March 28, 2024, 4:50 pm

Rồi sẽ đến lúc thương trường đỡ lấm “cát bụi”?

Tác giả bộ tiểu thuyết Cát bụi thương trường dày trên ngàn trang là một cây bút… trẻ (mặc dù ông sinh năm 1941, vị chi đã 77 tuổi!), vì ông mới nhập làng văn từ năm 2008 với tiểu thuyết Dòng chảy quan họ. Điều đặc biệt nữa, Nguyễn Thiện Luân trước khi cầm bút, không chỉ là một nhà khoa học (tiến sĩ sinh hóa) mà còn giữ nhiều chức vụ từ cơ sở đến Trung ương (Nguyễn Thiện Luân trước khi nghỉ hưu là Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và thậm chí đã chịu không ít tai tiếng vì chuyện làm ăn “tiêu cực” của thuộc cấp. Có điều chính nhờ cuộc đời từng trải và thăng trầm như thế, chỉ 10 năm sau khi về hưu ông đã cho ra đời mấy chục cuốn tiểu thuyết - “ngay cả với những nhà văn chuyên nghiệp cũng phải “ngả mũ” trước số lượng sách đồ sộ của ông”. (Phỏng vấn của Báo An ninh thế giới với Nguyễn Thiện Luân cuối năm 2013). Ở đây, có thể nói ngay rằng: với lớp tác giả như Nguyễn Thiện Luân, bạn đọc không kỳ vọng ở ông sự đổi mới về nghệ thuật, văn chương cũng không thật hay do khối lượng trang viết quá lớn trong thời gian có hạn. Bù lại, hiện thực được miêu tả trong tác phẩm là hết sức phong phú.

Cát bụi thương trường là bộ tiểu thuyết mới nhất của Nguyễn Thiện Luân. Cốt chuyện xoay quanh quá trình thành bại của cô Ngọc, từ một Phó giám đốc thời bao cấp trở thành sếp Tập đoàn Hồng Ngọc lừng lẫy sau khi đất nước Đổi Mới - một doanh nhân thành đạt thuộc loại “vua biết mặt, chúa biết tên”. Có thể nói Ngọc và Tập đoàn Hồng Ngọc đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, táo bạo và cả liều lĩnh đi đầu trong mọi lĩnh vực thời “mở cửa” - từ việc biến các cửa hàng quốc doanh ế ẩm ở khu đất “vàng” nội thị, thành địa điểm kinh doanh mới, đến thành lập Ngân hàng tư nhân đầu tiên; từ việc đầu tư xây dựng khu đô thị mới lớn nhất Thủ đô, đến đầu tư xây Bệnh viện Quốc tế, rồi mở trường đại học, vay vốn Nhà nước thu mua cà phê lúc giá thấp…

Công bằng mà nói, Ngọc và hàng ngàn cán bộ nhân viên Tập đoàn Hồng Ngọc cũng như các đơn vị doanh nghiệp tư nhân xây dựng được “thương hiệu” trong mấy chục năm qua, đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo đất nước, tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Chỉ tiếc là Ngọc và Tập đoàn Hồng Ngọc, trong bối cảnh thời kỳ đầu của kinh tế thị trường (mà các học giả phương Tây gọi là “capitalisme sauvage”, tức “chủ nghĩa tư bản man rợ”), đã phải trả giá quá đắt để giành được các dự án béo bở; nói cách khác, để doanh nghiệp phát triển, có lợi nhuận cao, họ đã làm với “bất cứ giá nào”, kể cả hy sinh danh dự, coi việc “bán mình” cho các “sếp” là việc đương nhiên! Có người còn nêu phương châm “lấy lỗ làm lãi” (tức là kiếm lời nhờ “sex”) của Thái Lan để họ noi gương! Bước “sa ngã” đầu tiên của Ngọc là trong một dịp đi “công tác” với giám đốc Loan, cô đã hiến mình cho ông để ông phải giữ lời hứa tiến cử cô làm giám đốc khi ông về hưu. Từ đó, mỗi lúc có dự án mới hay gặp “sự cố” cần phải tháo gỡ, cô lại tìm đến “sếp” cấp cao, với cái “giá” ít nhất là “phong bì” hàng ngàn đô la. Hơn thế, cô còn mở “Trung tâm giải trí” tuyển chọn những cô gái giỏi và đẹp để đào tạo thành những đệ tử biết cách “lấy lỗ làm lãi”. Chưa hết, cô còn đưa cả Thanh - cô con gái cưng xinh đẹp, tốt nghiệp từ Mỹ đến “làm thân” với “sếp lớn” Vinh Quang; do ông Vinh Quang đã góa vợ, bà còn muốn Thanh trở thành vợ kế của ông để hưởng quyền sử dụng mấy trăm triệu đô la mà ông gửi ở ngân hàng Thụy Sĩ. Thanh trở thành một giám đốc năng nổ của Tập đoàn Hồng Ngọc, làm ăn táo bạo không thua gì mẹ, nhưng chưa thuận làm vợ ông Vinh Quang vì lúc du học, cô đã kết hôn với một triệu phú ở Mỹ, đang hy vọng sẽ được thừa kế tài sản của ông...

Nhưng ở thời kỳ “tư bản man rợ”, thương trường còn lấm đầy “cát bụi”, “cái gì cũng có thể và cái gì cũng không thể, chỉ cần một cái lệnh của cấp trên thì đen cũng thành trắng, trắng cũng thành đen” (T. 396, Tập 2); mà cuộc đời thì thăng trầm cũng là lẽ thường, “sông có khúc, người có lúc”, Tập đoàn Hồng Ngọc thì còn bị một số kẻ “ghen ăn tức ở”, lừa lọc, nên liên tục gặp “sự cố” - hết tai nạn chết người vì thang máy mất điện, đến sập chung cư đang xây, bệnh nhân chết vì dùng thuốc “xách tay” dổm mà bác sĩ mang vào bán, ngân hàng thì hết vốn… Đó cũng là lúc Thanh được tin ngài triệu phú Mỹ bị tai nạn nằm liệt, cô bay sang chăm sóc chờ ngày ông qua đời để được hưởng thừa kế; nhưng không ngờ, khi ông mất, luật sư công bố di chúc thì ông đã quyết định tặng 80% cho quỹ từ thiện và ông lại có 2 con riêng, nên phần cô chỉ được 80 triệu đô la. Với Tập đoàn Hồng Ngọc con số đó không là gì hết - chỉ với dự án khu đô thị “Minh Bạch”, “với tổng đầu tư lên tới hàng ngàn ngàn tỷ đồng thì đầu tư bôi trơn ban đầu có ít cũng phải chỉ đến cả ngàn tỷ đồng…” (T.326, Tập I)

Với kiểu “chi tiêu” như thế, đến lúc một “đệ tử ruột” của Ngọc là Huệ chiếm vị trí là người thân thiết hơn với “sếp lớn” Vinh Quang, rồi gả con gái xinh như hoa hậu cho ông, lập ra ngân hàng riêng với uy thế ông Vinh Quang “chống lưng” thì Ngọc đành bỏ cuộc. Bà nghĩ đến chuyện “quả báo”, lo làm từ thiện thì đã muộn… Cả Thanh, trước cái chết của mẹ, với sự thất vọng ê chề khi biết phần thừa kế ít ỏi từ triệu phú Mỹ không thể cứu Ngân hàng Hồng Ngọc phá sản, chỗ dựa là “sếp” lớn Vinh Quang đã bị Lan chiếm mất, cô cũng buông thả, tìm cách “giải thoát” là ngủ cả với lái xe của mình, nhưng rồi cũng thành con bệnh tâm thần…

Về nghệ thuật xây dựng nhân vật, có lẽ cũng nên ghi nhận với một thế giới chen chúc những con người vật vã kiếm sống và làm giàu, đầy ắp sự kiện và con số, Cát bụi thương trường đã có được một số nhân vật “có da có thịt” nhờ cách nhìn “khách quan” của tác giả. Ông miêu tả chứ không cao giọng lên án hay mỉa mai. Các “sếp” nhận “phong bì” một cách… thoải mái, cũng như “vui vẻ” ưu ái với các doanh nhân là mỹ nhân, nhưng đồng thời lại là người luôn ủng hộ cái mới, mong muốn cho đất nước phát triển. Ngọc cũng vậy, nếu bình phẩm theo tiêu chí đạo đức thông thường, cô đáng bị phê phán nặng nề (ví như cô đi công tác, luôn “mượn” cậu lái xe trai tráng để xả các nỗi buồn phiền, căng thẳng, mặc kệ ông chồng ở nhà ngủ với “ô-sin”…) nhưng cô đã mất ăn mất ngủ vì công việc kinh doanh, đã hy sinh tất cả - cả hạnh phúc và thanh danh gia đình - để xây dựng nên một tập đoàn lớn mạnh…

Giữa thương trưởng lầm “cát bụi” đó cũng có “điểm sáng”. Đó là Mỹ, một phó giám đốc có năng lực của Ngọc, nhưng khi Ngọc yêu cầu Mỹ thay cô “tiếp cận” với “sếp lớn” bằng “bất cứ giá nào” thì Mỹ nhất định xin bỏ việc… Tiếc là tác giả không miêu tả chặng đường tiếp theo của Mỹ. Cũng có thể là lúc đó, một con đường làm ăn chân chính chưa có “đất” để sống!

Để tránh sự suy diễn gây phiền toái, tác giả đã viết đầu cuốn sách: “Tất cả nhân vật và tình tiết trong truyện đều là hư cấu, mọi sự trùng lặp nếu có đều là ngẫu nhiên”. Tuy vậy, đọc tác phẩm, chúng ta bỗng nhớ lại những vụ án về kinh tế đã bị xét xử trong mấy chục năm qua và cả những vụ án lớn vừa xét xử, có thể đó là “nguyên mẫu” để tác giả dựng nên Cát bụi thương trường. Mặt khác, với một cây bút từng giữ chức Thứ trưởng như Nguyễn Thiện Luân, ông có điều kiện chứng kiến không ít những thủ đoạn gian dối, móc ngoặc ở “hậu trường”. Do vậy, dù là “hư cấu”, sự thật được phơi bày trong Cát bụi thương trường đã thể hiện rõ mọi cung bậc phi nhân của thời kỳ “chủ nghĩa tư bản man rợ” mà không ít nước ở giai đoạn mới phát triển khó tránh khỏi.

Chúng ta hy vọng là với những biện pháp chống tham nhũng quyết liệt mà Đảng đang tiến hành, với quyết tâm xây dựng chính quyền liêm chính, với các cơ sở pháp lý và điều kiện kinh doanh ngày một minh bạch, thương trường sẽ đỡ lấm “cát bụi” trong cuộc cạnh tranh đầy gian khó, để “chủ nghĩa tư bản man rợ” mau chóng trở thành “tư bản văn minh” (như các nước Bắc Âu chẳng hạn…) và sẽ tiến lên theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” tốt đẹp như Đảng đã ghi vào các Nghị quyết, mặc dù “xã hội chủ nghĩa” là một cái đích còn xa, rất xa, như chính một vị lãnh đạo cao cấp đã nói…


Nguồn Văn nghệ số 50/2018


Có thể bạn quan tâm