March 29, 2024, 2:05 am

Quyền tác giả trong thời 4.0

 

Trung tuần tháng 4 vừa qua, Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch), phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã chính thức tổ chức hội thảo khoa học về Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả; Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm; Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn. Hội thảo được đánh giá là một động thái tích cực của phía Việt Nam trước thực trạng Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đều gia tăng hiện tượng lan tràn các kênh phân phối, sao chép bất hợp pháp trên mạng. Tuy nhiên để đưa ra một giải pháp hữu dụng nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn là ẩn số, đòi hỏi các bên liên quan phải tôn trọng luật pháp quốc tế về bản quyền, sở hữu trí tuệ.

Hệ luỵ từ nhu cầu “Tiêu thụ văn hoá nhanh”

Tính đến thời điểm hiện tại những hội thảo về bản quyền trong thời đại công nghệ số nói chung, bản quyền trong lĩnh vực văn hoá- nghệ thuật nói riêng đã được tổ chức tương đối dày đặc với quy mô trong nước và quốc tế, nhằm tìm ra những giải pháp tối ưu có thể ngăn chặn nạn ăn cắp bản quyền, đang trở nên vô cùng nan giải hiện nay. Tuy nhiên, trái với kỳ vọng, sau mỗi cuộc hội thảo, thì nạn ăn cắp bản quyền trở nên dày đặc hơn, tinh vi hơn. Và người ta, thay vì tìm ra những lỗ hổng từ luật pháp để nhanh chóng lấp đầy, thì lại đổ lỗi cho công nghệ thông tin đã và đang làm nảy sinh nhu cầu “ Tiêu thụ văn hoá nhanh” tạo cơ hội cho nạn ăn cắp bản quyền bùng phát.

Trên thực tế, không thể phủ nhận, tốc độ phát triển công nghệ tăng nhanh đã làm phát sinh khoảng cách giữa thực tế về bản quyền với các quy định pháp luật liên quan. Sự phát triển của internet vạn vật kết nối đã khiến ranh giới của việc sử dụng các nội dung văn hóa bằng phương tiện kỹ thuật số dần trở nên không rõ ràng. Sự tăng tốc của các hoạt động số hóa và sự mở rộng của hình thức Snack Culture (tiêu thụ văn hóa nhanh) đã làm gia tăng nhu cầu về chế tác và tiêu thụ các nội dung văn hóa mà lĩnh vực nghệ thuật được cho là nóng bỏng nhất và có nhiều chuyện dở khóc, dở cười nhất. Đơn cử bộ phim Cô Ba Sài Gòn do diễn viên Ngô Thanh Vân làm đạo diễn đã bị một khán giả quay lén không chỉ khiến cho doanh thu bị sụt giảm mà còn tác động mạnh đến nữ diễn viên, kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân – người vốn nuôi khát vọng đưa phim Việt ra trường quốc tế: "Tôi cảm thấy thật bất lực trước ý thức của những người trẻ xem phim. Tôi đang khóc cho thành quả lao động của ekip của mình. Tôi thật sự nản các bạn ạ. Nó như cái tát vào mặt để tôi tĩnh lại".

Thực chất, bản quyền vốn là một vấn đề nan giải tại Việt Nam, từ âm nhạc đến phim ảnh, các ý tưởng và sản phẩm bị đạo nhái, bị ăn cắp, bị xem chùa là điều dễ dàng bắt gặp mà không có hướng giải quyết. Không những vậy, đây là sự chà đạp lên công sức của cả một ekip đã làm việc vất vả hàng tháng trời mới tạo ra được bộ phim. Và như vậy, nhu cầu “Tiêu thụ văn hoá nhanh” đã vô hình chung tạo điều kiện cho nạn ăn cắp bản quyền bùng phát.

 

Lấp đầy khoảng trống trong Luật Bản quyền

Tại Hội thảo các Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả (WCT), Hiệp ước của WIPO về cuộc biểu diễn và bản ghi âm (WPPT), Hiệp ước Bắc Kinh về cuộc biểu diễn nghe nhìn (BTAP), đã được các bên liên quan thảo luận về tổng quan về hệ thống pháp luật quốc tế và sự phát triển công nghệ: các Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả, quyền liên quan; các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền của người biểu diễn; vai trò của nhà sản xuất bản ghi âm và các quy định pháp luật quốc tế và quốc gia về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm và hệ thống pháp luật, quản lý và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan ở Việt Nam. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, nhằm chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia WIPO nhằm đưa ra các khuyến nghị về mặt cơ chế, chính sách, hoàn thiện pháp luật. Qua đó góp phần thực thi có hiệu quả pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan trong thời gian tới.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là những khuyến nghị của nhà quản lý - những người làm chính sách, còn thực tế, nạn ăn cắp bản quyền có thể sống được chính là từ những thói quen thích “ xài chùa’ của một bộ phận không nhỏ người dân Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung. Nguy hại hơn, thói quen này đã bị lợi dụng để phục vụ cho những âm mưu của các thế lực thù địch, không chỉ đầu độc văn hoá,  mà còn giết chết những loại hình nghệ thuật đang được phục hồi, nuôi dưỡng trên còn đường phát triển hội nhập của đất nước. Tâm lý thích “xài chùa” được đẩy lên đến đỉnh điểm khi có sự tác động, hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin với sự lan truyền và phát tán mạnh mẽ của mạng xã hội, nhưng xử lý những hành vi “ăn cắp” hay tiếp tay cho nạn ăn cắp này thì vẫn còn lỏng lẻo, thậm chí tồn phạt ở hình thức: Phạt cho có, dẫn đến không đủ sức răn đe, để tiến tới chấm dứt nạn ăn cắp bản quyền.

Theo ông Bùi Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhấn mạnh, hệ thống các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan tại Việt Nam đã đáp ứng công tác bảo hộ và thực thi quyền tác giả, quyền liên quan tại quốc gia và hội nhập quốc tế. Các cam kết tham gia WTO của Việt Nam, các điều ước quốc tế đang có hiệu lực tại Việt Nam đã và đang từng bước được thực hiện có kết quả, bảo vệ được quyền lợi của công dân và thực hiện nghĩa vụ pháp lý khi sử dụng tác phẩm của công dân, pháp nhân các nước thành viên… Song, những kết quả trên mới chỉ là hữu hạn, còn khi trí tuệ nhân tạo bùng nổ thì những yêu cầu mới ắt sẽ nảy sinh, như: sản phẩm của trí tuệ nhân tạo sẽ được bảo vệ thế nào, ai là người sở hữu sản phẩm từ trí tuệ nhân tạo tạo ra, đặc biệt là khi kỹ thuật AI và học máy đang len lỏi vào mọi lĩnh vực (Hệ thống AI được thiết kế tốt có thể tự động điều chỉnh phân tích mô hình theo dữ liệu mới). Kỹ sư Alex Reben cha đẻ của tác phẩm Deeply Artificial Trees (Cây nhân tạo, xuất bản tháng 4/2017), một tác phẩm nghệ thuật được thực hiện bằng học máy, sử dụng các video của chương trình truyền hình dạy vẽ Joy of Painting trong những năm 1980 và 1990 đã không ngần ngại đặt câu hỏi: "Nếu một người có thể học hỏi từ một cuốn sách có bản quyền, liệu máy móc có thể học được từ cuốn sách đó hay không?". Hay sẽ không có thứ gọi là bản quyền nào cả?… Rõ ràng đây là một vấn đề  không phải ở Thì tương lai, mà Việt Nam và cả thế giới phải đối mặt ngay trước mắt, nhưng dường như vẫn chưa có được bộ khung  quản lý, cho dù chỉ tồn tại ở những giải pháp tình thế. Và cụ thể ở đây chính là Luật bản quyền đang không theo kịp tư duy của trí tuệ nhân tạo. Giáo sư Ben Sobel, một hội viên tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman Klein, thuộc  Đại học Harvard – Mỹ, đã lo sợ thốt lên rằng: "Không thể tưởng tượng được rằng chúng ta sẽ chứng kiến ​​sự gia tăng của công nghệ có thể đe dọa không chỉ tác phẩm cá nhân mà nó được đào tạo, mà còn, trong tương lai, có thể tạo ra những thứ đe dọa tác giả của những tác phẩm đó".

Chính vì những mối đe doạ từ nạn ăn cắp bản quyền đang hiện hữu trong tất cả mọi lĩnh vực trong cuộc sống, nên những kỳ vọng sẽ có những giải pháp sau Hội nghị  nói trên ra đời cũng là điều dễ hiểu. Những giải pháp giống như chiếc phao để người hoạt động nghệ thuật, hay trong bất kỳ kĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội nào có sự sáng tạo đều có thể coi đó là công cụ bảo vệ đứa con tinh thần của mình. Bởi nói gì thì nói, sản phẩm do mình thai nghén mà có bị xâm hại, bị ăn cắp sẽ không chỉ là đắng cay mà còn là sự thất vọng, phẫn uất và là dấu chấm hết cho sự nghiệp sáng tạo của một cá nhân, tổ chức cụ thể. Và trên hết những mong muốn cá nhân, Hội thảo, cũng là dịp để các cơ quan quản lý, thực thi quyền tác giả, quyền liên quan; các tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan của Việt Nam; các doanh nghiệp, cá nhân khai thác và sử dụng các tác phẩm; các nhà xuất bản, thư viện; các tổ chức xã hội nghề nghiệp; các văn phòng luật sư về quyền tác giả, quyền liên quan... học hỏi kinh nghiệm, trao đổi kiến thức với các chuyên gia quốc tế. Đồng thời, đánh giá tác động về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội để có thể hoàn thiện hồ sơ gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả của WIPO (WCT) và Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của WIPO (WPPT). Hy vọng rằng, sau hội thảo, những căn cứu pháp lý sẽ được hoàn thiện hơn, chặt chẽ hơn để Việt Nam và thế giới có thể vững vàng tuyên chuyến với nạn ăn cắp bản quyền cho dù đó là thời kỳ của 4.0 hay 5.0.

Nguồn Văn nghệ số 17+18/2019

 

 


Có thể bạn quan tâm