April 19, 2024, 9:02 pm

Sáng tạo văn học góp phần đổi mới tư duy của Đảng trong thời kỳ đổi mới

 

Năm 1974, một thanh niên nhỏ nhắn, xin gặp tôi, và tự giới thiệu mình là một chiến sĩ đặc công chuyển ngành về học khoa sử Trường Đại học Tổng hợp, muốn đóng góp ý kiến với Phòng Tuyên huấn của Trường mà lúc đó tôi là Trưởng phòng kiêm Phó Bí thư Đảng uỷ. Cậu sinh viên đó là Lê Quang Vinh, chưa đầy một năm sau anh được giải thưởng của báo Văn nghệ với bút danh Vĩnh Quang Lê, anh đổi tên vì người ta dễ nhầm anh với nhà thơ Anh hùng Lê Quang Vinh trước đó đã nổi tiếng.

Nhà thơ Vĩnh Quang Lê

Sau chiến thắng 30/4/1975, Vĩnh Quang Lê mang đến cho tôi xem một trường ca: Những lời ca chưa đủ anh viết về thời khắc vĩ đại do Đảng ta lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”. Tôi trân trọng thơ của Lê và nguyện vọng chuyển sang khoa văn học để hiểu sâu thêm về văn học. Khoa văn khi đó có nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như Lê Anh Xuân, Phan Tứ, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, Hoàng Nhuận Cầm v.v. tôi tin Vĩnh Quang Lê sẽ thành công.

Bẵng đi một thời gian, tôi nghe anh em trong trường kháo nhau: Trường ca Những lời ca chưa đủ của Vĩnh Quang Lê đã được xuất bản, anh đã đọc một số chương trong đêm thơ của khoa văn và gây được tiếng vang… Trước đó, Lê gửi bản thảo đi gần hai năm không nhận được lời phúc đáp nào. Nhiều Nhà xuất bản rất ngại xuất bản một tập trường ca viết về Đảng mà lại phê phán Đảng. Vĩnh Quang Lê đã mạnh dạn gửi thư cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Là người yêu văn nghệ và góp phần to lớn bảo vệ các văn nghệ sĩ trí thức, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết thư động viên Lê, nói các đồng chí Lê Đức Thọ, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Duẩn đều nhận được tập trường ca Lê gửi tới, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước góp ý chân tình. Vĩnh Quang Lê đã nộp bản trường ca toàn vẹn đến Nhà xuất bản Thanh Niên. Bốn năm sau khi có thẩm định của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tập trường ca ra mắt bạn đọc, Nhưng không ngờ khi mới ra đời tập đã gây ra nhiều dư luận trái chiều nhau. Một bộ phận cho rằng Vĩnh Quang Lê dũng cảm, thẳng thắn, lấy lý tưởng của tuổi trẻ để góp ý với Đảng bằng những vần thơ hay, khái quát chân thực; còn luồng dư luận trái chiều: Lê mượn Đảng để phê Đảng. Các cuộc hội thảo lớn của các trường Tổng hợp, Cao đẳng sư phạm Hà Nội, Đại học Thương mại, hội thảo được đưa ra nhiều khách quan đánh giá đúng bản chất đổi mới sáng tạo của trường ca, góp một cách nhìn mới về Đảng.

Ở đây thực chất việc sáng tạo của trường ca là ở chỗ dám nhìn thẳng vào những sai lầm đường lối của Đảng ta, mà năm 1986 trong Đại hội VI, Đại hội đổi mới của Đảng đã chỉ rõ những sai lầm, hữu khuynh tả khuynh trong kinh tế chính trị của Đảng. Đảng đã đặt lại vấn đề lấy dân làm gốc, một việc mà hàng nghìn năm nay ông cha ta đã làm sau mỗi thử thách của lịch sử. Nhưng ở Việt Nam ta những dự báo của văn nghệ sĩ chỉ được Đảng và nhân dân chấp nhận thì mới trở thành đóng góp. Còn những gì manh nha góp ý, dự báo thì có thể thành công và thất bại. Cùng xu hướng đó, năm 1957 văn nghệ góp ý Đảng không được lại gây hiểu lầm là một thất bại. Năm 1980, văn học phê phán tô hồng hiện thực cũng là một ý tưởng mới nhưng chưa được chấp nhận mà bị phê phán. Rồi Cửa mở của Việt Phương hay là vậy mà vẫn chịu chung số phận với một vài xu hướng đổi mới trong văn nghệ. Sách không được phép lưu hành trong một thời gian… Trong bối cảnh đó, tập trường ca Những lời ca chưa đủ sở dĩ được chấp nhận, vì nó góp phần đổi mới tư duy, để Đảng ta nhìn rõ hiện thực hơn. Biết là ta ở giai đoạn nào của chủ nghĩa xã hội. Theo nhà thơ Vĩnh Quang Lê: “Những năm trước Cách mạng tháng Tám và thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ, vào Đảng là một thử thách lớn, có khi phải hy sinh, phải cống hiến xương máu, sự sống của mình cho Đảng nên Đảng ta đã có một tầng lớp nhân dân tạo ra thành công cuộc Cách mạng tháng Tám. Ngày nay, đảng viên đông nhưng sức lực phân tán – hiệu quả chưa cao. Lớp cán bộ Đảng viên chống Mỹ cứu nước hy sinh tính mạng, xương máu của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước là lớp đảng viên trung kiên. Còn sau khi hoà bình lập lại năm 1975, những người đảng viên mới có tài năng lớn thường được kết nạp rất ít. Vì họ có cá tính không nịnh nọt ai. Họ bị chèn ép từ dưới cơ sở nên khó mà có cơ hội được kết nạp Đảng. Trái lại, có nhiều kẻ cơ hội đã lọt vào Đảng. Bọn cơ hội luôn đổi mầu, lúc nào cũng “vừa” những “thước đo” do một số đảng viên biến chất đặt ra. Điều đó gây cho nhân dân mất lòng tin vào lớp cán bộ Đảng hiện nay. Dù rất khó nhưng chúng ta phải kiên quyết chống lại điều này. Chúng ta phải kết nạp nhiều đảng viên trẻ hơn nữa từ các trường đại học, từ những công trường, từ những người lao động trực tiếp làm ra của cải vật chất cho xã hội… Kẻ cơ hội chờ đợi “leo” cao, lại kéo ê kíp như đồng hương, đồng môn, đồng kíp làm rối loạn các giá trị làm cho xã hội mất lòng tin vào Đảng. Đảng cần cảnh giác với số đảng viên cơ hội làm vấy bẩn Đảng và cần phải loại bỏ chúng, trả lại sự trong sạch lành mạnh đời sống chính trị của Đảng ta….”(1)

Những năm 70 khi góp ý Đảng ta sai lầm, hiểu sai chủ nghĩa Mác, nông dân hoá Đảng ta, là một suy nghĩ, của người “gan to mật lớn”, của một người trẻ tuổi không biết sợ là gì? Chính tính cách đáng yêu đó được chấp nhận. Ngày này sau Đại hội VI Đảng ta dũng cảm công khai nhận sai lầm, thì giáo sư Hoàng Như Mai trong lời tựa của mình đã viết: Đọc Ba mươi năm đời ta có Đảng hay Kết nap Đảng trên quê mẹ, tôi xúc động đến cao độ, đến chảy nước mắt. Những câu thơ viết về Đảng của những người làm thơ trẻ - bắt tôi phải suy nghĩ có khi cau trán. Đây là những câu thơ đặt vấn đề. Thí dụ trong trường ca của Vĩnh Quang Lê tôi đọc:

Bánh xe chiến tranh lăn dọc nhiều thế hệ

Những con người xứng đáng sống hơn tôi

30 năm nằm dọc lại ven đường

Những người vợ chờ chồng đã quá thì quá tuổi

Và những ai không đủ một niềm tin

Ai nản lòng chờ đợi

Đất nước vui có hối hận điều gì

Có tâm sự điều gì cùng bạn?

Trăm năm rồi lau giọt nước mắt vui…

Những câu thơ như thế nhất định không phải là ngẫu cảm. Chúng phải là kết quả của nhiều trăn trở. Làm sao người đọc có đọc “bình yên”?

Hình tượng Đảng được tạo nên từ nhiều khía cạnh ở lịch sử và quy luật, quá khứ và hiện tại, đội ngũ và lãnh tụ, sự kiện và tầm vóc, vĩ đại và bình thường, ca ngợi những người chân chính phê phán những kẻ cơ hội, phản bội. Những suy nghĩ đầy nhiệt tình của tác giả đã khắc hoạ vào tâm trí tôi chân dung bề sâu của Đảng mong mang đến cho người đọc một tình yêu của trí tuệ hay đúng hơn một trí tuệ của tình yêu. Cách viết đó cũng là chỗ khác của thế hệ trẻ đối với thế hệ tôi, mà đôi lúc nhầm lẫn tôi cứ cho là họ thiếu vốn sống. Có lẽ quan niệm về vốn sống trong thơ ca viết về lịch sử cần được tranh luận nhiều. Nhưng tôi nghĩ vốn sống của mỗi thế hệ được tích lũy khác nhau, và thể hiện khác nhau. Không có vốn sống thì làm sao viết những câu thơ trăn trở được.

Viết về Đảng, Vĩnh Quang Lê có ý thức lo rằng mình sẽ:

Biến những tiếng vỗ tay ngợi ca

Thành những tiếng cười

Vỡ ra thành những lời châm chiếm

Và lường trước khi anh viết về kẻ phản bội và cơ hội:

Có thể những lời này vừa bay ra trước mặt

Chúng đã doạ dẫm tôi bằng nước mắt tù đày

Chúng giơ tay: Ấy Đảng không có thế

Anh láo toét rồi, chạm đường lối rồi đây.

Chắc những câu thơ này làm cho người đọc khó chịu – thú thật rồi mới đọc cũng thấy khó chịu – nhưng tôi tự nhủ: Đọc thơ không phải như thưởng thức một món ăn, chỉ có vấn đề ngon – nghĩa là hợp với khẩu vị của mình, hay không ngon – nghĩa là không hợp với khẩu vị của mình. Tôi thầm hiểu cái cảm giác “khó chịu” và tôi hiểu vì sao…?

Thế hệ chúng tôi được nhận ở Đảng những gì quý báu nhất đối với một người dân mất nước: Độc lập cho dân tộc, tự do cho bản thân, ý nghĩa cho cuộc đời – chúng tôi còn dám đòi hỏi gì hơn ở Đảng đối với mình? Chúng tôi chỉ nghĩ: mình đối với Đảng như thế nào để xứng đáng với ân sâu nghĩa nặng ấy. Chúng tôi nghĩ: như vậy là hợp lý.

Nhưng lớp trẻ, họ “dám” đòi hỏi ở Đảng, đòi hỏi nhiều điều là khác. Bởi vì họ nghĩ họ chỉ đòi hỏi những gì chính đáng. Chẳng phải con đẻ ra của Đảng là họ, nuôi dạy họ lớn lên là Đảng, hoài bão, mơ ước, lý tưởng của họ ấy là Đảng trao cho họ, cho nên những gì họ đòi hỏi chính là những gì Đảng đòi hỏi đo sao? Đòi hỏi ở Đảng chính là biểu thị sự gắn bó bằng máu thịt, bằng tình cảm, tư tưởng của họ với Đảng. Họ đòi hỏi như đứa con ừng ực nuốt bầu sữa mẹ, đòi hỏi phải được bú thật no nê, thật thoả thuê. Có khi mẹ vui sướng biết bao vì thấy con mình khoẻ, con mình hay ăn chóng lớn.

Dùng so sánh như vậy để dễ hình dung thôi, chứ tôi thấy những ý kiến thành khẩn, mạnh dạn phát biểu trong trường ca không có gì vượt qua mức độ, vượt quá khuôn khổ. Trong khá nhiều lời thơ sôi nổi – sốc nổi nữa, bao giờ cũng là những suy tư chín chắn có trách nhiệm:

Tôi đã thấy bình minh trong đôi mắt ngọt ngào

đã sinh ra những lá cờ

Xuyên qua chiếc bình đựng tuổi tác của anh

Anh đóng những ánh nhìn rực sáng

vào giấc ngủ

của những kẻ thèm ăn những giấc mơ

của nhưng kẻ thèm nuốt đi tuổi tác

Ném niềm vui của mình như ném bánh cho chim.

Hoặc những câu thơ anh viết về những đồng chí hy sinh:

Và như đo hết mọi lời sâu nông

Và đo hết mọi tấm lòng

Nơi hèn nhát với tận cùng hy sinh

Để khi mình nói với mình

Không xấu hổ trước nghĩa tình của nhau

Đời người chấm hết từ đâu

Và từ đâu lại bắt đầu tái sinh.

Quán xuyến toàn bộ trường ca là một niềm tự tin, mình hiểu đúng về Đảng, mình trung thực với lương tâm thơ ca, có lẽ niềm tin đó là một trong những cội nguồn của nhiệt tình sáng tác. Người ta không thể nhiệt tình và xông xáo khi không hiểu chính mình, không tin ở đối tượng mình ca ngợi. Chính tình không đơn điệu, nhiều mầu nhiều vẻ của từng phần, từng đoạn, từng câu trong trường ca cũng nói lên sự sâu rộng của cảm xúc thơ. Những nội dung lịch sử và tư tưởng được thể hiện bằng một hình thức có sự tìm tòi mới và cố gắng phá vỡ những nhịp điệu cũ.

Tập trường ca Đảng của Vĩnh Quang Lê đã được thử thách qua thời gian 30 năm đến nay đọc lại tập thơ có nhiều đóng góp. Tập sách đã được các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ góp ý và thế hệ lãnh đạo như Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Đức Anh… đánh giá và góp ý. Ba mươi năm, từ năm 1981 đến nay, đọc lại trường ca Những lời ca chưa đủ của Vĩnh Quang Lê mỗi khi tết đến xuân về, mỗi khi kỷ niệm ngày thành lập Đảng, suy nghĩ trên nhiều tiền đề triết học mà anh đặt ra, tôi càng tin hơn vào thế hệ trẻ, thế hệ tiếp tục sự nghiệp của Cách mạng, sẽ vững vàng, sẽ làm nên những kỳ tích mới ở thế kỷ XX. Ngẫm Đảng ta cũng vĩ đại thật, cũng bao dung thật, khi dũng cảm nhận khuyết điểm, dũng cảm để một nhà thơ trẻ tuổi viết và vẽ về mình như những gì vĩ đại vốn có hơn, và nhược điểm của một người vĩ đại.

Tổng kết sự đổi mới của Đảng ta, không thể không tổng kết sự đổi mới của văn nghệ và biết bao thế hệ văn nghệ sĩ dũng cảm nói và viết cho Đảng nhận ra những ưu và khuyết điểm của mình để tiến lên, để duy trì sự lãnh đạo đất nước ở một vị thế khác.                     

 ________    

1.Đi tìm những điều chưa biết trong trường ca “Những bài ca chưa đủ” NXB Phụ nữ Hà Nội, 2010.

Nguồn Văn nghệ số 6/2020


Có thể bạn quan tâm