April 16, 2024, 11:32 pm

Rượu mận

 

       Tức quá! Hắn tức mẹ hắn quá! Lúc này, nếu mẹ hắn là bó lanh, hắn sẽ vác ngay sang nhà anh trai chị dâu hắn mà để. Hắn muốn gào lên rõ to mà lại sợ phí sức. Mẹ hắn điếc nặng. Ôi, cái bà điếc vừa làm gì thế này? Ôi cái túi ngô giống của tôi!

       Hắn quỳ xuống máng ngô, xàm tay vào bốc nắm ngô xâm xấp vỡ. Đây là ngô giống à. Giống ngô mới tinh xã vừa đem về trợ giá cho đồng bào để tăng năng suất và chống chọi với sâu bệnh. Mẹ hắn ở nhà buồn tay, đem ra xay mất rồi. Mà con gà đã đói đâu, con lợn đã thiếu cám đâu? Trước khi đi nương, vợ chồng hắn và con trai đã xay sẵn ba chậu ngô đầy kia. Người ơi là người, già ơi là già. Giờ phải giấu đi. Lát nữa, So về, nó cằn nhằn điếc cả tai. Vợ thì đanh đá, mẹ thì vụng về. Trước vợ hắn hiền lắm. Cả ngày chỉ thấy nó hắt hơi vài lần, còn không thấy tiếng nói. Từ khi đẻ ba đứa con và lam lũ vất vả, nó sinh ra đanh đá, lắm điều. Mẹ hắn, trước khéo léo lắm, thu vén và gọn gàng. Chả hiểu sao mấy năm gần đây, những việc làm của bà khiến hắn phát điên phát rồ. Anh trai với chị dâu nhiều lần dắt bà về bên Nhù Cồ ở, được vài hôm bà lại mò về đây. Bà bảo bà quen nước Tủa Cồ rồi. Bà cứ vin vào cái gì đó như là nước, là đất, là khói thôi, chứ Nhù Cồ và Tủa Cồ cùng một màu đất, cùng dòng suối Pu chảy chia đôi. Cùng là người Mông Đen ở...

 Giời đất! Giá mẹ hắn là bó lanh...

        Hắn vét hết ngô trong máng cối xay ra, cho vào một cái bao tải con. Còn ít ngày nữa là làm bầu rồi, giờ lấy ngô ở đâu ra? Hay lên huyện mua? Đắt thì cũng phải mua chứ. Đi huyện mà thình lình không phải ngày chợ thì So sẽ nghi ngờ rồi tra hỏi. Hắn vỗ đầu bồm bộp, cám ngô bám vàng cả tóc, mà vẫn cứ mụ mị. Đang lúc ấy thì hắn nghe thấy chuông điện thoại. Nghe cái đã. Là anh Sùng gọi. Hắn vâng dạ. Còn ba ngày nữa cơ mà. Ba ngày nữa, anh trai hắn động thổ xây nhà. Cán bộ Sùng đang làm gương cho bà con trong bản đây mà. Kệ cái gương ông anh trai. Hắn mà có tiền làm nhà to, hắn cũng vẫn làm nhà gỗ. Đặt cái điện thoại xuống. Hắn chợt thấy đầu sáng láng hẳn ra, khôn hẳn ra.

Phải rồi, hắn sẽ bảo vợ là mai lên phố sửa cái điện thoại. Rồi sẽ mua ngô giống. Nhưng ở bản cũng có thằng Sần sửa điện thoại rồi đấy gì. Chả sao cả, hắn vốn thông minh nhất nhà mà. Hắn làm cho điện thoại của hắn ốm được thì cũng làm cho thằng sửa điện thoại ốm được. Vợ hắn rất là ghê gớm. Nhưng lại rất cả tin. Hắn vì bao bọc cho mẹ mà dựng lên rất nhiều chuyện, nhưng vợ hắn đều không biết. Đem cái điện thoại ra góc hè, hắn thả vào chậu nước rửa rau rồi nhanh tay vớt lên, lau khô, để xuống bàn. Thế là xong cái điện thoại. Giờ đến thằng Sần. Làm sao cho thằng Sần ốm nhỉ. Hôm qua trời cũng không mưa, mà có mưa thằng Sần cũng không ướt. Vì nó có đi lên nương hay ra ruộng bao giờ, chỉ ngồi nhà sửa điện thoại với ti vi, cả đài nữa. Hay là cho nó tắm nước lạnh nhỉ! Phải rồi. Hết củi, em gái nó lười đun nước, nó tắm nước lạnh. Gì chứ, tám độ như này mà tắm nước lạnh thì trâu cũng ốm, chứ chả nói thằng Sần.

        Hắn vừa quét dọn quanh cái cối ngô sạch sẽ thì vợ hắn ở nương về. Bó hoa cải vàng chóe ngất nghểu trên lù cở. Đấy, đào chê rét chưa nở mà cải đã lên hoa cả rồi. Cái món hoa cải muối chua này, vợ hắn muối giỏi lắm. Và chả cần thịt thà gì, chỉ chút mỡ lợn thôi, xào với hoa cải muối chua, là hắn nện bốn bát cơm đầy.

       Mẹ hắn thấy con dâu về thì rờ rệt đi ra. Bà sờ ngồng cải. Sờ túi ớt. Sờ măng... sờ xong đưa lên mũi ngửi. Tài cho cái người già. Mà đố ai ở bản này biết tuổi mẹ hắn đấy. Người bảo bảy mươi, người bảo tám mươi. Hỏi anh Sùng, anh bảo anh cũng không biết. Khi thấy mẹ cứ sờ sệt hết mọi thứ rồi đưa lên mũi ngửi, hắn thấy lạ. Hắn cũng nhặt tay mẹ đưa lên mũi ngửi. Giời ôi. Toàn mùi rượu. Thôi chết, nả lại làm gì chum rượu rồi? Hắn ngửi mồm mẹ. Chết thật, đúng là toàn mùi rượu. Hắn vội chạy xuống bếp. Nhấc cái chăn cũ ra khỏi chum rượu. Cùng lúc ý thì vợ hắn cũng chạy vào. Vợ hắn lu loa. Ối nả ơi, cái chum rượu mận của tôi. Hắn lớn tiếng nạt vợ. Chum vẫn nguyên đây gì. Có đi đằng nào mất. So chạy tìm đèn pin, mở nắp soi chum rượu. Ôi giời, giờ thì biết vì sao mẹ chồng không ở với anh trai cả mà cứ về đây rồi. Chum rượu mận này là để uống tết và biếu bố, giờ cạn nhe như thế này rồi. Hắn rối quá, tính mắng át vợ đi như mọi khi nhưng lại không nỡ. Vì đây là chum rượu quý. Rượu thì vẫn là rượu ngô nhà hắn tự cất thôi. Nhưng mận quý. Mận tím vùng này không hiếm. Dân ngâm rượu không hết còn cõng lên phố bán cho khách du lịch. Bán nhiều ấy. Tuy nhiên, cái loại mận mà nhà hắn đang ngâm rượu này là rượu tím Thạch San.

Cây mận mọc trên vườn đá Thạch San. Vườn đá Thạch San nằm trên nóc bản. Mỗi năm, cây mận chỉ cho chừng tạ hơn tạ quả, đường lên đó rất xa, hiểm trở. Dường như đã thành quy định, ai lên đó cũng chỉ hái đủ số mận ngâm rượu cho nhà mình thôi, còn để phần cho người khác lấy. Không hái bán. Ai mà phát hiện người Tủa Cồ lấy mận Thạch San đem bán thì sẽ báo trưởng bản. Kể cả người Nhù Cồ, muốn xin mận cũng phải hỏi trước khi đi lấy. Lần này, hồi tháng bảy, chính So đi lấy mận. Quả mận Thạch San nhỏ như ngón tay cái, hạt bé tí. Vỏ mận màu tím nhưng thịt mận đỏ như máu, có vị ngọt chát. Sau khi rửa sạch quả mận chưa chín, đem phơi héo rồi cho ngâm rượu sẽ cho ra một loài rượu có màu vô cùng đẹp và thơm ngon. Thường thì cứ ngâm ba lít rượu với một cân mận. Rượu ngâm mận tím thông thường và mận tím Thạch San rất khác nhau, nhìn mắt thường cũng thấy. Không biết mẹ hắn đã uống rượu từ khi nào? Hai chục lít rượu và bảy cân mận ngâm đây. Thề, đến việc mở ra, hít hà cái mùi thơm nao lòng của rượu mận hắn còn không dám. Thế mà mẹ hắn, cứ nhân lúc cả nhà đi vắng là uống thôi.

Ngô giống đâu rồi? So hỏi. Hắn buột miệng. Xay rồi. Nả xay ra rồi. Vợ hắn gào lên. Các người không thương tôi gì cả. Các người chỉ phá tôi thôi. Hắn trợn ngược mắt, giơ tay lên nhưng chợt kìm được. Không được đánh nó. Nhưng mà tức vì cái giọng điệu của nó, hắn túm lấy nắm tóc So mà dúi xuống thật lực. So giằng tay hắn ra và cáu, nói thật to. Nả, nả bảo con trai nả giết chết con đi. Câu này thì hắn không nhịn được, giơ tay tát vợ một cái khẽ thôi. So mở trừng mắt nhìn bàn tay Pao rồi đưa tay xoa lên má mình.

       Hắn là út trong nhà. Nhà rất đông anh em. Anh Sùng là cả, đã qua năm mươi rồi, đang làm phó chủ tịch xã. Hắn thứ bảy, cũng là út, năm nay ba nhăm. Mẹ hắn hợp hắn nhất. Hắn cũng thấy hợp mẹ. Hồi mới lấy vợ, suýt nữa hắn và vợ hắn bỏ nhau rồi đấy. Là do hắn hay bênh mẹ. Thú thật là hắn thương mẹ. Mẹ hắn khổ lắm. Tủa Cồ có nhiều đàn bà khổ. Nhưng khổ như mẹ hắn thì rất ít. Bố hắn mất khi hắn mới hai tuổi. Mất đúng ngày anh Sùng cưới vợ. Hắn nghe mẹ kể. Hôm ấy, bố đem súng ra bắn ba phát để báo cáo tổ tiên là nhà có thêm con dâu, có việc mừng. Hồi ấy nhà nước còn chưa thu hồi súng. Sau ba tiếng súng, có một người bà con đã say rượu chạy lại đòi mượn súng của bố hắn để bắn con chim đang hót trên cây tống quá sủ. Bố hắn không cho mượn. Người say kia cứ giật lấy. Trong lúc giằng giật, súng cướp cò, đạn đi vào ngực bố. Sau đó là những ngày mẹ rất khổ. Một mình nuôi đàn con ở cái vạt núi hiu quạnh này sao chả khổ. Sợ cái khổ của cảnh nhà đông con chất sang vai mình nên anh trai với chị dâu nằng nặc đòi ra ở riêng. Mà cất nhà ở hẳn bên Nhù Cồ. Cạnh nhà bố vợ anh cơ. Rồi đến anh thứ hai, rồi anh thứ ba, lần lượt, cứ lo xong cho anh nào là anh ấy đi ở riêng. Nợ nần cao như núi, mà các anh trai không ai giúp mẹ trả nợ. Chỉ mình hắn trầy lưng ra thu vén cùng nả. Hắn là đứa con trai lấy vợ muộn nhất Tủa Cồ. Ba mươi tuổi mới lấy vợ. Con hắn bây giờ, đứa lớn mới lên năm, đứa bé trong bụng mẹ. Trong khi anh cả đã có sáu đứa cháu cả nội lẫn ngoại. Là người ở gần nả suốt từ khi sinh ra đến giờ nên hắn không muốn mẹ đi đâu cả. Mà hình như, gần đây, liên tục mẹ hắn gây ra những chuyện tuy chẳng lớn, nhưng cũng đủ để hai vợ chồng hắn cãi vã. Khi thì mẹ bán đàn gà con, lúc thì con vịt. Rồi thì chai mật ong. Có khi nào tại hắn cứ bênh mẹ chằm chặp nên mẹ làm thế.

        So lén soi gương. Cô như nhìn thấy vết năm ngón tay chồng trên má mình. Từ ngày lấy Pao, So luôn bị cái bóng mẹ chồng lấn át. Hóa ra, Pao cần mẹ chứ không cần vợ, cần con.

        So tắm rửa sạch sẽ. So mang theo thằng con năm tuổi. Nhưng đến nhà hàng xóm sẽ gửi lại. So sẽ đi hẳn để Pao biết, cuộc sống này chả còn ý nghĩa gì nếu bị người mình thương yêu coi thường. So sẽ sinh con, nuôi con một mình. Mùi rượu mận rất thơm. Cứ vấn vít. So lấy cây đũa, cắm vào chum thì thấy rượu trong chum vẫn còn vài lít. Đã hứa là biếu bố mẹ rồi mà. So vội tìm cái chai, súc sạch, rồi chắt đầy một chai rượu mận, bỏ vào cở, khoác lên vai đi. Cu con ngỡ mẹ đi ra đầu bản mua gì nên vui vẻ ở chơi với trẻ và còn dặn mẹ mua quà.
        Nhà mẹ So với nhà Pao cùng bản. Mẹ So đang thái cây chuối cho vịt ăn. Nhà đúng hướng gió đông nên lạnh tê tái. Từ hôm tuyết tan đến giờ cũng hai chục ngày rồi mà vườn tược vẫn xác xơ. Cứ thế này, đến tết cũng không kịp rau mà ăn. Nhìn chai rượu mận đỏ tươi đẹp đẽ, mẹ So thích lắm. Bà chỉ khẽ mở nắp, ngửi một tí rồi nút lại bảo để dành đến tết. So buồn buồn nói mấy cái chuyện vu vơ rồi chào về. Bỗng nhiên mẹ So bảo, đợi ở đấy. Bà đi vào bếp, gỡ lấy năm thỏi thịt hun khói, cuộn lá ngô, để vào cở của cô. Còn chưa hết ngạc nhiên thì bà lại chạy lên nhà, đem ra ba tấm mía bảo đem về cho trẻ. So ngạc nhiên hỏi. Nếu chị dâu con biết thì sao? Mẹ So cười. Nó dặn mẹ mà. Nếu con về thì đưa cho con một ít thịt để biếu thông gia với em rể.

        Câu nói của mẹ đẻ khiến So nghĩ tới mẹ chồng. Có lẽ nào mẹ chồng cô lấy đồ của con dâu với con trai để chia cho con gái? Nhà So có một chị gái chết chồng nghèo khổ lắm. Nghĩ thế nên So quay về nhà.

       Đây là lần đầu tiên kể từ năm năm So về làm dâu, So ghé miệng vào tai mẹ chồng mà hỏi thật to. Vì mẹ chồng chỉ điếc thôi chứ có câm đâu. Mẹ cho chị May rượu à? Hỏi ba lần thì bà bảo không, không cho ai cả. Mẹ cất đi. Mẹ cho chị May ngô giống à? Bà cụ lại bảo mẹ cất đi. Hỏi gì bà cũng bảo mẹ cất đi. Thế mẹ cất ở đâu? So nói như thể gào lên thì bà cụ mới nghe rõ. Bà chỉ vào buồng của So. So ngạc nhiên lắm. Nhưng cả hai mẹ con vẫn vào buồng. Quần áo cũ này. Chăn cũ này. Các loại bao tải cũ này. Có gì đống đụn thì hai người đều lôi hết ra. Không thấy rượu đâu cả. Bà mẹ chồng đứng ngẩn ra một lúc. À, nả để trên gác bếp. Hai người lại ra bếp. Có gì trên gác bếp cũng lôi xuống hết. Vừng này, lạc giống này, thịt sấy này, thuốc ho này... Nhọ nhem hết cả. Trời thì rét mướt, tắm táp thế nào nữa. Vừa mới tắm lúc đi rồi. Đã tết đâu, ai đã bỏ buổi ra mà đun nước tắm suốt cho được. So đứng chống nạnh, mắt nhìn mẹ chồng thao láo. Nào, nả để ở đâu? Để rượu của con ở đâu? Để con tìm cho bõ ngày bõ buổi. Bà cụ dường rối trí, không nhớ được mình đã giấu rượu quý của con dâu vào đâu. Cứ đứng nghệt mặt ra. So vùng vằng. Uống hết thì cứ bảo là uống. Lại còn...

        Đúng lúc ấy thì Pao đầu bù tóc rối ở đâu chạy về. Trông thấy So hồng hào khỏe mạnh lành lặn đứng đó thì mừng quá. Thế mà Pao tưởng thần lá ngón đã đưa mẹ con nó đi rồi. Pao đã chết đi nửa quả tim rồi. Tuy nhiên, Pao cũng chả vội vàng thể hiện ngay cái sự ăn năn hối hận. Pao ngồi phệt xuống thềm nhà. Vẻ mặt như của người mất của. So nom thấy thế thì nén giận. Cái giận còn hằn năm dấu ngón tay trên má. Sao thế? So hỏi. Pao không trả lời ngay. So sốt ruột. Sao thế, mất trâu à? Pao im lặng. Giờ nói mất trâu thì ác quá. Nhỡ nó lăn đùng ra kêu gào thì sao, đứa con trong bụng chịu sao được? Cơ mà, trót đã làm ra vẻ rầu rĩ rồi. Pao đành liều, nói dối tiếp. Mất rồi? So vội vàng? Cái gì mất, ai mất? Pao ngửng đầu nhìn So, vẻ thê thiết. Mất ngô giống chứ mất gì. Tiếc quá! So lấy chân đá nhẹ vào mạng sườn Pao rồi hầm hầm đi vào, giọng đay nghiến bất mãn. Cho mất hết đi, khỏi phải trồng, khỏi phải ăn. Cho bắt hết gà vịt đi, khỏi phải nuôi. Thấy cái máy khâu, So nói tiếp. Cho khiêng cả máy đi, khỏi phải may vá, khỏi phải mặc quần áo. Thấy Pao vẫn im lặng So lại tiếp tục. Cho khiêng cả cái nhà này đi, khỏi phải ở... Đến lúc nỗi tiếc rượu mận nguôi ngoai thì So mới bắt đầu xếp nép lại căn buồng lung bung và cả cái gác bếp bừa bộn.

        Bà mẹ chồng ngồi như bó củi ngay cạnh cái bếp nguội ngắt. Cụ còn không dám cho củi vào bếp. Không dám mồi lửa lên mà sưởi dù trời lạnh buốt. Pao ngồi ngoài thềm một lúc thì rét run. Tưởng vợ dại dột bỏ đi tìm lá độc, Pao hốt hoảng đi tìm. Đến nhà mẹ vợ thì mẹ vợ bảo nó vừa đi khỏi. Pao bổ ra suối. Suối chỉ có đá đứng đá ngồi lăn lóc. Pao trèo lên nương. Nương mùa này, con chuột, con chim còn đói. Cái lều nương ẩm mốc co ro trong gió lạnh. Cỏ mác ngả màu vàng úa leo sát cửa lều. Pao hối hả chạy về nhà. Thế đấy.

       Pao hỏi trống không? Mí tu đâu? Ý là hỏi thằng con trai ý. So hất hàm chỉ sang nhà hàng xóm, nơi có đứa em họ Pao đang ở cữ nhận trông cho. Trước khi đi, So đã gửi con ở đó. Pao lật đật chạy đi đón con về. Vừa đi, Pao vừa ước. Giá nả là bó lanh...

Sáng hai chín tết. Nhà Pao mổ con lợn bé nhất đàn. Năm nay ăn tết bé thôi. Bánh cũng không gói nhiều nữa. Ai hỏi vì sao thì Pao không nói. Nhường lời cho vợ. Mà So thì nhấm nhẳn. Ăn nhiều cho nó béo quá à. Béo quá thì lú à. Rồi để đâu quên đấy à. Ăn mà bảo không à. Pao nghe mà tức tối trong lòng. Tuy nhiên, Pao vẫn nhóm cái bếp lửa to cạnh chỗ đun nấu hằng ngày. Nồi nước này mổ lợn. Mổ lợn xong thì tiện đun nồi khác để tắm. Cả nhà hôm nay sẽ tắm lá thơm để ăn tết.

       Mang tiếng mổ cả con lợn năm mươi cân, nhưng cuối cùng cũng chẳng còn bao nhiêu thịt xương. Vì Pao và So còn phải chia phần ra từng túi nhỏ biếu các anh chị em đôi bên nội ngoại. Nhà thì đông anh em. Gần tối thì mới hết việc. Làm cố đi. Để mai ba mươi tết chỉ uống rượu ăn thịt thôi. Cả những ngày tết nữa, chỉ chơi và vui say thôi.

        Nhập nhoạng tối, So cắp đèn pin vào nách, đi ra phía bể nước tài trợ. Gọi là bể nước tài trợ là vì nhà nước tài trợ cho dân bản tiền xi và gạch để xây bể chứa nước mưa có nắp đậy. Cạnh bể tài trợ là cái thùng tắm bằng gỗ thông. Vốn So cũng hứng nước mưa từ mùa hè chứa vào đấy cho đỡ nứt. Tắm thuốc lá thơm là phải tắm bằng thùng. Chỉ phụ nữ và trẻ con tắm thùng thôi. Sau khi nhấc cái nắp thùng tắm ra, soi đèn vào thì So không thấy nước mà thấy lổng chổng đồ đạc. So quờ tay xách lên một cái can năm lít nặng trịch. Can gì đây. Mở nắp ra ngửi. Ôi giàng ơi. Rượu mận của con. Quờ tay xuống tiếp. Lại một can năm lít. Can này vơi hơn. Trong thùng tắm còn có cả gạo nếp đã mủn ra. Những cuộn lanh đã mủn ra. Cả tấm áo khoác của con trai So nữa. Rượu không mủn được thì còn. Cuối cùng là túi ngô nếp giống. May quá, nó mới được giấu vào đây nên chưa hỏng. So đi vào bếp. Quát con mèo đang sưởi. Đi chỗ khác ngồi. Mẹ chồng So chắc nghe lọt tai câu ấy vội vàng chống gối đứng dậy. So vội ấn bà cụ xuống. Nả cứ ngồi mà sưởi. Củi ba cái tết sưởi không hết. Ngồi đấy rồi con pha nước cho mà tắm. Lên giường rồi ai gọi được. Bà cụ chả biết có nghe rõ không nhưng mà ngồi im. So ghé miệng vào tai cụ. Thấy rượu rồi. Ai bảo nả cất kỹ thế để rồi không nhớ. Bà cụ gật đầu như thể con dâu nói chuyện nhà ai, ở tận đâu đó và mình chả liên quan.

       So xách hai can rượu lên nhà, lau chùi sạch sẽ và tìm những cái chai nhỏ để chiết ra làm quà tết. Cho thịt thì phải có cả rượu chứ. Chai ông ngoại thì buộc chỉ đỏ. Chai anh Sùng thì chỉ vàng....

       Pao để ý thấy So rót gần đầy cốc rượu mận đem vào bếp. Lát sau So trở ra, tiếp tục kỳ cọ cái thùng nước tắm. Pao mặc thêm chiếc áo ấm. Phải đi biếu quà tết xong đã rồi mới quay về ăn cơm được. Cũng may mà cả bố vợ và nhà anh Sùng, các anh trai đều loanh quanh trong xã.

      Trước khi nổ máy phóng xe đi, Pao lưỡng lự gì đó rồi đi vào bếp. Mẹ Pao đang ngồi cách bếp lửa một khoảng vừa phải. Chứng tỏ người bà đang rất ấm. Trên lửa là nồi nước tắm lá thơm nức đang sôi. Một tay bà cầm cốc rượu chỉ còn non nửa. Một tay cầm miếng thịt luộc kỹ. Trông "bó lanh" của anh đầy vẻ sung sướng mãn nguyện. Rượu mận ngon mà. Thịt lợn của nhà nuôi được cũng ngon mà. Con dâu chỉ phải cái lắm điều thôi. Chứ trước khi đem rượu thịt ra khỏi nhà để biếu ai đó, bao giờ nó cũng cho mẹ chồng ăn trước, uống trước. Kể từ khi nó về nhà này làm dâu đến giờ nó vẫn thế. Có khi nào, chính vì điều ấy mà nả cứ đến nhà anh ở cũng chỉ ở được vài ngày là lại đòi về Tủa Cồ? Pao tủm tỉm cười khi nghĩ thế. 

Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020


Có thể bạn quan tâm