March 29, 2024, 8:53 pm

"Thời điểm nhạy cảm " và " Động cơ vụ lợi"

 

Ngày 19/12, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã ký ban hành Quy định về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên. Theo đó, Bộ Chính trị nghiêm cấm việc lợi dụng tổ chức giao lưu, liên hoan, gặp mặt, chúc mừng trước, trong và sau mỗi kỳ đại hội, hội nghị, kỳ họp hoặc các dịp mít tinh, kỷ niệm ngày truyền thống, khai giảng, bế giảng hoặc khi cán bộ được đề bạt, bổ nhiệm, phong, thăng quân hàm, luân chuyển, thuyên chuyển công tác... để ăn uống, "tiệc tùng", tặng, nhận quà, với động cơ vụ lợi.

 

Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Song song với những nội dung chính nêu trên, Quy định còn chỉ rõ những hoàn cảnh cụ thể sẽ tạo cơ hội nảy sinh tiêu cực và chỉ rõ người đứng đầu cơ sở, cấp  ủy phải quán triệt trong tổ chức, cơ quan và gương mẫu đi đầu thực hiện những quy định bắt buộc này.  Đón nhận thông tin trên, ngay lập tức dư luận hình thành hai luồng ý kiến trái chiều.

Thứ nhất ủng hộ tuyệt đối, khi cho rằng việc nói không với quà biếu sẽ tác động tích cực thậm chí chấm dứt hoàn toàn vấn nạn tham nhũng dù dưới bất kỳ góc độ hay hoàn cảnh nào. Vì khi người đứng đầu cơ quan, cấp ủy đã nói không với quà biếu thì cấp dưới hẳn sẽ không còn "cửa sau để đi".

Thứ hai, tỏ ra hoài nghi vì " con đường dài nhất Việt Nam chính là con đường từ lời nói đến hành động". Nếu không có sự quyết liệt từ trên xuống dưới hẳn tình trạng" trên trải thảm đỏ dưới rải đinh' sẽ không thể chấm dứt. Theo phản ánh của các chủ doanh nghiệp, thì doanh nghiệp có quy mô càng lớn và kinh doanh càng thành công thì thường phải đối mặt với nhiều sức ép hơn do phí tuân thủ thủ tục hành chính cũng nhiều hơn, bị thanh tra kiểm tra nhiều hơn, cũng như dễ bị các cơ quan hành chính và thuế nhũng nhiễu hơn. Tình trạng này có giảm sút khi chính phủ quyết liệt đổi mới, song phần lớn doanh nghiệp khi được hỏi về cải cách thủ tục hành chính  đều  thừa nhận vẫn tồn tại  " phí bôi trơn" để công việc có thể  vận hành trong tình trạng tạm cho là hanh thông.

 

Giống như " miếng trầu là đầu câu chuyện", phong bì, quà biếu đã trở thành một phần không nhỏ trong cuộc sống. Nhưng khi xã hội càng phát triển thì phong bì, quà biếu không dừng lại ở mức tượng trưng, hay nôm na như các cụ ta nói là lòng thành mà đã bị biến tướng và chứa đựng trong nó biết bao ẩn ý. Chính vì lẽ đó mới có nạn mua quan, bán chức và tạo ra lợi ích nhóm lũng đoạn nền kinh tế, làm kiệt quệ tài nguyên quốc gia và giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với Đảng, Chính phủ.

Sốc lại đạo đức công vụ, quán triệt Nghị quyết trung ương 4 về chống diễn biến, tự chuyển hóa trong Đảng được xem là những việc cấp bách và cần làm ngay lúc này để làm trong sạch Đảng, từ đó khôi phục lại nguồn sức mạnh vốn có của Đảng ta.

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu địa phương không tổ chức đoàn chúc tết Trung ương, bản thân Thủ tướng khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Thủ tướng cũng đã đề nghị Văn phòng chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến Thủ tướng không tổ chức tiệc mừng, tặng hoa.. Thủ tướng, và các thành viên chính phủ đắc cử đã thực sự để lại ấn tượng đẹp trong mỗi người dân.

 

Quay trở lại với quy định của Ban Bí thư, để thấy rõ việc nghiêm cấm  lợi dụng để "biếu xén", đưa tặng quà với động cơ vụ lợi, không trong sáng; chấm dứt ngay tình trạng ăn uống, "chè chén" xa hoa, lãng phí, gây phản cảm trong dư luận xã hội là việc làm hợp lòng dân. Hy vọng rằng để thực hiện những chỉ thị trên rất cần một chữ " nghiêm" từ trên xuống dưới để Bộ máy công vụ có thể vững vàng tránh xa " thời điểm nhạy cảm", không vụ lợi.

 


Có thể bạn quan tâm