April 20, 2024, 1:14 am

Rượu bia, Luật và thế hệ tương lai

 

Theo số liệu của Bộ Y tế, năm 2017, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á sau Nhật Bản, Trung Quốc. Chi phí của người dân cho tiêu thụ chỉ riêng đối với bia là gần 4 tỷ USD. Cụ thể, người dân tiêu thụ khoảng 305 triệu lít rượu, tương đương 72 triệu lít cồn và gần 4,1 tỷ lít bia, tương đương với 161 triệu lít cồn. Hệ lụy của của tình trạng lạm dụng rượu bia đã dẫn đến hàng loạt những hậu quả nghiêm trọng trong đời sống xã hội, thể hiện ở các mặt an ninh, đạo đức, văn hóa; đặc biệt là tình trạng gia tăng các vụ tai nạn giao thông. Theo thống kê kê của Bộ Công an, chỉ riêng trong quý I năm 2019, toàn quốc đã xảy ra 4.030 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.905 người, bị thương 3.141 người (năm 2018, con số này là 8.248 người chết, và 14.802 người bị thương, cũng theo Bộ Công an); trong đó nguyên nhân tai nạn do lái xe sử dụng rượu bia chiếm trên 274 vụ. Cũng trong ba tháng đầu năm, cảnh sát giao thông trên toàn quốc xử lý 38.700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó có 814 người lái xe ô tô… Những con số trên cho thấy tình trạng lạm dụng rượu bia đang thực sự là một vấn nạn đã vượt quá ngưỡng báo động mà chúng ta đang phải đối mặt. Chính vì vậy mà việc cho ra đời một dự thảo luật Phòng, chống tác hại của rượu bia đang được đưa ra bàn thảo tại kỳ họp Quốc hội lần này có thể xem như một động thái tích cực của cơ quan lập pháp đối với một vấn đề đang được toàn thể xã hội quan tâm

Luật xuất pháp từ nhu cầu của cuộc sống, được ban hành để trở lại đi vào đời sống của xã hội. Đó là nguyên lý cơ bản của quá trình lập pháp. Xây dựng pháp luật phải mang tính khách quan, đảm bảo quyền lợi cho tất cả đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Đó là lẽ đương nhiên. Không thể nói tất cả 90 triệu người Việt Nam đều đồng tâm nhất trí, đều có chung một lợi ích từ cái danh hiệu không mấy vẻ vang “là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á”. Càng không thể nói con số gần 4 tỷ USD mà ngành kinh doanh bia thu về hàng năm là nguồn lợi của cả quốc gia. Chính vì thế mà trách nhiệm đặt trên vai các đại biểu quốc hội là hết sức nặng nề khi lựa chọn “đứng về bên nào” trong trường hợp buộc phải lựa chọn

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trình Quốc hội từ kỳ họp thứ 6, khi đó được đánh giá là toàn diện và cứng rắn hơn, bao gồm các chế tài rất mạnh, như điều 5 quy định cấm quảng cáo rượu, bia từ 15 độ trở lên dưới mọi hình thức; cấm ép buộc người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia, và cấm cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về tác dụng của rượu, bia đối với sức khoẻ... Điều 20 quy định các địa điểm không được bán rượu, bia bao gồm cơ sở y tế, giáo dục, nơi vui chơi, giải trí dành cho người dưới 18 tuổi; không được bán rượu, bia trên mạng internet và máy bán hàng tự động… Đến kỳ họp lần này, trước khi đưa ra thảo luận tại hội trường, có 3 điều trong dự thảo luật đã được tiến hành lấy ý kiến các đại biểu qua hệ thống điện tử, đó là các nội dung: cấm điều khiển phương tiện giao thông khi uống rượu bia; hạn chế thời gian bán rượu bia để tiêu dùng tại chỗ, và quy định về khung thời gian không được quảng cáo rượu bia trên báo nói, báo hình…

Sau khi tiếp nhận ý kiến đóng góp và tiếp thu, chỉnh sửa, dự luật trình Quốc hội ngày 23/5 đã bỏ quy định cấm bán rượu bia trên internet, chỉ giữ quy định về điều kiện bán rượu, bia theo hình thức thương mại điện tử; việc quảng cáo rượu, bia dưới 15 độ cồn trên truyền hình được chỉnh lý theo hướng không được quảng cáo trong khoảng thời gian từ 19h đến 20h hàng ngày... Đặc biệt quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông, gồn hai phương án là CẤM và GIỚI HẠN độ cồn, được đưa ra để đại biểu lựa chọn, đều không giành được sự ủng hộ của đa số. Như vậy nghĩa là cả hai phương án trên đều không được bổ sung vào dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu bia mà quốc hội đang bàn thảo và xã hội đang chờ đợi.

Không đưa vào dự thảo luật có nghĩa là sau này các tầng lớp nhân dân và tổ chức xã hội sẽ không còn cơ hội để có ý kiến khi dự thảo luật được đưa ra tham khảo theo quy định của Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Một cú “loại trực tiếp” ngoạn mục mà phần thắng xem ra đã được “cơ cấu” cho những người yêu thích cái danh hiệu “là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và thứ 3 châu Á”, bất chấp những trăn trở, bức xúc cùng những nỗ lực của cả cộng đồng, thể hiện qua các họa động cầu siêu cho những người mất vì tai nạn giao thông của Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, những ngày lễ tưởng niệm hàng năm cũng với nội dung trên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, hay gần đây là trên mạng xã hội với phong trào đầy lương tâm và trách nhiệm mang tên “Không lái xe khi đã uống rượu bia”… suốt bao lâu nay

Mặc dù pháp luật hiện hành đã có những quy định hết sức cụ thể đối với việc sử dụng rượu bia khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, xử phạt lái xe uống rượu, bia gây tai nạn, hay các trường hợp vi phạm khác khi lạm dụng rượu bia… Song theo Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thì “do mong muốn thu hút tất cả các nội dung đã quy định về việc sử dụng rượu, bia của người tham gia giao thông vào luật này; và do còn nhiều ý kiến khác nhau nên mới xin ý kiến đại biểu để có cơ sở tiếp thu”. Quan điểm và thái độ của Ban Soạn thảo cũng như của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vậy là đã rõ ràng. Những con số phần trăm, những kiến giải gây tranh cãi trong dư luận mấy ngày vừa qua nằm ở một bộ phận các đại biểu quốc hội, những người tham gia ấn nút bày tỏ quan điểm của mình (chứ chưa hẳn đã là quan điểm của những người mà mình đại diện). Ai cũng có ý kiến và từ những lý do riêng. Song, tôi đồng ý với ý kiến của đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Phú Yên, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh này, khi bà chia sẻ với báo chí về quan điểm của mình: “Ở Việt Nam, việc sử dụng rượu bia không kiểm soát sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của thế hệ tương lai. Chúng ta cần phải quản lý, điều chỉnh bằng pháp luật với các biện pháp có tính răn đe cao, không thể thấy khó mà không làm. Tôi nghĩ không nên chần chừ thêm nữa…”

Hiếm có một dự luật nào khi đưa ra quốc hội bỏ phiếu lại có một kết quả bất thường như vậy. Bất thường không chỉ ở chỗ tỷ lệ tán thành/ phản đối khá “ngang ngửa” với nhau và khá “ổn định” sau hơn một lần bỏ phiếu, mà vấn đề là nội dung của dự luật tưởng như đã quá rõ ràng, vậy mà vẫn có hơn 50% đại biểu quốc hội không ủng hộ. Điều đáng nghĩ, đáng buồn, đáng lo ngại là ở đó. Và rất có thể nguy cơ gặp phải tai nạn giao thông đối với mỗi cử tri mỗi sớm bước chân ra đường cũng là ở đó…

  Văn nghệ 


Có thể bạn quan tâm