April 25, 2024, 10:00 pm

sabelle Müller: Hành trình của yêu thương

 

Năm 2018, cuốn tự truyện “Loan – từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” (tác giả Isabelle Müller, bản dịch Trương Hồng Quang, NXB Trẻ) ra mắt đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi cuộc đời sóng gió của một phụ nữ Việt gắn với giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước thời kỳ nửa đầu thế kỷ XX. Trước đó, năm 2016, cuốn sách đã trở thành hiện tượng xuất bản tại Đức. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà văn Isabelle Müller – người mang hai dòng máu Pháp – Việt trong chuyến về Việt Nam đầu năm 2019 để thực hiện các dự án từ thiện

 

 

* Khi còn nhỏ điều gì thôi thúc chị tìm hiểu về cuộc đời của mẹ mình?

- Isabelle Müller: Tôi nhớ lúc mình còn bé, mẹ tôi thường làm việc rất vất ở ngoài vườn và khi bà ngồi ở chân cầu thang trước phòng khách để nghỉ một chút, chúng tôi thường cùng nhau uống trà và nghe nhạc Việt hoặc các bài hát Việt rồi mẹ còn dịch cho tôi hiểu nữa. Những lúc ấy, có điều gì đó luôn thôi thúc tôi hỏi về gốc gác của bà. Tôi để ý thấy ở Pháp (tại các trường mầm non và tiểu học) cách mọi người cư xử với chúng tôi rất khác lạ. Người lớn cũng như bọn trẻ trong lớp đối xử với tôi rất phân biệt và đôi khi họ còn nhận xét về mẹ tôi nữa. Đó là lý do tôi muốn biết tại sao mẹ lại khác biệt so với mọi người xung quanh tôi như vậy và tại sao điều đó lại làm mọi người khó chịu. Vóc dáng, ngôn ngữ và cả đồ ăn… thuộc về mẹ đều rất khác biệt. Tôi tò mò và vậy nên tôi cứ liên tục hỏi mẹ từ khi tôi còn rất nhỏ (khoảng 4-5 tuổi gì đó). Và dần dần điều đó như trở thành quy ước giữa hai chúng tôi. Mỗi khi có chút thời gian rỗi là mẹ lại bắt đầu kể cho tôi nghe chuyện về cuộc đời mẹ. Năm tôi lên 6, mẹ nói với tôi: "Giờ thì không còn câu chuyện nào về mẹ mà con không biết nữa. Mẹ đã kể cho con nghe hết rồi nhé".

 

Isabelle Müller ( bên phải) và nhà văn Phong Điệp tại Hà Nội

* Câu chuyện cuộc đời của bà Đậu Thị Cúc (tức Loan) sẽ không dễ dàng để lý giải cho một đứa trẻ. Chị có nhớ mẹ mình đã kể lại cuộc đời mình theo cách thức như nào để giúp các con dễ dàng nắm bắt?

- Tất nhiên, tôi nhớ chứ. Bà đã bắt đầu bằng việc kể cho tôi nghe các câu chuyện về thú vật và thiên nhiên ở Việt Nam. Bà kể ông ngoại của tôi thường đi săn bắn các loài thú và có có thể nói chuyện với chúng nữa. Đối với tôi là một đứa trẻ khi đó cảm thấy giống như là một cuộc phiêu lưu thú vị và đôi khi còn khá hài hước ở một thế giới khác mà tôi không biết. Tôi còn được nghe cả một số câu chuyện về một người đàn ông hoang dã, huyền bí (như ông ngoại của tôi) nói chuyện với loài voi, rồi quan sát những con rắn khổng lồ và cả bắt chim. Bà miêu tả chi tiết thứ vũ khí và thuốc độc mà ông luôn mang theo người khi đi săn bắn, miêu tả vẻ đẹp đầy màu sắc của quê nhà và nhấn mạnh vào nụ cười của người Việt trên khuôn mặt họ (so với người Pháp, họ chả cười với chúng tôi bao giờ). Rồi bà lại tiếp tục kể chuyện và hát các bài hát bằng tiếng Việt cho tôi nghe giúp tôi cảm nhận được không khí đó. Tất nhiên, khi kể đến một số tình tiết bi thảm xảy ra trong cuộc đời mình (như lúc quân đội Nhật kéo đến làng của bà và tiến hành cướp bóc hay lúc bị một tên lính Nhật gần như suýt cướp đi mạng sống của bà), bà chỉ tóm gọn nỗi bi kịch đó bằng việc chỉ cho tôi thấy một vết sẹo trên bụng của bà. Bản thân tôi tha thiết muốn chia sẻ câu chuyện của mẹ ngay khi tôi mới lên 6. Lúc đó, tôi cũng đã hứa với mẹ rằng sau này khi trưởng thành, tôi sẽ cho cả thế giới biết câu chuyện tuyệt vời của mẹ bằng một cuốn sách.

 

* Tôi tò mò muốn hỏi những tư liệu chị ghi chép về mẹ mình bắt đầu từ chặng đường nào trong cuộc đời giông bão của bà?

- Mẹ tôi luôn dạy tôi cách nhớ các câu chuyện mà bà kể. Bà nói cách tốt nhất để nắm được kiến thức là học bằng trái tim. Tôi có thể nhớ hết các câu chuyển của mẹ một cách dễ dàng bởi tất cả đều cực kỳ thú vị mà tôi không thể quên. Hầu hết tôi đều ghi chép lại ngày tháng xảy ra sự kiện, tên của những người mà bà đã gặp trong cuộc đời và cả những thành phố nơi bà từng sống. Khi tôi 15 hay 16 tuổi gì đó, tôi đã bắt đầu đặt bút viết về cuộc đời bà. Trong cuốn sách đó, tôi đã ghi lại rất nhiều tên, chú thích và cả những lời bình về một số cuộc nói chuyện với mẹ trong suốt hàng thập kỷ. Tôi vẫn còn giữ bản thảo đó trong nhà mình, nó giống như phần "cốt lõi" về câu chuyện cuộc đời của mẹ vậy. Nhưng khi đó, nó giống như một tiểu thuyết, thiếu chiều sâu và sự chân thực. Tất nhiên, do khi đó tôi còn quá trẻ để có thể miêu tả đầy đủ cảm xúc thực sự đằng sau mỗi câu chuyện của mẹ. Tôi cũng còn giữ cả một số ảnh gốc từ những năm 1950 và sau đó nữa, rồi cả một số tài liệu gốc của bà như chứng minh thư, hộ chiếu, thư cũ, và một số đồ linh tinh của bà nữa. Bằng một số tư liệu chính thống được đóng dấu và ghi ngày tháng trên đó (như ngày nhập cảnh vào nước Pháp), tôi có thể dựng lại chính xác (sau khi bà mất) chuỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống phiêu lưu của bà.

 

* Ngoài những tư liệu kể trên, cuốn tự truyện về bà Đậu Thị Cúc còn đòi hỏi một kiến thức rất lớn về lịch sử, văn hóa...

- Vâng, trước khi viết cuốn tự truyện về bà, tôi đã đọc rất nhiều sách về lịch sử, văn hóa và địa lý Việt Nam. Tôi cũng có một người bạn (cậu ấy đã mất sau đó một thời gian) là một nhà sưu tầm đã mượn giúp tôi một số tư liệu về lịch sử Việt Nam cổ đại. Tôi đã dành khoảng nửa năm sau khi mẹ mất để nghiên cứu các tài liệu đó. Tôi cũng đã đến Pháp và dành thời gian với bà Ngọc, người bạn thân còn sống cuối cùng của mẹ tôi (bà vẫn còn sống ở Tours và tôi vẫn thường xuyên liên lạc với bà đến tận bây giờ). Bà đã cho tôi biết thêm rất nhiều và giúp đỡ tôi trong một số tình tiết. 

 

* Năm 1990, lần đều tiên chị trở về Việt Nam cùng với mẹ. Ấn tượng gì sâu đậm nhất với chị trong chuyến đi này? Có “nhân chứng” nào của cuốn sách mà chị được gặp?

- Năm 1990 trong chuyến đi lần đó, có một câu hỏi duy nhất cứ luôn bùng cháy trong tôi rằng: liệu tất cả những người Việt Nam có giống như mẹ tôi không. Và tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng: không. Nên từ đó tôi biết, mẹ tôi là một người rất “đặc biệt”. Có mẹ ở bên, đó là một hành trình trở về quá khứ. Và “nhân chứng” đầu tiên của cuốn sách đó chính là những tòa nhà, bảo tàng và các con phố nơi mà trước đây bà đã từng đi qua. “Nhân chứng” tiếp theo là em trai Lê và em gái Thảo của bà. Chúng tôi đã gặp nhau ở Đà Nẵng sau một hành trình tìm kiếm và phiêu lưu mạo hiểm.

 

* Trong quá trình thực hiện cuốn sách, điều gì khó khăn nhất đối với chị?

- Đối với tôi, phần khó nhất không phải là việc viết sách bởi vì tôi biết tôi đã được dẫn dắt và truyền cảm hứng trong suốt quá trình viết đó. Mà khó khăn nhất đó chính là đặt chính mình vào hoàn cảnh của mẹ và sống lại cuộc đời của bà một lần nữa. Tôi đã thử hóa thân để chịu đựng sự giằng xé, sự đau khổ, hy sinh và hy vọng của bà. Rồi tôi viết câu chuyện của mẹ bằng nước mắt, mồ hôi và bằng máu của bà. Tôi đã khóc rất nhiều khi viết và đau khổ cùng với mẹ rất nhiều lần. Sau đó, khi tôi không thể khóc được nữa, tôi nhận ra rằng câu chuyện mà tôi viết đã dần trở nên hoàn hảo.

 

* Tại sao chị lựa chọn tiếng Đức thay vì tiếng Pháp vốn là ngôn ngữ sở trường?

- Điều này liên quan đến thời thơ ấu của tôi. Có thể gọi đó như là một kiểu trả thù nho nhỏ đối với bọn trẻ con nước Đức. Khi tôi lên 10, tôi phải rời Pháp để sống ở Đức. Ở đó tôi phải học tiếng Đức và tiếng Anh. Lúc đầu, tôi thất bại. Thay vì là một học sinh xuất sắc (như ở Pháp trước đây), tôi đã phải chấp nhận thất bại hết lần này đến lần khác. Thật quá khó khăn đối với tôi, nhất là khi một số bạn bè Đức cười nhạo và làm tôi bẽ mặt. Đó là lý do tại sao tôi đã hứa với chính bản thân mình rằng một ngày nào đó tôi sẽ học tiếng Đức thật tốt, và rồi tôi sẽ có thể dạy bọn trẻ Đức bằng chính ngôn ngữ của chúng. Và đó cũng là một thử thách đối với tôi để xem sự pha trộn cảm xúc của một nhà văn đa văn hóa như tôi sẽ tiếp cận với độc giả như thế nào.

 

* Đến nay cuốn sách có khiến cuộc sống của chị thay đổi?

- Không nhiều lắm. Cuốn sách chỉ giúp xoa dịu tâm hồn tôi thôi.Và tôi hạnh phúc vì đã giữ được đúng lời hứa đối với mẹ mình.

 

* Độc giả Đức đã đón nhận cuốn sách này như thế nào?

- Thực tế là việc cuốn sách này được lọt vào vòng chung kết của cuộc thi KindleStoryteller Award năm 2015 trên trang amazon của Đức đã cho thấy độc giả Đức dành sự quan tâm lớn đến thế nào. Không phải là vì họ có liên đới trực tiếp đến lịch sử Việt Nam mà hơn hết là vì họ gắn liền với văn hóa ngoại lai. Cuốn sách đã giúp họ tìm hiểu và trải nghiệm một nền văn hóa trìu tượng xa lạ của một vùng đất xa xôi. Trước khi đọc cuốn sách này, họ chỉ biết đến hình ảnh Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mĩ. Sau khi đọc sách, họ đã biết nhiều hơn về những quy tắc trước đây thời mẹ tôi sống, về vai trò của phụ nữ và về lịch sử. Họ đã bị lôi cuốn và bị cảm động bởi câu chuyện của mẹ. Rất nhiều độc giả đã gửi lời cảm ơn tôi vì đã viết quyển sách này và giúp họ có thêm nhiều sức mạnh vươn lên trong cuộc sống.

 

* Chị có dự định xuất bản cuốn sách ra các thứ tiếng khác?

- Có chứ. Tôi đã hoàn thiện bản dịch tiếng Anh mấy năm rồi.Tuy nhiên tôi chưa xuất bản và hy vong rằng một nhà xuất bản nào đó sẽ để mắt tới “Loan”. Nếu năm nay (2019) chưa thực hiện được điều đó, thì có thể tôi sẽ tự mình xuất bản quyển sách này bằng tiếng Anh. Tôi sẽ quyết định sau.Và tất nhiên, tiếp nữa sẽ là tiếng Pháp. Rất nhiều người ở Pháp hỏi tôi đã dịch sang tiếng Pháp chưa. Và sau nữa có thể là tiếng Trung. Bạn biết đấy, tôi có mong muốn chuyển ngữ sang các thứ tiếng của những nước có liên quan đến câu chuyện của mẹ. Nhưng vì quá bận với tổ chức từ thiện của mình nên tôi vẫn chưa có thời gian làm điều đó.

 

* Những cuốn sách chị đã xuất bản đến nay là gì?

- Vài năm trước, tôi đã xuất bản cuốn sách thiếu nhi có tựa đề là Hip Hop im Land von Ellsaby (Hip Hop ở vùng đất Ellsaby). Đó là một câu chuyện về sự chia ly và chết chóc (giữa một con chó và một kẻ chạy trốn) và đồng thời là câu chuyện về tình yêu, tình bạn và sự hy vọng. Cuốn sách tiếp theo là Phönix Tochter – Die Hoffnung war mein Weg (Con gái của chim phượng hoàng - Hy vọng là con đường của tôi) đã được xuất bản ở Đức. Đó là một sự nối tiếp của “Loan”, là cuốn tự truyện mô tả cuộc đời 35 năm tiếp theo của tôi.

 

* Chị có thể giới thiệu đôi nét về tác phẩm “Con gái của chim phượng hoàng”?

- Thực tế, tôi không có dự định viết cuốn sách tự truyện về cuộc đời mình. Ưu tiên số một của tôi là xuất bản cuốn sách về mẹ Loan. Khi nhà xuất bản nổi tiếng của Đức S. Fischer Verlag/Krüger mời tôi ký hợp đồng xuất bản sách Loan tại Frankfurt năm 2005, trong lúc trao đổi, họ bất ngờ nói với tôi rằng tốt nhất là nên xuất bản cuốn tự truyện thú vị của tôi trước cuốn tự truyện về mẹ mình (họ cũng hứa với tôi sau này họ sẽ xuất bản cuốn sách Loan sau). Lý do tại sao "cuốn sách về tôi sẽ bán tốt hơn" cuốn sách viết về mẹ là vì khi đó nhân vật chính trong câu chuyện (là tôi) vẫn còn sống (còn mẹ tôi đã mất năm 2003). Và như thế có nghĩa là tôi lại mất thêm ít nhất 02 năm nữa để viết cuốn tự truyện của chính mình. Không phải tôi viết chậm mà bởi vì khi đó tôi vừa phải nuôi dạy hai đứa con và còn tham gia điều hành công ty nữa. Tôi mất khoảng 02 năm (thường là dành thời gian buổi tối đến đêm khuya và vào các ngày cuối tuần) để ngồi viết một cách kỷ luật. Sau đó, nhà xuất bản Đức đã phát hành cuốn sách Phoenix´s Daughter (Con gái của chim phượng hoàng) năm 2009 và năm 2011. Và rồi nhà xuất bản đó cũng không còn giữ đúng lời hứa sẽ xuất bản cuốn sách về mẹ tôi sau cuốn tự truyện của tôi. Họ nói rằng cuốn sách Con gái của chim phượng hoàng bán được ít nên e rằng câu chuyện về mẹ sẽ không hấp dẫn với độc giả Đức, và như thế sẽ quá mạo hiểm cho họ nếu xuất bản một cuốn sách về một người nào đó mà không nổi tiếng. Sau đó, tôi đã không hợp tác với họ nữa và tự xuất bản cuốn sách Con gái của chim phượng hoàng trên trang amazon vào năm 2015. Tôi đã đọc trước công chúng 150 lần ở 8 tỉnh khác nhau tại Đức và liên tục trong thời gian khoảng 3-5 năm, nhiều phương tiện truyền thông đã nói về cuốn sách này. Cuốn sách đã mang lại cho độc giả rất nhiều hy vọng và sức mạnh để đương đầu với những khó khăn trong cuôc sống của họ.

 

  •  

- Tôi không có ý định trở thành một nhà văn chuyên nghiệp. Bởi bản thân tôi là một nhà văn chuyên nghiệp chỉ vì tôi chưa có cơ hội để hoàn thành sự nghiệp viết văn mà thôi. Tôi còn bị vướng vào rất nhiều nhiệm vụ khác cũng rất quan trọng với tôi đó là Quỹ Loan.

 

* Chị có thể giới thiệu đôi nét về Quỹ Loan? Các dự án mà quỹ Loan đã và đang thực hiện ở Việt Nam cho đến nay?

- Vào những năm 30 của thế kỉ trước, mẹ tôi không được phép đến trường, bởi bà là con gái. Trên con đường tìm kiếm tự do và hạnh phúc, với một ý chí không thể bị khuất phục và sự khao khát tri thức, bà đã bất chấp tất cả, mạo hiểm với cả mạng sống của mình để được tiếp cận với giáo dục. Cuối cùng, vào năm 1955, bà đã rời bỏ quê hương bị chiến tranh tàn phá của mình. Ở Pháp, quê hương mới của mình, bà đã vấp phải sự chối từ và nạn phân biệt chủng tộc vì màu da của mình. Dù nghèo khó cùng cực, bà vẫn nuôi nấng năm đứa con trưởng thành, luôn luôn nhấn mạnh rằng giáo dục là một đặc ân to lớn. Là đứa con út của mẹ Loan, tôi vẫn còn nhớ rất rõ về khoảng thời gian ấy, nhớ rõ cái sàn gạch phòng ngủ của chúng tôi lạnh và cứng như thế nào, bởi chúng tôi không có bất kì cái giường nào. Nhớ rõ sự ghẻ lạnh của những người xung quanh, vì chúng tôi không thể theo kịp họ về mặt vật chất. Tuy nhiên cũng có những con người hoàn toàn xa lạ nhưng bằng sự xả thân, không vụ lợi và bằng tình thương đã đặt chân vào cuộc sống của chúng tôi, đã định hình nhân cách cho chúng tôi đến tận bây giờ và qua đó giúp chúng tôi một lần nữa lại có niềm tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Sự ấm áp của họ cho chúng tôi sức mạnh và nuôi dưỡng hy vọng của chúng tôi, rằng một ngày nào đó chúng tôi có thể báo đáp những điều tốt đẹp mà chúng tôi đã được nhận và giúp đỡ những người gặp khó khăn khác.

Dựa trên những ý nghĩa và ý nghĩ đó về triết lý cuộc sống của người mẹ yêu quý của tôi, quỹ Loan đã được thành lập vào ngày 09/05/2016, và được công nhận là một tổ chức từ thiện hợp pháp theo luật dân sự Đức. Đội tình nguyện của chúng tôi tập trung vào việc giúp đỡ trẻ em vùng sâu vùng xa, đặc biệt là các em dân tộc thiểu số, giúp các em có thể tự định hướng tương lai của bản thân. Đến nay quỹ Loan đã và đang triển khai được hơn 20 dự án tại các tỉnh miền núi, nơi nghèo nhất của Việt Nam và chủ yếu là xây dựng và trang bị các đồ dùng cho nhà bán trú, trường mầm non, xây trường học và bảo trợ ăn học cho 06 cháu mồ côi.

 

* Chúc chị có nhiều năng lượng để thực hiện những dự định của mình. Trân trọng cảm ơn chị!

 

PHONG ĐIỆP (thực hiện)

Nguồn Văn nghệ số 10/2019


Có thể bạn quan tâm