch sử và văn hóa trong thành phố có lịch sử kéo dài hàng thế kỷ... Khoảng 17 nhà thờ Hồi giáo với đền đài kèm theo ở Shusha cùng các di tích như khu lăng mộ của Molla Panah (còn được gọi là Vagif, một nhà thơ nổi tiếng của Azerbaijan) và các khu vực khác bị ảnh hưởng tiêu cực bởi sự chiếm đóng của Armenia và chỉ một vài trong số những ngôi đền này còn sót lại trong các vùng lãnh thổ này. Các ngôi đền đều đổ nát, bị biến thành nơi chăn gia súc hoặc bị thay đổi diện mạo lịch sử với lý do “phục hồi” chẳng hạn như Nhà thờ Hồi giáo Yukhari Govhar Agha ở Shusha. Cuộc chiến đã phá hủy hơn 20 bảo tàng với 40.000 hiện vật trưng bày. Các mẫu vật, tranh vẽ có giá trị và tác phẩm điêu khắc, vật lưu niệm của các nhân vật nổi bật và triển lãm khác liên quan đến lịch sử và văn hóa Azerbaijan đã bị đánh cắp từ những viện bảo tàng...v.v.

Tòa nhà của Mehmandarovs vốn là một khu phức hợp dân cư mang tính lịch sử được xây dựng theo kiểu cung điện nằm ở thành phố Shusha. Tuy nhiên, sau khi người Armenia chiếm đóng, tòa nhà lớn bị phá hủy, tòa nhà dân cư nhỏ có chức năng như Bảo tàng Lịch sử Shusha và nhà thờ Hồi giáo biến thành Bảo tàng Địa chất2. Trước khi trao trả lại cho Azerbaijan, hầu hết các tòa nhà ở bảy quận của thành phố, bao gồm nhà thờ Hồi giáo, trường học, khu dân cư và di tích lịch sử, đã bị hư hại và nhiều tòa nhà đã bị quân đội của Armenia phá hủy.

Ngoài ra, do hậu quả của cuộc xâm lược quân sự của Armenia chống lại Azerbaijan, những cây có giá trị và các mẫu đa dạng sinh học quý hiếm khác đã bị phá hủy trong các khu bảo tồn thiên nhiên của bang như Basitchay, Garagol, Arazboyu, Lachin, Gubadli và Dashalti.

Hồi sinh trong hiện tại

Ngày 8/11/2020, quân đội Azerbaijan đã khôi phục chủ quyền của Azerbaijan đối với thành phố Shusha cùng một số lãnh thổ khác trong cuộc chiến được Azerbaijan gọi là “Chiến tranh Vệ quốc” kéo dài 44 ngày từ ngày 27 tháng 9 đến ngày 9 tháng 11 năm 2020. Với Tuyên bố ba bên được ký kết bởi lãnh đạo của Azerbaijan, Nga và Armenia vào ngày 10/11/2020, Chính phủ Azerbaijan đã sớm bắt đầu khôi phục và xây dựng lại các vùng thuộc lãnh thổ mới thu hồi về, gồm cả thủ đô văn hóa Shusha với mục tiêu: “Phục hồi, tái thiết và phát triển cả vùng Karabakh”.

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, Theo đoạn “32 của Điều 109” của Hiến pháp Azerbaija, chính phủ Azerbaijain đã bắt đầu lên một kế hoạch tổng thể mới nhằm khôi phục diện mạo của thành phố, xây dựng các trung tâm kinh doanh và 25 khu phức hợp dân cư bao gồm 2.000 căn hộ dân cư. Kế hoạch tổng thể đã được chính phủ phê duyệt và tất cả các dự án sẽ được hoàn thành trong vòng 18 tháng đề xuất xây dựng cơ sở hạ tầng trong thành phố bao gồm sân bay, trường học mới, khách sạn năm sao và bệnh viện. Đồng thời, theo chỉ thị của tổng thống, Ủy ban Quy hoạch và Kiến trúc Đô thị Nhà nước cũng tập trung vào việc trùng tu các di tích lịch sử. Chính phủ nỗ lực tái thiết và phục hồi các khu vực thiên nhiên bằng cách thành lập khu bảo tồn nhà nước thành phố Shusha và kêu gọi đầu tư từ nước ngoài.

Tổng thống Ilham Aliyev đã đã ký kết “Tuyên bố Shusha”, tháng 5 năm 2021 ông nhấn mạnh rằng Shusha đã trở thành thủ đô văn hóa của Azerbaijan và quyết định kỉ niệm 270 năm thành lập thành phó với năm 2022 là “Năm Shusha”. Azerbaijan đã xác định rõ ràng ưu tiên của mình: quyết tâm xây dựng lại các thị trấn và làng mạc bị phá hủy và hướng tới mục tiêu Shusha lấy lại được dáng hình lịch sử trước đây. Bộ Văn hóa đang khởi động dự án mang tên “Những viên ngọc trai văn hóa của Shusha” nhằm giới thiệu nền văn hóa phong phú của Shusha tới thế giới.

Cơ hội mới cho hợp tác phát triển quan hệ văn hóa giữa Azerbaijan với thế giới và Việt Nam

- Bộ trưởng Văn hóa Azerbaijan - Anar Karimov cho biết nước này sẽ biến thành phố Shusha lịch sử của mình thành một khu văn hóa và du lịch, thu hút cả du khách trong và ngoài nước, đặc biệt từ bắt đầu “Năm Shusha 2022”. Cục Du lịch Azerbaijan cũng hợp tác với các nước có thành tựu trong công nghệ số hóa, tạo nên các sản phẩm đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại để thu hút khách du lịch. Các giao diện, nội dung thiết kế dựa vào nền tảng ảo phong phú, hấp dẫn, số hóa sẽ giúp nâng cao nhận thức của khách du lịch tiềm năng và đơn giản hóa việc lập kế hoạch du lịch, hứa hẹn sẽ khôi phục du lịch Shusha trong thời kỳ hậu đại dịch Covid 19. Azerbaijan có chiến lược nỗ lực quảng bá hình ảnh của thành phố đến với quốc tế với rất nhiều chiến dịch quảng bá vào thị trường Du lịch Ả Rập (đã tổ chức triển lãm du lịch quốc tế ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất vào ngày 16/05/2021) và sẽ triển khai hoạt động giao lưu, quảng bá tại các khu vực khác.Các hoạt động này sẽ là sự thúc đẩy tiềm năng du lịch lớn đối với Azerbaijan nói chung và đặc biệt là Shusha nói riêng

- Vào tháng 1/2021, trong chuyến thăm của Tổng giám đốc ICESCO đến Azerbaijan tổ chức này đề nghị công bố Shusha là thủ đô văn hóa của Thế giới Hồi giáo. Vào tháng 6/2021. Tổ chức quan hệ quốc tế của Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ (TURKSOY) đề nghị tuyên bố Shusha là Thủ đô Văn hóa của Thế giới Turkic vào năm 2023 và thuyết trình về lịch sử của Shusha cũng như di sản văn hóa và cảnh quan thiên nhiên của Shusha. Mục tiêu chính của Bộ cho năm 2023 sẽ là quảng bá thành phố Shusha thông qua các cuộc triển lãm, lễ hội, hòa nhạc cũng như các sự kiện và chương trình văn hóa khác. Những đề xuất này cho thấy sự đánh giá cao của Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo với sự phong phú về văn hóa của thành phố cổ đại đang trong quá trình trỗi dậy từ đống tro tàn do thảm họa chiến tranh.

- Đối với Việt Nam, một nước có quan hệ truyền thống với Azerbaijan, tình bạn giữa 2 nước luôn được các lãnh tụ, lãnh đạo 2 nước chăm lo phát triển và các vị trưởng cơ quan đại diện mỗi nước quan tâm, đặc biệt phải kể đến vai trò đại sứ CH Azerbaijan tại Việt Nam Anar Imanov.

Việt Nam có những thành phố cổ kính, chẳng hạn cố đô Huế ở miền Trung cũng từng bị hư hại do chiến tranh trước 1975 nhưng sau ngày đất nước thống nhất, ngành chức năng với sự hỗ trợ chuyên gia nước ngoài, sự cố gắng của giới chuyên môn trong nước, đã trùng tu, khôi phục lại kinh thành Huế. Kết quả là quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di Sản Văn hóa Thế giới; Âm nhạc cung đình Việt Nam- Nhã Nhạc (triều Nguyễn) được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại. Từ đó, có thể thấy giới chuyên môn, kỹ thuật Việt Nam đã có thể bàn bạc với Bộ Văn hóa Azerbaijan, chính quyền Shusha để tham gia hợp tác một khâu nào đó mà Việt Nam có thế mạnh và kinh nghiệm, để góp phần xây dựng lại Shusha đẹp đẽ như xưa. 

- Mô hình tổ chức Ngày thơ Vagif ở Shusha là gợi mở cho sự giao lưu, hợp tác giữa các thành phố Việt Nam (đặc biệt là Huế) với Shusha và các thành phố khác của Azerbaijan. Việt Nam có thể cùng với Shusha và thành phố khác tổ chức luân phiên ở mỗi nước Ngày thơ mang tên thi sĩ- danh nhân Azebaijan (Vagif, Nasimi, Nisami...) và Ngày thơ mang tên thi sĩ nổi tiếng Việt Nam (Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu...), hoặc cùng tổ chức tôn vinh Ngày thơ thi sĩ 2 nước.

- Các Tập đoàn, công ty kiến trúc - xây dựng có tay nghề cao và kinh nghiệp trong lĩnh vực phục chế, trùng tu của Việt Nam nên chủ động khảo sát, lập hồ sơ đấu thầu gửi Tổ chức phụ trách trùng tu Shusha của Azerbaijan. Nếu trúng thầu được thực hiện mảng cụ thể sẽ là một cơ hội tốt để nâng cao chuyên môn, kinh nghiệm đấu thầu quốc tế và từ địa bàn Shusha có thể mở rộng ra các địa bàn khác.

- Về đào tạo văn hóa nghệ thuật: Hai nước cần tăng cường hơn nữa việc trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Các Đại học Văn hóa nghệ thuật Việt Nam và Azerbaijan cần tiếp tục đẩy mạnh giao lưu, trao đổi chương trình đào tạo cho giảng viên, sinh viên 2 nước, kể cả việc cấp học bổng cho lưu học sinh du học những lĩnh vực mà mỗi quốc gia có thế mạnh và có nhu cầu.

- Về văn học: Thông qua các Hội và cơ quan chuyên môn như Hội nhà văn, Hội liên hiệp văn học nghệ thuật, Hội điện ảnh, báo Văn nghệ, Nhà xuất bản văn học... của Việt Nam và các cơ quan tương nhiệm của Azerbaijan cần tăng cường phối hợp các hoạt động chuyên môn nhằm quảng hình ảnh đất nước, con người, văn hóa (kể cả văn học) mỗi nước. Các cơ quan kể trên và Đại sứ quán Azerbaijan tại Hà nội với sự nhiệt tâm, năng động, yêu văn hóa của ngài Đại sứ Anar Imanov có thể làm cầu nối tổ chức các Dự án dịch thơ của Vagif, các nhà thơ của Azerbaijan ra tiếng Việt và dịch tác phẩm một số nhà thơ xuất sắc của Việt Nam ra tiếng Azerbaijan.

Để kết thúc bài viết, xin được giới thiệu 1 bài thơ của Vagif với những người yêu Shusha và Azerbaijan: 

Vào một ngày lễ, thật nhàn cư, vô vị!

Các bao tải lép kẹp lăn lóc trong nhà chúng tôi

Gạo hết lâu rồi, bơ còn đâu?

Bếp không có thịt, không có pho mát, tình cảnh bách bí...

Trong thế giới này, ta không sở hữu thứ gì đáng lẽ thuộc về ta

Niềm hạnh phúc cũng chẳng làm duyên cho ngôi nhà thêm đẹp,

Vagif, đừng đặt hy vọng vào bộ não của nhân sinh

Ôi Chúa Vinh quang! Ngài biết bộ não của chúng ta ở đâu đó lang thang...

 

1. https://www.virtualkarabakh.az/en/post-item/25/41/karabakh-literature.html

2. https://azertag.az/en/xeber/Shusha_The_cultural_capital_of_Azerbaijan-1778373

Nguồn Văn nghệ số 31/2022


Có thể bạn quan tâm