April 26, 2024, 6:19 am

Sân khấu thử nghiệm 2019 có mới lạ?

 

Cứ ba năm một lần, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm sẽ lại diễn ra. Vào tháng 10 năm 2019, Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ IV sẽ được tổ chức tại Hà Nội. Thông qua việc tổ chức Liên hoan, giới nghệ sĩ sân khấu Việt Nam có thêm cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ trong nước và quốc tế tham gia, nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, góp phần giao lưu hội nhập, phát triển văn hóa, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng phát triển của đất nước. Nhưng giữa sự trông đợi Liên hoan “đến hẹn” là mối lo lấy gì để thử nghiệm cùng các bạn quốc tế? Khi các dự án sân khấu Việt Nam nói chung của năm 2019 cho tới hiện tại vẫn còn khá “nghèo”, dành cho “thử nghiệm” càng “mờ nhân ảnh”…

Cảnh trong vở " Nữ ca sĩ hói đầu". Ảnh Internet

Sân chơi rộng mở

Kịch thử nghiệm là một loại hình sân khấu nghệ thuật luôn đòi hỏi cao ở người làm sân khấu và ở cả người xem, bắt buộc người tham gia phải có sự vận động về trí tuệ để thưởng thức, cảm nhận, thể hiện tác phẩm. Với kịch thử nghiệm, mỗi tác phẩm luôn là một sự sáng tạo khác nhau, mang dấu ấn đặc trưng rất riêng của ê kíp tổ chức thực hiện. Và phần lớn các vở kịch thử nghiệm đều sử dụng các tác phẩm văn học của các nhà văn tên tuổi trong nước, quốc tế, điều này giúp tác phẩm sân khấu thể hiện tốt nhất về tư tưởng, tính thẩm mỹ, chất văn học, tính nhân văn, triết lý cuộc sống… Qua đó, các tác phẩm sân khấu kịch đạt được chất lượng về nội dung, chuyển tải những giá trị hữu ích với cuộc sống đến người xem. Đã có nhiều thử nghiệm kết hợp sân khấu truyền thống với sân khấu đương đại với công nghệ cao, phương tiện media để tạo những hiệu ứng sân khấu ấn tượng cả về bối cảnh, không gian, góp tiếng nói vào vở diễn như nhân vật; thử nghiệm một cách diễn tiết kiệm thoại, thậm chí không thoại, thay bằng các nghệ thuật hình thể, tạo hình, sắp đặt, nghệ thuật ánh sáng, âm thanh…; phóng tác, biên tập các tác phẩm cũ sang một hình thái mới.

Có thể thấy qua 3 lần Liên hoan, các đoàn nước ngoài sử dụng đa dạng hình thức để vở diễn lung linh và hấp dẫn hơn, nhưng cốt lõi ở họ là tính chuyên nghiệp nên rõ ràng có sự khác biệt đẳng cấp giữa đoàn bạn với sân khấu Việt Nam. Các đoàn nghệ thuật nước bạn được đầu tư chu đáo và chuyên nghiệp từ kịch bản, đạo diễn, âm thanh, ánh sáng đến khả năng biểu diễn đa năng của các nghệ sĩ, 8 quốc gia mang đến Liên hoan những tác phẩm đa sắc về phong cách, ngôn ngữ, và mỗi nước đều để lại những ấn tượng khác biệt không hề trùng lặp đầy thú vị và nhiều kinh nghiệm cho sân khấu Việt. Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa phát hiện được những yếu tố mới. Mấy chục năm nay sân khấu vẫn cũ xưa, nghèo nàn về ngôn ngữ đạo diễn, về ý tưởng kịch bản và ngôn ngữ xử lý không gian. Diễn viên có nghề tuy vẫn giữ được phong độ, đam mê diễn xuất nhưng quá cũ, một màu, không thấy sự sáng tạo cho chính mình, hay đột phá trong diễn xuất. Việt Nam tham gia 3 vở kịch cổ điển phương Tây:  Hamlet, Bão (Shakespeare) và Mê-Đê (Euripide), 4 vở “thuần Việt”: Dưới cát là nước, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguyễn Du với Kiều, Giấc mơ, và một chương trình tạp kỹ Chương trình nghệ thuật giải trí Ionah.

Điều dễ nhận thấy là các vở diễn Việt Nam thường sử dụng phương pháp kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn trên sân khấu kịch như hát văn, chèo, cải lương, hát xẩm, múa, xiếc… Nhưng chưa thấy sự “nhuyễn” của các kết hợp pha trộn này, đôi khi lại trở nên khá lộn xộn, rời rạc. Theo đánh giá của NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo thì qua Liên hoan lần 3, sân khấu Việt Nam đã nhìn thấy mình đang ở vị trí nào, rõ ràng tụt hậu so với sự phát triển của các nước có nền nghệ thuật sân khấu phát triển trên thế giới.

