April 25, 2024, 8:59 pm

Rộng cửa ra biển lớn

Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch đã chính thức ban hành Quyết định số 4345/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia “Nghệ thuật sơn mài Việt Nam” giai đoạn 2020-2030. Điểm quan trọng nhất của đề án là Kế hoạch xây dựng thương hiệu Nghệ thuật sơn mài Việt Nam, chỉ rõ các nội dung cụ thể cần triển khai, đó là: Tuyên truyền, nâng cao nhận thức; Hoàn thiện cơ chế, chính sách; Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ; Thu hút và hỗ trợ đầu tư; Phát triển thị trường; Mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế. Quyết định này được cho là sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của Nghệ thuật Sơn mài Việt Nam, văn hoá, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đồng thời, chấn hưng và khẳng định giá trị của Sơn mài Việt Nam trên con đường hội nhập, vươn ra biển lớn.

ĐIỂM NHẤN TRONG DÒNG CHẢY NGHỆ THUẬT TẠO HÌNH

Sơn mài xuất hiện lần đầu tiên trên thế giới cách đây hơn 4000 năm, nhiều cổ vật được tìm thấy tại các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, Miến Điện… Tại Việt Nam, theo sử sách còn lưu lại, vào thời Đinh (930-950) trước công nguyên, người dân Việt đã biết sử dụng mủ cây sơn để trét thuyền. Trải qua các triều đại Lê, Lý, Trần, nhiều cổ vật, pho tượng gỗ hay đất đã được người dân sơn son thếp vàng. Nhưng đến đời vua Lê Nhân Tông, nghệ thuật sơn mài mới thực sự phát triển gắn với công trạng của Trần Thượng Công, khi ông cho lập phường thợ sơn mài, gồm những thợ giỏi nhất cả nước đưa vào nội trí nội thất trong cung điện. Hiện nay Huế được xem là nơi mà những vết tích và tác phẩm sơn mài còn được bảo lưu một cách quy mô và đầy đủ nhất. Trải qua thăng trầm của lịch sử, nghề sơn mài cũng đã mai một dần, hiện chỉ còn lại làng nghề sơn mài Đình Bảng (Tiên Sơn - Bắc Ninh), làng nghề sơn mài Tương Bình nay là phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, và làng nghề sơn mài Hạ Thái..., thành phố Hà Nội còn duy trì hoạt động. Đây hầu hết là những làng nghề tồn tại theo mô hình cha truyền con nối và dựa vào thị trường để phát triển.

Song song với hoạt động của các làng nghề truyền thống, nghệ thuật sơn mài cũng được các cơ sở giáo dục nghệ thuật chú trọng và được rất nhiều thế hệ các họa sỹ Việt Nam chọn để khởi đầu đam mê và theo đuổi con đường nghệ thuật của mình, cho dù sơn mài được cho là lĩnh vực có nhiều rủi ro và thử thách lòng kiên nhẫn của người theo đuổi. Theo nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, Kỹ thuật sơn mài hiện nay đã được mở rộng rất nhiều so với thời điểm năm 1930 của các họa sỹ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, và pha trộn các kỹ thuật sơn ta trong vùng Đông Á, nhất là rất nhiều chất liệu mầu sắc hiện nay phải mua của Nhật Bản. Những nghệ nhân chế sơn giỏi cũng đã ra đi, cây sơn ta do khai thác nhiều, ngày càng kém chất lượng. Nhiều họa sỹ vẽ sơn mài đã biến nó trở thành chất liệu tổng hợp, không thuần túy. Chính vì vậy, nhìn rộng ra đời sống mỹ thuật đương đại, những đóng góp của dòng tranh sơn mài hiện nay không  nhiều. Và nếu đem so sánh với những tác giả, tác phẩm nổi tiếng, như Tấm bình phong Dọc mùngVườn xuân Trung Nam Bắc của họa sỹ Nguyễn Gia Trí; Xuân Hồ Gươm, Ngựa Gióng của Nguyễn Tư Nghiêm; Mùa đông sắp đến của Trần Văn Cẩn, Nhớ chiều Tây Bắc của Phan Kế An; Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng… thì vẫn còn những khoảng cách khá lớn.

ĐƯỜNG RA “BIỂN LỚN”

Quyết định số 4345 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được xem như một đường biên để nghệ thuật sơn mài có thể cất cánh và đóng góp nhiều hơn cho việc phát triển thị trường văn hoá, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, quảng bá đất nước, con người Việt Nam với bạn bè quốc tế qua các hoạt động giao lưu nghệ thuật, trao đổi tác phẩm, sản phẩm văn hoá. Lý thuyết là vậy, còn thực tế, nghệ thuật sơn mài không chỉ nhờ một quyết định là có thể bứt phá. Chưa bàn đến những cơ sở giáo dục và những nỗ lực phục hồi nghệ thuật sơn mài của các họa sỹ đương đại, chỉ nhìn vào các làng nghề truyền thống còn lại hiện nay đã thấy không ít bất cập. Ghi nhận tại làng nghề sơn mài Hạ Thái (thành phố Hà Nội), những nghệ nhân gắn bó với tranh sơn mài truyền thống hiện còn rất ít, chưa đến 10 hộ, số còn lại làm đồ thủ công mỹ nghệ theo mẫu mã có sẵn để bán ra thị trường, nên giá thành hạ. Theo các nghệ nhân trong làng, để có một bức tranh sơn mài theo lối truyền thống, người thợ làm tranh phải mất từ 3-4 tháng mới có thể hoàn thiện được tác phẩm. Sau khi hoàn thiện, tác phẩm có giá từ 30-40 triệu đồng, và phải là người yêu tranh, yêu nghệ thuật sơn mài mới có thể bỏ một khoản tiền lớn để sở hữu. Thế nên, để giữ nghề, nhiều nghệ nhân chấp nhận làm tranh mỹ nghệ, tuy chất lượng tranh không cao, nhưng đổi lại rất hợp với thị hiếu người tiêu dùng và làng nghề có thu nhập để duy trì hoạt động.

Hiện làng Hạ Thái đã quy hoạch khu sản xuất riêng kết hợp với du lịch làng nghề để tạo động lực cho phát triển. Điều này cũng phù hợp với chủ trương khôi phục lại các làng nghề truyền thống trên cả nước của Chính phủ trên con đường hiện đại hóa và giàu hóa nông thôn. Từ đó góp khẳng định những giá trị truyền thống của các làng nghề, trong đó sơn mài Việt Nam được xem là điểm khởi đầu của hội họa đương đại.

Sẽ còn rất nhiều việc phải làm để có thể hiện thực hóa Đề án phát triển nghệ thuật sơn mài Việt Nam giai đoạn 2020-2030, nhưng có lẽ, việc cần làm ngay lúc này chính là khuyến khích các cơ sở giáo dục, đào tạo nghệ thuật mở những chuyên ngành đào tạo chuyên sâu về dòng tranh sơn mài. Bên cạnh đó khuyến khích các làng nghề, doanh nghiệp, nghệ sỹ, nghệ nhân chế tác, sáng tác các sản phẩm, tác phẩm sơn mài trở thành những sản phẩm hàng hóa tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. Và nếu thực hiện thành công, đề án cũng góp phần làm sống lại vùng trồng cây sơn ở Phú Thọ và các vùng, làng nghề làm nguyên vật liệu để chế tác sơn mài trên cả nước. Điều này cũng góp phần khẳng định giá trị lâu bền của sơn ta, không để sơn Nhật hay sơn công nghiệp đánh lừa thị hiếu người tiêu dùng. Làm mất giá trị của nghệ thuật sơn mài truyền thống.

Và cuối cùng, với một đời sống sáng tạo nghệ thuật không giới hạn và luôn rộng mở, sơn mài vẫn còn có nhiều bí ẩn kỳ diệu và đang chứng tỏ khả năng vô tận trong biểu đạt, vì vậy, nên khuyến khích các nghệ sỹ tìm tòi, cách tân để đáp ứng nhu cầu nội tại của nghệ thuật đương đại Việt Nam nói chung và nghệ thuật sơn mài nói riêng…

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm