April 24, 2024, 5:12 am

“Rằng ngày mai – lối cũ phải xa rồi”

Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn

Nhà thơ – nhà giáo – tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn, sinh năm 1963, nguyên quán Ân Thi, Hưng Yên, Phó Vụ trưởng vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, vừa từ trần tại Hà Nội vào hồi 21h30’ ngày 28 tháng 4 năm 2020 sau một thời gian lâm trọng bệnh. Cầm tập thơ anh tặng trên tay, Phút rành rang sống chậm, Nxb Hội nhà văn 2019, tôi vẫn còn thảng thốt không tin đây lại là tập thơ cuối cùng của anh.
Nhà thơ – nhà giáo – tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoàn (1963-2020)

Tôi được gặp nhà thơ Nguyễn Trọng Hoàn lần đầu cách đây vừa tròn một phần tư thế kỷ, khi tôi còn là học sinh lớp chuyên Văn của trường Lê Quý Đôn thuộc thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây cũ, do nhà thơ – nhà giáo ưu tú Đặng Hiển phụ trách môn Văn. Anh Nguyễn Trọng Hoàn khi đó đang làm cho Tạp chí Tài hoa trẻ, đã đến giao lưu trò chuyện với lớp chúng tôi về văn học, thi ca. Buổi gặp gỡ chỉ 2 tiếng nhưng đã để lại ấn tượng sâu đậm mãi trong tôi suốt những năm tháng về sau này, bởi niềm say mê thi ca của anh, bởi giọng đọc thơ của anh da diết, tình cảm, lắng sâu nhiều cảm xúc. Bẵng đi một thời gian rất dài không gặp lại anh nhưng tôi vẫn thường xuyên được đọc thơ anh đăng nhiều trên các báo, đọc các tiểu luận văn chương hoặc nghe các bài viết của anh được phát trên chương trình Văn nghệ của Đài tiếng nói Việt Nam. Vào cuối những năm 90 và đầu thập niên 2000, tôi đọc được nhiều bài lục bát rất ấn tượng mang phong cách riêng của Nguyễn Trọng Hoàn: Giờ này bên ấy có mong/ Mà mưa xứ Huế dùng dằng mãi thôi/ Lối quen tìm chẳng gặp người/ Ước chi gửi được một trời Huế mưa (Một chiều mưa ở Huế).

Anh Nguyễn Trọng Hoàn có một sức đọc nhanh và sức viết dồi dào khiến nhiều người kinh ngạc. Là người phải đi công tác khá nhiều, cứ mỗi chuyến bay, anh cầm theo một, hai cuốn sách mới với dung lượng trên dưới 300 trang và đọc hết, đều đặn hàng tuần. Không kể các chuyên luận, tiểu luận, sách phê bình văn học, sách nghiên cứu, chỉ tính riêng về thơ, từ năm 1990 tới nay, anh đã xuất bản tới 12 tập thơ: Sắc cỏ tình yêu (1990), Và em khi ấy (1994), Thả diều (in chung,1997), Huyền cẩm (1997), Gió và nhớ (1999), Màu áo thuở ban đầu (in chung, 2000), Ngẫu cảm (2002), Tam ca (in chung, 2007), Cánh diều khao khát (2012), Bến quê (2012), Năng lượng của sự có mặt (2016).

Khi tập thơ cuối cùng của anh, Phút rành rang sống chậm vừa in xong, tôi bất ngờ được gặp lại anh vào buổi trưa tháng 10 năm ngoái trong một nhà hàng yên tĩnh bên Hồ Ba Mẫu, nơi anh vẫn thường ghé ăn trưa. Buổi gặp gỡ hôm đó còn có một số bạn bè cũ mới. Nhắc lại kỷ niệm xưa, anh Hoàn vẫn nhớ như in buổi trò chuyện với lũ học trò chúng tôi năm nào.

