April 24, 2024, 8:14 am

Ra mắt tập Hồi ức Tôi và làng tôi của Lê Bá Thự

 

Dịch giả Lê Bá Thự vốn là một nhà ngoại giao, có nhiều năm công tác tại Ba Lan, chính vì vậy ông có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu văn học Ba Lan nhiều. Ở cái tuổi U80 Lê Bá Thự khiến cho anh em bạn bè văn chương cũng như độc giả nể trọng vì sức lao động của ông khi trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, mỗi năm ông cho ra đời một hoặc hai tập sách. Bạn đọc Việt Nam đã được tiếp cận gần 30 tác phẩm của nền văn học Ba Lan do Lê Bá Thự dịch, chính vì vậy mà ông đã được nhà nước Ba Lan trao tặng Huân chương Công trạng. Ngoài ra trong suốt quãng đời hoạt động văn học Lê Bá Thự cũng đã được nhận Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, Bằng khen của Hội văn học Nghệ thuật Hà Nội, Giải thưởng cuộc thi thơ của báo Người Hà Nội (1999 - 2000), Bằng khen của chủ tịch tỉnh Thanh Hóa với những đóng góp cho sự phát triển văn học của quê hương.

Mới đây Lê Bá Thự cho ra đời một tác phẩm văn học ở thể loại rất khác so với trước đây, đó là cuốn hồi hồi ức Tôi và làng tôi.

Sáng ngày 12/9/2018, tại số 9 Nguyễn Đình Chiểu, trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, Câu lạc bộ Văn Chương  đã tổ chức buổi ra mắt sách Tôi và làng tôi. Tới dự có Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ Tịch Hội Nhà Văn Việt Nam, nhà thơ Trần Đăng khoa Phó chủ tịch, nhà thơ Vũ Quần Phương, Chủ tịch câu lạc bộ Văn chương, ông Vũ Di Niên, nguyên Bộ trưởng ngoại giao, một người bạn, người đồng hương của dịch giả Lê Bá Thự, cùng đông đảo các nhà thơ nhà văn, các thành viên câu lạc bộ Văn chương đã tới dự.

Bằng giọng văn kể đơn thuần, thật thà không tô vẽ nhưng không nhàm chán, ngược lại Lê Bá Thự đã dẫn dắt người đọc vào thế giới của tuổi thơ của làng quê hồn hậu. Cái thế giới đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, đã xây đắp cho ông một vốn sống, một nền tảng văn hóa để sau này trở thành một nhà ngoại giao, một dịch giả. Nói như nhả thơ Viên Lan Anh, trong một bài viết về cuốn Tôi và làng tôi: “Điều bạn đọc quan tâm và bị thu hút trong tập hồi ức tuổi thơ Tôi và làng tôi của Lê Bá Thự chính là những trạng thái lao động, những sinh hoạt trong đời sống, phong tục tập quán, tình làng nghĩa xóm, tình quân dân, những nét văn hóa bản địa...khắc sâu trong tâm khảm tác giả để rồi ông viết ra những hồi ức nóng rẫy đó như một sự tri ân tình làng, nghĩa xóm, cho thỏa nhớ nhung, cho nguôi ngoai khao khát tựa khi xưa chân trần chạy trên đường làng theo cánh diều đến khô cổ họng, phải chạy về tu mấy gáo nước sôi cho sướng! Thế mới biết hồn làng nơi đã sinh ra, nuôi lớn những người con, hoặc ở lại xây dựng quê hương, hoặc bay đi muôn nơi lập công danh sự nghiệp, dù ở đâu vẫn luôn yêu thương nguồn cội với bao tiếng gọi tha thiết tâm can”.

Tại buổi ra mắt sách, nhà thơ Hữu Thỉnh đã khẳng định Tôi và làng tôi là một tác phẩm văn chương tư liệu, cũng là một dòng văn học chính thống. Cuốn sách đã chứa đựng và chuyển tải được hồn quê Việt Nam đến với bạn đọc. Cuốn sách đã cho ta cảm nhận, chỉ có hồn quê mới lưu giữ và bảo tồn được cốt lõi, giá trị văn hóa Việt một cách bền vững và sâu sắc nhất. Đánh mất hồn quê ta sẽ mất tất cả.


Có thể bạn quan tâm