March 29, 2024, 3:55 pm

Ra Giêng lại… hành (!)

Trong lịch sử di dân người Việt có lẽ chưa bao giờ có những đợt người dân tự di chuyển ồ ạt như 2 đợt lớn trong đại dịch covid-19 vừa qua, mà trong đó, đợt đầu tháng 10/2021 là đợt để lại nhiều cảm xúc khác nhau, khác tới mức trái ngược.

Lịch sử mở đất của dân tộc Việt là lịch sử của hành phương Nam, đời này qua đời khác, những con dân Việt lầm lũi tiến, để lại sau lưng quê hương bản quán, mở ra cả một dải đồng bằng phương Nam rộng lớn.

Rồi khi các đô thị lớn mở ra, các khu công nghiệp mở ra, lại như một thỏi nam châm hút nhân công về đấy. Đang từ những người nông dân một nắng hai sương, một bước họ thành công nhân, “giai cấp vô sản”, một số khá đông là lao động tự do, từng được coi là dân nghèo thành thị. Một thời gian dài, về quê ta chỉ còn gặp toàn người già và trẻ em. Quê vốn vắng lặng, giờ càng vắng. Hết sức chơ vơ, trừ dịp Tết. Nhưng Tết những người xa quê ào ạt về quê với quà, với ít tiền dành dụm biếu cha mẹ anh chị em... rồi sau Tết lại đi. Rất nhiều gia đình trẻ gửi con lại cho ông bà cha mẹ. Nhiệm vụ cao cả của họ là đi kiếm tiền gửi về nuôi con, giúp đỡ người thân, xây dựng quê hương...

Người Việt đi đâu làm đâu, Tết là dịp sum họp. Vừa là về thăm quê, thăm bố mẹ, cúng kiếng ông bà… nhưng cũng là dịp “xả stress”, rời xa cái chật chội ồn ã phố phường, về với thanh bình thoải mái. Nhưng cái hành trình để từ thái cực này sang thái cực kia, không thể gọi gì hơn là một sự “hành xác”, sự hành xác vừa cay đắng vừa mong manh niềm vui. Thế nên cứ Tết là có những cuộc di cư ngược, từ Nam ra Bắc, từ thành thị về nông thôn… Tết trở thành những cuộc “hành xác vĩ đại” nhưng người ta vẫn hân hoan dấn vào để được về quê, về nhà, về với yêu thương, với san sẻ, đùm bọc… Thành phố, các khu công nghiệp trở thành chỉ là nơi tạm trú, dù mỗi năm họ ở đấy đến ba trăm sáu mươi ngày. Tại sao lại thế? chắc các nhà quản lý cần phải có những nghiên cứu cụ thể thấu đáo, để tìm câu trả lời, đồng nghĩa với hướng giải quyết, bởi dân tộc ta, quan niệm truyền thống ngàn đời là: An cư thì lạc nghiệp, là bán anh em xa mua láng giềng gần... Lại nhớ năm nọ, có hẳn một công trình nghiên cứu về việc quan hệ tình dục của những người lao động tự do ở thành phố. Chứ sao, quản lý xã hội cần phải biết cả những việc nhỏ nhưng không hề nhỏ của những con người bình thường nhất, danh vị thấp nhất; biết để mà điều tiết, để có những chính sách hợp lý…

Thế rồi dịch covid-19 như cơn bão thổi ngược. Người Việt đổ về quê với tất cả tài sản, vốn liếng ít ỏi; có nhà ôm theo xe cả cái quạt cũ, manh chiếu, xoong nồi, cả mấy cái móc áo… Lại có cả những bu gà, đàn chó vượt ngàn cây số trên xe máy cùng họ. Quê nhà lại giang tay đón nhận. Té ra quê là chốn an bình nhất, dẫu quê nghèo, đất không nở mà người cứ lừ lừ sinh ra, chả mấy chốc mà chật như phố nhưng lại không có việc như phố, không kiếm tiền dễ như phố. Nhưng quê còn có tình có nghĩa, có rau cháo đắp đổi, có lá rách ít đùm lá rách nhiều, có “tắt lửa tối đèn”... Quan trọng nữa, còn có nơi mà hít thở. Tất nhiên cách đón nhận của mỗi quê mỗi khác, nhưng cái ý thức trở về với quê, con cái về với cha mẹ khi nguy khốn vẫn luôn thường trực trong tâm hồn mỗi người dân Việt. Và thế là họ ào ào trở về. Bằng mọi cách để trở về, cấm cản cũng về. Vượt chốt để trở về. Có nhiều địa phương tuyên bố về là bị phạt, vẫn về!

Có nhiều lý do, nhưng có lẽ an cư là lý do đầu? Đa phần người làm thuê, là công nhân có hợp đồng hay lao động tự do, đều ở trọ. Mà các khu nhà trọ thì quá tồi tàn. Tôi đã từng vào những khu nhà trọ ấy, cũng từng sống ở các căn nhà tập thể tranh tre nứa lá thời bao cấp, thời chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Ở các dãy nhà tranh tre nứa lá giữa rừng ấy còn có không gian, có chỗ để thở, có những không gian riêng cho con người, cho gia đình, vợ chồng… Còn các nhà trọ bây giờ đúng nghĩa là những cái hộp. Khi rủ nhau trọ chung họ đã tính toán để lệch ca, nên 10 người một phòng chẳng hạn, thì thực tế chỉ có 5 người ở nhà, thậm chí là một phần ba, còn lại là đi làm, cứ thế luân phiên. Giờ phong tỏa vì dịch, họ ở nhà cùng nhau hai bốn giờ ngày đêm. Có người bảo chỉ ngửi mùi nhau đã đủ bệnh chứ chưa cần dương tính. Ngày một ngày hai, thậm chí vài tháng còn tạm chịu được, đây cả năm thì đúng là quá sức chịu đựng của con người. Thêm nữa, lương không có mà nhà trọ vẫn thúc tiền trọ, tiền dành dụm đã cạn, họ không thấy ngày mai. Nghe nói có tiền hỗ trợ của Chính phủ, nhưng một số người đợi mãi không có. Thức ăn thực phẩm của các nhóm thiện nguyện ngày có ngày không. Ngay các bệnh nhân đi điều trị covid trong các bệnh viện dã chiến cũng có người bị sót, tới bữa không có cơm ăn, huống gì dựa vào đội ngũ từ thiện? Họ thì ít mà những người cần giúp rất nhiều…

Trong những ngày diễn ra những cuộc “hành xác vĩ đại” ấy, dư luận trong dân chúng, trên mạng xã hội và cả trên báo chí chính thống, biết bao câu hỏi cuộn lên: Làm sao để dân ta an cư lạc nghiệp khi đi làm ăn? Chúng ta đã lường đến việc bà con sẽ ào ào trở về, không cách gì ngăn nổi, khi đã chịu đựng được cả bao nhiêu ngày giãn cách như thế chưa? Bởi đợt trở về này, như đã nói là nó đầy bất trắc, cho nhiều phía. Bởi trong hàng vạn người trở về kia, có bao nhiêu F0? Và đất quê hết rồi, có nở ra tí nào đâu, giờ về thì lấy gì để sống? Đã đành là quê hương sẽ cưu mang, nhưng sống và phát triển lại là việc khác!

Sẽ còn rất nhiều lỗ hổng cần phải vá đã lộ ra từ cuộc di dân tự phát đầy rủi ro và nguy hiểm này. Cũng còn rất nhiều điều cần nghiêm túc rút ra từ cuộc cả nước chống đại dịch lần này... Thế nên, cái tin thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh công nghiệp phía Nam dự định xây một triệu căn nhà giá rẻ cho công nhân và người thu nhập thấp, thực sự là niềm vui và là hướng đi hết sức căn cơ để người lao động có thể “an cư lạc nghiệp”. Hiện tại những người về quê đang lác đác trở lại làm việc, mà 3 trung tâm hiện thu hút nhân lực nhiều là thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai. “Thành phố sẽ phát triển nhà ở với mức giá thấp nhất có thể để người có thu nhập thấp tiếp cận được. Từ đó giải quyết nhà ở cho công nhân, người lao động, giữ chân họ ở lại thành phố làm việc”. Ông Phan Văn Mãi, chủ tịch thành phố Hồ Chí Minh đã thông báo như thế trong cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khoá XV. Rất mong điều đó sớm trở thành hiện thực. Cũng rất mong những “trung tâm thu hút nhân lực” khác cũng sớm triển khai mô hình đó. Và có lẽ, từ dự án an sinh cấp địa phương này, cần có một chính sách chung trong cả nước do Chính phủ chủ trì, mà ở đấy vai trò của Liên đoàn lao động các cấp là rất lớn… 

Nguồn Văn nghệ số 1+2/2022


Có thể bạn quan tâm