April 23, 2024, 11:51 pm

Riêng một Hà Nội

                                                                          

Trong văn học Việt Nam đã có nhiều tác giả, tác phẩm ghi dấu ấn sâu đậm cùng Hà Nội đến mức chỉ cần nhắc địa danh này thì người ta lập tức đã nghĩ ngay đến. Trước Cách mạng đó là Hà Nội băm sáu phố phường (Thạch Lam), Vang bóng một thời (Nguyễn Tuân). Sau Cách mạng có Món ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai (Vũ Bằng), Chuyện cũ Hà Nội (Tô Hoài), Phố (Chu Lai), Hà Nội rong ruổi quẩn quanh (Băng Sơn)... Và gần đây nhất những cái tên như Nguyễn Ngọc Tiến với Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Nguyễn Việt Hà với Con giai phố cổ, Nguyễn Trương Quý với Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo… cũng để lại nhiều ấn tượng. Rồi có những người lại dành cả đời để chung thủy với nó như Đỗ Phấn với Hà Nội thì không có tuyết, Hà Hội trong mắt một người… Như vậy đã có nhiều cây bút “cày xới” trên “mảnh đất” này, lại đạt được thành công ở mức độ khác nhau, khiến người ta tự hỏi liệu còn gì về Hà Nội nữa để các nhà văn có thể đào sâu, tìm kiếm? Chưa kịp đi tìm câu trả lời này thì Hà Nội - Quán xá, phố phường của Uông Triều ra mắt như một tiếng nói khẳng định chắc chắn rằng: với vị trí là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của đất nước, nơi hội tụ khí thiêng sông núi, tinh hoa nghìn năm văn hiến thì Hà Nội vẫn luôn là đề tài mới và hấp dẫn.

Hà Nội - Quán xá, phố phường là tuyển tập gồm 41 bài viết bao quát gương mặt Hà Nội trên các phương diện: từ ẩm thực đường phố với những thức quà ngon lạ đến phố phường qua các địa danh của ngõ, phố, chùa chiền, trường học, công viên, nhà tù, hiệu sách… Tất cả đều được Uông Triều thể hiện một cách công phu, chi tiết, cho thấy cái nhìn rất riêng về Hà Nội của anh. Hà Nội trong mắt anh vừa giữ được cái hồn cốt văn hóa thuở trước, vừa mang nhịp thở của đời sống hôm nay.

            Dạo quanh Hà Nội, đôi mắt Uông Triều nhìn ngắm đầu tiên là ẩm thực đường phố. Nếu như Thạch Lam xưa kia phần lớn miêu tả những “thức quà của lúa non” như: cốm vòng, phở, bún thang, bún riêu, bánh cuốn… để níu giữ cái gọi là “làng trong phố”, ông cố công tìm kiếm, kiến tạo hình ảnh một Hà Nội truyền thống khi chưa có sự xâm lấn của văn minh đô thị, nhất là ảnh hưởng của phương Tây. Thì giờ đây Uông Triều lại hồ hởi, mời chào đa dạng những món ăn ngon đang có mặt từng giờ, từng ngày trên những con phố của Hà Nội, đó là: phở gà, bánh rán, mắm tép chưng thịt, lòng lợn, mì vằn thắn, nem, kem Hà Nội… và cả những đồ uống phổ biến như cà phê, trà đá… Cũng khác với Vũ Bằng một thuở khi viết về các món ăn Hà Nội với tâm trạng nhớ mong da diết của người con xa xứ nên nhà văn dường như đã cố “phóng đại” cảm giác của da thịt để tưởng tượng cho thỏa về mùi vị, hương thơm, hình sắc... Thì Uông Triều của hiện tại đang sống giữa thủ đô nên anh có được cái bình tâm của người thưởng thức, không ồn ào giãi bày cảm xúc mà thiên về chia sẻ. Vì thế những bài về ẩm thực được anh viết rất say mê.

            Với mỗi món ăn, tác giả có cách tiếp cận khác nhau nhưng người đọc có thể thấy một quy trình đi từ lịch sử món ăn, cách chế biến đến màu sắc hương vị, và cách thưởng thức. Cái hay của tác giả là không chỉ giới thiệu một món ăn của một cửa hàng mà anh luôn có sự liệt kê, so sánh để làm rõ sự khác biệt giữa cơ sở này với địa chỉ kia. Mỗi nơi sẽ có hương vị khác nhau giúp cho người đọc có thông tin để chọn lựa hợp với mình. Chẳng hạn, bánh rán thì có: bánh rán Gốc Đa ở phố Lý Quốc Sư, bánh rán phố Nhà Chung, bánh rán Gia Trịnh phố Lý Nam Đế, bánh rán phố Lạc Long Quân. Nem ngon thì có nem Phùng Sơn Tây trộn thính, nem nắm Giao Thủy bó thành cuộn, nem bà Hồng phố Hàng Thung. Bún cá thì có bún cá Hà Thành, bún cá Hàng Đậu, bún cá Hồng Phúc. Thậm chí với món lòng lợn - món khoái khẩu của người Việt, Uông Triều còn rất tỉ mỉ giới thiệu: quán cháo lòng ở Ô Quan Chưởng chỉ có cháo và lòng trần rất ngon nhưng “chảnh” và “giá chát”, còn quán phố Lò Sũ thì đa dạng hơn, giá cả bình dân mà vẫn hấp dẫn. Ngoài ra, nhà văn còn dày công phân biệt những món ăn từa tựa như nhau mà khách phương xa đến Hà Nội dễ nhầm lẫn. Những trang viết về phở và mì vằn thắn là thế, đây là những bài viết hay, đòi hỏi một năng lực quan sát rất tinh và kĩ lưỡng.

            Nhà văn còn đặc biệt đi sâu miêu tả cảm giác của khách khi chờ đợi được thưởng thức món ngon, nó mới thú làm sao: “Khách đến bà chủ quán mới nhẩn nha thái lòng, quấy cháo nên phải đợi thời gian kha khá. Mùi cháo quyện cực hấp dẫn. Chờ mà tứa nước miếng vì thấy bàn bên cạnh người ta đã chấm miếng lòng trắng nõn vào bát nước mắm ngon mà sốt ruột”. Cách thưởng thức ẩm thực này thật đúng với phong cách “Hà Nội không vội được đâu”. Đến Hà Nội, muốn ăn ngon là phải chờ đợi. Và chờ đợi chính là cái giá phải trả để được ăn ngon…

            Không chỉ ngợi ca ẩm thực của Hà Nội một cách thuận chiều mà Uông Triều còn thẳng thắn chỉ ra mặt trái của những diễn ngôn về món ăn Hà Thành: “Những hàng bún ốc ở Hà Nội thì nhiều nhưng đôi khi chỉ có cái tiếng chứ chất lượng không phải khi nào cũng ngon”. Hay khi anh đối thoại lại với người xưa: “Rất nhiều người cho rằng phở bò mới là món phở đặc trưng của Hà Nội. Cụ Nguyễn Tuân đã từng viết một bài rất hay để ca ngợi phở bò, rằng cái vị ngọt của nước dùng nó thế nào, thịt bò mềm ra sao, hành hoa xanh biếc thế nào… Cụ viết về phở bò và cũng tiện thể chê luôn phở gà, cho rằng, bánh phở thì mềm mà lại ăn với thứ thịt gà cứng nhắc thì không hợp. Và nhiều người lâu nay vẫn tin là thế”. Những chi tiết này một mặt giúp cho người đọc chưa có dịp thưởng thức tránh được những ảo tưởng mơ hồ, mặt khác cho thấy món ngon Hà Nội đang dần thay đổi của theo thời gian và rất cần những cây bút đến sau viết tiếp để Hà Nội là hiện hữu của hôm nay chứ không chỉ là trong ý niệm hôm qua.

            Hà Nội trong cái nhìn của Uông Triều còn được hiện lên qua không gian của phố phường với ngõ - phố - đường, sông - hồ, chùa chiền, công viên, hiệu sách, trường học, cây xanh, tàu hỏa, thậm chí cả nhà tù… Các bài viết đưa người đọc phiêu lưu một vòng quanh thủ đô, từ nội thành đến ngoại ô, từ khu phố cổ đến vùng mới mở, từ cảm giác hoài cổ về trầm tích văn hóa, lịch sử đến hơi thở của cuộc sống hiện đại. Ngõ như phố cho thấy sự tấp nập, đông đúc, sôi động của đời sống sinh hoạt thủ đô hiện nay. Phố hòa vào ngõ gợi vẻ trầm mặc, yên bình một thuở. Ngõ như phố, phố như ngõ đặc tả rất đúng cái sự quanh co, giao nhau của các con đường ở Hà Nội, nhất là ở những khu phố cổ. Nét riêng của Uông Triều so với các nhà văn khác là Hà Nội qua từng con phố của anh luôn gắn liền với một nhân vật nào đó và tác giả dành một phần không nhỏ dung lượng trang viết để diễn giải về họ. Với Uông Triều, đất chính là người. Mảnh đất, con đường, ngôi làng,… được khai sinh bao giờ cũng gắn với con người, có thể là ông tổ làng nghề, là người được thờ trong chùa chiền, đền miếu, hay người có công đức nay được đặt tên cho đường phố. Bóng dáng của “những người muôn năm cũ” phảng phất đâu đây, khiến cho những địa danh Hà Nội như linh thiêng hơn, huyền bí hơn. Đó là phố Hàng Chiếu có lịch sử thăng trầm gắn với nhân vật Jean Dupuis nhà thám hiểm kiêm thương nhân người Pháp nhưng là tội đồ của nước Việt. Phố Phan Đình Phùng gắn với tên tuổi của lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê trong phong trào Cần Vương chống pháp thế kỉ XIX. Phố Mã Mây gắn với nhân vật Phùng Bá Cẩu “nửa anh hùng, nửa thảo khấu”. Các phố Hàng Ngang, Hàng Đào ghi dấu ấn của nhân sĩ trí thức, thương gia nổi tiếng trên đất Hà thành xưa. Đó còn là Hồ Tây với vụ án của vị thủ khoa Nho học đầu tiên thời phong kiến, là hồ Trúc Bạch với hình ảnh phi công John McCain bị bắt sống năm 1967, là sông Tô Lịch với nhân vật Cao Biền chuyên làm bùa trấn yểm đã hoảng sợ khi gặp phải thần sông nước Việt, là chùa Huy Văn với sự ra đời của vua Lê Thánh Tông, chùa Kim Liên với công chúa Từ Hoa. Hay đó là nhà tù Hỏa Lò nơi đã giam cầm tù chính trị là những nhà yêu nước của dân tộc như: Phan Bội Châu, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền… Ám ảnh nhất của nhà tù là chiếc máy chém mà người Pháp chế tạo, nó đã hủy diệt biết bao người Việt Nam yêu nước, điển hình là 13 tử tù trong cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Những bài này đã cho thấy sự am hiểu lịch sử sâu sắc, tường minh của Uông Triều và đây được xem là sở trường của anh…

            Cùng thế hệ nhà văn 7X nhưng Nguyễn Trương Quý có xu hướng đi sâu vào những bộn bề của cuộc sống con người Hà Nội hôm nay, còn Uông Triều lại thiên về hoài cổ nên Hà Nội trong mắt anh lãng đãng, mơ mộng hơn nhiều. Anh thích viết về cảnh quan, thiên nhiên, không gian khoáng mà tĩnh của thành phố hơn là sự ồn ã, chật chội. Điều này thể hiện rõ qua các bài viết về Hồ Tây, sông Hồng, cầu Long Biên, phố Phan Đình Phùng… Ngoài việc miêu tả đối tượng sống động, Uông Triều luôn có những câu văn dài kết hợp với các câu hỏi bâng quơ, cùng cái nhìn tình tứ đã cho thấy sự chảy tràn của cảm xúc: “Cầu Long Biên, ai đã từng qua, thương nhớ còn không?”, “Mặc cho hoa gạo đỏ đến chói mắt, những còn tàu, sà lan nổ máy ầm ì chở hàng chạy dưới sông, một đôi trai gái vẫn đứng hôn nhau ngay dưới gốc cây gạo, những tiếng còi tàu hú dài như khích lệ, thách thức…”. Nói như thế không có nghĩa là những bài viết này thiếu chất thông tin, ngược lại nó vẫn ăm ắp sự khảo cứu về văn hóa, lịch sử, địa lí. Tức là tản văn của Uông Triều có khảo cứu đấy nhưng không hề mất đi sự mênh mang của cảm xúc. Âu cũng là do cái “tạng người” đã kết lại thành văn.

            Hà Nội - Quán xá, phố phường của Uông Triều còn đậm chất thế sự, triết luận. Những pho tượng lừng danh, Chùa Huy Văn, Bách Thảo - thiên đường tình yêu một thuở… là những trang viết đã thể hiện rất rõ ám dụ về lẽ đời, quy luật hưng vong trong cuộc sống. Ấy là xung quanh câu chuyện về tượng trong tượng, tượng về lòng sám hối, hay tượng của Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ được phối thờ trong phật điện cùng vua Lê Thái Tông nhưng lại đặt ở vị trí khá thấp, hoặc bí ẩn về ngôi mộ của Lê Chất trong công viên Bách Thảo. Tất cả đều khiến cho người đọc hôm nay phải suy tư và có nhu cầu đi tìm kiến giải.

            Uông Triều nghiện sách, nên Hà Nội của anh cũng không thể thiếu sách. Bài viết Những hiệu sách cũ vừa cung cấp cho người đọc những địa chỉ về sách cũ đáng tin cậy, vừa quảng bá cho đất thủ đô là nơi tập trung kho tàng tri thức, người thủ đô vẫn âm thầm lưu giữ thú đọc sách thanh cao, dẫu cuộc sống ngoài kia có tấp nập, xô bồ. Anh khẳng định: “Mạch sống tri thức không thể tuột đi một cách dễ dàng và những hiệu sách cũ là nơi lưu giữ một tình yêu với sách, một nét văn hóa thanh lịch và đáng quý của người Hà Nội”.

            Có thể nói, đến với Hà Nội - Quán xá, phố phường, người đọc lại thấy Hà Nội rất riêng qua lăng kính của Uông Triều. Đó là một Hà Nội thấm đẫm cái hồn cốt của văn hóa thuở trước nhưng vẫn phảng phất nhịp thở của đời sống hôm nay. Viết về Hà Nội, Uông Triều đã “nối dài” cảm thức hoài cổ của các nhà văn đi trước, vừa bổ sung thêm những cảm nhận mới của lớp người hiện tại. Chất thơ - chất sử - chất triết lí quyện hòa khiến các trang viết của anh có được sự cân bằng giữa cảm xúc - tri thức, thông tin - và liên tưởng, suy ngẫm.

            Với Hà Nội - Quán xá, phố phường, Uông Triều đã đóng góp thêm một tập sách viết về Hà Nội để đất kinh kì thêm một lần được nhìn ngắm qua con mắt mới, lấp đầy thêm, kiến tạo thêm diện mạo của thủ đô. Đồng thời tác phẩm cũng góp phần khẳng định vị trí của thể loại tản văn - không phải chỉ ghi chép nhanh hay thiên về bày tỏ cảm xúc như người ta vẫn nghĩ, mà nó còn có sức neo đậu qua những trang viết ăm ắp tri thức lịch sử, văn hóa, cảm xúc,… của một cái tôi tài hoa. Không chỉ truyện ngắn, tiểu thuyết mới định hình phong cách mà tản văn cũng là thể loại khẳng định cá tính sáng tạo, tài năng của tác giả.

        Nguồn Văn nghệ số 41/2018  

 

 


Có thể bạn quan tâm