 

Chưa nhiều “vốn liếng” thử nghiệm của sân khấu Việt

Để có cái nhìn tổng quan và mới nhất, có thể điểm qua các Liên hoan sân khấu toàn quốc, Liên hoan sân khấu Thủ đô trong năm 2018. Có thể thấy tư duy dựng vở hiện nay đã có rất nhiều thay đổi, có sự kết hợp của nhiều hình thức, mở ra góc nhìn đa chiều chứ không bó hẹp như cách đây hơn mười năm. Lời thoại của các vở diễn được chọn lọc, ngắn gọn, súc tích hơn, nghệ sĩ biểu diễn cũng không chỉ có thoại mà còn kết hợp hát, ngôn ngữ hình thể cộng với âm nhạc, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng để chuyển tải nội dung, thông điệp của vở diễn. Cùng với đó thì các phương tiện kỹ thuật, trang thiết bị hỗ trợ như màn hình led, kỹ thuật 3D… cũng đa dạng hơn, góp phần hỗ tích cực trong việc nâng cao hiệu quả vở diễn, tạo ấn tượng cho người xem. Nhưng nhìn vào những vở đoạt Huy chương Vàng, Bạc thì vẫn chưa thỏa mãn khán giả từ các yếu tố thử nghiệm sáng tạo, mặc dù cũng đã có một số vở chạm đến “chất” thử nghiệm như Kiều của Nhà hát Kịch Việt Nam, hay Yêu là thoát tội của Nhà hát Thế Giới Trẻ TP. Hồ Chí Minh. Gần như tất cả các sân khấu kịch đều hiếm hoi tác phẩm mới đặc sắc, trình diễn cách diễn kịch “na ná” nhau, dù những câu chuyện thể hiện khác nhau, ý nghĩa các vở có khác nhau.

Thông báo về Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần 4/2019 đã được công bố vào cuối năm 2018, song cho tới lúc này gần như các sân khấu toàn quốc chưa thấy rục rịch. Có 3 đoàn (trong đó có 2 đoàn xã hội hóa ở Hà Nội) đang “dự mưu” với các thử nghiệm mới của mình. Sân khấu Lệ Ngọc vừa dàn dựng vở kịch nói Thị Nở và Chí Phèo, kịch bản Lê Chí Trung, đạo diễn NSND Lê Hùng. Vở diễn mang đậm văn hóa dân gian Việt Nam và theo “bà chủ” NSND Lệ Ngọc, sẽ tham dự Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 tổ chức tại Hà Nội năm 2019 và Liên hoan Sân khấu quốc tế ở một số nước trong năm 2019 và 2020.

Nữ ca sĩ hói đầu là kiệt tác đầu tay của nhà viết kịch người Pháp gốc Rumanie E.Iônetxco nổi tiếng, công diễn lần đầu tại Pari tháng 5/1950, vở diễn gây tiếng vang và trở thành tác phẩm mở đầu trào lưu kịch phi lý – kịch phi truyền thống được trình bày theo lối hài kịch – nghịch dị của phương Tây hiện đại. 90 phút của vở diễn kéo dài bởi những câu chuyện chẳng đầu chẳng cuối, rời rạc, không ăn nhập, diễn ra trong một gia đình trưởng giả ở nước Anh, mọi người say sưa tranh luận tưởng là cùng một vấn đề nhưng “ông nói gà, bà nói vịt”, những câu chuyện siêu ngớ ngẩn mở đầu con bò nhưng kết thúc là con chó… Sân khấu Lucteam của NSND Trần Lực đã mạo hiểm khi đưa kịch phi lý phương Tây lên sân khấu Việt Nam để dàn dựng. Và đây có thể là một ẩn số của Liên hoan Quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 nếu được chọn tham gia.

Theo đạo diễn người Nhật Hiroyuky Muneshige, ông đã luyện tập cách biểu đạt thân thể thông qua việc sử dụng kỹ thuật múa, tìm hiểu về kịch Noh, kịch Kabuki, kịch hiện đại của Nhật Bản. Kết quả là sự ra đời của vở kịch ngắn Sự sống dựa theo nguyên tác truyện Taniko (Vách núi) của nước này. Dựa trên câu chuyện này, các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam đã sáng tác ra lời thoại và Việt hóa tư tưởng để gần gũi hơn với khán giả Việt. Đây cũng là một ẩn số nếu vở được chọn tham gia Liên hoan sân khấu thử nghiệm lần này.

          “Thử nghiệm” tức là làm mới. Cái mới này có thể trên hình thức kịch bản, tác giả, đạo diễn và lối diễn của diễn viên, là những cách khác nhau để lột tả tâm trạng, tình cảm của diễn viên trên sân khấu. Thử nghiệm là sáng tạo không ngừng, chúng ta có thể đưa tất cả các công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tân tiến nhất lên sân khấu truyền thống sao cho có thể chuyển tải nội dung vở diễn tốt nhất.

Với dòng kịch cũ, đến nay, tuy vẫn còn nguyên giá trị nghệ thuật vốn có, nhưng khán giả luôn đòi hỏi cao trong tìm kiếm cách thức giải trí mới, phù hợp thị hiếu, xu hướng thời đại. Vậy nên, khi kịch thử nghiệm xuất hiện, loại hình này như một cơn gió mang hơi thở mới đến công chúng. Dù hiện tại, loại hình kịch thử nghiệm vẫn đang trong giai đoạn thăm dò phản ứng của khán giả. Người làm nghệ thuật bắt tay làm kịch thử nghiệm để mạnh dạn tìm kiếm khán giả. Cách làm này hiện thời chưa thể có kết quả ngay, nhưng đã mở ra một xu hướng mới trong hoạt động nghệ thuật, trong đầu tư sáng tạo, tìm kiếm hướng ra cho sân khấu kịch trong tương lai.

 

Nguồn Văn nghệ số 23/2019


Có thể bạn quan tâm