April 20, 2024, 5:25 am

" Đêm thức" với nhà văn Đức Ban

 

Hồi mới chia tỉnh, Hội văn nghệ Hà Tĩnh được phân một dãy phòng cấp 4 xập xệ ở trung tâm thị xã. Gần đó có mấy cây ngô đồng xanh mướt nhưng dáng vẻ khá kì dị, nhất là và những đêm tối trời mất điện.

Trước dãy nhà của Hội là những quán cơm bụi náo nhiệt, chủ yếu phục vụ cho những người về Hà Tĩnh làm việc mà gia đình thì còn ở ngoài thành phố Vinh. Nhà văn Đức Ban ở trong một căn phòng nhỏ, ăn cơm chung với bếp tập đoàn của Hội. Sau này, một lần ông nói với tôi, hồi đó ông viết khỏe vì buồn, buồn thật. Đêm thị xã quạnh vắng, một mình đọc sách lắm cũng chán. Ông bỏ sang rạp chiếu phim 26/3 đối diện xem bộ phim hành động. Rồi về. Chong đèn, pha gói mì tôm và “cày”. Cày thật sự. Trước hết có cái truyện để in tạp chí Hồng Lĩnh báo nhà. Rồi, cũng phải ra tập mới; và tập Đêm thức ra đời. Tập truyện ngắn này nằm trong cụm tác phẩm được giải thưởng Nhà nước năm 2017, và trước đó là giải A của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Sau này ông làm tuyển tập tôi lại được đọc nhiều truyện ngắn viết về đêm của ông: Đêm thức, Tiếng đêm, Lối đi trong tăm tối, Lúc nửa đêm về sáng, Ngôi sao hôm leo lét... 

Và cuốn tiểu thuyết cũng mang tên Trăng vỡ. Đêm ám ảnh ông. Đêm khơi dậy trong ông bao ký ức và thường là ký ức buồn. Buồn vu vơ, buồn lắng sâu, buồn bản mệnh. Càng đào xới càng chạm đến cái vỉa của phận người, cõi người. Có cả những nỗi buồn sâu thẳm, chát đắng, ngậm trong nước mắt chỉ riêng mình ông mới biết chứ không thể chia sẻ với ai. Ông đã “trùng tu” nỗi buồn thành những đền đài của tác phẩm. Đức Ban là thế, tinh tế mà cũng rất nhà quê. Cái chất quê dai dẳng, bám riết để ông kí thác vào con chữ. Tôi đã về quê ông, một làng quê nghèo như bao làng quê ở Hà Tĩnh. Nghèo mà phong lưu. Cái con sông Nghèn mà trong tác phẩm ông gọi là sông Nghẽn, sông Duềnh, rồi những hoa bần, bến nước, mui thuyền… cứ tuần tự làm cái phông, ra cái phong vị cho những truyện ngắn của ông. Đó là không gian nghệ thuật, khí quyển tâm thế mà ở đó ông đã dựng dậy các nhân vật thường là bé mọn không may mắn; đến cả cái tên cũng nhọc nhằn: ông Trìu, Nợi, Nhọn, cô Bờ, thằng Sắt… Trong cuốn Nhà văn Việt Nam hiện đại Hà Tĩnh, trong phần quá trình công tác ông viết: Đã từng học phổ thông, làm ruộng, dạy học bổ túc văn hóa rồi đi thanh niên xung phong sau đó học khóa II trường viết văn Nguyễn Du… Điều đó cho ta thấy ông là người có nhiều vốn sống thực tế bằng trải nghiệm của mình nhất là đời sống nông thôn. Nếu có viết về thành thị thì đấy là thị thành buổi đầu, thị thành chuyển hóa từ nông thôn, còn manh mún, tạm bợ. Và những con người từ thời chiến tranh trở về cũng là những người xuất thân từ nông thôn, trở về với nông thôn. Từ đó để ông có Khúc hát ngày xưa, Cô Tề làng tôi, Chuyện quanh quán cây Dừa, Bến tắm, Đền thờ Đức Thánh Mẫu… Những năm tháng ở TNXP là chất liệu đời sống sinh động cho ông viết tiểu thuyết Trăng vỡ…

Nhớ lại những năm mới ở quân đội ra tôi thường ra Vinh để “buôn”phụ tùng máy móc. Với vốn kiến thức học ở Học viện kỹ thuật quân sự, tôi săn tìm các phụ tùng quý hiếm của máy đẩy (Nhật), máy nổ (Đức)  cho ngư dân ở biển làng tôi đánh cá bằng vó ánh sáng. Hồi đó, cuối những năm 1980 đời sống còn khá vất vả. Nhà ông ở khu tập thể Hội văn nghệ Nghệ Tĩnh. Lúc đó nhà nhà nuôi lợn, nhà nhà bóc lạc, bật cả móng tay. Nhà ông cũng thế, nhận hàng bao tải lạc vỏ để chị Bình (vợ ông là cô giáo) cùng hai cháu Sơn và Hải tranh thủ thời gian buổi tối để bóc lạc với cái kẹp làm bằng hai thanh tre. Tiếng nổ lốp bốp nghe thật buồn bã, đơn điệu, dai dẳng trong đêm. Những năm ấy tôi nhớ nhà văn Đức Ban tài sản quý nhất là tủ sách dựng sát tường với nhiều đầu sách hay chủ yếu là văn học Nga. Và dựng cạnh đó là chếc xe đạp cà tàng để ông hàng ngày ra cơ quan làm việc và chở về những bao lạc vỏ, mùn cưa đun bếp. Ở với gia đình ông còn có mẹ già, bà cụ có nét rất giống ông. Bữa cơm ở nhà ông mà mỗi lần tôi ra Vinh thường được chị Bình níu lại thường rất đạm bạc nhưng vui và ấm cúng. Nhìn cử chỉ ông gắp thức ăn cho mẹ, động viện dỗ dành bà mà tôi nghẹn lòng. Và nghĩ bụng, với một người con hiếu thảo như thế thì những trang văn ông viết ra không thể hời hợt được…

Có một câu chuyện nhỏ mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in là tôi rủ ông đi “buôn”. Buôn, con buôn, con phe, cò… những thứ ấy khá xa lạ với ông. Còn tôi, đã khá tinh thông nhập cuộc nhanh với kinh tế thị trường. Tôi tính kế cho ông: Ta phải đi buôn bác ạ “Phi thường bất phú mà”. Những buôn gì? Vốn đâu?... Thấy ông có vẻ xuôi xuôi tôi nói: Buôn rượu. Rượu chanh ở quê em dân biển thích lắm, vốn ít thì lấy sức mình là chính. Bằng xe đạp chở mấy chục chai rượu chanh từ Vinh vào Cửa Sót (Hà Tĩnh) đã có giá chênh lệch làm lãi rồi. Thì buôn, gói ghém cẩn thận lên xe vừa đạp vừa “Chào em cô gái Lam Hồng”. Đến ngã ba Bãi Vọt bị đội quản lý thị trường bắt lại kiểm tra. Hồi đó còn “ngăn sông, cấm chợ lưu thông hàng hóa”. Mặc dù tôi đã cố gắng giải thích: Đây là rượu mua về cho “trại” tổng kết. Ông đội trưởng quắc mắt: Trại à, trại lại càng tịch thu và ghi biên bản nộp phạt, ai lại cho cả cái bọn can phạm ở trại giam uống rượu thì càng phạm tội. Không! Tôi giải thích. Đây là trại viết văn. Văn à, lại càng phải tịch thu, thời buổi này đói bạc mặt ra ai lại ngồi viết văn tán láo, thơ với thẩn. Tôi sực nhớ có tập truyện ngắn Mưa rừng của nhà văn Đức Ban mới tặng trong túi, vội lấy ra đưa cho ông và giới thiệu: Đây là nhà văn Đức Ban tác giả cuốn sách này. Ông giương đôi mục kính nhìn chăm chăm cái ảnh chân dung nhà văn in ở bụp bìa hai và so sánh với nhà văn thật ở ngoài đời đang đứng như trời trồng, mặt tái bệch hai tay vò đầu lúng túng. Ông đội trưởng lật giở vài trang thấy bài viết về Con Cuông, ông bỗng chép miệng khoe với mấy nhân viên: Đây là quê mình. Giỏi, giỏi quá! Nói rồi ông liếc nhìn hai cái bì tải đựng rượu có vẻ tiếc rẻ: Thôi được, cho đi chỉ tịch thu năm chai “làm luật”. Lần sau nhớ chở hàng cấm thì cất dấu cẩn thận chứ ai đời chở đi nghênh ngang lại còn thơ ca hò vè nữa. Vừa tức, vừa buồn cười. Thoát nạn cả hai anh em về đến Đò Điệm đã tối. Mở bì rượu kiểm tra thấy vỡ mất một chai. Hơi rượu thơm lừng càng làm cho con tì con vị xốn xang. Thế thì mở luôn một chai uống giải xuy vì chờ đò quá lâu. Kết quả hòa vốn. Mẹ tôi thương ông nhà văn từ Vinh vào mua một ít hải sản đồ khô biếu ông mang về cho mẹ con mừng…

Khi biết tôi đã thi đỗ vào trường viết văn Nguyễn Du khóa 5, ông mừng lắm, khuyên tôi: ra đó học chú phải viết báo để nuôi mình, viết cái ngắn để nuôi cái dài hơi. Rồi ông kể cho tôi nghe những ngày ông học khóa II Trường viết văn Nguyễn Du. Ở quê ra lại mang theo cháu Sơn còn bé, hai bố con sống khá chật vật. Hàng tuần lên lớp, vừa học ông vừa phải nghĩ viết chuyện thiếu nhi cho chương trình văn nghệ của đài PT-TT Hà Nội đọc để có tiền nhận bút nuôi con. Vì thế mà sau này tập hợp lại ông đã có tập truyện viết cho thiếu nhi Hoa cúc vàng khá xinh xắn và hấp dẫn. Trong một lần trò chuyện với Tiến sĩ văn học Đặng Lưu tôi thấy anh khá thú vị khí nói về văn xuôi Đức Ban: “Dường như bao nhiêu chuyện viết về thôn quê của ông cũng chỉ bắt gặp cái khuôn mặt làng quê quen thuộc ấy mà thôi (… ) Con người trong chuyện của Đức Ban không phải là người nông dân trong cái vỏ khái niệm xã hội học chung chung mà hiện thị rõ ràng những thân phận cá biệt. Thế giới nhân vật của Đức Ban gồm vô số những người dưới đáy (…) Cảm quan hiện thực của nhà văn không chỉ miêu tả sắc nét thực trạng cuộc sống, mà quan trọng hơn còn chỉ ra nguyện nhân thực trạng ấy (…) Viết về những thân phận đau khổ hiu hắt những con người bất hạnh ngòi bút Đức Ban thấm đẫm một nỗi cảm thông một sự nâng niu chi chút”. Đọc lại các tác phẩm của ông tôi thấy nhân vật “tôi” là chứng nhân kiêm dẫn chuyện. “Tôi” là người làng đã từng sống, cùng vui, cùng khổ với bao nhiêu số kiếp. Qua nhân vật thuật truyện ông đã gửi gắm niềm tin mãnh liệt của mình đối với những vẻ đẹp ngời sáng tiềm ẩn trong tâm hồn nhân cách của con người sống lầm lụi với bùn đất quê hương. Đói khổ, nghèo hèn không làm mất đi cái thiện căn, sâu rễ, bền gốc nơi họ. Có lần tôi nghe Giáo sư Hoàng Ngọc Hiến nói về “Thiên tính nữ” trong truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi thấy rằng ở Đức Ban cũng đậm đặc “Thiên tính nữ”nhân hậu ấy. Trong những bối cảnh cuộc sống lạnh lẽo, quạnh quẽ, hoang vắng những người bị hắt hủi (nhất là nhân vật nữ) vẫn đến với nhau sưởi ấm cho nhau bằng thứ tình cảm chân thực, cao quý giàu lòng nhân ái nữ tính cao cả: Đó là chị Thảo với ông  Trìu (Hoa Bần); con Hệ với lão Cự (Ngôi sao hôm leo lét); cô Bờ (Người đàn bà choàng khăn); Hai người đàn bà lỡ thì (Mồng mười tháng tám) Ngoài mảng đề tài viết về nông thôn mà ông khá quen thuộc thì loạt tác phẩm của Đức Ban viết về cuộc sống thời hậu chiến cũng đặt ra nhiều vấn đề đáng suy ngẫm. Nỗi đau cuộc chiến được ông cảm nhận từ các phương vị khác những cung bậc khác với những bất công ngang trái. Đây thật sự là những chuyện ngắn có “tải” và chắc chắn sẽ có sức sống lâu dài trong lòng bạn đọc bởi những vấn đề ấy vẫn nóng bỏng tính thời sự đến ngày hôm nay. Mỗi nhà văn đều có giọng điệu riêng và cách xử lí nghệ thuật của riêng mình. Với Đức Ban đó chính là cái nhìn trầm cảm, nó chi phối và quyết định những mẫu nhân vật giúp nhà văn thể hiện những suy tư của mình về cuộc đời. Điều đó được thể hiện qua thế giới nhân vật, những con người bình thường nhỏ bé trong cái nốt trầm lặng lẽ của dòng chảy cuộc đời. Văn ông trầm tĩnh và tinh tế, đẹp hài hòa nhưng vấn đề đặt ra lại khá gay gắt, sâu sắc đi đến tột cùng vấn đề đặt ra. Một giọng văn phải về đêm thật yên tĩnh, thật đơn độc, thật phản kháng, tự kháng mới có được. Một tiếng vọng thao thiết, day dứt đối diện với mình. Đêm chính là phần khuất lấp của ngày đã soi tỏ những đứt nối dằng dịt chập chờn ma mị, những kí ức riết róng dứt ra từng mảng chợt ùa về. Đêm chính là không gian nghệ thuật vây bủa và lay thức gợi mở…

Bằng đi mấy năm do bận rộn công việc với chức danh mới là Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, ông chủ yếu viết kịch bản sân khấu hoặc nghiên cứu văn hóa. Từ ngày nghi hưu, ông viết trở lại, viết một mạch, và cho xuất bản tập Giọt nước mắt của đất. So với các tác phẩm trước, 9 truyện ngắn trong tập này sâu sắc hơn với những vấn đề thời sự nóng hối, cấp thiết. Bao tiêu cực xảy ra từ việc bán đất làm dự án, phá hoại môi trường sinh thái và cả môi trường văn hóa. Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn chọn tên tập Giọt nước mắt của đất, giọt nước mắt của tâm linh thăm thẳm nguồn cội từ đất, từ lòng đất, con người cõi âm và dương, sáng và tối, thiện và ác… Mối liên hệ bí ấn ấy được lặp lại với tần số cao từ nhiều hoàn cảnh sống khác nhau, thận phận khác nhau tạo nên một dư ba day dứt trong tâm tưởng…

Nhà văn Đức Ban tụ hội nhiều năng kiếu bẩm sinh ngoài văn chương như khiếu thẩm mĩ về mỹ thuật, âm nhạc, nhiếp ảnh, sân khấu và cả hoạt ngôn trong giao tiếp đời thường. Ông vốn là “Nhà văn quan chức” như thuật ngữ ông dùng khi viết về nhà thơ Lê Duy Phương, vốn là Giám đốc sở Kế hoạch Đầu tư của tỉnh. Đức Ban đã từng là Chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, Tổng biên tập tạp chí Hồng Lĩnh và Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông là người có công trong việc phát hiện và bồi dưỡng những cây bút trẻ. Tôi và nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hướng là hai người được ông quan tâm theo dõi và nhận về khi tốt nghiệp Trường viết văn Nguyễn Du và Đại học Sân khẩu Điện ảnh. Trong các cây bút văn xuôi Hà Tĩnh hiện nay đã trở thành nhà văn chuyên nghiệp như Nguyễn Thị Phước, Như Bình… đều có công phát hiện và bồi dưỡng của nhà văn Đức Ban. 

Có một thời gia đình ông xem tôi như người nhà khi từ Hà Tĩnh ra Vinh. Hai cháu Sơn và Hải quấn quýt chú Phú hay được chú đèo đi chơi và mua quà. Còn chị Bình, cô giáo dạy văn rất ham đọc sách báo, kể cả tờ báo tình có trang văn nghệ cuối tuần. Gia đình của ông thật hạnh phúc khi có người phụ nữ đảm đang quán xuyến mà thật dịu dàng chu đáo. Bây giờ Đức Sơn đã là một nhà báo chững chạc có uy tín nghề nghiệp của một tờ báo lớn ở thủ đô. Căn gác 2 của nhà ông ở đường Nguyễn Du vẫn ngồn ngộn đầy ắp sách báo. Ông tuổi Kỷ Sửu, cái tuổi rất chịu khó “cày”. Trong các cuộc vui với bạn bè, đồng nghiệp ông luôn hài hước, dí dỏm với sự hóa thân bình dị làm cho cuộc rượu sôi hẳn lên. Thật lạ, Đức Ban nhiều bạn văn chương khắp cả nước đã đành, ông lại là bạn thân khá tri kỉ với nhiều chức sắc quan trọng của tỉnh. Chính mối quan hệ thân tình ấy đã tạo cho ông cái “kênh” khá rộng trong giao tiếp đời thường làm giàu thêm vốn sống tư liệu cho những trang viết. Cái chất nghệ sĩ linh hoạt ở con người ông vẫn có nét căn cốt điềm đạm với sự tinh tế trong ứng xử của một “phông” văn hóa vừa mới mẻ, vừa dân dã. Cái chất “quê quê” ngày nào giờ được thay bằng phong độ đàng hoàng và lịch lãm khi ông lái chiếc xe ô tô màu đỏ giao du với bạn bè, thì cái cội nguồn sâu thăm chân chất vẫn luôn hiện hữu trong con người ông. Tôi cứ hình dung cho đến bây giờ dù sống ở phố thị thì đêm đêm trong tâm tưởng ông vẫn thảng thốt khi nghe một tiếng gà gáy mơ hồ nào đó vọng lại. Và trên ban công ở tầng hai nhà ông bên cạnh những chậu hoa, ông vẫn ngày ngày chăm bón cây vối đã ra nụ với bao phập phồng hồi hộp. Cái nước vối, vị thơm của vối rất đặc trưng ấy như chắt lọc tinh túy cái hồn quê đậm đà và da diết…

Nguồn Văn nghệ số 19/2019

 


Có thể bạn quan tâm