April 19, 2024, 2:15 am

"Hồn tôi đã hóa con đò ấy..."

 

Vĩnh biệt nhà thơ Ngô Minh

Nhà thơ Ngô Minh tên thật Ngô Minh Khôi, sinh 10/9/1949 - Kỷ Sửu, quê quán ở làng Thượng Luật, xã Ngư Thuỷ Trung, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Ông tốt nghiệp Đại học Thương nghiệp Hà Nội tháng 9/1972. Đi bộ đội, vào miền Đông Nam Bộ từ tháng 4/1973, Ban Chính trị Trung đoàn 141, Sư đoàn 7; làm bản tin Ba Vì của trung đoàn, quân hàm trung sĩ. Tháng 6/1976, ra quân, về Huế; làm Trưởng đại diện báo Thương Mại tại miền Trung. Nghỉ hưu ở tại Huế.

Tác phẩm đã xuất bản:

Thơ: Phía nắng lên (1985); Chiếc lá biết đi (thơ thiếu nhi, in chung, 1987); Chân dung tự hoạ (1989); Nước mắt của đá (1991); Chân sóng (1995); Quà tặng xứ mưa (1996); Đứa con của cát (1998); Nắng mặn (thơ thiếu nhi, 2001); Phù sa biển (2001); Huyền thoại Cửa Tùng (2004); Lệ Thuỷ mút mùa (2005); Thơ tặng (2007) Gọi lá (2008); Ký tự biển (2013)

Văn xuôi: Văn hoá kinh doanh thời đổi mới (2000); Chuyện làm ăn thời hội nhập (tập báo chí chọn lọc, 2002) ; Nhớ Phùng Quán (biên soạn, 2003); Chuyện làng thơ (tiểu luận - bút ký thơ, 2004); Ăn chơi xứ Huế (bút ký ẩm thực, 2002), Đất Thiêng (ghi chép, 2005);  Phùng Quán - Ba phút sự thật (tổ chức bản thảo, giới thiệu, 2006); Chuyện tử tù Lê Quang Vịnh (ký sự, NXB Văn nghệ, 2007, NXB Lao Động tái bản năm 2012); Phùng Quán còn đây (suu tầm, biên soan cùng Vũ Bội Trâm - vợ nhà văn Phùng Quán, 2007); Hồn quê trầm tích (2010); 100 ngày vượt Trường Sơn (2010);  Cổ tích tàu không số (2011)

Đặc biệt từ ba năm trước, nhà thơ Ngô Minh đã tự mình tuyển chọn và xuất bản bộ sách Ngô Minh tác phẩm, như là tổng kết cuộc đời cầm bút của ông. Bộ sách gồm 5 tập: thơ, chân dung văn nghệ sĩ, ký - phóng sự, tiểu luận - phê bình, các bài viết về Ngô Minh. Đó là tuyển những tác phẩm Ngô Minh đã viết trong hơn 40 năm cầm bút, với 14 tập thơ, hơn 14 tập bút ký - phóng sự, tiểu luận, phê bình, hàng chục giải thưởng văn chương và báo chí.

Ông cũng từng 2 lần nhận giải thưởng văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên vào năm 1982 và 1987, và 2 lần nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam với tập thơ Chân sóng (1996) và Huyền thoại cửa Tùng (2004).

Do bệnh nặng, Nhà thơ Ngô Minh đã từ trần lúc 17h ngày 3/12/2018 tại Huế, hưởng thọ 70 tuổi.

Nhà thơ Ngô Minh (1949-2018)

HỒN TÔI ĐÃ HOÁ CON ĐÒ ẤY

Ngay khi vừa nhận tin nhà thơ Ngô Minh qua đời, nhà văn Nguyễn Thế Tường viết: “Cách nay chừng 15 năm, một văn nhân Bắc Hà ngạc nhiên mà khắc họa chân dung “Ngũ kỳ thi nhân” huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Họ cùng một lứa bên trời (Đinh Hợi-Kỷ sửu) cùng lớp cấp 3 Lệ Thủy, và gần như tất cả đều có vết thương lòng. Đó là Lâm Thị Mỹ Dạ, Đỗ Hoàng, Hải Kỳ, Ngô Minh, Lê đình Ty. Giờ đây chỉ còn lại nữ sĩ duy nhất trong nhóm, nhưng lại đang lâm trọng bệnh bên người chồng văn nhân nổi tiếng mà bệnh tật ở phương Nam; và nhà thơ Đỗ Hoàng lưu lạc đất bắc…”

