April 20, 2024, 2:30 pm

Quốc hội với nỗ lực “lượng hóa” những yếu tố định tính

 

Trong tuần vừa qua, trên diễn đàn Quốc hội nổi lên câu chuyện được xã hội cũng như giới truyền thông hết sức quan tâm. Đó là câu chuyện về cuộc tranh luận xung quanh vấn đề sử dụng nhân tài của một số đại biểu khi thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức, mà theo chương trình, sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua vào ngày 25/11 tới.

Liên quan đến cuộc tranh luận này, điều đầu tiên phải ghi nhận, đó là chủ trương thu hút và đãi ngộ người có tài năng, từ lâu vốn đã là vấn đề luôn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội. Song chỉ đến khi nó được chính thức đưa vào chương trình nghị sự của cơ quan lập pháp, thì vấn đề mang tính chiến lược này mới thực sự được nhìn nhận ở tầm chin sách và được xem xét một cách hết sức thực tiễn trên cơ sở khoa học. Tuy nhiên, để một chính sách thực sự phát huy tác dụng, cũng như một nội dung được điều chỉnh bởi pháp luật, thực sự đi vào đời sống của xã hội, thì câu chuyện lại không hề đơn giản ngay từ những điều tưởng như nhỏ nhặt nhất  

Khái niệm “thế nào là người tài” vốn dĩ là một khái niệm mang tính định tính. Người ta có thể dễ dàng đồng ý với nhau một “người tài” cụ thể, trong những tình huống cụ thể. Song từ những “người tài” cụ thể ấy để hình thành nên một “thước đo” về tiêu chuẩn “tài” thì lại không đơn giản như vậy. Cũng giống như những khái niệm “Ngon”, “Đẹp” và “Hay” chẳng hạn… Có thể đúng với người này mà không đúng với người khác. Chữ ‘Tài” và môi trường dung dưỡng cái tài cũng tùy theo thời điểm, tùy theo hoàn cảnh và những quan điểm văn hóa của cộng đồng mà được định vị. Lúc này, và ở chỗ này có thể là tài; nhưng cũng những giá trị ấy, vào lúc khác và ở những vị trí, những tình huống khác, nó sẽ không còn được xem là tài nữa, thậm chí còn mang những giá trị ngược lại. Nói “người tài” là một khái niệm định tính là vì thế

Khi một khái niệm đã là định tính, thì một chính sách để thu hút, sử dụng, đãi ngộ cũng sẽ là một vấn đề hết sức mơ hồ và không có hiệu quả nếu như không “lượng hóa” được những giá trị đó. Qua ý kiến của 18 đại biểu tranh luận về vấn đề sử dụng nhân tài trên diễn đàn quốc hội vừa rồi, mặc dù khái niệm “thế nào là người tài” chưa tìm được tiếng nói chung, song đã khai mở được nhiều vấn đề đáng suy nghĩ, đặc biệt là với công tác lập pháp

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, không đề cập đến khái niệm “người tài” một cách cụ thể, song cho rằng muốn phát triển nhân tài thì phải xây dựng môi trường tốt. Theo ông Tuấn, "Những hạt giống tốt phải được gieo trên đất giàu dinh dưỡng mới có thể đơm hoa, kết trái, cho vụ mùa bội thu". Ý kiến của ông Tuấn đại diện cho quan điểm nhìn nhận người tài trong những bối cảnh cụ thể. Quan điểm này có phần nào tương đồng với ý kiến của Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh, ông Nguyễn Thanh Hồng, khi cho rằng “chưa chắc tiến sĩ, thạc sĩ đã là nhân tài".

Nếu nhìn nhận vấn đề ở góc độ này thì quan điển của Đại biểu Dương Trung Quốc cũng là một sự tương đồng, khi ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm “Chữ nhân tài nên hiểu là năng lực của mỗi con người, như người xưa nói dụng nhân như dụng mộc - tức là dùng đúng người đúng chỗ…”. Đúng chỗ ở đây cũng có thể hiểu là môi trường sử dụng năng lực đó. Tài năng có thể xem như năng lực tiềm tàng của mỗi người và nó sẽ phát huy tác dụng khi được khơi dậy đúng lúc, đúng chỗ. Còn ngược lại, thì “chữ Tài liền với chữ Tai một vần”… Câu chuyên này có lẽ không cần thêm dẫn chứng…

Bàn về “nhân tài”, ở một góc độ nào đó, chính là đang “lượng hóa” một khái niệm mang tính định tính, và như vậy tất nhiên không thể tránh khỏi những tác động của chủ quan. Song đừng vì những bất đồng của chủ quan mà bỏ quên những thống nhất cơ bản về nguyên tắc. Đó mới chính là thứ làm nên động lực của sự phát triển. Vấn đề cần bàn, cần làm, và làm thật tốt ở đây chính là môi trường để nhân tài thực sự được phát lộ, phát triển, được đóng góp và được nhình nhận, đãi ngộ xứng đáng…

Có lẽ ý kiến của ông Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, đại diện cơ quan soạn thảo Luật, cho rằng chỉ xác định người có tài năng trong hoạt động công vụ, mới chỉ là ý kiến có tính dung hòa trong bối cảnh này. Tuy nhiên, đằng sau tất cả, có một điều đáng mừng và hy vọng cần phải được nhình nhậ từ câu chuyện này. Đó là đã và đang có một quan điểm và thái độ hết sức đổi mới của cơ quan lập pháp trong quá trình xây dựng sửa đổi luật, khi nỗ lực “lượng hóa” những khái niệm mà luật sẽ chạm đến trong quá trình điều chỉnh các hành vị xã hội. Chi tiết, cụ thể và minh bạch, đó là những điều kiện cần và rất cần để luật thực sự đi vào đời sống và phát huy hiệu quả. Để làm được điều đó, không thể thiếu được cái nhìn “lượng hóa” từ mọi góc độ

V.N 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm