April 24, 2024, 12:04 am

Sách giả đang giết chết sách thật

 

Theo thống kê từ Cục Xuất bản, năm 2019, Đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và các Đội liên ngành, Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông địa phương đã tiến hành 1.281 cuộc thanh tra, kiểm tra các cơ sở in, cơ sở phát hành, cơ sở photocopy và xử phạt hành chính 100 cơ sở với tổng số tiền phạt 818,2 triệu đồng; tịch thu, tiêu hủy 126.124 xuất bản phẩm.

Trong đó, Hà Nội tiến hành 478 cuộc, xử phạt 483,2 triệu đồng, tịch thu 27.086 xuất bản phẩm; TP.HCM triển khai 21 cuộc, xử phạt 134 triệu đồng; Đơn cử tại Bình Định đã thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành 26 cuộc, tịch thu 73.361 xuất bản phẩm. Công tác xử phạt đã tiến hành khẩn trương, song những chế tài chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử phạt hành chính. Số tiền xử phạt vài chục triệu đồng quá nhỏ so với lợi nhuận lên tới hàng chục tỷ đồng từ hoạt động in và phát hành sách lậu .Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công tác kiểm tra, phối hợp thanh tra, xử lý vi phạm của các Đội liên ngành và Sở Thông tin và Truyền thông giảm, khiến cho sách lậu có cơ hội bùng phát, đe dọa giết chết sách thật. Do đó, ngay sau khi kết thúc giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.

Tình hình sách lậu lấn lướt sách thật gần đây cho thấy, Nghị định 159 của Chính phủ ban hành năm 2013, qua nhiều năm thực hiện hiện, đã không còn phù hợp, cần sửa đổi, bổ sung. Sau một thời gian dài chuẩn bị, đến nay, dự thảo cơ bản đã hoàn thành, dự kiến gồm 5 chương, 42 điều. Trong đó, chương 3 về xử lý vi phạm trong hoạt động xuất bản có 11 điều với nhiều nội dung sửa đổi, bổ sung về hành vi vi phạm và chế tài cho phù hợp với thực tế.

Các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đang sớm hoàn tất để tham mưu trình Chính phủ. Hy vọng với những điều chỉnh, bổ sung nhằm tăng cường sức răn đe này, nghị định sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn in và phát hành sách lậu.

PV


Có thể bạn quan tâm