April 26, 2024, 2:38 am

Quặn thắt dòng sông Hậu

Thuở nhỏ, tôi hay được má dẫn đi coi cải lương ở nhà mợ Hai xóm dưới. Cả xóm chỉ có một cái ti vi, bữa nào đài phát cải lương là người đến xem ngồi chật hết căn nhà, ngồi tràn ra cả cái sân rộng. Tôi nhớ lần đó đài phát tuồng cải lương Tiếng hò sông Hậu. Tôi thấy bà con ở xóm ai cũng thích những người nông dân chân chất như anh Chơn anh Thừa trong tuồng hát. Ai cũng ghét cay ghét đắng ông hội đồng Dư độc ác chuyên hà hiếp, bóc lột dân lành. Riêng tôi, tôi lại bị ám ảnh với những điệu hò buồn man mác loang trên dòng sông Hậu. Trong cái suy nghĩ thơ ngây của mình, tôi cho rằng cái buồn cố nhiên ấy không phải do điệu hò, mà toát ra từ chính con sông Hậu. Rất lâu sau, tôi mới biết con sông Hậu trong tuồng cải lương nằm sát bên xóm tôi. Dân quê tôi gọi là sông Cái.

Có lẽ với nhiều người, trong hành trình của cuộc đời luôn có một con sông gắn cùng bao hoài niệm. Bởi vậy mà nhạc sĩ Hoàng Hiệp khẳng định “trong tim ai cũng có một dòng sông cho mình”. Tôi cũng không ngoại lệ. Và những năm tháng ngụp lặn trong dòng sông Hậu khiến tôi nhận ra rằng, số phận của con sông cũng không khác chi một kiếp nhân sinh. Con sông cũng có linh hồn thể phách mà không dễ dầu gì ta nhận ra được, trừ khi ta cư xử với nó bằng tình cảm tri âm.

Trong thủy trình từ khi vào lãnh thổ Việt Nam, có lẽ đoạn chảy qua thành phố Châu Đốc là sông Hậu rộn vui nhất. Nơi đây, sông vừa ôm ấp những thánh đường Hồi giáo Islam linh thiêng và bí ẩn, vừa gối đầu lên vùng đô thị trăm năm án ngữ cõi biên thùy. Ngã ba sông ở Châu Đốc đã tạo thành thế “tiền tam giang hậu Thất Lĩnh” đăng đối sơn thủy độc nhất vô nhị đất phương Nam. Chính do vị thế trọng yếu đó, ngay từ thời nhà Nguyễn, nhiều công trình quân sự lẫn dân sự đã được thực thi, mà Hậu giang là điểm khởi phát. Có thể kể đến kênh đào Vĩnh Tế nối liền từ sông Hậu (Châu Đốc) đến biển Hà Tiên (Kiên Giang) dài gần 100km. Hay kênh đào Vĩnh An nối liền giữa sông Hậu (Châu Đốc) đến sông Tiền (Tân Châu). Các công trình này nhằm mục đích giúp chiến thuyền của quân ta có thể di chuyển từ đồn lũy Châu Đốc ra vùng vịnh Thái Lan nhanh chóng hoặc di chuyển sang đánh chặn cửa ngõ sông Tiền, ngăn các thế lực xâm lược ngoại bang. Nhờ những công trình này mà nhiều thời kỳ chúng ta đã đánh đuổi được quân Xiêm, đẩy lùi quân Chân Lạp. Không những thế, các công trình này ngoài chức năng quân sự, nó còn là một hệ thống dẫn nước ngọt quan trọng để tưới tắm các cánh đồng nhiễm phèn nhiễm mặn, biến khu vực biên viễn vốn là hoang địa thành một vùng đất đai trù phú, phù sa màu mỡ. Hàng năm, khi mùa nước đổ từ thượng nguồn, cá tôm theo con nước sông Hậu tràn vào các con kênh, rồi lên những vùng đồng nước ngập sâu để sinh sôi nẩy nở, tạo ra những sản vật sông nước dồi dào. Có thể nói, từ xa xưa, cha ông ta đã nhìn xa trông rộng, từ đó tạo ra những công trình vừa để giữ yên bờ cõi vừa đáp ứng được nhu cầu an sinh. 

Sông Hậu cũng như nhiều con sông khác ở nước ta, luôn tận hiến đời mình chắt chiu từng hạt phù sa nuôi nấng từng thớ đất. Vì vậy mà những mảnh đồng trong vùng Tứ Giác Long Xuyên năm nào cũng bội thu, góp phần đưa sản lượng lương thực miền Tây Nam Bộ đứng đầu cả nước. Không những thế, với lượng cá tôm dồi dào hàng năm “trôi” từ khu vực Biển Hồ (Campuchia) xuống theo dòng sông Hậu, lưu dân nơi đây giống như được trời phú cho nguồn thực phẩm bất tận. Cách đây khoảng hai mươi năm, vào cuối mùa nước nổi, cá được người dân đánh bắt trên sông Hậu nhiều đến mức phải lấy ghe chở chớ xuồng không chở hết. Có những hộ đặt đáy ở vàm sông mỗi lần cất lên được mấy trăm ký cá, nhiều lúc chủ đáy không cất lên nổi phải xả cho cá đi bớt. Nhiều người dân sống hai bên bờ sông không cần bất kỳ công cụ nào, chỉ mò bắt cá bằng tay mà vẫn dễ dàng được vài ba ký.

Ngỡ bầu cá của sông Hậu là bất tận, nào ngờ đâu vẫn đến ngày cạn kiệt, mà nguyên nhân chính cũng do con người gây nên. Những người xưa kia mưu sinh bằng nghề hạ bạc thì hiện nay hầu hết đã bỏ nghề. Có người phiêu bạt lên các khu công nghiệp trên thành phố lớn làm thuê. Có người cố gắng neo lại quê nhà bám sông kiếm sống thì bữa no bữa đói. Sông Hậu không còn sản vật đầy ắp để ban tặng cho người dân, chỉ còn những cánh lục bình buồn bã trôi lặng thầm theo dòng nước. Mà dòng sông cũng không còn hiền hòa như bản tính cố hữu của nó mấy trăm năm qua nữa. Nhiều đoạn, sông Hậu đã thể hiện sự cuồng nộ. Có đoạn sông đạp phăng đi những mảng đất khổng lồ bên bờ, làm đứt trôi những quãng đường lộ kiên cố. Nhiều căn nhà hai bên bờ đã bị sông Hậu “nuốt chửng” như một loại thủy quái kinh khiếp nuốt con mồi.

Khi hay tin sông Hậu “đổi tính đổi nết”, vùng vẫy phẫn nộ khiến mối an nguy của không ít người dân bị đe dọa, ba tôi tự nhiên đi vô thắp nhang bàn thờ cửu huyền. Ba tôi cũng như bao người dân xứ này, thấy sự cuồng nộ của thiên nhiên là lập tức cúng bái gia tiên trời phật cầu mong sự bình an. Trong cuộc tồn sinh của những người như ba tôi, thiên nhiên và con người nương tựa vào nhau. Con người biết nhận từ thiên nhiên những gì cần thiết để duy trì sự sống của mình, biết chăm chút thiên nhiên để tiếp tục tái sinh những sản vật trong mùa vụ mới. Bởi thế, một sự bất thường của thiên nhiên khiến cho ba tôi lo lắng và phải đi cúng bái. Ba tôi mong xoa dịu cơn thịnh nộ của dòng sông.

Ba tôi và nhiều người dân quê làm sao biết được, trên thủy trình vạn dặm, để đến được quê tôi, một giọt nước nhỏ nhoi của dòng sông Hậu cũng đã phải trải qua bao nhiêu nỗi thăng trầm. Giọt nước ấy được chắt chiu từ những núi tuyết vĩnh cửu vùng cao nguyên Thanh Tạng, vượt hàng trăm thác ghềnh xuôi về biển Đông. Giọt nước ấy đã vượt qua các đập thủy điện như những bước tường thành chắn ngang dòng chảy. Giọt nước ấy chứng kiến lòng sông mẹ bị con người xâm hại không thương tiếc. Nó hẳn phải xót xa lắm khi những chiếc máy hút cát ngày đêm khoan vào lòng sông. Nó hẳn phải kinh sợ lắm với biết bao chiếc ghe cào đánh bắt thủy sản có trang bị xung điện chạy dọc ngang tận diệt đến những sinh vật bé nhỏ nhất dưới đáy sông. Giọt nước ấy từ xuất phát điểm thuần khiết đã dần dần bị ô nhiểm khi phải cộng sinh với bao nhiêu chất thải độc hại, bao nhiêu rác rưởi ngập ngụa. Những thứ ấy đã biến một con sông hiền hòa trở thành cộc tính, sẵn sàng giáng lại cho con người những đòn chí tử.

Không ít người nghĩ rằng các con sông là bất tử và dù chúng ta có cư xử với nó như thế nào, nó cũng phải phục tùng, phụng sự chúng ta. Chính cái tư duy ấu trĩ ấy khiến bao kẻ ngu dốt và tham lam đã không ngần ngại hành hạ con sông, vơ vét tận cùng những nguồn lợi từ sông. Khi túi tham của họ đã lắp đầy, họ nhởn nhơ rời đi, bỏ mặc những hệ lụy cho dân lành gánh chịu. Những khoản tiền khổng lồ được dùng để khắc phục sự cố sạt lở bờ sông, để làm bờ kè ngăn sạt lở, để nắn chỉnh dòng chảy... thực chất vẫn là tiền của người dân. Người dân nghèo đã phải cay đắng chứng kiến dòng sông thân yêu của họ bị xâm phạm, giờ họ lại phải vét túi để góp phần trả dòng sông lại hiện trạng ban đầu. Có lẽ, suy cho cùng thì người dân và dòng sông có số phận bi đát chẳng kém gì nhau.

