March 29, 2024, 6:55 pm

Sân khấu Hà Nội trước thềm xuân mới...

 

Hãy tạm lấy cái mốc từ ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đến nay, sân khấu Hà Nội đã đi được một chặng đường tròn 65 năm.

Khoảng thời gian ấy chỉ là một chớp mắt với lịch sử, nhưng với một nền nghệ thuật sân khấu, dẫu sao đó cũng là một chặng đường để người nghệ sĩ có thể nhìn lại mình một cách công tâm, bình tĩnh và khách quan để hướng tới tương lai, nhất là một thời điểm đặc biệt, trước thềm mùa xuân Canh Tý 2020, đất nước ta bước vào năm thứ 20 của thế kỷ XXI - năm bản lề để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bước vào một thời kỳ bứt phá mới, trong không khí Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội tròn một nghìn 20 năm tuổi. Bởi vậy, với tư cách là những người làm sân khấu, chúng tôi chỉ xin tản mạn đôi điều về sân khấu Hà Nội. Những điều lớn lao, quan trọng khác về học thuật cũng như để nâng cao chất lượng nghệ thuật sân khấu, xin nhường lời một cách hy vọng và tin tưởng vào các thế hệ nghệ sĩ sân khấu trên cả đất nước Việt Nam hôm nay…

Ảnh internet

        Vậy là hai cánh màn đỏ thắm của “thánh đường” sân khấu Hà Nội đã mở ra tròn 65 năm. Có thể, với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay, ấn tượng của họ về nghệ thuật sân khấu mang một màu sắc hiện đại mới mẻ hơn trong cơ chế bùng nổ của kinh tế thị trường ầm ã xô bồ đến chóng mặt, mà không khéo, có lúc, mình không còn là mình nữa. Tư cách công dân và tư cách nghệ sĩ có vẻ như đã xuống cấp trước khi có người chê trách là khán giả xuống cấp. Nhưng với thế hệ chúng tôi, những người yêu quý mến mộ và trực tiếp làm sân khấu, thì quả là sau hòa bình lập lại, khi hai cánh màn và ánh đèn bật sáng, sân khấu đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, vẫy gọi công chúng với tất cả tình yêu và niềm say mê cuộc sống biết bao nhiêu trong một giai đoạn Hà Nội tràn đầy ánh sáng mới của hòa bình. Có thể nói dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng suốt trên nửa thế kỷ qua, nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử của nghệ thuật sân khấu hiện đại Việt Nam…

         Nhưng, quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước. Khi mà tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội đã có vẻ chững lại, giảm sút, những “ông hoàng”, “bà chúa” của thánh đường sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ Hà Nội, bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một nghìn năm lịch sử, cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã không khắc họa, không trình bầy, không lý giải được một cách rực rỡ và cuốn hút đối với khán giả hôm nay.

         Hình như, kinh thành Thăng Long trải qua Lý, Trần, Lê... với nhiều con người lịch sử, với nhiều chiến tích lịch sử chưa được tạo dựng bao nhiêu trên sân khấu. Địa danh nào của Lý Công Uẩn, của Lý Thường Kiệt, của Lý Đạo Thành đã trải qua với những số phận cá nhân dằn vặt và giằng xé. Địa danh nào Nguyễn Trãi tìm đường cứu nước, trở về giải phóng Thăng Long và Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy - Rùa Vàng đầy huyền thoại cũng như tình yêu của Nguyễn Trãi và Thị Lộ thăng hoa, bừng nở. Địa danh nào Nguyễn Huệ đã cùng Ngọc Hân công chúa, đôi trai tài gái sắc, trai anh hung, gái thuyền quyên đã cùng nhau đón xuân giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào? Rồi những địa danh nào của Thăng Long mà các bậc nho sĩ hiền tài như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát... và bao nhiêu tao nhân mặc khách đã để lại những giai thoại và tác phẩm nghệ thuật sống mãi đến hôm nay. Rồi kinh thành Thăng Long khi thực dân Pháp xâm lược, với sông Hồng trải qua bao thăng trầm lịch sử. Thực dân Pháp bắn vào thành Cửa Bắc, rồi vụ án Hà Thành đầu độc, rồi Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, rồi Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Quan Chưởng, rồi Đồn Thủy, rồi pháo đài Láng, rồi cầu Long Biên với cuộc rút quân lịch sử mùa đông 1946, để rồi 8 năm sau, chúng ta trở về giải phóng Thủ đô. Tất cả, tất cả bao nhiêu sự kiện và nhân vật đầy tính chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của giai đoạn lịch sử ấy hình như chưa được khắc họa một cách đậm nét và đầy sức sống để khắc thành những dấu ấn của nghệ thuật sân khấu, trái lại, hình như chỉ mới ở mức minh họa lịch sử một cách mờ nhạt, chung chung, thậm chí là hời hợt và non kém. Hình như đã đến lúc chúng ta phải tự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc hơn, để cùng nhau hướng tới. Tất nhiên, đó là một công việc sáng tạo nặng nề, khó khăn, lâu dài.

         Đã đến lúc, các cơ quan, ban ngành, các nhà lãnh đạo của Hà Nội phải quan tâm hơn đến hoạt động của Hội Sân khấu và hoạt động của các nghệ sĩ sân khấu một cách đầy đủ, sát sao, cả trước mắt và lâu dài, một cách hiệu quả, thiết thực, không quan liêu, đánh trống bỏ dùi, cũng không hình thức chủ nghĩa được chăng hay chớ. Đã đến lúc, sự hỗ trợ và phối hợp của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho những hoạt động của Hội Sân khấu Hà Nội phải trở thành thực sự tình nghĩa, trách nhiệm và cởi mở trong cả sự đầu tư giúp đỡ chất xám và cả kinh phí, cho dù là ít ỏi để các nghệ sĩ Hà Nội được mạnh mẽ và tự tin hơn lên. Từ trước đến nay, và nhất là thời gian qua, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội đã có một cách nhìn mới mẻ hơn về đặc thù của Hội Sân khấu - Đó là một sáng tạo tập thể của nhiều loại hình nghệ thuật, khác với một cá nhân nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ trong việc ra đời và hoàn thành một tác phẩm, cả công sức, cả tiền của, theo đúng nghĩa đen của từ này. Và cuối cùng, đã đến lúc, việc đầu tư, đặt hàng cho các nhà văn, các tác giả để có những tác phẩm mới về Hà Nội một cách thành công và xuất sắc hơn, phải được nhìn nhận nghiêm túc trở lại. Bởi, đã thấy giao thừa năm Canh Tý, mùa xuân thứ thứ 20 của thế kỷ XXI, ở ngay trước tầm mắt chúng ta. 

                                   Nguồn Văn nghệ số 1+2/2020

                             


Có thể bạn quan tâm