April 25, 2024, 3:31 pm

Sẽ là hoàn mỹ, nếu…

Với những nghệ sĩ, ngay khi tạo ra một tác phẩm nào đó, họ chắc chắn trong tâm thế mở lòng đón nhận tán dương, hay những lời chỉ trích, phản đối của dư luận. Dù họ có yêu cầu hay không, phê bình nghệ thuật có thể là một viên thuốc khó nuốt. Rèn luyện bản thân để chấp nhận và học hỏi từ những nhà phê bình khắt khe nhất là một trong những kỹ năng khó nhất - nhưng bổ ích nhất - để phát triển với tư cách là một nghệ sĩ. Nhưng, nếu các tác phẩm của các bậc thầy, cho đến nay vẫn còn để lại dấu hỏi cho việc vì sao họ lại làm như thế, liệu họ có cố ý hay không, thì thách thức lại phụ thuộc hoàn toàn vào người thưởng thức.

Số là, gần đây có ý kiến cho rằng bức tranh Chị dạy em viết chữ Nho của danh họa Lê Thị Lựu được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh có một chi tiết... sai nghiêm trọng: Đó là một chữ trong tranh bị viết sai. Đây là bức tranh vẽ một người phụ nữ đang chăm chú theo dõi một đứa trẻ viết chữ. Hàng chữ đứa trẻ đang viết là “人 不 學 不 之 道” (Nhân bất học bất chi đạo), chữ “之” (chi/là) trong câu này sai, đúng phải là chữ “知” (tri/biết).

Bức “Chị dạy em viết chữ Nho” của Lê Thị Lựu

Chúng ta biết rằng, mục đích ban đầu của việc thưởng thức các sáng tạo nghệ thuật có lẽ là đánh giá chúng đẹp như thế nào, xấu ra sao, có gì phi lý. Nhưng không chỉ là như thế, mà còn để ta biết cách quan sát các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Giá trị của các kiệt tác không chỉ nằm ở độ vĩ đại mà còn ở sự tập trung và chú trọng vào các chi tiết. Đặc biệt, những nghệ sĩ thiên tài không đơn giản chỉ tạo ra một tác phẩm nghệ thuật, họ còn bí mật gửi gắm những thông điệp về tri thức nhân loại, điều này làm cho các tác phẩm nghệ thuật trở nên bí ẩn và phong phú hơn.

Nếu quan sát kỹ, ta sẽ thấy rằng một trong những đặc điểm của tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng là nó không hoàn hảo. Giữ một “lỗ hổng” trong tác phẩm nghệ thuật sẽ tăng cường sức hấp dẫn và sức hấp dẫn của nó và mang lại cho người xem sự tò mò, và cả niềm vui nữa.

Bức tranh Con sóng thứ chín của Ivan Aivazovsky cho thấy những con sóng lớn dữ dội giữa biển khơi, nơi một nhóm người đang bám víu một cách tuyệt vọng vào chiếc cột buồm của con tàu bị đắm trong trận bão. Xin lưu ý rằng những con sóng tử thần thực sự có độ cao từ 20-30m. Trong Con sóng thứ chín, chúng cao không quá 3m. Điều thú vị nhất là những con sóng trong kiệt tác này không được mô tả một cách chính xác! Các đỉnh sóng bao bọc, cái gọi là “tạp dề”, không bao giờ hình thành trên biển cả. Chỉ thấy gần bờ biển, khi sóng đã lăn trên bãi biển hoặc đá.

Bức Quán bar ở Folie Bergere của Edouard Manet cho thấy một nữ bartender và hình phản chiếu của cô ấy trong gương. Tuy nhiên, không cần phải quan sát kỹ, người xem có thể thấy sự thiếu chính xác về nguyên tắc phản chiếu trong vật lý. Các chai rượu trên quầy được sắp xếp khác nhau và người phụ nữ dường như đang nhìn về một hướng khác. Nhưng, như thường lệ trong nghệ thuật, các chuyên gia không thể đồng ý về việc Manet có cố ý làm điều đó hay không.

The Night Watch của Rembrandt thì chứa đầy những câu đố chưa có lời giải. Có nhiều tranh luận về găng tay của Thuyền trưởng Frans Bunning Kock: Anh ta cầm một chiếc găng tay phải khác trong tay phải của mình? Nhiều nhà sử học nghệ thuật tin rằng đây là một cách để tạo cho bức tranh một nét hài hước.

Bức Ăn tối tại Emmaus của Caravaggio cho thấy một sự… sai lệch thú vị khác. Một người xem tinh ý có thể nhận thấy rằng giỏ trái cây đang đặt trên mép bàn, nhưng không bị đổ, bỏ qua các định luật vật lý. Đến lượt mình, các chuyên gia trong lĩnh vực nghệ thuật lưu ý rằng các loại trái cây không tương ứng với mùa. Câu chuyện của bức tranh đề cập đến thời điểm vào đêm trước lễ Phục sinh, trước khi thu hoạch. Tất cả những sai lầm này là có chủ ý: Táo và nho, cũng như bóng của một cái giỏ hình con cá, mang biểu tượng của Cơ đốc giáo và liên quan đến Phúc âm.

Sự ra đời của thần Vệ nữ, của Sandro Botticelli có một số “lỗi sai” khá lạ lùng, khó hiểu. Ai cũng biết rõ, đặc điểm của nghệ thuật thời Phục hưng là sự chính xác về mặt giải phẫu. Những kiệt tác điêu khắc Michelangelo đến nay vẫn khiến người ta kinh ngạc vì tính chính xác trong giải phẫu học, mặc dù bức tượng David nổi tiếng của ông vẫn còn một thiếu khuyết nhỏ, nhưng lỗi này thuộc về... khối đá cẩm thạch tạo thành tác phẩm. Còn thần Vệ nữ trong tác phẩm của Botticelli lại trái ngược với chủ nghĩa hiện thực. Nàng có những khuyết điểm đáng chú ý: Một đôi chân sưng phù và chiếc cổ dài quá mức. Lỗi này có phải do nghệ sĩ cố ý hay không? Theo các nhà phê bình, những lỗi này là một nỗ lực cố ý nhằm tránh hình ảnh về thân hình lý tưởng của phụ nữ. Và nghệ sĩ có thể muốn nói đến việc “nhân vô thập toàn”, ngay cả nữ thần cũng không hoàn hảo.

Câu chuyện về bức tranh Chị dạy em viết chữ Nho. Ở đây, ta chú ý đến ý kiến của một bạn đọc: “Tôi nghĩ cho rằng họa sĩ Lê Thị Lựu “sơ suất chữ nghĩa” trong bức tranh “Chị dạy em viết chữ Nho” là vội vàng. Đó không phải là họa sĩ sơ suất mà thực ra muốn cho nội dung tranh thêm sinh động. Vì em bé “tập viết” cho nên mới viết sai, nhầm chữ 知 thành chữ 之. Tương tự, cũng không thể căn vào chữ trên trang vở của em bé trong tranh để suy ra họa sĩ Lê Thị Lựu viết chữ Nho đẹp hay xấu...” (tuoitre.vn).

Danh họa Lê Thị Lựu được xem là nữ họa sĩ đầu tiên của nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam, mặc dù phần lớn cuộc đời bà sinh sống ở nước ngoài. Lê Thị Lựu được sinh ra và lớn lên trong một gia đình giáo dục đạo đức Nho phong, sớm bộc lộ tài năng hội họa. Đặc biệt, trước khi theo chồng sang Pháp định cư, bà đã được bổ làm giáo sư ở các trường nổi tiếng của Hà Nội và Sài Gòn (theo quy chế thời đó, những người tốt nghiệp hàng đầu đều được bổ làm giáo sư).

Như vậy, xuất thân từ một gia đình Nho phong, làm giáo sư trước khi vẽ Chị dạy em viết chữ Nho, lẽ nào nữ họa sĩ lại để một lỗi sai… không hề nhỏ trong bức tranh của mình được? Và một câu hỏi đặt ra, nếu làm lại, liệu bà Lê Thị Lựu có “sửa lỗi sai” đó hay không?

Ngay cả thiên tài cũng có khi cũng mắc sai lầm, nhưng với những nghệ sĩ, đặc biệt là những nghệ sĩ có nền tri thức cao, “sai lầm” của họ hẳn có chủ ý.  

Nguồn Văn nghệ số 35/2022


Có thể bạn quan tâm