April 25, 2024, 11:43 pm

"Vô đề" của Bùi Mạnh Nhị qua lời bình của Trần Bá Giao

Bùi Mạnh Nhị

Vô đề

                

Rót cho đầy ly cạn

Uống cho cạn ly đầy

Ta uống dừng bảo ta tỉnh

Ta uống chớ nói ta say

 

Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Sao em nhìn ta bật khóc

Rượu này có nước mắt pha.

 

Lời bình của Trần Bá Giao

 

Bài thơ của Bùi Mạnh Nhị đã nhiều lần được anh em ở Bộ Giáo dục và Đào tạo nhắc lại trong những lúc trà dư tửu hậu. Bùi Mạnh Nhị đặt tên cho bài thơ là Vô đề, bởi bài thơ nói về uống rượu nhưng chứa chất bao tâm sự của một người hiểu sâu về cõi nhân sinh, về những cảm xúc tưởng chừng như chỉ thoáng qua nhưng thực ra đó là những suy nghĩ sâu xa về cuộc đời về con người. Chiều sâu của những cảm nghĩa của con người qua những ly rượu tưởng là say nhưng lại là tỉnh. Cái tỉnh trong cái say cho thấy đó là một người nghệ sĩ biết qua chén rượu mà ngấm về cuộc đời.

Bài thơ chỉ gồm 8 câu được chia làm hai khổ. Xuyên suốt hai khổ thơ là những sự việc, những hình tượng tưởng như đối lập nhau nhưng lại rất thống nhất và đẩy tư tưởng của bài thơ lên đến tận cùng của cảm xúc và tư duy.

Mở đầu là hai câu thơ thật hay và cuốn hút:

Rót cho đầy ly cạn

Uống cho cạn ly đầy

Cái thần của hai câu thơ này là tạo nên một chỉnh thể thống nhất từ hành động rót rượu đến hành động uống rượu.

Nhà thơ Bùi Mạnh Nhị diễn tả sự việc theo đúng thực tế nhưng lại rất thơ: Rót rượu cho đầy ly cạn và phải uống cho cạn ly đầy. Rót đối lập với uống và đầy đối lập với cạn. Sự việc thật bình thường mà lại rất thơ.

Tứ thơ được đẩy lên khi tác giả nói như một lời nhắc nhở, nhẹ nhàng, tinh tế. Đó là lời nói của một nhà thơ đang uống rượu:

Ta uống đừng bảo ta tỉnh

Ta uống chớ nói ta say

Lời thơ đã chạm vào cảm xúc vào cái chất người nghệ sĩ khi đã uống rượu. Uống rượu là phải say, cái say này mới đúng chất của một con người đang uống rượu. Nhưng đó chỉ là cái say bởi tình người: Uống rượu đâu cứ tỉnh. Uống rượu là phải say. Nhưng không phải say đến không biết gì. Vẫn còn chất của con người nghệ sĩ. Say với rượu từ ly rượu, nhưng tỉnh với người uống rượu cùng mình. Nói được hai mặt đối lập: say và tỉnh ấy thật là sâu sắc. Cái hay của hai câu thơ này còn ở chỗ tác giả dùng hai cặp từ thật độc đáo đừng bảo và chớ nói đều cùng là cặp từ nói lên sự nhắc nhở - vừa ẩn nụ cười của người nhắc nhở mà đúng là người đó đang uống rượu.

Khổ thơ đầu mới chỉ vẽ lên hình ảnh người uống rượu với khẩu khí của người đó. Một hành động, một lời nhắc nhở vừa vui trong tiệc rượu lại vừa sâu sắc và ý tứ trong lúc thưởng rượu.

Bài thơ không dừng ở việc miêu tả việc rót và uống rượu, không chỉ là lời nhắc với mọi người về chủ thể của người đang uống rượu. Chiều sâu của bài thơ được thể hiện ở khổ trên chỉ nói đến rót rượu cho đầy ly cạn và uống cho cạn ly đầy thì ở khổ thơ dưới này trường liên tưởng đã được mở ra:

 Rót cho đầy vĩnh cửu

Uống cho cạn thoáng qua

Nhà thơ thật sâu sắc khi nói đến việc: rót cho đầy vĩnh cửu. Đúng là cái vĩnh cửu bao giờ cũng là đầy vì nó là vĩnh cửu mà. Còn cái thoáng qua vì là thoáng qua nên phải uống cạn thôi. Triết lý nhân sinh đã được gửi gắm vào câu thơ: cái gí là vĩnh cửu phải đầy vĩnh cửu nghĩa là sẽ còn mãi, cái gì là thoáng qua hãy để cho thoáng qua....

Cái kết của bài thơ thật bất ngờ! Nhân vật trữ tình hiện ra: em. Em ở đây thế nào? Em ở đây nhìn ta bật khóc… Để người trong cuộc rượu cảm nhận: Rượu này có nước mắt pha

Nếu ở các câu thơ trên, nhà thơ sử dụng những câu thơ 5 từ thì ở hai câu cuối này nhà thơ dùng thơ 6 từ; giãn câu thơ ra để nhấn thêm cảm xúc. Cuộc rượu ở đây chứa chất bao tình. Thực tế có thể giọt nước mắt của em nhỏ xuống ly rượu; nhưng điều nhà thơ nói lên đâu chỉ là hiện tượng xảy ra; đó là nỗi niềm của những người trong cuộc rượu:

Rượu này có nước mắt pha

Có thể đây là bữa tiệc chia tay?

Vâng, vì chia tay nên phải rót cho đầy ly cạn và phải: uống cho cạn ly đây để rồi nhận thấy; rót cho đầy vĩnh cửu và uống cho cạn thoáng qua.

Dù là vĩnh cửu hay thoáng qua cũng là cảm xúc, nghĩ suy của con người; thế là nước mắt rơi để mọi người cảm nhận được: Rượu này có nước mắt pha.

Uống rượu như thế mới thấy hết được tình người, hiểu hết được tình người....

Bùi Mạnh Nhị đã từ giã cõi tạm về với miền xa thẳm vào đúng ngày tiết Thanh Minh 5/4/2023. Nhưng bài thơ Vô đề của anh thì sẽ mãi còn với bè bạn. Bài viết này là nén tâm hương tưởng nhớ anh, Bùi Mạnh Nhị - một nhà giáo - Một nhà khoa học - Một nhà thơ....

Nguồn Văn nghệ số 21/2023


Có thể bạn quan tâm