Ngũ kỳ thi nhân, mỗi người một vẻ, một nết, chẳng chẳng lẫn vào đâu mà cũng chẳng ai giống ai, cả trong cuộc sống lẫn trang viết. Nhưng dấu ấn đậm nét nhất trong thơ của họ thì vẫn bền bỉ đằng đẵng với thời gian… Ấy là cái chất miền Trung nồng nàn mà gay gắt, là sự đan hòa đằm thắm giữa cuộc sống nhọc nhằn bề bộn với da diết tinh tế của thi ca, là tinh thần trách nhiệm với cuộc sống ẩn sau sự lãng mạn của một nhà thơ, cũng như khả năng thăng hoa đến thành quyến rũ trong ngòi bút của một nhà báo… mà Ngô Minh là một ví dụ.

Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã viết về thơ Ngô Minh:

“… Nói đến Ngô Minh, là nói đến thế - giới - cát. Cát trong suy nghĩ của Ngô Minh như thứ ngôn ngữ minh triết về đời sống con người. Là vật chất, nhưng không giản đơn như mọi thứ vật chất. Cát có thể nóng như lửa, lại mềm mại dịu êm dưới chân người. Li ti từng hạt nhỏ, vậy mà bên nhau cát xây nên  lũy nên thành án ngữ dọc biển bờ Tổ quốc. Cát hiền lành trong sạch, khi giận dữ có thể biến thành những cơn bão khủng khiếp.

Mỗi nhà thơ, tự thân đứng trên một nền đất - nguồn cội của sức sáng tạo. Nền sáng tạo của Raxun Gamzatốp là Đaghextan, xứ sở trên vùng núi Kapkazơ. Nền sáng tạo của Ngô Minh là thế - giới - cát, với một bên biển cả mênh mông, một bên cánh đồng phì nhiêu "nhất Đồng Nai, nhì hai huyện". Miền đất hẹp mà ngõ hầu không giới hạn. Đi tìm phẩm cách nhà thơ, tôi nghĩ phải tìm tới nơi phát tích dòng sông thơ ấy. Đây không đơn thuần là tiểu sử, hoàn cảnh, đây là nguồn dinh dưỡng của cảm xúc.

Phải chăng vì lẽ đó Ngô Minh giành trọn cho cái nôi thơ bằng những bài thơ ắp đầy kỷ niệm hạnh phúc xen lẫn đau buồn. 33 bài thơ trong Lệ Thủy mút mùa (Tập thơ Ngô Minh, NXB Thuận Hóa, 2005) là 33 nén hương thơm đốt lên giữa trời đất, bái vọng quê nhà tấm lòng hiếu thảo đứa con nơi xa:

nơi ấy mạ bọc tôi trong vạt áo đẫm mồ hôi

và dính đầy bụi cát

đôi dép mạ là manh ván hẹp

từ sạp thuyền đi biển của cha

bước đi lên nửa bước lùi về

đã bao đỉnh cát cao mạ vượt

những hột nắng lăn vào mắt xót

(Đứa con của cát)

…”

Bảy tuổi, Ngô Minh Khôi (Tên khai sinh của Ngô Minh) được (bị) dẫn ra chân đồi cát để nhìn thấy thân phụ, một thuyền trưởng đánh cá dũng cảm nổi tiếng của đất Ngư Thủy bị quy sai, bị xử bắn. Người mẹ góa phụ ngày ngày “ăn xin bờ biển” nuôi các con ăn học. Năm 1972, đang học năm thứ ba Đại học thương mại, Ngô Minh Khôi nhập ngũ hành quân một trăm ngày vào chiến trường Đông Nam bộ tham chiến. Từ đó đến khi qua đời, khi làm Báo, làm Văn, làm viên chức, thơ ông không bao giờ ngưng nghỉ dành cho số phận con người, chống lại bất công vô lý ở đời. Tiếng thơ ông dữ dội bao nhiêu khi kết án bọn “nội xâm” tham nhũng cường quyền là “giặc” thì cũng đẫm tình bấy nhiêu khi nhắc đến Mẹ (Mạ), đến quê hương Lệ Thủy, đến vỹ nhân “đồng ngũ - đồng hương - anh cả” quân đội. “Ngũ kỳ thi nhân Lệ thủy” có những năm học cấp ba, qua lại bến đò Chền, một bến đò từ thưở đất Chàm chưa trở về Đại Việt. Lê Đình Ty thảng thốt: “Mút mùa Lệ Thủy mưa qua/ Đò ơi tôi gọi thiết tha dưới trời” Ngô Minh tha thiết sâu đằm hơn: “Hồn tôi đã hóa con đò ấy/ Qua lại Bến Chền đón đưa em”.

Vẫn nhà thơ Hoàng Vũ Thuật:

“… Lệ thủy mút mùa không nghiêng về hồi tưởng miền thơ ấu, thời nhà thơ mặc áo lính đau đáu nỗi quê. Lệ Thủy mút mùa hoà trong dòng chảy thơ Ngô Minh, phong phú về chất liệu đời sống. Nhà thơ coi trọng ngôn ngữ phổ quát, ngôn ngữ điền dã, sử dụng cả phương ngữ, nhưng lại được biểu hiện bằng tầng văn hoá của người từng trải, giàu kinh nghiệm, điều ấy thấy rõ qua lao động nghệ thuật trong từng bài ….”

Và ông kết luận: “… Thơ như con thuyền chuyển tải tư tưởng, nó chỉ cặp bờ khi đến được đích chân - thiện - mỹ...”

Bởi chính Ngô Minh cũng từng thổ lộ: Hồn tôi đã hoá con đò ấy (Ghi ở Bến Chền)… đấy thôi

Sinh trưởng, làm thơ bên dòng Kiến Giang mà không thấy bóng dáng con đò mới là chuyện lạ. Để rồi ngay cả khi hồn đã hóa con thuyền, thì vẫn cứ tít tắp mơ hồ… Thế rồi lần lượt Lê Đình Ty, Hải Kỳ ra đi khi mới qua sáu mươi. Nay, Ngô Minh, chớm thất thập, hồn cũng “đã hóa con đò ấy”... chèo về viễn du.

*

Trước ngày rời cõi tạm không lâu, nhà thơ Ngô Minh có gửi đến báo Văn nghệ chùm thơ và một số bài viết, trong đó có những bài mà ông tự đánh giá “rất hay” dành cho số Tết đang thực hiện. Xuất thân từ một nhà báo chuyên nghiệp, nên lâu nay Ngô Minh vẫn là tác giả có nhiều bài cộng tác có chất lượng với Văn nghệ. Thậm chí từ những bài viết khá đều của ông cả về chất lượng lẫn thời gian, đã gợi ý cho những người làm báo sáng kến mở ra những chuyên mục mới có khả năng thu hút bạn đọc, bạn viết trong cả nước

Văn nghệ xin giới thiệu bài thơ trong chùm thơ cuối cùng mà nhà thơ Ngô Minh vừa gửi cộng tác. Chẳng hiểu những câu thơ đến với nhà thơ trong tâm thế nào, mà giờ đây đọc lại giống như một lời chào mà ông gửi lại. Một lời chào thanh thản để nhàn du:

… có một ngày rồi chẳng bao giờ nữa

anh lau chùi những kỷ niệm êm đềm

gắn lên trời thành ngôi sao nhỏ

tim đau buồn xin đập với vô biên…

Ấy là ông đã viết./.

Văn nghệ

CÓ MỘT NGÀY

Ngô Minh

 

có một ngày phố phường hoang vắng

như thảo nguyên xa dấu ngựa bụi mờ

mặt trời tắt sau lùm gai rậm

tóc em bay – gió buốt câu thơ

 

có một ngày hàng cây là đổ

rựng tơi bời nắng vỡ đường trưa

anh bỗng hóa tro than vùi chân cỏ

mắt em nhìn trống rỗng câu thơ!

 

có một ngày rồi chẳng bao giờ nữa

anh lau chùi những kỷ niệm êm đềm

gắn lên trời thành ngôi sao nhỏ

tim đau buồn xin đập với vô biên…

 

 


Có thể bạn quan tâm