April 20, 2024, 1:42 pm

Ra mắt ấn phẩm đặc biệt "Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu"

Nhân kỷ niệm 200 năm ngày sinh Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (1822-2022), NXB Trẻ ấn hành tập sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu.

Sách gồm 2 phần: “Lục Vân Tiên ca diễn” và  “Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu”
Một số ấn phẩm Lục Vân Tiên của Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu

Theo đó, bạn đọc có thể đọc cuốn sách này để thưởng thức truyện thơ Lục Vân Tiên được trình bày đẹp, chỉn chu; nhà nghiên cứu cũng có thể tìm thấy ở đây nhiều chú thích dị bản về các từ ngữ trong các câu thơ, mở rộng vốn từ và nhiều cách hiểu thú vị về văn hóa một thời.

Sách gồm 2 phần: “Lục Vân Tiên ca diễn” gồm 2.088 câu lục bát, chứa bản hiệu đính Lục Vân Tiên và phụ bản chữ Nôm được xem là gần với bản gốc nhất, gồm cả phần quốc ngữ và ảnh ấn chữ Nôm. NXB Trẻ in lại nguyên văn từ bản sách rất công phu Lục Vân Tiên - bản hiệu đính, phụ bản chữ Nôm (thuộc Tủ sách Văn học - Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa) ấn hành năm 1973 của Ủy ban đặc trách san định các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu (được thành lập năm 1971) và chỉ sửa đôi chỗ chính tả cho hợp với quy tắc hiện hành. 

Phần “Luận đề về Nguyễn Đình Chiểu” bao gồm các công trình nghiên cứu và bài viết của 5 tác giả: Phan Văn Hùm, Thu Giang Nguyễn Duy Cần, Thuần Phong, Vũ Bằng, Bùi Giáng. 

Trước đó, nói về Lục Vân Tiên và nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu,  cố nhà văn Bùi Giáng viết: “Thường chúng ta muốn nói rằng đem văn chương mà phụng sự đạo lý thì dễ không đạt được mục đích lắm. Và văn chương dễ bị chết khô. Tác giả khi thai nghén một tác phẩm văn chương với cái dụng ý đó thì ta dám lo ngại trước rằng tác phẩm văn chương sẽ dễ mất giá trị văn chương và tâm lý. Nhưng với cụ Đồ Chiểu lại không thế. Trong tác phẩm cụ cái quan điểm luân lý hoàn toàn lấn át quan điểm nghệ thuật, có thể nói nếu không có luân lý thì không có Lục Vân Tiên thế mà tại sao tác phẩm của cụ lại là một tác phẩm văn chương có một sức rung cảm rất mạnh. Ta có thể lấy làm lạ. Điều này cũng làm ta rất thắc mắc giống như cái khi ta lần giở đọc tập Nho giáo của cụ Trần Trọng Kim. Trước sau cụ bàn chuyện đạo lý, mà tại sao đạo lý của vị thánh hiền xưa giãi bày qua lời văn thâm trầm của cụ Kim, đạo lý lại như nhuốm rất nhiều hương vị man mác của văn chương, tưởng không có văn chương nào sánh bì kịp hết. Tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu thật cũng có lạ như thế. Nói đạo lý rất nhiều, vẫn không làm tổn hại cho văn chương. Mà trái lại. Tác phẩm đã rung động, cảm kích tâm hồn chúng ta nhiều nhất…”. (Trích luận đề về Nguyễn Đình Chiểu và Hồ Xuân Hương của NXB Tân Việt, Sài Gòn 1957 in trong sách Lục Vân Tiên và những luận đề về Nguyễn Đình Chiểu do NXB Trẻ vừa ấn hành).

Thảo Vy ( tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm