April 19, 2024, 2:47 pm

Quan Tả thị lang hồi triều

 

Buổi sáng, chuẩn bị đến giờ thiết triều, Hoàng đế Lê Thánh Tông đang chuẩn bị đọc nhật lịch thì nội quan bước vào tâu:

- Bẩm thánh thượng, có quan Tả thị lang Vũ Kiệt xin vào chầu!

Vua thoáng băn khoăn, tự hỏi: chắc bên Đông các hiệu thư có có chuyện gì? Hay gia đình quan Tả thị lang có đại tang? Nhưng cho dù là chuyện gì thì với Vũ Kiệt, con người thông minh chính trực ấy, vua không thể từ chối hay chậm trễ. Vua nói với viên nội quan:

- Ngươi cho quan Tả thị lang vào chầu!

Vũ Kiệt xuất hiện, mặc thường phục, quỳ xuống, hai tay nâng lễ phục đã gấp gọn gàng, phẳng phiu đặt trên cái khay gỗ, bên trên là cái mũ quan tứ phẩm, giọng nói nhỏ nhưng vang và ấm:

- Muôn tâu thánh thượng, vì có lý do riêng, hạ thần xin được thôi việc kể từ hôm nay. Đây là mũ áo thần xin gửi lại hoàng triều!

Với những viên quan khác, thế nào vua cũng hỏi han căn vặn cho ra nhẽ, nhưng với Vũ Kiệt, ngài chỉ hướng cái nhìn chăm chăm vào gương mặt cương nghị của chàng một lát rồi nói:

- Khanh tuy trẻ người nhưng đâu còn non dạ, hẳn khanh đã suy nghĩ chín chắn trước khi đi đến quyết định này - vua ra hiệu cho người hầu nâng khay mũ áo của Vũ Kiệt cất vào bên trong, nói tiếp - Trẫm chấp thuận theo nguyện vọng của khanh, nhưng khanh không có ý nghĩ rằng trẫm bạc đãi với khanh đấy chứ?

- Muôn tâu thánh thượng, chính người đã chấm bài văn sách thi Đình cho thần đỗ tiến sĩ đứng đầu khoa, bổ nhiệm thần vào Viện Hàn lâm giữ chức Hàn lâm thị thư ngay sau khi vinh quy bái tổ. Được ít lâu thánh thượng lại tấn phong Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Ơn mưa móc thần chưa kịp báo đền, sao dám nghĩ khác về thánh thượng!

- Trẫm tin lời khanh nói. Đời người không bao giờ trôi đi bằng phẳng. Những bậc chân tài như khanh cuộc đời càng hay gặp những khúc quanh, những đoạn trường, ghềnh thác, chông gai. Trẫm thông cảm với khanh, hãy đi đi.

Cho dù vua dễ dàng chấp thuận cho Vũ Kiệt từ bỏ chức quan, nhưng khi chàng vừa đi ra khỏi cung Thúy Hoa, thì những câu hỏi cứ lởn vởn trong đầu nhà vua. Quả thật, từ ngày được bổ nhiệm chức quan, vua chưa khi nào bạc đãi với chàng. Khi tân khoa Vũ Kiệt đỗ đầu trong kỳ thi Đình, vua ban yến tiệc, cấp mũ áo, con triện cho vào vườn thượng uyển du ngoạn, ngắm cảnh. Sau đó Vũ Kiệt được cưỡi ngựa, cùng quân hầu mang võng lọng, cờ trướng đi thăm Đông Đô Thăng Long, cũng là dịp để dân chúng thủ đô chiêm ngưỡng dung nhan một hiền tài của đất nước. Đến năm Giáp Thìn (1484), vua cho dựng bia tiến sĩ  tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khắc tên những người đỗ Tiến sĩ từ khoa thi năm Nhâm Tuất (1442), trong đó có tên Vũ Kiệt.

Hẳn rằng phảỉ có một căn nguyên gì đó rất gai góc, viên quan trê tuổi tài cao ấy mới rắp tâm từ bỏ quan trường? Vua mở cái tráp sơn son thếp vàng vẫn dùng để đựng những giấy tờ, thư tín quan trọng, lấy ra bài văn sách thi Đình của Vũ Kiệt xem lại.

