April 25, 2024, 9:44 pm

Sáu giây định mệnh

Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Ngụ, sinh năm 1933, thôn Triều Đông, xã Bùi Xá, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mẹ có một con duy nhất là Nguyễn Viết Hồng, sinh ngày 11/8/1962, Trung úy phi công tiêm kích MiG-21, thuộc Trung đoàn Không quân 929, Sư đoàn Không quân 370; nhập ngũ ngày 20/4/1981, hy sinh ngày 9/5/1986 trong chuyến bay huấn luyện vùng trời Đà Nẵng. Đứa con duy nhất hy sinh, với mẹ là nỗi đau không bút mực nào tả xiết, không gì có thể bù đắp được. Nén lại khổ đau, nước mắt; mẹ cố gắng cứng cỏi, bởi khi mất đứa con trai, mẹ là chỗ dựa duy nhất của chồng.

 

Mẹ Nguyễn Thị Ngụ bên di ảnh con, Trung úy phi công - liệt sĩ Nguyễn Viết Hồng

 

Trong giá lạnh của một ngày cuối xuân, mẹ Nguyễn Thị Ngụ dường như hóa đá bên di ảnh con trai, khi nghe tôi hỏi về những giây phút định mệnh của người chiến sĩ phi công tiêm kích trên bầu trời. Sau phút thinh lặng, nỗi đau trong lòng mẹ trào dâng, vỡ ra thành những giọt nước mắt, lăn dài trên gương mặt hằn những nếp nhăn khắc khổ. Mẹ nghẹn ngào nói: “Chỉ có sáu giây thôi…”. Vâng, chỉ sáu giây thôi, nhưng sáu giây ngắn ngủi ấy đã để lại chuỗi ngày khổ đau, cô đơn dài dằng dặc của cuộc đời người mẹ.

Mồ côi mẹ năm 12 tuổi, các anh chị lớn lần lượt có gia đình; cô bé Ngụ là người chị thứ năm trong gia đình, sớm đảm đang, tháo vát giúp cha nuôi đàn em. Mẹ kể lúc đó mẹ học trường làng, tương đương với lớp 6 bây giờ. Mẹ học giỏi nhất môn văn. Nhưng người phụ nữ Việt Nam, đặc biệt phụ nữ Hà Tĩnh trong gia đình luôn đảm nhận vai trò trụ cột, sẵn sàng hy sinh chữ nghĩa, cho những người em. Cô bé mồ côi mẹ năm ấy sớm nhận ra trách nhiệm của mình, chấp nhận nghỉ học một cách tự nguyện, dù trong lòng cô rất luyến tiếc. Mẹ ngậm ngùi nhớ lại: “Hoàn cảnh gia đình lúc mẹ mất rất khó khăn. Nhà chỉ có 5 sào ruộng, cha phải cắt tóc kiếm thêm chút đỉnh tiền. Năm ấy đói thê thảm. Nạn đói năm Ất Dậu 1945, riêng Hà Tĩnh đã có 5 vạn người chết đói!”

Trong lúc những người đàn ông được gởi đến các chiến trường chiến đấu với quân Pháp như Lào, Điện Biên Phủ… thì những người con gái quê hương Hà Tĩnh thời mẹ tham gia dân quân du kích; chiến đấu bảo vệ quê hương; hăng say lao động, không quản ngày đêm, đấu tranh với thiên nhiên khắc nghiệt, lao vào chống hạn, chống úng; dũng cảm như những chiến sĩ cầm súng trên chiến trường. Họ đã triệt để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”; xem “ruộng rẫy là chiến trường, nhà nông là chiến sĩ”; không để một tấc đất bỏ hoang trên những thửa ruộng đã thuần thục, vỡ hoang hàng trăm mẫu đất; biến những đồi tranh săng, sim, mua, lau lách, cỏ dại thành bãi ngô ngoai sắn bạt ngàn; biến sình lầy, lau lách mọc um tùm thành ruộng thục, cấy được nhiều vụ…

Tham gia phong trào thanh niên của địa phương, mẹ nhớ những ngày kháng chiến sôi động: “Nhằm đáp ứng chi viện sức người sức của ngày càng nhiều cho chiến trường, hàng vạn chị em thanh niên Hà Tĩnh cùng nam giới băng qua lửa đạn, gánh gạo, muối, súng đạn vào chiến trường Bình Trị Thiên, sang trung Lào, ra chiến trường Liên khu 3, Việt Bắc… Trong chiến dịch Hòa Bình, Hà Tĩnh có hàng ngàn nữ dân công hỏa tuyến phục vụ trong số hơn chín ngàn. Đi dân công rất gian khổ nhưng không chị em nào bỏ cuộc giữa chừng!”

Năm 1954, anh bộ đội Nguyễn Hiệp từ chiến trường Điện Biên Phủ về thăm quê hương. Gặp cô thôn nữ giỏi giang Nguyễn Thị Ngụ, ngay trong cái nhìn đầu tiên, anh bộ đội đã phải lòng. Anh nhờ mai mối đến dạm ngõ. Như bao nhiêu cô gái ở quê nhà, hình ảnh anh bộ đội kiêu hùng là niềm mơ ước. Sau đám cưới, chú rể trở về đơn vị, tiếp tục cuộc đi B, vào chiến trường miền Nam. Người vợ trẻ ở nhà gánh vác, chăm sóc cha mẹ chồng, vừa tham gia các phong trào địa phương…

Mẹ giải thích về sự hiếm muộn của mình. Từ Hà Tĩnh gia nhập bộ đội, ông Nguyễn Hiệp, chồng mẹ, được đưa đên chiến trường Điện Biên Phủ. Sau hiệp định Genève, ông về quê cưới vợ rồi ngược ra Tuyên Quang. Cuộc chiến tranh vẫn còn tiếp diễn, ông đi B, vào Nam chiến đấu rồi ngược ra Bắc, về tổng cục kỹ thuật ở Hà Nội. Sau ngày hòa bình, thống nhất, giải phóng miền Nam không được bao lâu, chồng mẹ lại đi làm nhiệm vụ chiến trường Tây Nam… Mẹ nhẩm tính thời gian vợ chồng bên nhau chẳng được bao nhiêu. Tuổi sinh nở của người đàn bà trôi đi theo những năm tháng hai đầu đất nước rơi vào tình thế hiểm nghèo “lưỡng đầu thọ địch”,  hết chiến tranh biên giới phía Bắc lại phía Nam. Mẹ ngậm ngùi nói: “Khi ông ấy ra Hà Nội công tác thì tôi đã hết tuổi sinh con. Vì vậy vợ chồng tôi chỉ có duy nhất Nguyễn Viết Hồng!”. Ngày con trai chào đời, trong cơn đau xé thịt chuyển dạ là niềm hạnh phúc vô bờ của người mẹ. Mẹ đặt tên con là Nguyễn Viết Hồng, với niềm kỳ vọng con trai mẹ sẽ viết thêm những trang lịch sử anh hùng, tỏa sáng của quê hương…

Nguyễn Viết Hồng là niềm tự hào, lẽ sống đời Mẹ. Vì con, mẹ vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc rất ác liệt. Mẹ không kể nhiều về những khó khăn, gian khổ vì dường như trước khi Trung ương Hội phát động phong trào “Ba đảm đang chống Mỹ cứu nước” năm 1965, thu hút hàng vạn phụ nữ trong tỉnh tham gia thì mẹ đã là một người vợ, người con dâu, người mẹ đảm đang. Như bao người phụ nữ Hà Tĩnh khác,  ngoài việc tham gia công tác phụ nữ, Mẹ còn đảm đang việc  nhà, kê vai gánh vác mọi công việc gia đình để chồng yên tâm đi chiến đấu. Ngỡ như là nhỏ bé nhưng chẳng bé nhỏ chút nào khi trong bom đạn Mỹ, những phẩm chất tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam vẫn tỏa sáng. Thờ cha kính mẹ, nuôi dạy con cái, giành giật với từng bãi bom nổ chậm để gặt từng bông lúa, vẫn cày sâu đường cày “ba đảm đang”, làm được những việc nặng nhọc cần sức vóc đàn ông như lợp nhà, bổ củi, đào giếng, đi biển… bằng sự yếu mềm; vẫn chu đao lo toan được việc hiếu hỷ, giỗ chạp. Những hy sinh, gian khổ ấy mẹ ít nói đến nhưng chúng tôi hiểu và biết được nhiều hơn những lời mẹ kể bằng sự đồng cảm từ đôi tay chai sần, những nếp nhăn khắc khổ hằn trên gương mặt mẹ…

Bù đắp cho hy sinh, nhọc nhằn của mẹ là sự lớn khôn của con. Con trai Nguyễn Viết Hồng của mẹ nổi tiếng học giỏi, luôn đứng đầu lớp. Cùng một lúc, anh Nguyễn Viết Hồng đậu ba trường Đại học: Công An, Quân sự, Kiến Trúc. Nhưng ước mơ được bay trên bầu trời luôn nung nấu trong lồng ngực thanh xuân của anh. Năm 1981, anh Nguyễn Viết Hồng nhập ngũ, được Bộ Tư lệnh Phòng không không quân đưa đi học đào tạo phi công ở Nha Trang. Suốt mấy năm ròng rã học tập, Nguyễn Viết Hồng tốt nghiệp trường hàng không Viêt Nam. Năm 1986, trung úy phi công Mi-21 Nguyễn Viết Hồng vinh dự được chọn đi Liên Xô đưa những chiếc máy bay MiG về Việt Nam…

Có duy nhất đứa con trai, trong đáy lòng, mẹ rất mong được sống bên con. Mẹ mong anh chọn một nghề có điều kiện công tác gần nhà, cưới vợ, sinh cho mẹ những đứa cháu. Nhưng mẹ tự nhủ phải nén lại tình cảm của mình bởi hòa bình chưa phải là hết chia cắt, hy sinh. Đất nước luôn phải đối mặt với muôn trùng khó khăn, thách thức và sứ mạng bảo vệ Tổ quốc luôn đặt trên đôi vai của những chiến sĩ. Mẹ trầm ngâm nhớ lại: “Khi nhập ngũ, thằng Hồng nói với mẹ: “Tổ quốc có không phận, có đường bay, lãnh thổ, cương vực, lòng biển, mặt đất quyết không để bị xâm phạm”.

Tương lai tươi sáng đang mở ra trước cánh cửa cuộc đời trung úy phi công Nguyễn Viết Hồng. Anh có người yêu, chuẩn bị cưới vợ. Lần về phép Tết năm 1986, Nguyễn Viết Hồng bàn với mẹ để lại cơ ngơi ở Bùi xá, Diễn Châu, Nghệ An cho “bà o” trông coi. Anh sẽ đưa mẹ về Đà Nẵng - nơi cơ quan anh công tác, thuộc Trung đoàn Không quân 929 Sư đoàn Không quân 370, xây nhà rồi đón cha đang công tác ở Hà Nội về. Anh rất hiểu nỗi lòng mẹ. Đằng đẵng mấy mươi năm trời, mẹ anh vò võ nuôi con, chồng đi chinh chiến, hết được tổ chức điều ra cực đầu Tổ quốc lại đi B vào Nam, sang chiến trường Campuchia rồi ngược ra Hà Nội công tác ở Tổng cục kỹ thuật quân đội. Hòa bình, thống nhất mà cha mẹ anh vẫn chưa được đoàn tụ. Mẹ vẫn ở lại quê nhà ở Nghệ An chăm sóc nhà cửa, lo hương khói cho cha mẹ chồng. Một gia đình nhỏ mà phải phân ly ba miền Tổ quốc. Cho đến ngày ra trường, được phân công về Đà Nẵng công tác, anh Nguyễn Viết Hồng mới có điều kiện sắp xếp  việc nhà, lập kế hoạch đoàn tụ gia đình. Là một người chu đáo, thấy bà o còn ngần ngại, anh Nguyễn Viết Hồng động viên người cô: “O đừng ngại. Con sẽ làm giấy giao nhà, giao đất cho o”. Bà Nguyễn Thị Hồ được Nguyễn Viết Hồng gọi là cô ruột (ở Hà Tĩnh gọi cô là “o”) cảm động nói: “Tài sản của “o” bán hết cũng không đủ cái nhà con. Làm vậy được phần “o”, con sẽ bị thiệt thòi”. Anh gạt đi nói: “Con và bố còn có lương đủ sống, “o” đừng lo. Kể như con giúp “o” nuôi các em ăn học…”. Một đứa con trai mới ngoài 20 mà đã chín chắn, biết nghĩ cho nhiều người, nhân hậu như vậy…”

