April 25, 2024, 7:29 am

Sân khấu Hà Nội cần những bước chuyển mới

Hãy tạm lấy cái mốc từ 1957, năm thành lập các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương, đến nay, sân khấu Hà Nội đã có tuổi đời tròn 63 năm. Khoảng thời gian ấy chỉ là một chớp mắt với lịch sử, nhưng với một nền nghệ thuật sân khấu, đó cũng là một chặng đường để người nghệ sĩ có thể nhìn lại mình một cách công tâm, bình tĩnh và khách quan để hướng tới tương lai, nhất là năm 2020 này, cũng là thời điểm Hà Nội kỷ niệm 1010 năm Thăng Long…

 

Cảnh trong vở kịch ngắn về Bác Hồ trong chương trình “Muôn vàn tình thương yêu“ đã gây xúc động mạnh với người xem trên sân khấu Hà Nội tháng 8/2019

 

Vậy là, Hà Nội với hai cánh màn đỏ thắm của “thánh đường” sân khấu vẫn mở, cố gắng sáng đèn phục vụ công chúng Thủ đô hàng đêm. Có thể, với lớp nghệ sĩ trẻ hôm nay, ấn tượng của họ về nghệ thuật sân khấu mang một màu sắc hiện đại mới mẻ hơn trong cơ chế bùng nổ của kinh tế thị trường ầm ã xô bồ đến chóng mặt… Nhưng với thế hệ những người trên dưới tuổi 60, thì tuổi trẻ của họ, sân khấu đã thực sự hấp dẫn, cuốn hút, vẫy gọi họ với tất cả tình yêu và niềm say mê trong một giai đoạn Hà Nội tràn đầy ánh sáng mới của hòa bình. Có thể nói dù khó tính và khắt khe đến đâu, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng suốt trên nửa thế kỷ qua, nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã đóng một dấu son, làm thành một cột mốc lớn trên cả chặng đường lịch sử của nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam.

Nhưng, quá khứ bao giờ cũng ở phía sau lưng, cho dù đó là một quá khứ huy hoàng và chói lọi, mà không khéo, cái gánh nặng quá khứ nhiều khi làm cho mình khó cất nổi bước chân hơn để đi lên phía trước. Tình yêu và niềm tin của khán giả đối với sân khấu Hà Nội đã có vẻ chững lại, giảm sút, những “ông hoàng”, “bà chúa” của “thánh đường” sân khấu đã có vẻ không còn hấp dẫn người Hà Nội, nhất là lớp trẻ, bởi, hình như sự thiếu vắng bao nhiêu sự kiện, bao nhiêu nhân vật của một nghìn năm lịch sử, cận đại đến hiện đại mà nghệ thuật sân khấu Hà Nội đã không khắc họa, không trình bày, không lý giải được một cách rực rỡ và cuốn hút đối với khán giả hôm nay...

Hình như kinh thành Thăng Long trải qua Lý, Trần, Lê... với nhiều con người lịch sử, với nhiều chiến tích lịch sử chưa được tạo dựng bao nhiêu trên sân khấu. Địa danh nào của Lý Công Uẩn, của Lý Thường Kiệt, của Lý Đạo Thành đã trải qua với những số phận cá nhân dằn vặt và giằng xé. Địa danh nào Nguyễn Trãi tìm đường cứu nước, trở về giải phóng Thăng Long và Lê Lợi trả kiếm cho thần Kim Quy đầy huyền thoại, cũng như tình yêu của Nguyễn Trãi và Thị Lộ thăng hoa, bừng nở? Địa danh nào Nguyễn Huệ đã cùng Ngọc Hân công chúa - đôi trai tài gái sắc, anh hùng thuyền quyên, đã cùng nhau đón xuân giải phóng Thăng Long giữa mùa hoa đào? Rồi những địa danh nào của Thăng Long mà các bậc nho sĩ hiền tài như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Lê Văn Hưu, Hải Thượng Lãn Ông, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Công Trứ, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm, Nguyễn Siêu, Cao Bá Quát... và bao nhiêu tao nhân mặc khách đã để lại những giai thoại và tác phẩm nghệ thuật sống mãi đến hôm nay?... Rồi kinh thành Thăng Long khi thực dân Pháp xâm lược, với sông Hồng trải qua bao thăng trầm lịch sử. Thực dân Pháp bắn vào thành Cửa Bắc, rồi vụ án Hà Thành đầu độc, rồi Hoàng Diệu và Nguyễn Tri Phương tuẫn tiết, rồi Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Quan Chưởng, rồi Đồn Thủy, rồi pháo đài Láng, rồi cầu Long Biên với cuộc rút quân lịch sử mùa đông 1946, để rồi 8 năm sau, chúng ta trở về giải phóng Thủ đô... Tất cả, tất cả bao nhiêu sự kiện và nhân vật đầy tính chất bi và hùng, lãng mạn và trữ tình, cao đẹp của giai đoạn lịch sử ấy hình như chưa được khắc họa một cách đậm nét và đầy sức sống để khắc thành những dấu ấn của nghệ thuật sân khấu, trái lại, hình như chỉ mới ở mức minh họa lịch sử một cách mờ nhạt, chung chung, thậm chí là hời hợt và non kém… Hình như đã đến lúc chúng ta phải tự nhìn lại mình một cách nghiêm khắc hơn, để cùng nhau hướng tới. Tất nhiên, đó là một công việc sáng tạo nặng nề, khó khăn và lâu dài…

Xin đơn cử một ví dụ cụ thể. Nghệ thuật sân khấu thể hiện hình tượng Bác Hồ. Đây là một đề tài sáng tạo vô cùng hấp dẫn, nhưng cũng đầy những khó khăn, thử thách to lớn với người nghệ sĩ… Ngay từ giữa những năm 70 của thế kỷ XX, vở cải lương Người công dân số một của Nhà hát Cải lương Trung ương ra mắt công chúng, đã gây tiếng vang lớn về nghệ thuật tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc ở Hải Phòng năm 1980. Đó là dấu ấn đầu tiên, ghi nhận thành công của vở diễn, đồng thời cho thấy khả năng thể hiện một cách chân thực hình tượng Bác Hồ trên sân khấu kịch hát dân tộc. Sau cải lương là nghệ thuật tuồng truyền thống với vở Không còn con đường nào khác của Nhà hát Tuồng Trung ương. Tiếp đó là tác phẩm Sáng mãi niềm tin của Nhà hát Tuồng Đào Tấn, Bình Định. Cả hai vở diễn này, tuy không mô tả một cách cụ thể quãng đời hoạt động của Bác, nhưng đã mang lại những cảm xúc tươi mới cho nghệ thuật Tuồng truyền thống với đề tài hiện đại. Cùng với những cảm hứng nghệ thuật của cải lương và tuồng, nghệ thuật chèo dân gian đồng bằng bắc bộ đã tái hiện hình tượng Bác Hồ trong Đêm trăng huyền thoại (Đoàn Chèo Thái Nguyên), và đặc biệt là vở Những vần thơ thép của Nhà hát Chèo Trung ương. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Trần hữu Trang đã chuyển thể kịch bản Đêm trắng sang sân khấu cải lương. Tác phẩm đã được khán giả phía Nam hết sức yêu thích, bởi tính quyết liệt, hấp dẫn của vở diễn đã mang lại những nhận thức mới mẻ về tấm lòng bao dung độ lượng, nhưng cũng rất nghiêm khắc của Hồ Chủ tịch, đối với những kẻ chỉ nghĩ đến sự hưởng thụ cá nhân mà quên đi cả lợi ích chung của dân tộc. Cũng với ý tưởng thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu dân ca, Trung tâm Bảo tồn và phát huy Dân ca Ví, Giặm Nghệ An đã dàn dựng Người ra đi từ câu hò ví, giặmLời Người, lời của nước non. Cùng một nhà hát, cùng một phong cách kịch hát xứ Nghệ, nhưng mỗi vở diễn lại tìm riêng cho mình một nét thể hiện khác nhau về nghệ thuật, vì thế được đông đảo khán giả không chỉ vùng quê Nghệ Tĩnh ưa thích, mà công chúng trên cả nước cũng nồng nhiệt đón chào, bởi tính dung dị, ngọt ngào của Ví, Giặm, Phường vải khi thể hiện vẻ đẹp tâm hồn Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người con của quê hương Xô viết! Vậy mà, với một đề tài mang ý nghĩa to lớn như thế, tiếc thay suốt nửa thế kỷ qua, sân khấu Hà Nội vẫn chưa dàn dựng được một tác phẩm nào thật sự tầm cỡ về Bác, mặc dù mảnh đất này có rất nhiều sự kiện, nhiều địa danh gắn với cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người… Không có lý do gì các nghệ sĩ sân khấu Thủ đô lại không ấp ủ, trăn trở để xây dựng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh mang nét độc đáo và tầm vóc riêng của sân khấu Hà Nội… 

Thời gian qua, các cơ quan, ban ngành, các nhà lãnh đạo của Hà Nội và đặc biệt là Hội Liên hiệp Văn học, Nghệ thuật Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Hà Nội đã hết sức quan tâm đến hoạt động của các nghệ sĩ một cách đầy đủ, sát sao, cả trước mắt và lâu dài, một cách thiết thực, hiệu quả; cùng với sự hỗ trợ và phối hợp của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trong những hoạt động của sân khấu Hà Nội, đã thực sự tình nghĩa, trách nhiệm và cởi mở… Trên tinh thần và thực tiễn đổi mới đó, chúng ta tin rằng sân khấu Hà Nội sẽ chuyển mình với một diện mạo mới, trong năm bản lề bước vào mùa xuân 2022, đón chào Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII.

Nguồn Văn nghệ số 41/2020


Có thể bạn quan tâm