 Ngày mồng 7 tháng 4 năm Nhâm Thìn (1472), tại kỳ thi Đình, vua Lê Thánh Tông ra đề thi hỏi về sách lược đế vương trị nước. Bài văn sách của Vũ Kiệt được vua chấm loại xuất sắc, được sao lưu đưa vào Hàn lâm viện, vua giữ lại bản gốc, thường khi thiết triều nói đến chuyện học hành thi cử, vua lại lấy ra đọc làm gương cho văn võ bá quan.

Luận về vấn đề học hành thi cử và sử dụng nhân tài, Vũ Kiệt viết: “Thầy nghiêm thì việc đạo học mới được tôn kính. Tâm thuật đã mất trước khi làm quan rồi, thì sau khi ra làm quan còn làm sao có được cái tiết tháo và phong độ?”…

Về sự tồn vong của quốc gia, Vũ Kiệt vạch ra thói hư tật xấu của quan lại và nhấn mạnh “Sự thành bại của quốc gia là xuất phát từ sự trung thực hay gian tà của các quan”. Vua đặc biệt chú ý đến những câu Vũ Kiệt luận về hai chữ con người: “Con người sinh ra không thể không có sự ham muốn, nếu con người không làm chủ được sự ham muốn ấy thì sẽ sinh ra rối loạn, vả lại gần đây, con người sống lâu trong thời bình, nên có phần sơ suất về màng lưới ngăn cấm trong đời sống hàng ngày.Trong khi làm việc công thì thường dùng quà cáp, tết nhất, dùng của đút lót làm lễ vật hàng ngày, giày dép, quần áo diêm dúa, tiêu pha hoang phí, tệ tham nhũng tích tụ thành thói quen, điềm nhiên cho đó là việc thường.Thần thấy tuy bệ hạ nghiêm khắc trong việc tra xét kẻ gian, tín cẩn biểu dương người tốt nhưng chưa đưa ra bộ mặt của đám tiểu nhân được… Thần thấy trong Kinh Lễ có câu “đại thần giữ phép, tiểu thần sẽ liêm chính” là có ý nói những việc làm của quan cấp cao thực để cho cấp dưới xem xét và noi theo… Lấy lý mà nói thì bọn tiểu lại, trộm cướp còn tự thay đổi trước sự giáo hóa của quan lệnh trong ấp, huống hồ lại đối với các bậc quan trên… Nhưng phép luật ngày nay thì người làm quan lớn hoặc ban ơn để tỏ rằng mình là người hiểu biết, hoặc rêu rao cái danh để cho cấp dưới cầu cạnh, sai bảo người khác, ban bố mệnh lệnh đều trái với lẽ phải, khinh trọng thiên lệch. Khi tìm được chỗ hở thì gây ra tệ lậu bán buôn, hoặc không giữ chắc của công, hoặc lấy của công để vun vén cho mình...”.

 Vũ Kiệt đưa ra sách lược: “Thần mong bệ hạ hãy tuyển chọn những người công minh trong sạch và ngay thẳng, lấy danh vị giao cho họ trọng trách. Ra lệnh cho quan ngự sử kiểm soát, khích lệ biểu dương để thấy được những quan liêm khiết và nêu từng việc để biết được sự liêm khiết của họ. Ông quan nào thuộc hạng ô lại và cũng lấy việc ấy để nêu cái ô nhục của họ, để điều trần tâu lên chính xác rõ ràng. Nếu quả thực họ là người liêm khiết thì ân thưởng ưu đãi và quan trưởng cũng được ban thưởng. Nếu quả thực họ là kẻ tham ô thì hình phạt không tha thứ và trưởng quan cũng tùy theo đó mà xử phạt. Làm như vậy, con người sẽ tốt lên, thói tham sẽ ngăn chặn được.

Nếu như các bậc trưởng quan chẳng phải là người tốt mà lại muốn bọn quan lại cấp dưới phải sống trong sạch, thế chẳng khác nào nước đầu nguồn đục mà mong cho dòng trong”.

Vua Lê Thánh Tông đặc biệt thích thú những lời mà có thể nhiều nho sinh biết nhưng không phải ai cũng dám viết trong văn sách như Vũ Kiệt. Những ngày tháng ấy,vua  đang tiến hành chỉnh đốn bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, nhận thấy bài “Đối đình sách” của Vũ Kiệt chính là cái mà ngài đang rất cần để giúp ngài trị nước, an dân. Ngài đã bổ Vũ Kiệt vào làm ở Viện hàn lâm với chức Hàn lâm thị thư. Những năm sau năng lực của Vũ Kiệt càng tỏa sáng, vua thăng cho chàng lên chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư. Trong triều ngoài thành, cả quan lại cũng như dân chúng coi Vũ Kiệt là bậc chân tài, khẳng khái, thanh liêm và mẫu mực. Vậy mà Vũ Kiệt lại đường đột từ quan, vì sao?

*

Từ Làng Mén đến làng Kênh, nếu đi đường chính thì khá xa, nhưng nếu đi đường tắt qua những cánh đồng thì chỉ mất bửa buổi. Nàng mặc áo tứ thân nâu, váy lĩnh, chít khăn mỏ quạ trên đầu, vai đeo tay nải, bước ra khỏi làng. Ngần ngừ giây lát, nàng quyết định đi tắt đường đồng cho nhanh. Qua hai cánh đồng, sang cánh đồng thứ ba, nàng đã nhìn thấy một ngôi chùa với mái ngói rêu phong ẩn hiện dưới những vòm cây.  Khuôn viên của ngôi chùa nổi lên giữa những thửa ruộng lúa mới gặt xong như một hòn đảo tách biệt với ngôi làng. Quang cảnh tịch mịnh, thâm u, thỉnh thoáng có tiếng chim chìa vôi hót ríu rít trên vòm cây hòa với tiếng chẫu chuộc kêu uôm uôm dưới mảnh ao bèo trước sân chùa. Sư thầy trong bộ đồ dãi nâu đang ngồi gõ mõ tụng kinh trước tam bảo. Nàng bước vào, chắp tay chào:

- Adi đà phật. Hôm nay tuy chưa đến ngày kỵ, nhưng thi chủ muốn đến thắp nhang sớm xin Đức Phật ban phúc lành. Mong nhà chùa giúp đỡ.

Sư thầy ngừng tụng kinh nhưng ngài không quay lại nhìn khách, mắt ngài vẫn hướng lên khán thờ, nói:

- A di đà phật. Đức Phật bao dung, vị tha, sẵn sàng đón nhận tất cả những ai có cái tâm hướng về ngài. Xin thi chủ cứ tự nhiên.

Nàng đặt lễ, quỳ xuống phía trái sư thầy, đọc một bài kinh Liên Hoa. Vừa đọc nàng vừa ngắm sư thầy. Nhìn ở chiều nghiêng, nàng vẫn nhận ra một gương mặt khả ái, nam tính, thần khí tỏa ra rất sáng. Nàng nói:

- A di đà phật. Nhìn gương mặt, thi chủ cảm nhận, sư thầy đã đắc đạo, nhưng lại cũng thấy gánh nặng kiếp người, nỗi lo việc lớn vẫn chưa dứt bỏ được…

- A di đà phật. Ta là bậc chân tu. Thi chủ không nên nói thế. Phạm thượng!

Nghe trong giọng nói của sư thầy đã có vẻ hơi sẵng, nhưng nàng vẫn chưa chịu buông tha:

- Không, sư thầy đang tự dối lòng. Thi chủ đã nhìn thấy trên gương mặt khả ái của sư có sự tỏa sáng của trí huệ và ngổn ngang việc đời chưa trọn, có cả khát vọng thi ca nữa. Thi chủ xin phép đọc tặng sư một vế đối nhé:

 “Con công đi qua chùa Kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại”.

Sư thầy như khẽ giật mình, rồi quay nhìn sang phía nàng. Sư nhìn nàng một vẻ thăm đò, thầm thán phục cái thâm hậu trong về đối của nàng. Chùa Kênh là ngôi chùa ngài đang trụ trì. Ngài hiểu rằng nàng ra vế đối ấy mang dụng ý khuyên ngài đừng nên xa lánh cuộc đời, nhưng ngài đã rắp tâm xuống tóc đi tu, ngài thấy cần thiết phải ra một vế đối thể hiện cho nàng biết:

 “Con cóc leo cây Vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già”.

Cả vế thách đối và vế đối lại đều rất chuẩn. Sự độc đáo của nó thể hiện ở nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa. Vế thách đối của nàng có bốn chữ công, kênh, cồng, kềnh thì ở vế của sư thầy dùng bốn chữ cóc, cách, cọc, cạch để đối lại.

Dục tốc bất đạt, nàng nghĩ, hôm nay mình hãy dừng ở đây. Nhưng mình sẽ không bỏ cuộc”. Nàng kính cẩn chào sư thầy, ra về.

  Lần sau nàng chọn ngày mồng một đến chùa cho may mắn. Hôm ấy người đi lễ đông. Nàng lựa lúc trời vừa sáng, chùa hãy còn vắng người để diện kiến sư thầy. Sau khi nghe tiếng chào phía sau, chừng như sư thầy cũng đoán nàng không phải dạng gái quê thuần túy, ngài đứng dậy nói:

- A di đà phật. Mời thi chủ vào làm lễ.

Nàng đặt lễ, thắp nhang, ngồi xuống phía trái sư thầy nguyện kinh như lần trước. Tụng xong bài kinh, nàng nói:

- Hôm nay thí chủ muốn đọc tặng sư thầy một bài thơ!

Lời nói của nàng gợi trí tò mò khiến sư thầy ngừng tay gõ mõ, ngài bảo:

- A di đà phật! Vậy thì thí chủ hãy đọc nhanh lên. Sắp đến lúc các phật tử đến lễ đầu tháng rồi đấy.

- Vâng thí chủ đọc ngay đây ạ: Tội gì ở chốn dưa rau/ Về nhà trên trướng dưới lầu thảnh thơi/ Đêm nằm có thiếp sánh đôi/ Chồng loan, vợ phượng hơn đời Hán gia/ Tu hành chi đến cõi già/ Đường sang Tây Trúc biết là có không?

Sư thầy toan mắng “Trước cửa Phật, xin nhắc thi chủ không được hỗn!” nhưng lời nói của ngài chưa phát ra âm thanh thì ngài đã nhìn thấy một gương mặt thôn nữ đẹp một vẻ đoan trang, dịu dàng, khiến sư xao động cõi lòng. Con người nàng toát ra một vẻ thôn dã nhưng không thô kệch, giản dị nhưng không thiếu vẻ đài các ẩn hiện. Ngài vừa nói vừa đứng dậy để nàng cũng phải đứng dậy theo:

- Đã sắp đến lúc các phật tử đến đây rồi. Nhà chùa xin tiễn chân thi chủ để hôm khác nói chuyện tiếp thơ văn nhé.

Lúc chia tay ở đầu ngõ, nàng nhìn thấy đôi mắt của sư thầy nhìn nàng rất khác thường khiến con tim nàng xao xuyến.  Nàng càng vui về lời hẹn “hôm khác nói chuyện” của sư. Như thế, lần sau nàng sẽ đến một cách tự nhiên hơn.

Lần thứ ba nàng đến chùa, sư thầy và nàng cư xử với nhau tự nhiên, cứ như họ đã thân nhau từ lâu lắm rồi. Chờ cho nàng thắp nhang lạy phật xong, sư gọi chú tiểu vào thay sư tụng kinh, còn sư và nàng đi sang ngôi nhà ngang phía sau tam bảo. Trong nhà có một buồng ngủ của sư, gian phía ngoài kê một bộ tràng kỷ bằng gỗ gụ khảm trai để sư tiếp khách. Họ ngồi đối diện nhau, nói chuyện không khách khí, không cần phải “A di đà phật” nữa. Những điều họ nói với nhau cũng giản di thôi mà lại cuốn hút nhau như keo mật.

- Qua ba lần tiếp xúc, nhà chùa thấy thi chủ đặt câu đối rất hóm, thâm hậu, thơ của thí chủ cũng không hề xoàng xĩnh - sư thầy nói - Từ khi nước ta có nho giáo, trật tự ngoài xã hội cũng như trong gia đình được chấn chỉnh, nhưng lại sinh ra thói trọng nam khinh nữ, đàn bà con gái đều bị cấm học chữ thánh hiền. Vậy thi chủ đã học chữ như thế nào?

- Cha em là thầy đồ mở lớp chữ nho tại gia - nàng không xưng “thi chủ” nữa mà xưng em một cách tự nhiên - Hàng ngày những người đàn ông đến học. Còn em có nhiệm vụ phải đun nước, pha trà, mời trầu. Sau đó em cầm giấy bút nấp sau cánh cửa, thầy viết chữ gì lên bảng em viết theo chữ ấy, thầy đọc thế nào em cũng khe khẽ đọc theo y như một nho sinh của thầy…

- Ta hiểu, nàng là một thiếu nữ thông minh, có bản tính - sư thày cũng không gọi nàng là “thí chủ” và xưng mình bằng “nhà chùa” nữa - Ta có cảm giác rằng nàng có biết một chút gì đó về ta?

- Chàng là quan Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư Vũ Kiệt - nàng nói - Em còn biết bài văn sách thi Đình của chàng được vua Lê rất coi trọng. Chàng biết không, bài văn của chàng bây giờ không chỉ được lưu giữ trong Hàn lâm viện mà còn được lưu truyền trong dân chúng đấy!

- Nàng còn biết gì về ta nữa?

- Em biết đường công danh của chàng đang thăng tiến - nàng nói tiếp - nhưng vì chàng chán ngán cảnh bon chen giành giật, tham quan ô lại chốn quan trường nên đã đem trả mũ áo từ quan đi tu ở chốn này…

Vũ Kiệt nhận thấy nàng không những xinh đẹp mà tâm tính chân thành, ngay thẳng; chàng càng thấy có nhu cầu được tâm sự với nàng, nói cho nàng biết những điều vẫn còn đang khiến chàng bức bối.

- Quả là trong cung đình có những điều khiến tôi không chịu nổi - chàng nói - Cái nỗi thèm khát danh lợi nó khiến con người ta thay tính đổi nết rất ghê gớm. Kẻ gian nịnh luôn tìm mọi cách gây hại cho người thẳng ngay. Kẻ chẳng có công trạng gì, kiến văn thì nông cạn lại luôn tìm cách bầy ra những mưu ma chước quỷ đẩy người có công trạng, có chính kiến vào bước đường cùng…

- Chàng ơi, chuyện đó thì thời nào chẳng có…

- Nàng nói đúng, những chuyện như thế thời nào cũng có. Thí dụ triều Lê ta, ngay từ lúc Bình định vương Lê Lợi đánh thắng giặc Minh lên ngôi hoàng đế, đất nước vừa trải qua nạn binh đao, từ thành thị đến thôn quê hoang tàn là thế nhưng trong hoàng triều đã xuất hiện những tranh giành danh lợi, công thần, hối lộ, tham nhũng. Trong Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi chủ yếu tố cáo, vạch trần tội ác của quân xâm lược, nhưng đồng thời cũng khuyến cáo về những tệ nạn trong hàng ngũ quan lại của triều đình:.. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn/ Nặng khóa liễm vét không sơn trạch/ Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống bể mò châu/ Nào hố bẫy hươu đen, nào lưỡi dò chim chả/ Tàn hại cả côn trùng thảo mộc/ Nheo nhóc thay! Quan quả điên liên/ Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bẫy! No nê chưa chán/ Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa!... Cho nên vừa lên ngôi, Lê Thái Tổ đã phải cấp tốc ban bố 10 điều luật cho các tướng lĩnh, quân nhân, ai vi phạm một trong mười điều sẽ bị tội chém đầu. Nàng đã biết, ta làm quan dưới triều vua Lê Thánh Tông, một ông vua hiền minh và rất nghiêm khắc trừng trị những ai làm tổn hại đến sự tồn vong của thể chế. Bộ Quốc triều hình luật, có từ đời vua Lê Thái Tổ, đến lượt mình trị vì, vua Lê Thánh Tông, sửa chữa và bổ sung nhiều câu rất sắc bén: “… để người làm tướng biết phép trị quân, quan các lộ biết phép trị dân, cũng để răn dạy quân dân biết là có pháp luật”, vua bổ sung vào bộ luật những từ ngữ có tính chất giễu cợt, để cho các quan nếu trót dính vào những thói tật phải xấu hổ mà tự răn mình. Vua gọi những kẻ Tham những, ăn hối lộ là bọn “sâu dân mọt nước”, xếp vào tội Đại Ác. Tội đại ác, đại nghịch, phản bội, trộm cướp, xui kiện, hống hách, gian dâm, cố ý giết người đều không được dự các kỳ ân xá của triều đình tổ chức hàng năm. Ấy thế mà, nàng ơi, những tệ nạn vẫn không thuyên giảm được là bao!

- Thì trước khi được bổ nhiệm chức quan trong triều, trong bài văn sách thi Đình, chàng đã chẳng viết rất hay về những tệ nạn, thậm chí chàng còn hiến cho vua phép cai trị đất nước…Vậy mà khi làm quan, đối diện với những hiện trạng ấy, cớ sao chàng lại buồn chán, thoái lui, trả mũ áo mà ra đi?

- Phải, có lẽ đấy là điểm yếu trong cõi lòng ta. Bây giờ nghe nàng nói, ta càng thấm thía… Nhưng mà thôi, ta tạm gác chuyện này lại đã, nói sang chuyện khác nhé - Vũ Kiệt nhìn nàng, sắc thái gương mặt chàng chuyển từ trạng thái nặng nề khắc khoải sang trạng thái vui tươi, tràn ngập cảm xúc; chàng nhìn nàng một vẻ đắm đuối và chân thành - Ta muốn biết, người xinh đẹp như nàng vì sao chưa có ý trung nhân?

- Nhưng vì sao chàng biết điều ấy? - nàng hỏi lại.

- Nhìn gương mặt nàng ta cảm nhận được - Vũ Kiệt nói - thần thái gương mặt nàng toát ra một vẻ trinh bạch như nụ hoa hồng e ấp lúc sơm mai…

- Cũng tại bởi em trót học chữ nho - nàng nói - Làng em, những ai biết chữ đều đã đi thi đỗ đạt rồi vào triều hoặc đi đến các phủ huyện làm quan. Đám thanh niên còn lại ở làng đều mù chữ. Họ không đến với em vì em biết chữ. Bố mẹ em đang lo em trở thành bà cô chết già…

- Không, em không thể chết già được đâu - Vũ Kiệt mạnh dạn nắm lấy một bàn tay nàng - Em biết không, ngay từ lần gặp đầu tiên, anh đã thích em. Em đồng ý làm vợ anh nhé!

Nàng vẫn để bàn thay trong bàn tay nắm chặt của chàng, cặp mắt nàng nhìn chàng tràn ngập yêu thương, một lát sau nàng nói:

- Nếu có điều này xẩy ra, em tin đó là sự dun dủi của trời phật…

*

Đám cưới của hai người diễn ra ngay sau đấy ít ngày. Đó là dịp năm đã gần hết, tết sắp đến. Gia Đình Vũ Kiệt thuộc hàng trung lưu, có một ngôi nhà năm gian bằng  gỗ xoan trạm trổ “thượng bò hạ kẻ”, bên trong có sập gụ, tủ chè, bàn thờ gỗ mít, lư hương, đỉnh đồng, hạc chầu; ngày lễ, tết thắp hương trầm. Hai cái chum sành cỡ lớn đựng nước mưa hứng từ hai cây cau, đủ nước tinh khiết để pha trà quanh năm. Trước sân có một mảnh vườn vuông vắn, trước mảnh vườn là cái ao rộng hai sào bắc bộ. Hồi Vũ Kiệt còn làm quan trong triều, cái ao được thả nhiều loài cá: mè, trôi, trắm, chếp…mảnh vườn được trồng nhiều loài hoa: đào, mai, lan tiêu, trà mi... Vào dịp tết các loài hoa đua nhau trổ bông, khoe sắc. Nhưng từ ngày Vũ Kiệt bỏ đi tu, bố mẹ ông chẳng thiết tha với ao vườn nữa. Ao để mặc cho bèo tổ ong nở kín; vườn mặc cho cỏ mọc um tùm. Cỏ leo lên cả những cây mai, cây đào trông rất tang thương. Năm nay Vũ Kiệt rũ áo cà sa trở về, không kịp thả lứa cá mới dưới ao, bố mẹ chàng chuẩn bị vỗ béo một con lợn xoai để tổ chức đám cưới cho chàng. Vũ Kiệt cắt cỏ, xới đất ngoài vườn, tưới tắm cho những cây hoa kịp trổ bông trở lại. Đám cưới của chàng giản dị nhưng không kém phần sang trọng nhờ những sắc hoa.

Họ đã có tuần trăng mật thật hạnh phúc. Hồi chàng bỏ đi tu, sách vở của chàng đều được cha chàng gói vào những cái bao xếp lên cái gác trong buồng. Cái giá sách bằng gỗ xoan thì ông cụ đưa xuống nhà ngang để đựng bát đĩa. Giờ đây vợ chồng chàng lại lấy giá sách ra lau chùi sạch sẽ, kê ngay ngắn trước bàn viết của chàng. Hai vợ chồng lại lôi từ trong bao ra những Đại Việt sử ký, Tứ thư, Ngũ kinh, Minh tâm bảo giám…xếp ngay ngắn lên giá. Chàng nói với nàng:

- Làm vợ anh, em cứ đọc sách thánh hiền thoải mái. Cho dù giờ đây vợ chồng mình sống ở làng nhưng cũng phải tạo cho ngôi nhà một không gian văn hóa để sau này có con, chúng sẽ theo cái gia giáo nề nếp của gia đình mình.

- Chàng yêu dấu - nàng nói - chàng định làm gì ở làng?

- Có em là vợ yêu thì anh làm gì cũng được - chàng vui vẻ đáp - cày ruộng, nuôi cá, thả lờ, đánh giậm, đun riu tép… Anh còn dự định mở một lớp dậy chữ cho dân làng…

- Thiếp nghĩ chàng sẽ làm được hết. Sống với chàng thiếp tin sẽ không bao giờ bị đói khát - nàng nói - Nhưng thiếp cảm thấy vẫn còn điều gì đó khiến thiếp chưa thật yên lòng…

- Nàng chưa yên lòng vì nỗi gì vậy?

- Cho phép thiếp nói thật, chàng đừng giận nhé. Chàng trả mũ áo đi tu hình như không chỉ vì lý do trong hoàng triều có những chuyện khiến chàng chán chường như chàng đã nói với thiếp. Còn một căn nguyên khác nữa, đó là nỗi sợ. Trong kỳ thi Đình, bài văn sách của chàng rất mạnh mẽ, sắc sảo. Chàng chỉ ra những tệ nạn đang làm nhũng nhiều hoàng triều, đã ít nhiều đụng chạm đến một số quan lại đang là những thứ “sâu dân mọt nước”. Và khi được bổ nhiệm chức quan, hàng ngày đối diện với họ, chàng bắt đầu mang nỗi sợ. Chàng sợ họ trả thù. Chàng phải tìm đến của thiền đễ tìm cứu cánh từ Đức Phật từ bi, mong bảo toàn tính mạng!

Nàng càng nói, Vũ Kiệt càng cảm thấy giật thột, mặt nóng ran lên. Nàng chỉ là một cô gái thôn quê, rất ít khi đi ra khỏi làng, càng chưa khi nào qua lại chốn quan trường mà sao nàng hiểu nhân tình thế thái đến vậy? Phải chăng, nàng đúng là mối nhân duyên trời phật dun dủi để cứu vớt đời ta?

- Anh cám ơn em đã nói thật và nói đúng về anh - Chàng thừa nhận và nhìn nàng với vẻ cầu thị - Theo em, anh sẽ phải làm gì?

- Làm gì thì tự anh phải nghĩ - nàng nói - Cái đầu của anh vốn dĩ thông minh, sáng láng mà!

*

Vũ Kiệt vào Hoàng cung xin diện kiến Vua, tuy chàng không còn một hàm tước gì, nhưng khi nghe viên nội quan tâu trình, vua Lê Thánh Tông đã chuẩn tấu. Chàng được viên nội quan dẫn vào cung Thúy Hoa. Chàng quỳ sụp xuống, thi lễ:

- Thần dân Vũ Kiệt, người làng Cửu Yên, xã Yên Việt, phủ Thuận Thành, trấn Kinh Bắc…xin được tạ tội trước thánh thượng anh minh!

Vua Lê Thánh Tông vẫn ngôi trên ngai, nhìn Vũ Kiệt một cách nghiêm nghị, nói:

- Tội của khanh là gì, hãy nói trẫm nghe!

- Muôn tâu thánh thượng, tội của thần là trong lúc thánh thượng đang tiến hành công cuộc cải cách hành chính làm trong sạch hoàng triều thì hạ thần lại bỏ triều đình mà đi. Thần xin thánh thướng trị tội ạ.

- Đã từng làm quan, khanh không lạ gì luật của hoàng triều, có công thì được ban thưởng, ngợi khen xứng đáng, có tội thì phải nghiêm trị - vua nói nhẹ nhàng nhưng gương mặt thì vẫn nghiêm nghị - Trẫm cũng lấy làm ngạc nhiên vì khanh đã xử sự một cách hèn mạt, không đúng với những điều khanh từng viết trong văn sách thi Đình mà trẫm đã chấm điểm cao nhất kì thi. Nhưng mà ngẫm cho cùng thì con người là thế, cho dù là bậc thánh nhân rồi cũng có những lúc yếu lòng, thói ham sống lấn át nghĩa khí và lòng tự trọng, tự tôn. Khanh đã có một hành động không đúng với con người thật của khanh! Nhưng nay xét thấy khanh có tội mà đã biết tội và quay về hoàng triều thú tội thì tội của khanh cũng đã nhẹ đi rồi. Vậy bây giờ nếu trẫm tha tội thì khanh định thế nào?

- Muôn tâu thánh thượng, thần xin được hồi triều, nhận bất cứ công việc gì mà thánh thượng ban cho và sẽ đem hết trí lực để phụng sự hoàng triều ạ.

- Trẫm chuẩn y - vua nói - nhận khanh trở lại giữ chức Hàn lâm thị thư như ban đầu. Nếu làm tốt, qua thời gian, trẫm sẽ trả lại chức Tả thị lang kiêm Đông các hiệu thư như cũ.

Vũ Kiệt cúi xuống thi lễ lần nữa:

- Thần xin ghi nhớ ân huệ của thánh thượng. Kính chúc thánh thượng vạn thọ khang ninh!

Vua gọi:

- Bay đâu, mang vào đây cho trẫm hai mảnh vải lụa đào!

Người hầu bưng cái khay dựng vải lụa vào. Vua nói với Vũ Kiệt:

- Món quà này trẫm gửi tặng vợ khanh, trẫm nhờ khanh mang về trao cho cô ấy và nói rằng, trẫm có lời ngợi khen cô ấy, một thiếu nữ nông thôn vô danh nhưng  đã cứu giúp trẫm đưa một viên quan Tả thị lang thoái nhiệm trở về với hoàng triều. Khanh nhớ nhé!

- Muôn tâu thánh thượng, thay mặt cho vợ, thần xin nói lời đội ơn mưa móc của thánh thượng.

- Bây giờ trẫm cho khanh lui, về nhà chuẩn bị, ba ngày sau đến nhận việc - nói xong, vua bước xuống, nở một nụ cười ấp áp tiễn chân Vũ Kiệt ra khỏi cung Thúy Hoa.

   Nguồn Văn nghệ số 3+4+5/2020                                                                     

 

 

 

 

 

 

 

 

 


Có thể bạn quan tâm