April 20, 2024, 3:50 am

"Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây"

Tọa đàm "Văn học trinh thám hiện đại giao thoa Đông và Tây" có sự tham dự của các diễn giả: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Oystein Torsrud, nhà văn Di Li. Điều phối chương trình là nhà văn trinh thám Đức Anh – Giám đốc điều hành công ty sách Linh Lan (đơn vị chỉ in ấn và phát hành dòng sách trinh thám), cùng các nhà văn, bạn đọc yêu thích văn họa trinh thám.

 

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Nguyễn Quang Thiều cho biết đã có ý tưởng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc thi tiểu thuyết về đề tài trinh thám

 

Chia sẻ với độc giả trong buổi tọa đàm nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho biết, các tác giả trẻ Việt Nam có thể phát triển sự nghiệp thế nào dựa trên việc tiếp thu ảnh hưởng từ các nền văn học phát triển. Các vấn đề chuyên môn như khác biệt trong thưởng thức trinh thám hiện đại và cổ điển, khả năng xuất bản quốc tế, khả năng áp dụng các kỹ thuật kể chuyện của văn học trinh thám.

Đây là lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức một chương trình tọa đàm về văn học trinh thám. Sự kiện này được thực hiện nhân dịp nhà văn trinh thám Nauy Oystein Torsrud sang giao lưu với độc giả Việt Nam theo lời mời của công ty sách Liên Việt (đơn vị chuyển ngữ và phát hành tiểu thuyết “Cơn bão” của ông), cũng như lần đầu tiên tiểu thuyết trinh thám Việt Nam “Trại Hoa Đỏ” của nhà văn Di Li được K+ chuyển thể thành Premium Original Series.

Nhà văn Oystein Torsrud (tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy) chia sẻ: “Các nhà xuất bản Na Uy thường sở hữu những mặt mạnh về thông tin, họ biết cách tạo sự hấp dẫn cho những cuốn sách mới ra, điều đó tạo động lực cho các nhà văn viết các tiểu thuyết mới”.

Oystein Torsrud là tiểu thuyết gia trinh thám người Na Uy. Ông tốt nghiệp ngành Kỹ thuật cơ khí và là một kỹ sư hàng hải. Ông bắt đầu sự nghiệp khá muộn khi đã kết thúc công việc của một kỹ sư, tuy nhiên vẫn sở hữu hàng chục đầu sách. Tiêu biểu nhất là bộ truyện xoay quanh- nhân vật cảnh sát điều tra Sivert Olafsen. Các tác phẩm theo chân nhân vật Sivert từ một ông già cáu kỉnh trở thành người cố vấn thân thiện cho những tân binh trẻ tuổi.

Những đầu sách của ông được viết trực tiếp bằng tiếng Anh và tiếng Na Uy bao gồm Bí ẩn đằng sau cơn bão, Tội ác số, Mariana, Những dữ liệu bị đánh tráo, Âm mưu, Trang trại gió, Thanh tra, Hàng lậu... Đây là lần đầu tiên tác phẩm trinh thám của Oystein Torsrud được chuyển ngữ và giới thiệu tại Việt Nam.

Nhà văn Đức Anh, Di Li cho rằng nhiều nhà văn Việt Nam vận dụng kỹ thuật viết trinh thám của phương Tây khi viết văn, thế nhưng để có tương lai phát triển hơn, văn học Việt Nam cần phát huy thêm yếu tố bản địa. Độc giả trẻ yêu cầu tác phẩm thuần Việt hơn. Như vậy, văn học trinh thám hiện đại vừa phải kết hợp yếu tố bản địa với những kỹ thuật học hỏi được từ phương Tây, để có thể tạo ra những khác biệt văn hóa làm nên thành công của mỗi nền văn học; đồng thời thảo luận về các chủ đề lý giải tại sao văn học trinh thám ở Việt Nam vẫn còn non trẻ, cũng như sự khác nau giữa trinh thám Đông và Tây, giữa nền trinh thám hiện đại và truyền thống, khả năng khai thác thế mạnh của thể loại dành cho những người cầm bút ở Việt Nam trong lĩnh vực sáng tác tiểu thuyết nói chung…

 

“Văn học trinh thám ở Việt Nam không phát triển. Lý do cũng dễ hiểu bởi trinh thám là một thể loại văn học giả tưởng, nó huy động gần như 100% trí tưởng tượng, mà trí tưởng tượng thì thật sự không phải là sở trường của người châu Á”, nhà văn Di Li nhìn nhận tại buổi tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây” được tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội.

 

Nhận định tương lai của văn học trinh thám tại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn học trinh thám sẽ phát triển hơn nhưng không thể trở thành một dòng văn học lớn bởi sự phát triển cần được bắt nguồn từ văn hóa, nếu như các tác phẩm văn học trinh thám Việt Nam thế kỷ 21 tiếp tục chạy theo những gì mà văn học trinh thám phương Tây đã và đang làm thì sẽ không thể tiếp cận được với độc giả trong nước bởi văn hóa người Á Đông nói chung thường nghiêng về những câu chuyện tâm linh. Bởi vậy người viết cần phải cân bằng hài hoà giữa các yếu tố văn hoá truyền thống và hiện đại thì mới có thể dễ dàng tiếp cận với hệ tư duy của đối tượng độc giả mà mình hướng tới.  

PV


Có thể bạn quan tâm