April 26, 2024, 6:54 am

Sao La trở thành linh vật biểu tượng của SEA Games 31

Vượt lên 557 mẫu biểu tượng linh vật vui gửi về dự giải, tác phẩm Sao La của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, đã trở thành biểu tượng của SEA Games lần thứ 31. Hình ảnh Sao La loài động vật quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng, đã phát đi thông điệp về sức sống kiên cường, cần được toàn thế giới chú trọng bảo tồn…

SEA Games 31 tại Việt Nam và hình ảnh linh vật Sao La trở thành biểu tượng

Đã qua 9 kỳ SEA Games kể từ SEA Games lần thứ 22 năm 2003, được tổ chức lần đầu tại Việt Nam, đến SEA Games lần thứ 31, sẽ diễn ra vào tháng 11/2021, Việt Nam lại vinh dự được đăng cai tổ chức. Trước khi các vận động viên thi đấu tranh tài, đã có cuộc thi đấu hình ảnh các linh vật, diễn ra trong gần 2 năm, sôi nổi và quyết liệt. Cuộc thi này đã kết thúc vào tháng 11/2020 với 557 mẫu biểu tượng linh vật vui gửi về dự giải. Ngày 19/11/2020 Tổng cục Thể dục thể thao đã công bố giải Nhất cho tác phẩm Sao La của họa sĩ Ngô Xuân Khôi, vì đáp ứng các tiêu chí như bố cục, thẩm mỹ và ý nghĩa. Biểu tượng linh vật Sao La đã bước lên bục giải tự hào và kiêu hãnh trở thành biểu tượng của SEA Games 31. Sao La đã trình diện, nhưng không phải các cổ động viên trong nước và thế giới, đã biết đến danh tiếng của “lực sĩ’ trẻ này, quê hương của Sao La ở đâu? Đấu sĩ này thuộc dòng họ nào trong thế giới động vật?

Họa sĩ Ngô Xuân Khôi, tác giả biểu tượng linh vật Sao La

Rừng Trường Sơn, quê hương của Sao La

Không thấy nổi danh hùng dũng như Hổ chúa rừng xanh, Voi già, Gấu rừng,  Bò tót, Tê giác hay kiều diễm như Hươu, Nai, Công, Trĩ…  Sao La là loài thú nào, ở cánh rừng nào trên đất nước Việt Nam?

Chắc chắn là Sao La ở rừng xanh. Nhưng ở cánh rừng nào? Bây giờ đã trở thành hình ảnh linh vật biểu tượng của SEA Games, thì cánh rừng nào là quê hương của Sao La, cũng trở thành bí ẩn khám phá của các cổ động viên.

Khám phá quê hương của Sao La, đã đưa chúng tôi về với rừng Quốc gia Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Cách đây 29 năm, vào tháng 5/1992, trong một chuyến khảo sát của Bộ Lâm nghiệp Việt Nam và Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) tiến hành trong Vườn quốc gia Vũ Quang, đã phát hiện Sao La… Sự kiện này đã gây chấn động thế giới lần đầu tiên phát hiện loài thú lớn quý hiếm tại Việt Nam và tranh cãi trong giới khoa học cũng xẩy ra. Có hay không việc tìm thấy Sao La một loài thú lớn quý hiếm vào cuối thế kỷ 20 này, vì trong suốt 100 năm trước đó chỉ có tổng cộng 5 loài thú lớn được phát hiện.

Việc tìm thấy Sao La tại Vườn Quốc gia Vũ Quang tháng 5/1992, là sự thật không còn tranh cãi, bởi sau đó các nhà khoa học Việt Nam cùng với Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên, đã tiếp tục tìm kiếm và phát hiện thêm 20 con Sao La nữa cũng trong năm 1992. Nơi xuất hiện Sao La được tìm thấy ở rừng Trường Sơn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và nhiều tỉnh thuộc Lào.

Theo dấu vết của Sao La trên đại ngàn rừng Trường Sơn biên giới Việt- Lào, 4 năm sau, năm 1996, người ta mới bắt và chụp ảnh được một con Sao La còn sống tại Lào, nhưng sau đó vài tuần nó đã chết. Lặp lại 4 năm sau, vào tháng 10/1998, một lần nữa các nhà khoa học Việt Nam đã chụp ảnh được Sao La trong tự nhiên, tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An. Tháng 8/2010 một con Sao La đực đã bị người dân tỉnh Bolikhamxay của Lào bắt được và chụp ảnh. Ở Việt Nam thông tin về Sao La dừng lại vào tháng 10/1998, sau 15 năm vắng bóng, hình ảnh Sao La trong tự nhiên lại được ghi nhận tại Quảng Nam, thông qua máy ảnh của WWF và Chi cục Kiểm lâm tỉnh vào ngày 7/9/2013. Trước đó năm 1999 hình ảnh Sao La được trong thấy trong tự nhiên tại tỉnh Bolikhamxay nước Lào, cũng nhờ bẫy ảnh chụp được.

Những cánh rừng rậm gần nơi có suối trên độ cao 200-600m trên mực nước biển,  thuộc dãy Trường Sơn vùng biên giới Việt - Lào, chính là nơi sinh sống của Sao La, đã được các nhà khoa học khám phá ghi tên. Sự bí ẩn, quý hiếm và độc đáo của Sao La được phát hiện, đồng thời cũng phát hiện và xếp Sao La ở hạng mức  Cực kỳ nguy cấp (có nguy cơ tuyệt chủng trong tự nhiên rất cao) trong Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thế giới (IUCN) và trong Sách đỏ Việt Nam.

Biểu tượng của Khu Bảo tồn Sao La tỉnh Quảng Nam

Sao La trở thành một trong những loài thú lớn được chú trọng bảo tồn nhất trên thế giới, không chỉ đối với WWF mà còn của nhiều tổ chức bảo tồn Quốc tế (trong đó tổ chức WWF đã và đang tập trung nỗ lực với sự ưu tiên cao nhất của Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào bảo tồn loài thú này). Theo các nhà khoa học Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam), công bố tháng 1/2021, thì Việt Nam hiện chỉ có khoảng 160 cá thể Sao La quý hiếm, cư trú tại 50 xã, 20 huyện của 6 tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Nam. Năm 2011 UBND tỉnh Quảng Nam đã thành lập khu bảo tồn Sao La với diện tích vùng lõi là 15.486,46 ha trải dài trên 2 huyện Đông Giang và Tây Giang. Nhiệm vụ hàng đầu để bảo tồn loài Sao La ở Việt Nam trước nguy cơ tuyệt chủng.

“Lực sĩ trẻ” Sao La đấu gục “cựu lực sĩ” Trâu vàng

Quê hương của Sao La đã được khám phá thuộc những cánh rừng Trường Sơn, nhưng còn bí ẩn của Sao La thuộc họ nào trong thế giới động vật?

Bởi đã được liệt vào tình trạng bảo tồn “Cực kỳ nguy cấp” (incun3.1), thế nên lý lịch của Sao La được ghi lại rõ ràng (danh pháp khoa học: Pseudoryx nghetinhensis) hay còn được gọi là “Kỳ Lân Châu Á”, là một trong những loài thú lớn và hiếm nhất trên thế giới. Sao La thường dài khoảng 1,3 đến 1,5m, cao 90cm và có trọng lượng khoảng 100kg. Da màu nâu sẫm, trên mỗi móng có một đốm trắng. Sừng sao la dài và mảnh dẻ, hướng thẳng về phía sau và có thể dài đến 51cm.

Kết quả nghiên cứu ADN năm 1999 cho thấy Sao La thật sự thuộc về Phân họ Trâu bò (Bovinae) mà nếu nhìn thoáng qua thì rất ít có điểm giống nhau. Họ hàng gần của Sao La là chi Bò (Bos) và bò rừng Bison.

Hóa ra Sao La là họ hàng gần của bò rừng Bison. Bò rừng Bison có sức mạnh thế nào thì muông thú của rừng xanh đều biết, thế nên “cuộc đấu” của Sao La tranh vương miện biểu tượng linh vật của SEA Games lần thứ 31, ngẫu nguyên hay là linh ứng, mà Ban tổ chức đã chọn được hai đấu sĩ Sao La “lực sĩ trẻ” lần đầu xuất hiện, đấu với “cựu lực sĩ” Trâu Vàng (đã chiến thắng được chọn là linh vật biểu tượng của SEA Games lần thứ 22 năm 2003), là cuộc đấu ngang sức ngang tài đầy gay cấn. Hình ảnh linh vật Trâu Vàng của họa sĩ Nguyễn Thái Hùng, đáp ứng các tiêu chí: Gắn với nền văn minh lúa nước vốn rất phổ biến ở Đông Nam Á và gần gũi, mềm mại, là “đấu sĩ” đầy quyền lực trước đối thủ hình ảnh linh vật Sao La của họa sĩ Ngô Xuân Khôi.

Nhà báo Nguyễn Lưu, một trong những người đưa ra ý tưởng Trâu Vàng tại SEA Games 2003, tiếp tục  ủng hộ việc chọn Trâu là biểu tượng vui của SEA Games 31. Ông đưa ra minh chứng biểu tượng vui về linh vật Mèo Thái Lan đã sử dụng qua các kỳ SEA Games 1995, 2007 còn Singapore cũng sử dụng hình ảnh linh vật sư tử ở SEA Games 1993 và 2015. Thế nên ở SEA Games 31 Việt Nam hoàn toàn có thể sử dụng hình ảnh linh vật con Trâu làm biểu tượng.

Cuộc thi chọn hình ảnh linh vật biểu tượng cho SEA Games lần thứ 31, cũng chính là cuộc thi đấu mà các đấu sĩ chính là hình ảnh các linh vật gửi đến dự thi.

Vẻ đẹp kiêu hãnh, sự bí ẩn và cổ đại, Sao La được mệnh danh là “Kỳ Lân châu Á”. Ngoài vẻ đẹp thuần khiết và bí ẩn, họa sỹ Ngô Xuân Khôi còn phát hiện cặp sừng thẳng của Sao La, thuôn dài, tạo thành hình chữ V - là biểu tượng chiến thắng (Victory), biểu tượng của sức mạnh Việt Nam, đó là bí ẩn tạo nên sự kỳ diệu đại diện cho quốc gia Việt Nam qua hình tượng chữ V”.

Đáp ứng được các tiêu chí về bố cục, tính thẩm mỹ và ý nghĩa cao, biểu tượng linh vật Sao La “lực sĩ trẻ”, đã thách đấu cùng biểu tượng linh vật Trâu Vàng “cựu lực sĩ” và đã giành chiến thắng. Sao La đã chiến thắng, sức sống mãnh liệt của loài thú quý hiếm trước nguy cơ tuyệt chủng, cần chú trọng bảo tồn nhất trên thế giới. Trở thành linh vật biểu tượng của SEA Geam lần thứ 31, Sao La là hiện thân của sự kiên cường, chiến thắng  và còn phát đi thông điệp gửi tới toàn thế giới, hãy chung tay bảo vệ môi trường sống, bảo vệ sự trường tồn của loài thú quý hiếm Sao La.

Nguồn Văn nghệ số 13/2021


Có thể bạn quan tâm