Sau bao nhiêu năm, dù công việc bộn bề bởi trách nhiệm của một người làm công tác quản lý, Nguyễn Trọng Hoàn vẫn giữ nguyên vẹn tình yêu với thơ. Thơ với anh dường như người bạn hàng ngày, trong mỗi bữa ăn giấc ngủ, trên mỗi chặng đường công tác, trong mỗi chuyến bay hay mỗi chuyến xe. Trong 184 bài thơ của tập Phút rành rang sống chậm, có thể thấy bàn chân anh đã đi khắp muôn nơi, từ các đất nước xa xôi như Hà Lan (bài Lan man trong bảo tàng Van Gogh), Mỹ (bài UK nhiệt đới), Pháp (bài Paris tạm biệt), Nhật (bài Yên tĩnh Tokyo), Hàn Quốc (bài Âm độ Seoul), Đức (bài Ký ức Berlin) cho tới khắp các vùng miền trên tổ quốc Việt Nam như: Quảng Trị, Kon Tum, Bảo Lộc, Lý Sơn, Côn Đảo, Cần Thơ, Huế, Tuyên Quang, Vũng Tàu, Sài Gòn, Quy Nhơn, Cao Bằng, Cà Mau, Đà Lạt, Đà Nẵng, Hội An, Biên Hòa, Thái Nguyên, Hà Giang, Bình Dương, Phan Rang, Nha Trang, Bạc Liêu… Dường như đi đến đâu anh cũng có thơ, mỗi bài thơ là mỗi mê đắm bâng khuâng, luyến lưu trìu mến, mỗi ân tình mà gã thi sĩ đa cảm luôn là người suốt đời mang nợ: Ngỡ có thể mà lại không có thể/ Một mây trôi một nắng mướt bên thềm/ Gió hoang dại Thùy Vân hoa đại trắng/ Một bên thiền một bên sóng không yên/ Em có thật khiến cuộc đời có thật/ Lặng lẽ ân tình lặng lẽ tên (Khoảng lặng Vũng Tàu)

Nguyễn Trọng Hoàn luôn luôn di chuyển, hoạt động không ngừng, nhưng lại mang tôn chỉ sống chậm như chính nhan đề tập thơ đã nói lên. Sống chậm để suy tư, để sâu lắng, để viết được thơ nhiều hơn nữa. Anh đã sống chậm thành công trong mật độ những chuyến đi ào ạt cả trong và ngoài nước. Hãy cùng đọc lại một số nhan đề các bài trong tập của anh: Miền Tây chầm chậm, Tháng giêng đọc chậm, Phút sống chậm cùng một câu hát cũ, Và biểu cảm phút rành rang sống chậm…Phải tĩnh tâm, sâu lắng và tinh tế đến độ nào, Nguyễn Trọng Hoàn mới có những quan sát thiên nhiên, trời đất và viết được những câu thơ run rẩy tươi non như thế này: Trôi lang thang trong nỗi nhớ mịt mùng/ Hoa xoan ngát tháng giêng vào tím biếc/ Gót nhỏ chân trần đường xa biền biệt/ Mươn mướt mưa phùn sóng sánh cỏ non tươi/ Tháng giêng say hương bưởi ướp bên trời/ Bước líu ríu vương nói cười qua ngõ/ Mây thiếu nữ nghiêng dòng sông cửa ngỏ/ Nắng ngập ngừng biêng biếc gió ươm tơ (Tháng giêng đọc chậm)

Nguyễn Trọng Hoàn có rất nhiều màu sắc trong môt bản thể. Vừa là nhà giáo, nhà khoa học, nhà quản lý, nhưng hơn hết thảy anh là một nhà thơ. Tôi biết anh còn muốn làm thơ và luyến lưu với cuộc đời nhiều lắm, nỗi đắm say với nhiều xa xót ấy đã làm nên một thi phẩm thật đặc sắc trong tập Phút rành rang sống chậm, bài thơ Khế ước, mà tôi coi như một tuyên ngôn của anh: Không ai biết lần đầu tôi khóc/ trước ban mai (khóc thật âm thầm)/ Những hạt sương long lanh chuỗi ngọc/ bừng tan đau đớn nhận bàn chân/ Tôi đã khóc trước dịu dàng ánh sáng/ sớm tinh mơ bước thật khẽ khàng/ Sợ xé loãng làn hương bảng lảng/ Muốn sang sông không dám gọi đò ngang/ Tôi đã khóc trước tươi ngời cỏ ướt/ rằng ngày mai – lối cũ phải xa rồi/ Thôi nhựa mít dính chuồn kim chuồn ớt/ Chẳng nói gì chúng lặng lẽ nhìn tôi…

Là một người bước chân ra từ nông thôn, Nguyễn Trọng Hoàn lúc nào cũng giữ trọn một phong thái giản dị, gần gũi, đối với anh em bè bạn lần nào gặp nhau cũng chân tình, nồng ấm. Anh Hoàn ơi, còn nhớ mãi những chiều nào nhâm nhi ly bia, nghe anh tâm sự những câu chuyện nghề, chuyện đời. Bài viết mà em đã hứa viết về thơ anh, bây giờ có rồi đây, nào ngờ lại cũng là bài tiễn anh đi xa, một chuyến đi không bao giờ quay trở lại. Nhưng anh ơi, những bài thơ của anh vẫn còn đọng mãi trong lòng anh em bạn bè. Khi mỗi năm học mới sắp sang, trên môi các bé thơ sẽ còn vang lên những câu hát phổ từ thơ anh: Tạm biệt búp bê thân yêu/ Tạm biệt gấu misa nhé/ Tạm biệt thỏ trắng xinh xinh/ Mai tôi vào lớp Một rồi/ Nhớ lắm quên sao được, trường mầm non thân yêu...

                                                                                          


Có thể bạn quan tâm