March 29, 2024, 6:03 am

Quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn: Thoáng, nhưng… khó quản

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương 31 điều, được xây dựng theo tinh thần kế thừa, hoàn thiện các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 79/2012/NĐ-CP, Nghị định số 15/2016/NĐ-CP và thể chế giải pháp thực hiện chính sách được Chính phủ thông qua trước đó, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố. Đứng trên góc độ quản lý, Nghị định chính là kết quả của những nỗ lực trong cắt giảm và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước. Nhưng ở góc độ làm nghề, nhiều ý kiến cho rằng sự thông, thoáng chưa chắc đã đem lại hiệu quả quản lý cho lĩnh vực phức tạp và khá nhạy cảm này.

Phạm Tú Vân, giành giải Á quân 4 cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí Angel Baby

 

Theo số liệu tổng kết của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chỉ trong năm 2019 Bộ đã thẩm định hồ sơ, ban hành 448 giấy phép các loại cho các đơn vị nghệ thuật, đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật theo quy định của pháp luật, tổ chức 10 cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Các đơn vị nghệ thuật trung ương cũng đẩy mạnh các hoạt động tự chủ và biểu diễn nghệ thuật cho nguồn thu từ bán vé ước đạt 72,3 tỷ. Ngoài ra, hoạt động mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, bảo vệ quyền tác giả và các quyền liên quan cũng có nhiều chuyển biến tích cực. Những số liệu trên cho thấy, hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung, từng chuyên ngành nói riêng đã đi vào nề nếp. Do đó, để Nghị định phát huy tác dụng, cần có sự cân nhắc, lộ trình thích hợp để có thể vừa tạo điều kiện cho nghệ thuật biểu diễn hoạt động và phát triển, vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước chặt chẽ và hiệu quả.

CẦN CHIỀU SÂU HƠN BỀ NỔI?

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn gồm 6 chương 31 điều, hầu hết đã được đưa ra bàn thảo tại không ít hội thảo chuyên ngành, đa ngành... nhưng để có được những kết luận chính thức giúp luật hóa hay chí ít là đưa ra những quy chế, quy định có tính chất quản lý hành chính làm cơ sở xử phạt những hành vi sai trái thì vẫn còn khá mông lung khiến cho tình trạng lách luật, vi phạm luật vẫn thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, đến Nghị định vừa được công bố, dù được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để thể chế chính sách phù hợp với tình hình thực tế, thống nhất với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế… thì những bất cập chưa hẳn đã hết.

Lấy ví dụ về quy định trong tổ chức thi người mẫu, người đẹp. Dự thảo quy định không giới hạn số lượng cuộc thi trong năm, và cá nhân cũng được phép đứng ra tổ chức các cuộc thi. Về góc độ quản lý, nội dung này chính là sự quản lý định tính, để tính đếm các số lượng cuộc thi và không để lọt các cuộc thi “chui”, tuy nhiên lại để hổng quy mô và giá trị văn hóa của cuộc thi khiến cho chỉ ở riêng lĩnh vực này lâu nay đã có biết bao chuyện dở khóc dở cười, như tổ chức cuộc thi “chui”, rồi “người đẹp thi chui”. Mới đây, việc đơn vị tổ chức cuộc thi Hoa hậu Thảo mộc Toàn cầu 2020 (Miss Global Her Beauty 2020) không có giấy phép, bị cơ quan chức năng Hà Nội phạt 49 triệu đồng đã khiến dư luận bất bình. Sự bất bình không chỉ nằm ở chỗ phớt lờ luật pháp của Ban Tổ chức mà còn ở mức phạt quá nhẹ, chỉ mang tính chất răn đe mà chưa có tính ngăn chặn, xử lý dứt điểm. Chưa kể, những show diễn thời trang, thực cảnh vốn được xem là những chương trình nghệ thuật đỉnh cao, nếu như để cá nhân đứng ra tổ chức nhằm thúc đẩy nhanh, mạnh hơn nữa vai trò của xã hội hóa trong nghệ thuật... rất có thể sẽ là cơ hội cho việc quảng bá thương hiệu, đánh bóng tên tuổi cho một cá nhân, tổ chức... còn yếu tố nghệ thuật bị xem nhẹ...

Bà Nguyễn Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần truyền thông và giải trí Vietnam Show cho rằng, chỉ nên cấp phép cho công ty, chứ cá nhân không thể đứng ra tổ chức một cuộc thi người đẹp, người mẫu. Bởi để tổ chức một chương trình nghệ thuật hay các cuộc thi người đẹp, người mẫu quy mô lớn, đòi hỏi rất nhiều yếu tố mà cá nhân khó có thể đáp ứng.

 

THOÁNG… ĐẾN ĐÂU?

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn là tổng hợp các quy định trong Nghị định 79 và Nghị định 15 với nhiều điểm mới nhằm thống nhất hệ thống pháp luật, đồng thời khắc phục vướng mắc, bất cập còn tồn tại. Về lý thuyết là vậy, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn chưa hẳn đã gải quyết hết những tồn tại trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Đặc biệt là công tác hậu kiểm.

Cụ thể, việc không giới hạn về cuộc thi người đẹp, cho phép các cá nhân tự tổ chức triển lãm, sẽ khiến cho khâu hậu kiểm các cuộc thi gặp khó khăn, chưa kể tạo lỗ hổng cho các cá nhân núp bóng cuộc thi làm kinh tế, khai thác tài trợ. Các cá nhân được đơn vị tổ chức hào phóng cấp cho danh hiệu sau những cuộc thi, vương miện được mang lên sân khấu trao tới tấp nhưng không đại diện cho vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam xét theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng, dẫn đến ngộ nhận cho mỗi cá nhân và làm giảm đi ý nghĩa thiêng liêng của danh hiệu “Hoa hậu”. Chưa kể, nếu không làm tốt công tác điều tra, thẩm định rất dễ để lọt lưới những cuộc thi xin cấp phép một đằng nhưng lại diễn ra một nẻo theo kiểu “treo đầu dê, bán thịt chó”. Đơn cử, cuộc thi Hoa hậu doanh nhân Việt - Hàn 2017 diễn ra năm 2017, nhưng Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Tạ Quang Đông khẳng định năm 2017 Cục chưa từng cấp phép cho cuộc thi này. Tương tự cuộc thi Tìm kiếm Thiên tài nhí của tỉnh Quảng Nam, diễn ra tại Quảng trường Sông Hoài (Hội An). Thoạt nghe tên chương trình, nhiều người sẽ nghĩ đây là cuộc thi tài năng, múa, hát của các bé từ 4 đến 14 tuổi, thế nhưng thực tế diễn ra lại giống như một đấu trường sắc đẹp với các màn thi từ trang phục dạ hội, quốc phục đến bikini... khiến người xem bất bình.

Quay trở lại với nghị định mới, quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cắt giảm 5/10 thủ tục hành chính. Ngoài việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, người mẫu cho cá nhân, tổ chức, dự thảo cũng đề cập trực tiếp đến việc cấp phép cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài  được biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam; cấp giấy phép cho cá nhân, tổ chức Việt Nam ra nước ngoài biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu... Những thủ tục pháp lý mang tính bắt buộc nói trên là hoàn toàn cần thiết, giúp ngăn chặn các cuộc thi chui và biểu diễn chui ở trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, dù chặt chẽ đến đâu cũng không phải không có lỗ hổng trong công tác hậu kiểm. Bởi rất khó để kiểm soát nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân (có yếu tố nước ngoài) trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi sắc đẹp, người mẫu... Chưa kể, không ít chương trình nghệ thuật còn ép khán giả phải thưởng thức những màn quảng cáo thương hiệu của các nhà tài trợ liên tục được phát đi phát lại. Kèm theo đó là đủ loại nhãn hàng, từ đông dược đến thực phẩm chức năng, từ mỹ phẩm tới đồ ăn... ồ ạt quảng bá, miễn là quan tâm và có đủ kinh phí để góp mặt trong những chương trình “hot” nhất, đạt “rating” cao ngất ngưởng. Chưa dừng lại ở quảng cáo trực tiếp, người xem còn  phải tiếp tục chịu đựng màn tra tấn từ: logo từ băng rôn màn hình, logo dưới sàn diễn...v.v. Không khó để nhận ra những chương trình chạy theo lợi nhuận, xem thường nghệ thuật của không ít đơn vị tổ chức, cá nhân. Hậu quả là sự mất niềm tin của khán giả vào nghệ thuật cũng như tình cảm với các nghệ sĩ hoạt động nghiêm túc, chân chính bị giảm sút. Chính vì thế, sự kỳ vọng vào Nghị định mới sẽ chấm dứt được tình trạng trục lợi trái phép qua danh nghĩa nghệ thuật là hoàn toàn có cơ sở trong bối cảnh lực lượng thanh tra ngành còn mỏng và yếu.

Nguồn Văn nghệ số 26/2020


Có thể bạn quan tâm