April 26, 2024, 2:24 am

Rừng ma

 

Người làng Hâu Jống, tức Đầu Rừng vẫn thường nói với nhau rằng, mỗi một khu rừng có một con ma trú ngụ. Riêng khu Mường Tiên có hai con. Một con ngự trên lưng chừng núi.

Khi ông Lồng làm lều tại địa phận ruộng Rùa Là, chẳng hiểu sao hằng đêm có một con ma lấy đất ở đâu về ném đánh pét vào mặt, có khi còn ném đánh páp vào cả mặt những người đến ngủ làm bạn. Đất nhão ma ném mặt người không giống với đất khu ruộng này. Đêm nào cũng thế, hễ cơm nước xong, đến lúc nghỉ ngơi là con ma bắt đầu khuấy động xung quanh nhà ầm ầm mãi cho đến khi ông Lồng chịu rời lều đi, mới thôi. Chưa hết. Có lần, trời mùa đông giá rét, thằng Jua, thằng Jê và con Xáo đi tìm trâu ở trên núi. Đến rìa ruộng Rùa Là thì bỗng dưng ma ném đất tơi rào rào xuống lá cỏ lau nhưng chẳng thấy đất đâu. Con Xáo sợ tái mặt. Thằng Jê vốn vừa câm vừa điếc không nghe thấy gì, tuy nó cũng cảm nhận được ma đang dọa nhưng nó không sợ. Còn thằng Jua, ma quỷ chẳng là gì với nó. Nó biết rằng ma chỉ dọa đứa yếu bóng vía, chứ chẳng làm ai đau, chẳng cắn vào ai. Con ma cứ dẫn đường ba người đi một quãng, rồi nó cũng đành bỏ đi. Còn con ma thứ hai ngụ ở dốc Ba Tầng. Một lần thằng Jua đi câu cá suối, con ma làm cho một chỏm vầu lung lay rung động như là dung tay cầm lấy cây lắc mạnh. Jua lấy mấy hòn sỏi ném tới tấp vào đó, nó còn “cẩu cầu vồng” về phía đó nữa, thế là con ma đành bỏ cuộc. Một lần khác, thằng Páo dựng nhà tại khu rừng ấy. Thế là hằng đêm con ma khuấy đảo xung quanh nhà như bão táp, như lũ cuốn không cho người ngủ yên. Thằng Páo phải vội vàng chuyển đi chỗ khác.

Nhưng rồi làng Hâu Jống loan tin đồn: Xuất hiện một con ma, khác với những con ma chỉ nghe thấy tiếng, chứ không hề thấy hình hài. Con ma, con quỷ ấy là có thật. Thật một trăm phần trăm. Nó cũng ăn, cũng ngủ. Đôi khi còn cười, còn nói, còn hát, chỉ có điều tiếng nói của nó chỉ lầm bầm trong miệng, không thành từ, câu; tiếng hát của nó không theo điệu thức nào có sẵn trong dân gian. Thỉnh thoảng có người bảo nhìn thấy nó trên một khúc đường vắng. Thỉnh thoảng có người bảo nhìn thấy nó ngồi hóng gió mát và hát ư ử trên một tảng đá; Và có người khoe đã thấy nó ngủ trong một ổ lá chuối khô dưới một tảng đá. Còn anh Zà, bị ngố bẩm sinh nên người ta gọi là Zà Trua, theo tiếng Tây, nghĩa là người bị Down – Đao, mà trên thế gian này, hầu hết những người bị mắc chứng đao đều có khuôn mặt na ná giống nhau. Người ta còn nói người bị bạch tạng, bị đao là do nam nữ cận huyết thống ăn nằm với nhau. Không biết có phải vậy. Với Zà Trua, nếu ai đó trộ: “Mày bị nó tóm cái ấy à!” thì anh ta đỏ mặt tía tai, cười cười kể không chút giấu giếm: “Cháu từ Háng Gàng về, đang trên đường vắng, tự nhiên nó xuất hiện, tóm lấy cái ấy của cháu!”. Thảo nào bọn trẻ chăn trâu bảo cái của Zà Trua to lắm. Chắc là con ma đó cũng muốn thăm xem có đúng như lời đồn. “Thế sao mày không cho nó một phát cho nó sướng?”. Khuôn mặt Zà Trua thộn ra.

Con ma, con quỷ bằng xương bằng thịt ấy đã được người làng rừng Hâu Jống thêu dệt thành câu chuyện huyền thoại, rằng nó tên là Tồng, họ Thào. Hễ có thời cơ là anh Mảy hẹn nó đến một chỗ kín đáo nào đó ăn nằm với nhau. Anh Mảy, người khác tộc, chẳng biết quê quán ở đâu, tự dưng xuất hiện tại Làng Rừng. Ở với người Hmông một thời gian đã thông thạo tiếng Hmông hệt như người Hmông. Thế rồi Tồng có chửa, dù cô có cố ép bụng thì nó vẫn cứ lòi ra như cái sao chi vớt gạo luộc. Người Làng Rừng, phe “tích cực” thì nhất quyết tẩy chay cái chuyện tằng tịu vớ vẩn ấy, “muốn sống thành vợ chồng thì phải tổ chức cưới hỏi hẳn hoi, kẻo người làng khác chê cười. Xưa nay Làng Rừng chưa từng xảy ra chuyện xấu xa như thế”. Phe “tiêu cực” thì… “thôi, cứ để chúng nó yên thân!”. Dần dần, phe “tích cực” thắng thế. Người ta bắn tin đòi Tồng phải bị xé xác. Chuyện xưa từng kể có một cô gái thân thế thuộc hạng cao sang hẳn hoi nhưng vẫn có hoang thai, các bô lão buộc chân tay cô vào bốn con trâu mộng rồi nổ liền mấy phát súng, bốn con trâu chạy thục mạng đi bốn hướng, thế là…

Nghe thế, Tồng sợ lắm. Đến ngày sinh tháng đẻ, Tồng chui vào bụi, cố khuân nhiều hòn đá xếp thành một mô lùm lùm đè lên cho đến khi không còn nghe thấy tiếng khóc rên của đứa trẻ đỏ hỏn nữa … Đêm ấy nằm co ro cúm rúm dưới khe đá lót bằng lá chuối khô, Tồng mơ mình ăn nằm bạo liệt, hoan hỉ với chúa hổ rừng xanh. Không chỉ mơ một lần. Hào hứng quá. Không biết đứa bé là con anh Mảy, người thật, hay là con của chúa hổ trong mơ.

Gặp nhau, anh Mảy hỏi:

- Con đâu?

Tồng trả lời tưng hửng:

- Nó hỏng rồi!

Thực ra Tồng đã nghe đồn phong thanh, rằng anh Mảy đã có vợ con ở quê, miền xuôi xa lắm. Lời đồn đã thêm động lực để Tồng mạnh tay phi tang đứa con của mình.

Gia đình Tồng trước đó ở Mảng Dềnh, một vùng cằn khô trơ đất thó đến cây mền trầu, cây chó đẻ cũng không mọc nổi. Không có ruộng. Trồng nương ngô chỉ ra những bắp đầu gà đầu vịt. Bố mẹ Tồng tìm đến Làng Rừng. Nghèo đói quá, Tồng nhìn trước, ngó sau rồi thò tay vào cối nước của nhà ai đó, bỏ tỏm cả vốc gạo lẫn trấu vào miệng. Bị sặc, ngã vật ra. Lúc sau tỉnh lại, Tồng vội vã bốc mấy nắm cho vào túi. Chẳng may chủ nhà bắt được. Tiếng “con ma Tồng ăn trộm” lan truyền khắp các nhà Làng Rừng. Nhân cơ hội đứa con gái hư đốn vắng nhà, mà có mấy khi nó ở nhà, bố mẹ Tồng lặng lẽ bỏ làng đi. Mãi sau này Tồng mới nghe tiếng bố mẹ chạy sang mãi Mường Lự. Mường Lự là ở đâu? Chắc xa lắm. Đất trời thâm u lạnh ngắt, biết đâu mà tìm. Thôi, bố mẹ đã không cần mình, thì đành ở một mình vậy. Rừng là nhà. Hang hốc là giường. Củ quả rừng là thức ăn… Người lúc thì nặng chịch, lúc thì nhẹ tênh. Giữa rừng sâu, bất chợt, một đàn chim lấu zì chinh bay ào nháo nhác. Rồi một đàn khỉ đến chiếm chỗ. Lơ mơ con mắt nhìn, rất gần, chỉ cách vài sải tay, một con khỉ mẹ cõng khỉ con vàng độm nhỏ xíu bằng bắp ngô. Khỉ mẹ đột ngột ngồi lại cho khỉ con bú, mắt nhìn chằm chằm vào Tồng. Xa hơn, hai con khỉ đang... rung rung đầy khoái cảm mà những con chung quanh chẳng thèm đếm xỉa. Đột nhiên, một tiếng hét vang lên. Thoắt cái, đàn khỉ biến mất. Tồng sờ soạng mấy chiếc lá khỉ đánh rơi lả tả xuống cho vào miệng, người dần tỉnh táo ra... Và Tồng gặp anh Mảy…

Quả thật đất trời có mắt. Nỗi đau của Tồng tưởng chỉ mình Tồng biết. Thế nhưng dần dần câu chuyện truyền từ tai người này đến người kia. Và cũng dần dần hình hài con ma rừng loang rộng ra cả bên ngoài Làng Rừng. Việc ấy chỉ một mình mình làm. Có ai chung quanh đâu, chỉ đất đá, cây cối, gió ngàn, mây núi… “Tao căm thù tất cả chúng mày!”. Lòng tự nói với dạ như thế. Con người thật của Tồng cũng dần hóa thành ma. Và hễ ai mất cái gì đều đổ hết lên đầu con Tồng, con ma rừng.

Lâu lắm rồi Tồng không thấy Mảy.

Bẻ được mấy bắp ngô non trên nương của nhà ai đó mang về hang. Đang gặm ngô thì xuất hiện một cái bóng lừng lững trước mặt, Tồng thu người thế thủ chuẩn bị tấn công, như con mèo chuẩn bị tư thế vồ tóm con chuột.

- Anh Mảy đây mà! Anh tìm em suốt mấy ngày nay. Về với anh đi!

Lòng căm thù tất cả của Tồng chùng xuống. Vẫn thản nhiên gặm bắp ngô non tứa cả sữa ra mép, chốc chốc lại ngước lên nhìn Mảy để đề phòng bất trắc.

Người Làng Rừng chẳng ai cần thuê mướn nhân lực. Họ cứ sống hồn nhiên, không cần tăng năng suất, tăng diện tích, không cần giàu có. Ruộng nhà ai bấy lâu nay cấy bao nhiêu cân giống thì vụ tiếp vụ vẫn tiếp tục gieo bằng nấy cân giống. Ngô cũng thế. Đỗ tương cũng thế. Gừng cũng thế. Đao giềng cũng thế. Còn măng, nấm, đến vụ, muốn ăn, tự khắc lên rừng. Muốn xin một chân chăn trâu, cắt cỏ ngựa để kiếm miếng cơm cũng khó đối với Mảy. Được cái người ở đây không bao giờ hỏi anh từ đâu tới, tới để làm gì. Đến bữa, anh đang tá túc tại nhà ai, thì họ vẫn mời thật lòng, dù anh chẳng phải khách, chẳng phải kẻ ăn xin. Nếu anh giữ kẽ làm khách, chủ nhà sẽ kéo tay anh lên mâm. Bữa cơm nếu có rượu, anh cũng sẽ được rót như mọi người cho đến lúc say… Ở đây không thể có việc làm. Thế nên Mảy phải lê lết ra vùng ven phố thị. Vùng ven phố thị hầu như nhà nào cũng cần người làm thuê. Nào nương sắn, nào lấy củi, nào cắt cỏ cho trâu kéo xe, nào gánh nước, giặt chăn, chiếu, dọi mái nhà dột, sửa cái chuồng gà, chuồng lợn, tưới vườn rau… Đủ thứ việc, thậm chí có thiếu phụ chồng vừa bước ra cổng đã vời anh vào; có phụ nữ chồng đi vắng xa lâu ngày bắt anh đấm bóp giúp… Nhưng khác với Làng Rừng, ở đây dù làm gì cũng đều được trả công hậu hĩnh, không bằng tiền thì bằng tấm khăn, miếng vải hay bữa rượu có đồ nhắm tươm tất, thậm chí còn được ngậm tẩu hút pập pập. Có chút vốn liếng, Mảy nhớ tới Tồng. Phàm là con người, dù bất cứ ai cũng nghĩ tới một gia đình. Đó là bản năng làm người.

- Thì đi!

Nhẹ nhàng thế thôi, cần gì phải suy tính. Xưa nay Tồng có bao giờ suy tính, nghĩ ngợi gì đâu. Sống theo bản năng đến độ thành ma rồi.

Ra khỏi Làng Rừng, Mảy đưa cho Tồng bộ quần áo tuy đã cũ nhưng còn hơn chán bộ giẻ đang mặc, bảo thay.

- Thay làm gì? Cởi ra bây giờ á?

- Thay bộ mới này vào!

Tồng nhanh tay làm theo, chẳng cần biết sao lại phải thay.

Mảy dẫn Tồng đi hai ngày đường tới ven phố thị, nơi anh vẫn hằng ngày làm thuê làm mướn. Nhưng để chuẩn bị cho một gia đình, Mảy đã dựng một túp lều trong khe tối um tùm cây cối, tre mai. Người ven phố thị thường nhiễm đủ thứ tật xấu, nào đánh tú, đánh bài ăn tiền, chỉ vài hào, vài đồng cũng thức thâu đêm để sát phạt nhau cho đến ban ngày thì ngủ khì; nào rượu chè, hút xách bê tha; tò mò tọc mạch vào chuyện nhà bên; nào trộm cắp vặt từ quả trứng trên ổ đến chiếc quần si-líp; nào những câu nói tục tằn, thô lỗ; nào cãi chửi nhau, chém giết nhau. Ấy thế nhưng hình như sự có mặt của đôi vợ chồng Mảy Tồng thuộc ngoại lệ. Mảy gặp ai cũng cười cười. Ai sai bảo, thuê mướn gì cũng nhận làm cật lực và cười cười. Được mời rượu là uống cho kỳ say rồi cười cười. Được hút lại càng cười cười. Còn cô vợ, trông bộ dạng như một con ma, con quỷ nên tốt nhất đừng dây vào. Con mụ phốp pháp, trắng trẻo chừng bốn mươi, bốn lăm tuổi thường sai Mảy đấm bóp đến tìm Mảy, vừa hé cửa ngó vào, thấy một con quỷ loe miệng cười méo như miệng cá trê chết, liền giật lùi rồi bỏ chạy thục mạng. Từ đó, người ven phố thị không một ai giao du với con ma, con quỷ do Mảy rước đến. Thỉnh thoảng con ma, con quỷ đó cũng đi ra ngoài, nhưng tuyệt nhiên không ai mời chào. Mụ, con ma, con quỷ vẫn sống biệt lập.

Đôi vợ chồng ma quỷ ấy chẳng bao lâu đã sinh được một lũ con, hình như năm đứa thì phải. Con mụ chẳng làm gì cả. Không mảnh vườn. Không con gà, con lợn, con chó. Đồ ăn hằng ngày chỉ chờ thằng chồng mang về. Thậm chí có ngày thằng chồng để sẵn gạo rau nó cũng chẳng buồn nấu. Tồng đã từng nuôi con gà đấy. Thế mà nó nhồi vào tẩu hết. Một con chó con sủa căng căng cho vui tai, cũng bị nhồi vào tẩu hoặc nhét vào chai.

- Đồ ma quỷ, tao không chịu nổi nữa rồi, tao sẽ giết mày!

Lão Mảy gầm lên.

- Hì hí. Giết đi!

Mụ trâng tráo đưa ngay con dao đặt trước mặt chồng.

Lão Mảy cũng khéo thu xếp cho đứa đi ở đợ, đứa đi làm thuê khi chúng đã đủ sức. Có đứa nếu không được chủ cho ăn thì chạy về vục vào nồi ngô mảnh nấu nhão. Có đứa được ăn rồi thì lăn ra hiên nhà chủ ngủ luôn không khác gì chó, lợn thả rông.

Hôm ấy, trời ngả chiều. Lão Mảy lòng dạ đang ca hát vì được uống, được hút say, ngất ngưởng bước về lều. Mụ vợ đứng lồ lộ phía cánh cửa đón chồng. Đột nhiên một tiếng “cấc” lạnh tanh. Lão Mảy ú ớ:

- Ớ, mày đánh tao á?

Nói chưa gọn câu, lão ngã vật xuống bậu cửa, giẫy giẫy vài cái rồi lịm đi. Đứa con thứ tư, ở truồng, người lấm lem từ đầu xuống chân chạy vọt ra ngoài hô hét. Vài người hàng xóm thấy lạ, chạy đến.

Lão Mảy đã chết không phương cứu chữa.

Con ma, con quỷ ấy vẫn ngồi điềm nhiên như không có việc gì xảy ra. Vài người trung tuổi, cao niên từ trên sườn núi lục tục đến. Bà người phốp pháp vẫn thường được lão Mảy bóp chân xoa đùi cũng mang theo con gà nhép đến. Con gà bị bóp chết để đưa đường dẫn lối cho lão. Những người đàn ông, người góp tấm ván, người góp tấm vỏ chăn rách, người góp manh quần, chiếc áo, tấm khăn. Khâm liệm qua loa, họ tiến hành làm lễ Răn đường. Thầy mủ từ trên núi xuống tay cầm quẻ âm dương ngồi ngay bên cạnh cái thây ma, bắt đầu ê a bài ca tiễn đưa người quá cố xấu số về với tiên tổ. Nhưng trong số ba mươi bảy khúc, thầy chỉ độc thoại có năm: Khúc mở đầu Chết thật hay chết giả, khúc Lấy nước rửa mặt, khúc Con gà ma dẫn lối, khúc Đầu thai thành con ve con bướm, và khúc Người chết đừng theo mủ về. Rồi họ đưa lão Mảy ra sườn núi vắng. Bà người phốp pháp sụt sịt nhớ lúc sướng rơn. Chị Chèo bẻo thường thuê lão Mảy gánh nước cũng chắt ra vài giọt nước mắt khê khú. Chỉ những đứa con, đúng hơn là ba đứa lớn nhao vào lăn lộn trên mô đất mới. Năm đứa mà không rõ đứa nào của Mảy, đứa nào của lão lò rèn, đứa nào của ông xe trâu.

Anh lớn, bắp tay bắp chân đã săn lại tiếp nghề cha đấm bóp cho con mẹ phốp pháp. Người ta biết cả đấy nhưng đều làm ngơ. Chị thứ hai, ngực đã nhu nhú đi ở, rồi thành vợ bé của lão Lò rèn. Cô ba không rõ bỏ nhà đi đâu, chẳng ai tìm, chẳng ai biết. Cô bé tư, vốn quen ở truồng được chị Chèo Bẻo đưa về để sai khiến. Đứa út, khi cha nó chết còn đang tập bò. Ven phố thị khác với Làng Rừng, đố mà xin xỏ, nên nhịn mãi rồi đầu gối cũng phải bò đi. Tồng tha đứa con trai út về Làng Rừng ngủ vật vạ ngoài hiên nhà người ta. Thế nhưng mụ không bị đói. Đến bữa, thể nào chủ nhà cũng xới cho một âu gỗ to. Thằng bé được cái ăn khỏe, ba tuổi, mỗi bữa lùa hết bốn bát cơm ngô lèn chặt vào miệng, nên người nó cũng chắc lẳn như con dúi bạc, chỉ phải cái ba tuổi mà vẫn chưa biết nói sõi, vì mẹ nó có nói bao giờ.

Đêm, tiếng sấm ầm ì xé toác bầu trời. Mưa trút xuống. Ở ngoài hiên, những con lợn con nằm ngoài cố rúc vào giữa để tìm hơi ấm nên lúc lúc chúng lại kêu ré lên. Một bên hiên, vốn bản năng làm mẹ, mụ Tồng xoay con vào trong, còn mình thì xoay lưng ra ngoài để che chắn cho con. Trời mưa sấm càng lúc càng to. Ngủ không yên, bà chủ châm ngọn đèn thắp dầu thông mở cửa ra xem. Đàn lợn nằm một bên, mẹ con con ma nằm một bên. Một luồng chớp xé ngoằng rạch nát bầu trời đêm.

- Vào nhà đi!

Tồng lúc cúc ôm con vào nhà. Bà ném cho bó rơm lúa xuống cạnh bếp sưởi. Chừng như nó ngần ngại. Bà trải bó rơm ra, còn ném thêm cho tấm váy đụp. Đột nhiên, con ma, con quỷ mở miệng:

- Con lạy mẹ. Con lạy mẹ!

Tồng không ngờ mình nói được câu đó.

Từ đó, Tồng tá túc luôn tại nhà ông bà Vảng.

Mỗi buổi sớm gà gáy canh ba, bà Vảng đã khẽ khàng dậy nhóm bếp, nhóm lò nấu cơm, luộc rau. Trời tơ mơ, nhà đã ăn xong bữa. Khi Tồng mở mắt thì nhà đã vắng tanh.

Hôm ấy bà Vảng đi dặm chàm ngoài vườn nên về sớm. Tồng ngồi bậu cửa nách, tay ôm con, nước mắt tuôn trào khôn nguôi.

- Này, cháu đừng dại mà đi nếm lá ngón nhá. Ra ngoài trời đi. Đến với mọi người đi! À mà thằng Zà Trua vẫn ở một mình đấy. Đến mà giúp nó nhóm cái bếp!

- Con khổ lắm, mẹ ơi! – Tồng thổn thức. – Giá mà hồi ấy còn trẻ, nó đón mình...  – Trí não Tồng cựa quậy khi bà nhắc đến anh Zà ngố.

Sau vài ngày mưa sấm sầm sùi, trời lại hửng nắng.

- Mưa thế này trên rừng nhiều nấm lắm rồi, mẹ ạ!

Bà Vảng khoác chiếc cở lên lưng.

- Nhưng hôm nay không tốt ngày, không được vào rừng sâu. Bảo rồi mà cái Chảo chẳng chịu nghe. Bà đang nóng lòng đây!

- Mẹ nom cháu hộ con! Chắc là Chảo lên Rừng Ma, hả mẹ!

Chưa dứt lời, Tồng đã vọt ra ngoài cùng với cái cở.

*

Quả là nhiều nấm thật. Nấm hương, nấm trắng, nấm gỗ, nấm nâu, nấm tai mèo, nấm tai chuột, nấm tai voi, nấm đất, mộc nhĩ xòe to như bàn tay... Đã được lưng cở nhưng trên thân cây mục nằm vắt ngang một đám cỏ rậm nhiều quá. Nấm tỏa mùi hương tức là sắp tàn. Dưới mặt cánh quạt, sâu, bọ, bướm, cánh cam thi nhau gặm từng mảng. Chảo với tay ra. Với nữa. Với nữa. Xoạt! Thoắt cái Chảo bổ nhào xuống hố trời tối như bưng. Tỉnh lại, biết mình không rơi tới đáy vì dây dợ chằng chịt níu lại. Ngước lên, chỉ thấy vài tia sáng nhảy nhót phía tít trên cao. Đừng giãy. Càng giãy, càng rơi.

- Có ai không ?

Chảo gào to. Im ắng.

- Có ai không? Cứu với!...

Chảo cứ thế gào hét cho đến lúc khản cổ lịm đi.

Trong bóng tối, một cái gì đó động đậy. Chảo sờ soạng. Ồ, có dây! Một cái thang bằng dây hẳn hoi! Vị cứu tinh nào đây? Chảo lần mò trèo lên.

- Úi giời, chị…

- Lần sau đi rừng, phải rủ tôi với nhá!

Chảo bật khóc.

- Không có chị thì… Nấm của em mất hết rồi!...

- Đầy một cở đây này. Mai ta lại lên hái, Chảo ạ!

Đã hoàn hồn. Trên đường về, Chảo tò mò:

- Chị ơi, thế anh Mảy ?...

- À ừ... khu rừng này mình thuộc làu, Chảo à. Tuổi trẻ luôn luôn sai lầm... Chảo có nghe người Làng Rừng gọi khu rừng này là Rừng Ma không? Mảy? Nói làm gì. Anh ta là con ma thuốc phiện và ma rượu thôi!

Nguồn Văn nghệ số 16/2019


Có thể bạn quan tâm