Đoạn sắp rời địa phận An Giang, sông Hậu như tìm lại chút niềm vui. Niềm vui ấy được hiện thực hóa bằng việc dâng tặng cho người dân những con cá hô bự chảng khu vực nước xoáy đầu cồn Phó Ba. Sông cũng rộn ràng mỗi sớm mai cùng những bạn hàng trên chợ nổi Long Xuyên. Đó là dấu ấn văn hóa sông nước đậm nét hiếm hoi còn lưu giữ được khá thuần khiết. Trong khi nhiều chợ nổi khác đã biến đổi để phục vụ khách du lịch, thì chợ nổi Long Xuyên vẫn duy trì những đặc trưng nguyên bản. Nghĩa là lưu dân miệt này chỉ thuần túy bán mua trên chợ nổi chớ không hướng đến mục tiêu làm đẹp hình ảnh để phục vụ du khách, dù thỉnh thoảng vẫn có những đoàn khách ghé qua đây. Tôi cho rằng, nếu như không có những “xóm nhà ghe” ở đoạn sông này, thì mọi thứ đã trở nên hoàn hảo. Thế nhưng, mấy chục chiếc ghe được dùng làm nhà ở, đậu san sát ven bờ sông phía dưới chợ Long Xuyên dễ khiến ta thấy xót xa. Đó là những đồng bào từng sang nước bạn Campuchia tìm kế sinh nhai nhưng cuộc sống khốn khó quá nên phải hồi hương. Họ trở về với hai bàn tay trắng, chỉ có chiếc ghe là tải sản duy nhất. Đất cát không có. Giấy tờ tùy thân cũng không. Họ đành phải chọn cách sống bấp bênh ven dòng sông Hậu, trên những chiếc ghe nhỏ lắc lư. Có những hộ hàng chục nhân khẩu sống chen chúc trong vài ba mét vuông trên ghe, giấc ngủ ngập tràn trong tiếng sóng, mở mắt ra là nước và nước, suốt tháng quanh năm. Trước đây họ sống bằng nghề đánh bắt cá trên sông Hậu. Nhưng cá mắm bây giờ đã cạn kiệt, họ phải chấp nhận cảnh bữa đói bữa no. Cái nghèo, cái dốt bủa vây số phận họ. Họ chỉ còn có sông Hậu ngày đêm vỗ về.

Có lẽ cảm thương cảnh ngộ của những người dân xóm nhà nổi ở Long Xuyên, nên từ khi rời nơi này, sông Hậu mang một nét buồn trầm mặc. Sông ôm nhẹ cù lao Tân Lộc như tìm chút sẻ chia, rồi lặng lẽ chảy về phía thành phố Cần Thơ. Mãi đến đoạn hạ nguồn, sông Hậu mới tiếp tục vùng vằng. Nó kéo đến những đợt nước mặn bất thường khiến hàng ngàn hộ dân phải trắng tay, gạt nước mắt nhìn vườn tược “chết khát” trong tuyệt vọng. Đã có đánh giá từ phía các chuyên gia cho rằng chính việc khai thác cát quá mức trên lòng sông Hậu là một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng xâm nhập mặn gần đây trở nên nghiêm trọng. Thế nhưng, bỏ mặc những cảnh báo, người ta vẫn ngày đêm băm vằm con sông. Họ chẳng quan tâm gì đến những giọt nước mắt đắng cay của người làm vườn phía hạ nguồn. Nước mặn xâm nhập đến đâu là đẩy thêm những người dân xứ đó bỏ quê bỏ đất lên các khu công nghiệp trên thành phố lớn làm thuê. Người dân gắn bó với ruộng vườn, với dòng sông Hậu bao nhiêu năm nay giờ phải ngậm ngùi rời quê cha đất tổ đi tha phương cầu thực. Con sông Hậu nổi tiếng phù sa màu mỡ xưa kia giờ không níu nổi những người dân ở lại với mình. Có lẽ vì vậy mà con sông buồn dòng chảy cũng hắt hiu. 

Vở cải lương Tiếng hò sông Hậu được soạn giả Điêu Huyền biên soạn dựa trên bối cảnh miền Tây Nam Bộ vào khoảng năm 1941. Khi ấy, đời sống người nông dân phải chịu bao nỗi thống khổ dưới chế độ thực dân phong kiến. Bọn địa chủ tham lam, độc ác đã đẩy biết bao người dân lương thiện vào kiếp sống bần cùng, bi kịch. Bởi thế, những tiếng hò vang trên dòng sông Hậu cũng khoắc khoải, miên man. Mấy mươi năm đã qua, đất nước chuyển mình và miền Tây không còn cảnh đói nghèo như thời thực dân phong kiến. Thế nhưng, sông Hậu vẫn buồn man mác. Và số phận những người dân vốn sống tựa nương vào sông Hậu cũng hết sức bấp bênh. Có lẽ, đã đến lúc chúng ta phải cứu lấy dòng sông. Đó cũng là cách để ta tự cứu lấy chính mình.

Nguồn Văn nghệ số 49/2020


Có thể bạn quan tâm