April 18, 2024, 9:41 am

Quê hương và những cảm xúc yêu thương

 

Quê hương trong thơ Lê Quang Sinh là những hình ảnh vô cùng giản dị: cũng vẫn là hình ảnh cây đa, bến nước, con đò, làng xóm, cánh đồng, phiên chợ... là hình ảnh cha mẹ gắn với quê hương! Nhưng điều đặc biệt là tất cả những hình ảnh vô cùng chân thật đó đã rung lên trong tâm hồn người đọc những cảm xúc yêu thương đến nghẹn ngào, cồn cào, da diết...

Lê Quang Sinh với tập thơ Lồng lộng xứ Thanh đã gửi gắm tình yêu quê hương - tấm lòng - lời tri ân của một người con lúc nào cũng khắc khoải, cũng đau đáu một nỗi niềm với nơi chôn nhau cắt rốn... Trong Lời tựa của tập thơ, anh đã bộc bạch: “Tôi có một xứ Thanh cô đọng với nhiều cảm xúc!/ Nơi đó đã sinh ra tôi, nuôi tôi lớn lên bằng tất cả phù sa của mình…

Quê hương trong thơ anh là những kí ức đan xen hiện tại, hồi tưởng về quá khứ trong nỗi niềm da diết yêu thương tan chảy trong tâm hồn anh! Kí ức buồn man mác về một làng quê nghèo quanh năm lận đận, lũ lụt, thiên tai, mất mùa, đói kém liên miên... Sự chân thật trong thơ anh đã vẽ nên một bức tranh quê trong quá khứ bữa đói nhiều hơn bữa no: “Mái gianh úp xuống những đời lam lũ/ hạt lúa không kịp chín để thành mùa,/ cái chảo gang rang một đồng ngập nước/ củ chuối ngào cùng con ốc con cua...” (Nghĩa Kỳ)

Làng quê nghèo ấy trong kháng chiến đã anh dũng đứng lên dựng cờ khởi nghĩa để có cái tên làng “Nghĩa Kỳ”. Những đứa con của làng lớn lên “bằng lá sắn nộm vừng”, bằng con ốc, con cua, quả sung, củ chuối thay cơm nhưng có tiếng là hiếu học, “Con chữ lặn vào người siêu vẹo”. Và rồi những con chữ ấy đã tỏa sáng lung linh…

Quê hương luôn khắc khoải trong anh với những tên đồng, tên bãi, tên xóm, tên làng, chùa chiền, miếu mạo rêu mốc..., là hình ảnh bạn bè với tình thân ái, là tiếng chim, tiếng sáo, tiếng cuốc gọi hè, tiếng dế nỉ non..., là câu hò ví ghẹo sóng sánh, bồng bềnh, uốn lượn bên đôi bờ sông Mã dấu yêu... Tất cả như là một phần máu thịt của anh! Thấm vào thơ anh cả những lấm lem bùn đất, ruộng vườn! Thấm vào thơ anh cỏ cây hoa lá tươi xanh mươn mướt, dấp dính trên con đường quê lầy lội hơi ấm bàn chân: “Anh vẫn nhớ tên những Bổng Phồn, Đồng Phốc/ Xóm Bái, xóm Đình bè bạn thương nhau/ tiếng chim lanh chanh trên chùa chiền rêu mốc/ câu hò ghẹo còn vòi vọi bến sông sâu” (Nghĩa Kỳ)

Viết về quê hương, trong văn chương nói chung, thơ nói riêng, hình ảnh cây đa đầu làng luôn là hình ảnh mang lại nhiều cung bậc cảm xúc cho bạn đọc. Gốc đa là nơi nghỉ mát, là nơi hò hẹn, là nơi đánh chắt đánh chuyền... Cây đa làng trong thơ Lê Quang Sinh ngoài những hình ảnh vốn có ấy còn hiện lên với nỗi niềm đau đáu, trăn trở, cây đa là chứng nhân của những thời kì lịch sử, cây đa hiểu tường tận chân tơ kẽ tóc cuộc sống của con người: “Những rễ đa như những ngón tay người/ bấu vào đất mà tìm sự sống/ những trận bão tung cây/ những mùa lũ mặt người, mặt nước/ không yêu đất làm sao trồi ngụp được/ đa với người làm một chứng nhân” (Xin làng trồng lại cây đa)         

Quê hương gắn với những cảnh sinh hoạt đời thường. Yêu lắm cái phiên chợ “Tết quê” cuối năm!... “Chợ quê” của Lê Quang Sinh không tưng bừng như trong thơ Đoàn Văn Cừ... Tình quê, tình người ấm áp trong cái lạnh còn sót lại của cuối đông, mưa phùn giăng giăng ngõ xóm, những nụ cười của người dân quê như mang cả mùa xuân về! Tết quê với những màu sắc thật vui mắt, ấm lòng: có màu xanh của lá dong, màu đỏ chon chót của trái cà chua chín... Một phiên chợ mà nhà thơ không kể đến nhiều mặt hàng, bởi anh bận tâm với “nhiều những nụ cười” hơn, chắc chắc anh còn muốn chuyển tải đến người đọc nhiều màu khác nữa đó là màu của tình yêu, màu của tâm hồn người dân quê hồn hậu, chất phác. Đáng yêu vô cùng, yêu cái mặn mà đằm thắm của cô gái làng mang vẻ đẹp của người lao động, quần ống ngắn, ống lơi...: “Trời trở lạnh/ mưa phùn giăng ngõ xóm/ phiên chợ cuối năm nhiều những nụ cười/ lá dong xanh, mớ cà chau đỏ chót/ cô gái làng quần ống ngắn, ống lơi.. (Tết quê).

Quê hương là dòng sông đầy vơi con nước theo bốn mùa thay đổi “Sông Mã đầy. Sông Mã lặng lờ trôi” lúc êm đềm hiền hòa, lúc sục sôi cơn lũ “Nước sông Mã phù sa ùng ục” bồi đắp bãi bờ. Quê hương là con đò đưa khách sang sông “dốc Đò Sét mưa rào trơn tuột”. Quê hương là bến sông em tắm nước trong vắt trong veo mơn man da thịt, dập dềnh bông bưởi rụng trắng mặt gương soi, gió thầm thì nhè nhẹ vờn cỏ lau đôi bờ xào xạc: “Ai đặt tên sông mà lòng da diết/ Em tắm trưa vục nước gội đầu/ hoa bưởi rụng trắng vườn nhà hai đứa/ đôi bờ sông xào xạc cỏ lau” (Sông Bưởi)

Quê hương nuôi anh bằng mồ hôi muối mặn của mẹ của cha! Lớn lên cùng với “Củ sắn non cứu đói bao nhà/ đồng Mực, đồng Đằn cỏ năn, cỏ lác/ đỉa bám đầy quanh thắt lưng cha”. Anh lớn lên từ trong “Đống rơm cuộn tròn giấc mơ con trẻ!”... Quê hương ngấm vào anh với những món ăn dân dã (sắn non, lúa non, cua ốc, hoa bí, hoa bù, củ chuối...), anh đã đưa vào thơ cả những từ ngữ địa phương của quê anh “trái bù lào” (quả bí đỏ), “hoa bù” (hoa bí đỏ), “bù non” (bí đỏ non) chính vì thế mà những món ăn ấy mang cả hương vị của hồn quê thuần nông nghèo cần cù, chất phác: “Bù non nấu với đầu tôm / cua đồng rang muối ớt/ chao ôi, vị xóm thôn/ cứ ngấm vào da thịt” (Tiệc).

Quê hương luôn gắn liền với hình ảnh của cha mẹ trong thơ anh. Hình ảnh cha trong lao động cần cù “đỉa bám đầy quanh thắt lưng cha”, là hình ảnh trầm ngâm “cha tôi ngồi nhấm li rượu gạo” sau những công việc vất vả cực nhọc mỗi ngày, là hình ảnh người cha trong bữa cơm đầu xuân đông đủ cháu con xum vầy đầm ấm “Trước bữa cơm mừng xuân đông đủ/ Thày tôi chắp tay cung kính trước bàn thờ”... Hình ảnh “mẹ vẫn loay hoay với bếp rơm nồng/ lửa cháy tàn tro lả tả/ dáng Người in trên vách bập bùng”, hình bóng mẹ in sâu trong tâm trí nhà thơ “tôi đứng lặng nhìn mẹ tôi đãi đỗ/ Bóng bà nhòa cả khúc sông trong”, mẹ còn gắn liền với cả những phong tục tập quán của quê hương, gắn liền với cuộc sống nghèo khổ, lam lũ mà vẫn “đói cho sạch rách cho thơm” thật đáng trân trọng biết nhường nào: “Tất tả mang xoong nồi đi rửa/ cầu mong cho năm mới tốt lành hơn/ hạt cát cọ bỏng tháng ngày lam lũ/ Nụ cười Người rúm cả mặt sông” (Ghi chép cuối năm)

Đọc thơ Lê Quang Sinh ta thấy hiện lên hình ảnh một làng quê ăm ắp tình thân ái, một làng quê với những con người hồn hậu, cần cù lao động, hiền lành, chất phác! Một làng quê mang đặc tính chung của trăm làng quê khác của Việt Nam nhưng lại mang một nét riêng biệt “rất Nghĩa Kỳ”, “rất Thanh Hóa”! Cảm ơn nhà thơ đã mang đến cho bạn đọc, mang đến cho đời những vần thơ chắt ra từ máu thịt, để từ đấy người ta biết yêu thêm những nồng hậu, yêu thêm Quê hương, Đất Nước, Con Người!

Nguồn Văn nghệ số 5/2021


Có thể bạn quan tâm