Nhưng anh Nguyễn Viết Hồng không thực hiện được kế hoạch đoàn tụ gia đình, bởi ngày 9 tháng 5 năm 1986, anh hy sinh trong chuyến bay huấn luyện trên vùng trời Đà Nẵng, cùng Thượng úy Trần Thanh Bình, Biên đội trưởng thuộc Trung đoàn Không quân 962, Sư đoàn Không quân 370. Hài cốt các anh được  an táng tại nghĩa trang Gò Cà, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Tám năm sau, mẹ đưa hài cốt con về nghĩa trang huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Về sự hy sinh của Trung úy phi công Nguyễn Viết Hồng cùng Thượng úy, Biên đội trưởng Trần Thanh Bình; Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Văn Bảy, nguyên phó Tham mưu truởng Quân chủng Không quân nói công tác đào tạo phi công sau ngày hòa bình là một công tác đặc biệt, bởi trên bầu trời, có biết bao bất trắc, hiểm họa treo lơ lửng. Trường hợp hy sinh của tổ bay hôm ấy là một tổn thất to lớn của ngành không quân. Trên bầu trời, khi trung úy phi công Nguyễn Viết Hồng phát giác máy bay có sự cố chỉ 6 giây nhưng đó là 6 giây định mệnh. Dù hòa bình nhưng Không quân Việt Nam vẫn không ngừng tuyển chọn, huấn luyện phi công chiến đấu làm nhiệm vụ canh giữ bầu trời Tổ quốc. Không ít những phi công đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Vì lẽ đó, danh sách các liệt sĩ không quân cứ dài ra…

Cái chết bất ngờ của anh Nguyễn Viết Hồng dường như mang theo cả nguồn sống của cuộc đời ông Nguyễn Hiệp. Ông không tha thiết bất cứ thứ gì trên đời nữa. Đứa con duy nhất hy sinh, với mẹ là nỗi đau không bút mực nào tả xiết, không gì có thể bù đắp được. Mẹ càng đau đớn hơn trước sự sụp đổ tinh thần của chồng. Nén lại khổ đau, nước mắt; mẹ cố gắng cứng cỏi, bởi khi mất đứa con trai, mẹ là chỗ dựa duy nhất của chồng. Mẹ nhìn lên di ảnh chồng, nói trong nước mắt: “Với công lao đóng góp của một sĩ quan quân đội tham gia chống Pháp biên giới phía Bắc, chống Mỹ và biên giới Tây Nam; cơ quan cấp đất cho ông ở Hà Nội nhưng ông không thiết gì. Ông nói không có con thì nhận đất làm gì. Nghe tin con hy sinh, ông ngất đi nhiều lần. Ông sinh bệnh, sầu phiền mãi rồi xin về quê. Gia tài mấy mươi năm chinh chiến của ông chỉ có một cái tủ, một bộ bàn ghế, chiếc giường, số tiền lương hưu ít ỏi. Ông sống như cái bóng. Ngày giỗ con, ông cứ buồn thiu buồn thỉu. Thấy ông sầu não tôi phải cố. Ông mất năm 2002, cũng là gắng gượng lắm!”

Cũng thật gắng gượng, mẹ vượt qua những ngày tháng đau thương của cuộc đời. Con hy sinh, chồng mất đã nhiều năm nay, ngôi nhà gạch có vẻ ngoài khang trang trở nên quá rộng với mẹ. Ngôi nhà thiếu bàn tay người chồng, người con trai đã rệu rã và xuống cấp như những cơn đau nhức mà mẹ lắng nghe từ tuổi già không còn người thân bên cạnh. Trong ngôi nhà ấy, tài sản quý báu nhất đối với mẹ là di ảnh đứa con trai ngoan hiền, học giỏi, đậu nhiều trường đại học nhưng chọn con đường trở thành trung úy phi công, với ước nguyện được tiếp tục sứ mạng cha anh canh giữ bầu trời Tổ quốc. Và quyển sách “Nhớ ơn các chiến sĩ Không quân Nhân Dân Việt Nam”- Nhà Xuất bản Quân đội Nhân Dân luôn được Mẹ giữ gìn cẩn trọng…

Chiều chiều ra ngõ mà trông...

Chiều chiều, cứ mỗi lần ngước nhìn lên trời, mắt mẹ lại nhòa đi vì nỗi nhớ thương con…

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm