April 25, 2024, 12:08 pm

Quán Mèo rừng

                                    

Khi Nam đến ngã ba Tân Lâm thì đã có quán Mèo rừng. Khách đông, nhộn nhịp vào giấc ba giờ chiều đến khuya. Có khi lại kéo dài tận mờ sáng bởi tốp đào vàng vừa trúng mạch ở một hầm nào đó. Cả bọn vừa ca hát, vừa gõ xoong nồi và chạm ly côm cốp cười nói ầm ĩ bên những tô, dĩa thịt rừng cùng các chai rượu trong vắt như mắt mèo. Lúc này, đố ai dám bước vào quán trừ bọn sơn tràng, bọn đi điệu vừa ly sơn hạ thổ. Giang sơn nào, anh hùng nấy. Ai dại gì đụng vào cái máu liều luôn chảy giần giật trong huyết quản của những gã “nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” này? Vậy mà đến sáng mai trong cái ngổn ngang của buổi tiệc tàn, tuyệt nhiên chẳng thấy đứa nào nằm lại, những gương mặt xanh tái do đói ngủ, do thiếu ăn, do lam sơn chướng khí đều biến sạch như chìm hẳn vào núi rừng hoặc đã âm thầm xuôi về đồng bằng.

Ngã ba này là điểm nút của núi rừng trập trùng giữa miền ngược với miền xuôi, những căn nhà vách ván mái lợp lá cọ, lá đủng đỉnh, lá tranh và lẻ tẻ một số cửa hiệu được ngói hóa để cho dân tứ xứ đổ về mua sắm, ăn uống. Nhóm tìm trầm với ba lô bạc thếch vắt vai từng chiếc cúp to nhỏ. Dân đào đãi vàng lỉnh kỉnh máng gỗ, nóp sắt. Bọn sơn tràng thì thong dong vì các ông chủ đã chuyển vật dụng vào tận điểm khai phá. Người dân tộc nước da đen cháy miệng phì phèo thuốc lá cuốn hình con sâu to sụ phập phà, vai mang gùi vào quán lủng lẳng thịt rừng, thịt heo bò do các  chuyến xe chở thổ sản ngược xuôi tuôn xuống cuốn bụi mịt mù. Các quán mở hết volume đủ loại nhạc du nhập vào Việt Nam thuở trước 1975: “Mưa rừng ơi mưa rừng…” đến “Rừng lá xanh xanh mây phủ đồi quanh…” rồi “Tôi thường đi đây đó đây, bùn đen in dấu giày…” hòa vào các bảng hiệu con con nhưng gợi nhớ: “Lan rừng”, “Mưa chiều” rồi cũng không sót: “Đây rồi, cầy…” hoặc “À! thịt rừng đủ loại!” để hút khách bước vào. Sự bát nháo hỗn độn ấy chỉ diễn ra đến trưa rồi tất cả yên lặng khi ngã xế bóng nắng, mây đen kéo về ùn ùn, mưa tuôn xối xả hết đợt này đến đợt khác. Ngã ba lại dịu đi, không nóng, không bụi để đón những đám người từ rừng tuôn ra, có kẻ đã xong việc mua bán thì phóng xe phân khối lớn phía sau thêm thằng tóc tai như bờm sư tử mất hút về cầu Sắt, từng chiếc xe Reo đầy gỗ tắt máy đậu lại chờ tối để vượt chắn, từng tốp lẻ đi bộ bước vào các quán lúc hoàng hôn chập choạng buông xuống. Đêm sẽ nhường cho đám người này. Những xấp bạc mới cứng vừa trao đổi để lấy những tít đá lửa đổ ra lòng bàn tay lấp lánh ánh vàng, những câu nói thầm thì thụt trao tay và sau đó, rượu sẽ đổ vào thau để múc, thịt chất có ngọn trên những mâm nhôm khói thuốc la đà, ăn ngập răng, uống phát sặc, nói rổn rảng như sói tru… Nhưng chớ ẩu đả, chớ nện phát súng mũi dao nào, chớ xòe bài tá lả bởi thứ đó vào rừng sẽ có đầy đủ, còn không, lo xuống suối mà rửa máu.

Nam là thằng chẳng nghề ngỗng dù đã qua cửa Đại học. Chủ quán buôn thú rừng nhà 3 tầng lầu kề nhà Nam dưới phố thấy Nam làng chàng ra vào, rồi tựa cửa ngóng trời đất, liền kéo qua, hướng dẫn cách nhập nghề một vốn chục lời. Khi Nam đủ sức phân biệt đực cái liền được đưa thẳng lên ngã ba Tân Lâm để thực tế, núp sau đầu nậu miền ngược là chủ quán Mèo rừng để gom hàng chuyển về. Tấm bảng Mèo rừng có khác so những bảng hiệu dài, vuông đủ cỡ của các quán mở nhạc xập xình. Nó tròn như chiếc thúng trơn sơn xanh biếc giữa chấm đen như mắt mèo cùng chiếc ly đặt cạnh. Vậy mà khách ra vô tấp nập cỡ từ 3 giờ chiều, đến 5 giờ là chật cứng. Tên người làm vai u thịt bắp thêm vết sẹo chạy dài ngang lồng ngực, lầm lì sắp bàn ghế dọc theo con suối bên hông quán có những tán cây mằng lăng che nắng. Sáu giờ, vài ba bàn đứng lên bước sang quán đèn màu bên kia đường. Ở đó, những cô gái quá lứa dạt lên từ dưới xuôi sẽ diện kiến.

Rượu Mèo rừng do chủ quán Tam đảm trách. Mà lạ, lò đắp bằng đất sét, ống đồng chằng chịt qua chiếc thùng đựng nước giảm nhiệt đến lúc ra tới bình chứa, nước đầu nó có màu hổ phách thơm lựng, nước sau thì trong suốt như mắt mèo mà nồng độ vẫn giữ nguyên. Nhấp một tí, thơm như rượu làng Vân miền Bắc, đậm đà như Bầu Đá miền Trung rồi lâng lâng như các loại Gò Đen miền Nam Bộ mà khi còn đi học, Nam được mấy thằng bạn giới thiệu thứ “Nước mắt quê hương” của chúng. Hèn chi khách đông là phải, mà khách toàn là “dân giang hồ”, không chiều khéo nát quán chứ chẳng chơi. Nhiều lần, Nam tò mò lén vào căn buồng nấu rượu của tên chủ quán và bắt gặp ánh mắt lừ lừ vằn đỏ, môi giật giật, tay ra dấu bảo cút xéo. Nam chờ tên người làm đổ bã rượu xuống suối để nhìn thì chẳng thấy gì lạ, gạo rẫy cùng men dưới phố nhưng lợn cợn những mảnh lá được giã nhỏ bầm đen trôi theo dòng nước.

Các món thịt đầy đủ từ chồn, nhím, nai, mễn, trăn, kỳ đà…Và người đứng pha chế từ luộc, xào, quay, nướng thì lại là Sa. Cô gái có thân hình đầy đặn, mắt trong veo như mắt mèo, lâu lâu lại nở nụ cười, làn môi đỏ tự nhiên với làn da rám nắng như đất đỏ bụi đường. Có lẽ ngoài rượu, đặc sản rừng thì Sa luôn góp phần vào số lượng khách hàng tứ chiếng luôn đủ mặt, luôn cười nói nháy nhó khiêu khích cô nhỏ có cặp má hồng bên bếp lửa kia. Gã người làm vai u thì luôn dửng dưng với Nam, chủ quán Tam thì hay liếc xéo đề phòng nhất là khi có khách riêng của gã để to nhỏ bàn bạc, còn Sa thì luôn đùa cợt với vẻ ngây ngô của kẻ từ dưới xuôi mò lên tận mép rừng, đôi khi lại hướng dẫn khách cân thú, cách che đậy và cả cách cho thú ăn cho đủ sống mà chuyển tải về xuôi.

Ông chủ nhà dưới phố lên cùng chủ quán Tam nới rộng khu nhốt thú, đào hầm thả cua đinh, rùa vàng, rắn rồi cả gấu, báo gấm và trên cùng chiếc giường dành cho “thú người” là Nam. Nam ngột ngạt lẫn lo sợ vì chỉ cần một con thú sút chuồng với sức mạnh hoang dã là đủ tan xương nát thịt, dù tiền tháng hai gã đưa Nam ngang bằng một người làm kinh tế ở thành phố, cùng giọng gã người làm đe nẹt đầy chết chóc: “Khôn hồn thì im lặng, việc của bọn tao…”.

Những buổi trưa yên ả để chuẩn bị từng cơn mưa rừng vào xế chiều là lúc rảnh rỗi của Nam và Sa vì quán vắng khách. Khuya thì rọi đèn kiểm tra, những ánh mắt xanh lét, đỏ rực màu máu khiến mãi những năm tháng sau này Nam vẫn chập chờn trong những giấc mơ, những tiếng rú, tiếng thở hồng hộc, tiếng bập răng vào củi thép rờn rợn đầy khiếp hãi. Nếu không có Sa, không có những buổi trưa yên tĩnh ngược lên dòng suối vắng cùng Sa cười nói, và cũng từng tay trong tay nhảy qua những phiến đá xanh rì rêu trơn trợt thì tinh thần Nam đã cạn kiệt đến suy sụp. Nam chỉ biết loáng thoáng Sa là em cùng cha khác mẹ của Tam, chủ quán Mèo rừng, cha Sa đã chết vì cây đổ lúc hướng dẫn bọn sơn tràng làm việc, “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” mà. Quán càng lúc càng đông khách, những kẻ moi ruột rừng càng ngày càng ồn ào, có cả chính quyền đã vào quán và kêu chủ quán Tam Mèo rừng và gã người làm là thằng sát thủ. Chủ Tam lại mướn thêm người đầu bếp tận Nha Trang lên giúp việc và gã này lại càng tàn bạo trước đám thực khách đang trố mắt ngưỡng mộ. Tất cả vật sống đều giãy giụa thê thảm khi gã dửng dưng đập đầu, rạch da trong tiếng kêu khắc khoải.

Có lần Nam đã bỏ cơm khi phải phụ gã xách con voọc đang mang thai đem lên bàn tiệc mổ bụng, vứt cả bọc đỏ lòm những máu vào xoong cháo đã nêm gia vị rồi moi óc bỏ vào từng ly rượu màu hổ phách của Tam Mèo rừng pha chế trong tiếng reo hò, trong cơn mưa chiều đổ xuống ào ạt, trong tiếng khóc nấc tê tái của Sa, trong mùi máu của đồng loại khiến cả dãy chuồng phía sau rung lên dữ dội lẫn tiếng gào rú hồng hộc thở. Xe chở thú mỗi tuần một ngày vào nửa đêm ghé vào để nhận và thả vào những rọ sắt phủ kín bao gai, được hai gã người làm xách vội vào nơi chứa thực phẩm và quán Mèo rừng vẫn đầy đủ thịt trong tủ áp kính, treo lủng lẳng từng đùi nai nhỏ những máu để thực khách tràn vào ồ ạt. Một buổi chiều sau cơn mưa, con trút bị sẩy khỏi lồng sắt chui hẳn vào phòng Tam Mèo rừng. Nam dò theo lúc gã đang mải mê tiếp khách, đong rượu, tính tiền. Căn phòng tối bưng, Nam định thần một lúc mới nhận ra từng đồ vật, từng thùng gỗ khóa chặt, những bó lá treo lủng liểng. Nơi góc trong cùng có tiếng loạt xoạt từ chiếc bao gai. Nam tò mò đi đến rồi lần giở và sững người, hàng chục con mèo nhị thể, tam thể, mèo mun, mèo mướp, mèo đốm, mèo vằn, nghe động búng mình nhảy giần giật, gào rú loạn xạ khiến Nam giật lùi ra cửa, kịp lúc Tam Mèo rừng thấy động đi vào.

Buổi trưa, Nam lang thang dọc bìa rừng trong lòng vẫn không khỏi hoang mang, người nóng bừng như lên cơn sốt. Lâu nay, thú rừng con nào bị ốm, bị chết thì quán Mèo rừng sẽ mổ thịt dù thịt đỏ, đen, vàng, tím lẫn lộn, dù cắc kè hay kỳ nhông, kỳ đà hay cá sấu đều vào xoong chảo bốc mùi thơm lựng trước những cặp mắt hau háu như cọp rình mồi của dân đâm cha chém chú, nhưng đó là thịt… Đang suy nghĩ lúc bước sang đoạn suối cạn thì Nam hốt hoảng nhảy vào gộp đá mọc đầy lau lách, từ phía xa tên người làm và gã đầu bếp đang khệ nệ khiêng cả thùng nước nóng đặt cạnh suối dưới tán lộc vừng; cả hai trở vào dùng cây khiêng lặc lè chiếc rọ sắt ra ngoài. Sau khi nhớn nhác nhìn chung quanh lúc Nam chúi đầu sát đất thì hai gã lột hẳn bao gai, nhúng liền chiếc rọ sắt toàn mèo vào nước nóng. Tiếng “miao…ngoao ngoao …ngoào ngoào”, tiếng giãy giụa đập vào vách thùng bồm bộp, hai gã lại giơ cao rọ, những khối đen sì ướt rượt gào thét bung mình cuộn tròn, lại nhúng xuống dòng suối, lại kêu, lại nhúng. Chỉ trong phút chốc họ đã chặt đầu moi ruột, lủng liểng từng con như ếch vừa tuốt da. Lại thêm một con heo nhỏ bị đập đầu ném vào đống lửa thui sống, nó chỏng bốn vó co giật, lông cháy xèo xèo khét lẹt, các thớ thịt co lại vàng rộp. Gã đầu bếp ra thịt tại chỗ, thịt đỏ ửng như heo rừng, còn tên giúp việc thì xếp từng mảng thịt mèo trắng bong như thịt kỳ đà, cá sấu để Tam Mèo rừng mặc sức giới thiệu.

Việc này mà bị lộ thì quán Mèo rừng phút chốc bị thiêu rụi, không khéo Nam cũng bị vạ lây, luật rừng sẽ xử lý tất cả những ai lừa dối. Chờ hai gã gánh thịt băng băng vào quán, Nam vòng thật xa chỗ cũ như kẻ rong chơi về. Sa đã chờ lúc vừa thấy bóng Nam liền kéo vội đến nơi bụi trâm bầu khi cơn mưa rừng chuẩn bị tuôn đổ, bầu trời chằng chịt những tia chớp, túi nước nặng nề sẽ ập xuống rùng rùng ở ngã ba Tân Lâm. Tiếng Sa ngắt quãng trong hơi thở dồn: “Gã Kỳ giúp việc đã thấy anh vào phòng của Tam Mèo rừng, coi chừng bọn chúng tìm cách khử anh, Sa nói cho anh biết Sa không phải là em gái của Tam Mèo rừng, cầm lấy cái này anh sẽ hiểu thêm”. Sa dúi vội nắm lá đen sì vào tay Nam rồi vội chạy trở vào quán. Mưa đã nặng hột, rơi từng dòng từng dòng trong chớp nhoang nhoáng tuôn đổ, mưa rít trên người Nam, hàng cây vặn mình răng rắc lúc Nam quay mình trở vào lều thấy lạnh đến tê cóng, bàn tay từ từ xòe ra đưa lên mũi ngửi nắm lá có mùi nồng nồng hăng hắc và lần nữa tái mặt bởi đó là mùi cần sa. Mưa vẫn sầm sập đổ, dòng suối bên dưới đang cuộn réo khi trong quán Mèo rừng dao thớt đã khua khoắng, với lượng thịt ban chiều thì hẳn rằng đêm nay chuẩn bị đón lượng khách lớn.

Nam rùng mình nổi gai góc khi nhớ đến những cái chết không rõ nguyên nhân bởi sập hầm vàng, bẫy thú, bị trôi sông rồi với mình thì chỉ cần bất chợt ngủ quên, gã người làm lẻn vào mở tung các chuồng thú và rọ sắt nhốt bầy rắn hổ vừa nhận về hôm qua thì cái chết của Nam có trời mới hiểu thấu. Nam lần dò ra cửa, phía quán Mèo rừng làn khói mỏng manh bốc lên tụ lại trên cành mằng lăng thành một hình nấm trắng nhợt, có tiếng tắc kè dóng dả từng hồi một như báo hiệu chấm dứt đợt mưa rừng, như nhắc cho Nam: “Ở… không… bỏ trốn… tắc kè kè!”. Đi thôi, mưa đã sắp ngớt hạt, chiều đang buông dần thì bóng tối của núi rừng ập xuống rất nhanh. Nam ôm túi xách lách mình ra ngoài, chạy lom khom ra bờ suối rồi vấp phải rễ cây bổ nhào xuống nước, nước phăng phăng cuồn cuộn đẩy Nam trồi lên, ngụp xuống va vào tảng đá hất ngược rồi trôi trôi xuôi dòng tấp vào chân cầu sắt. Nam lóp ngóp lên bờ người đau ê ẩm nhưng vội gạt các cành lá, nhoài người qua các bụi rậm mặc gai cào, cây quất rát mặt, vấp ngã dúi dụi vẫn bật dậy lao đi.

Nam thở dốc trong cơn mệt, đói, sợ đến lả người, rồi hoa cả mắt khi nhận ra quang cảnh xa lạ ngỡ ngàng vì lạc lối. Lạc rừng khi vào đêm lúc mưa lâm thâm lạnh buốt để Nam bật khóc, chân bước ngang dọc qua đám cỏ tranh, bì bõm trên những vũng nước trơn trượt, tai nghe tiếng chim đêm vòng vọng đầy khắc khoải. Cơn mưa kế tiếp lại ập đến, nước thẳng băng như kẻ chỉ loang loáng đập vào mặt đến tê dại trong bầu trời sầm sầm chớp. Nam đã gào lên, tay vuốt nước mắt hòa trộn trong mưa đổ rùng rùng mãi đến lúc đặt chân lên đường lộ thì ánh đèn pha quét sáng trờ tới làm Nam loạng choạng. Tiếng chân người lao đến, rồi tiếng người khẽ khàng: “Thằng Nam thu mua động vật ở quán Mèo rừng, sao nó lại xuất hiện ở đây nhỉ?”. Tiếng người bên cạnh: “Đưa nó về trại, lẹ lên”.

Trong mơ hồ cảm giác bồng bềnh lúc gió tạt qua tai ù ù, Nam nghe tiếng động cơ gầm lên lao vun vút rồi rẽ ngoặt vào căn nhà dưới gốc trâm già. Mọi người hối hả dìu ngay vào phòng rồi ly trà nóng pha đường đưa tới để Nam ngước nhìn, bật dậy: “Thùy râu!”. Đối diện trước mắt Nam là con người to cao vạm vỡ, bộ râu quai nón với đôi mắt xếch trông dữ dội cùng tia nhìn lành lạnh mà đôi lần bước vào quán Mèo rừng mọi người đều e dè. Lúc này Thùy râu lại cười hiền lành, câu nói nhẹ nhàng tương phản với gương mặt: “Nhận ra nhau rồi hả ông bạn, sao lại bỏ trốn? Kể vắn tắt để bọn tôi còn đi…”.

Nam nghĩ, đằng nào cũng sa bẫy bọn chúng. Gần tháng nay ngày nào Thùy râu chả tạt qua quán Mèo rừng mà bù khú với nhóm trong rừng và cách chơi của Thùy râu làm lác mắt lãnh địa ngã ba Tân Lâm, ngón trỏ bún tách một phát rượu đã ồ ồ chảy đầy thau, tay gõ miệng chén thì thịt đã sắp đầy bàn, càng uống càng lầm lì để đánh gục từng đối thủ rồi từng cọc tiền mới cáu đập nhẹ vào tay Tam Mèo rừng. Có kẻ nói Thùy râu buôn lậu gỗ, lại có kẻ nói Thùy râu thu mua trầm kỳ vì luôn cùng hội với lũ người này.

Nam kể ngắt quãng khiến Thùy râu sốt ruột đưa mắt nhìn đồng hồ rồi  đưa tay ngăn lại: “Thôi tốp, hiểu rồi ông bạn, giờ thì ông quay trở lại cho!”. Vậy là hết. Nam cúi gục đầu thì bàn tay nhẹ nhàng vỗ vai, chiếc thẻ cảnh sát chìa ngay trước mặt với tấm hình Thùy râu khiến Nam ngỡ ngàng với câu nói: “Nhận mặt một lần nữa coi!”. Lại nghiêm giọng: “Anh hiểu công việc chú mày từ lâu, cứ quay lại sẽ có người bảo vệ an toàn. Yên trí, một ngày nữa thôi, chiếc bẫy sẽ sập xuống nhốt bọn thú người. Lập công chuộc tội đi bạn, lẹ lên, trễ giờ rồi”. Nam bước ra sân, mưa đã tạnh hẳn, hai chiếc mô tô phân khối lớn nổ máy bật đèn trở đầu. Thùy râu ngồi sau Nam, bảo nhỏ: “Cứ xem như không có việc gì. Sáng mai đợt thú bổ sung về rất nhiều để bọn chúng vét chuyến chót rồi đấu giá quán Mèo rừng để ôm tài sản tẩu thoát, nhớ xem chừng con bé Sa, nó có tên trong danh sách bọn buôn người đi biên giới”. Chiếc xe vụt lên trước, tắt đèn rẽ vào con đường khúc khuỷu đầy cỏ tranh rồi dừng lại, Thùy râu chỉ hướng trước mặt: “vòng lên trước một đoạn, rẽ trái thì gặp suối cạn để trở về nơi ở và nhớ rằng cứ thản nhiên bình thường”. Lúc vừa đến cửa một bóng người bổ nhào ra ôm choàng lấy, Nam cuộn người lăn một vòng hai vòng, va phải gốc cây đau điếng nhưng vội bật dậy để cố hất tung con người đang đè lên ngực đến ngạt thở thì tiếng hổn hển kề sát: “Sa đây, anh Nam”.

Trong bóng tối Nam ôm gọn thân hình đã dãn ra mềm mại, tay vuốt khẽ mái tóc rối tung, tiếng Sa thì thầm: “Tam Mèo rừng phát hiện anh không có trong lều thú, hắn bảo em canh chừng lúc nào anh về thì báo hắn. Tối nay đông khách bởi có băng Thùy râu, sao anh không trốn?”. Sa thổn thức khóc rồi hôn vội Nam khuôn mặt nhòe nước. Nam đỡ Sa ngồi dậy, dặn nhỏ: “Cứ bảo anh vừa đi tìm con trăn gấm vừa sút chuồng mới về, mọi chuyện không việc gì phải lo”. Nam hôn nhẹ lên trán Sa rồi đẩy nhẹ về quán. Đi được một quãng, Sa chạy lại ôm chặt Nam, thân hình cô run rẩy từng đợt: “Em yêu anh… nhưng anh sẽ chết mất!”. Lần đầu tiên trong đời, Nam dụi mặt vào khuôn ngực người con gái, miên man kiếm tìm đôi môi ấm áp ngọt ngào rồi đẩy vội khi nghe tiếng Thùy râu oang oang trong quán. “Ê, Tam! Lấy thêm rượu”.

Đêm vào khuya, rừng vẫn âm u bí hiểm, tiếng gió cuộn trên lá mục, tiếng chân thú hoang sột soạt bên ngoài cùng tiếng giãy cựa của thú nhốt bên trong làm Nam không thể chợp mắt. Đã cột chặt cửa, bên cạnh là cây gỗ vạt nhọn nhưng vẫn thấy sợ cho dù biết Thùy râu vẫn còn ngồi bên cạnh Tam Mèo rừng, vẫn biết có người bên ngoài khu trại để bảo đảm an toàn cho mình nhưng vẫn thấy lo, đom đóm lập lòe từng bầy xanh lét như những mắt mèo chiều nay thét gào giãy chết, đôi mắt của gã giúp việc như cặp mắt của rắn hổ bành đang ngọ ngoạy trong rọ sắt dưới chân giường. Rồi trong cơn mệt mỏi, Nam dần chợp mắt…

Sáng. Khi trời còn mờ sương. Tam Mèo rừng bình thản đến chỗ Nam, cả hai sắp xếp để đón đợt thú mới. Tam Mèo rừng cho biết, khuya nay hắn sẽ theo xe cùng Sa và gã đầu bếp về phố lo công việc. Nam cứ ở lại với gã Kỳ nhận tiếp thú chờ hắn lên. Nam ậm ừ lơ đãng trong lúc cột những bao gai chất đầy baba, rắn hổ. Có tiếng xe và tiếng người ồn ào bên ngoài, Nam biết thú đã được tải đến khi Tam Mèo rừng cười nói vồn vã lâu lâu gọi tên người làm.

Đúng như anh Thùy báo trước, đợt này ngoài hai con gấu ngựa kềnh càng bị bẫy, còn có heo, gấm, kỳ đà thượng nguồn tuôn về. Xong việc Nam xuống suối rửa ráy thì gặp Sa đang lau chùi nồi niêu xoong chảo, đôi mắt đen láy buồn buồn nhìn Nam, miệng nhếnh cười như mếu. Xế chiều mưa đổ ồ ạt của thời tiết định kỳ ở rừng thì có tiếng xe vào quán, những bóng người mặt áo tơi phủ kín thấp thoáng rồi vội vã lên xe, dứt đợt mưa Tam Mèo rừng xuất hiện nơi cửa: “Nam, sang uống bia với thịt nai, bọn đi trầm vừa tạt qua gửi khúc đùi”. Nam sang khi bia đã bật nắp cùng thịt ướp sẵn chuẩn bị lên vỉ nướng. Tam Mèo rừng giơ cao ly mời mọi người: “Nào, ta uống chia tay vài ngày mới gặp lại, chiều nay nghỉ để chơi xả láng!”. Ly cụng ly côm cốp, bia sủi bọt tràn trề, mùi thịt thơm lựng trong cái nheo mắt của Tam Mèo rừng xoáy đến từng người.

Gã người làm vẫn lầm lì, tên đầu bếp mặt đỏ gấc nhanh nhảu chia thịt, Sa buông mái tóc che khuất khuôn mặt, Nam trệu trạo nhai thịt như nhai miếng giẻ rách. Hoàng hôn buông dần. Tam Mèo rừng gọi Sa thắp đèn bão và bảo mọi người chuẩn bị công việc, Nam lảo đảo đứng lên bước vội ra ngoài. Trời đã tối hẳn mà xung quang vẫn im lặng khiến Nam thấy lo nhoi nhói. 10 giờ rồi 11 giờ đêm tiếng xe ô tô đã vọng tới trong cơn mưa lâm thâm lúc các hàng quán đã dần đóng cửa. Hai chiếc, ba chiếc nối đuôi pha đèn dừng ngay quán Mèo rừng thì cửa đã mở bật mở, từng kiện hàng được đẩy lên thật nhanh.

Tam Mèo rừng tay xách valy ra lệnh cho từng người với giọng đanh sắc. Nam cùng vài người nữa kéo rê những rọ sắt, bao tải dồn ép chặt vào thùng xe. Chiếc xe thứ ba gần đầy hàng chỉ còn cặp gấu ngựa đang lặc lè di chuyển và Nam vội liếc tìm Sa. Dưới gốc mằng lăng Sa đang nắm hờ túi xách, mắt thảng thốt nhìn Nam thì tiếng hét đanh thép vọng lên: “Tất cả đứng im!”. Đèn bốn phía bật sáng chỉa vào một điểm là quán Mèo rừng. Một giây trong sự bàng hoàng rồi cuộc xung đột diễn ra, xe trước giậm ga rú máy trong tiếng nổ của súng cùng tiếng bắn trả. Tiếng hét, tiếng hô náo loạn và những bóng người xông đến, chạy dạt. Nam thả vội chiếc lồng nhốt gấu đã bung sợi dây buộc cho nó lồng lên dữ dội để nhào đến chỗ Sa đang úp mặt dưới gốc cây. Nam kéo vội Sa lăn vào gộp đá kịp tránh cái tát của con gấu ngựa vừa sổng. Nó đã quay lại chụp ngay lấy tên giúp việc đang trờ tới để xé, tiếng rú hãi hùng và máu tuôn xối xả, dù Thùy râu đã vọt tới đưa thẳng nòng súng vào miệng con vật bóp cò. Chỉ trong vài phút sự náo nhiệt đã bị dập tắt.

Tam Mèo rừng bê bết bùn đất đưa tay vào chiếc còng cùng đồng bọn trở vô quán. Đèn thắp sáng choang, Tam Mèo rừng nhìn thấy Thùy râu sững sờ và những kẻ đến quán hắn ăn nhậu. Thùy râu cười bảo: “Ngạc nhiên lắm hả, tiền đâu mà tao mua đủ quán của mày, chỉ đến để kiểm kê tài sản và kê thêm tội trạng, Dũng đầu bò ạ!”. Chủ quán Mèo rừng tái mặt vừa lúc những người cảnh sát từ trên hai chiếc ô tô bước vào. Sáng hôm sau, ngoài những tài sản từ trên các xe bốc dở xuống như kỳ nam, trầm hương, bột vàng, thú rừng cùng danh sách những kẻ đồng lõa thì có một thứ đáng để chủ quán Mèo rừng lên dựa cột là là những bao cần sa dùng cho việc nấu rượu và tẩm vào các món thịt thú rừng. Còn nữa, bạn tù vượt ngục của hắn là tên Kỳ giúp việc đã chết ngay đêm đó do vết thương quá nặng.

Nam về phố khi quán Mèo rừng đóng cửa. Chấm dứt những cơn mưa rừng triền miên cùng nỗi lo phập phồng đến thắt ngực. Những đêm đầu tiên chập chờn trong giấc ngủ. Nam vẫn thảng thốt nghe như chung quanh mình có tiếng loạt xoạt, gào rú điên dại của bầy mèo nhốt trong rọ sắt phủ bên ngoài chiếc bao gai sờn rách. Tiếng “miao…miao…”của lũ mèo đang động dục chạy trên mái nhà tìm bạn tình khiến Nam choàng tỉnh, người ướt đẫm mồn hôi, run rẩy khi nhìn thấy cặp mắt quét sáng quắc dưới ánh trăng đêm hướng về anh như những linh hồn hiện về với những hình dạng trắng hếu, thõng thượt, ngoắc ngoải co giật. Nam biết, bầy mèo ở quán đêm ấy đã cắn nát rọ sắt búng mình tuôn ra ngoài như lặn sâu vào đêm tối mịt mù sương phủ của núi rừng. Nhưng nỗi ám ảnh trong Nam vẫn không thể xóa nhòa được. Nó như một cơn stress kéo dài hằng ngày mang nhiều ảo ảnh vì chuyện rừng với một người  bước vào đời.

Và Nam chợt nhớ Sa, trong thư Sa bảo đang làm ở nông trường trên Gia Lai. Mùa này nơi ấy hoa cúc quỳ vàng rực trải dọc các sườn đồi đầy nắng cùng gió, có cả mây trôi bồng bềnh, chỉ duy nhất đang thiếu một người…

 Nguồn Văn nghệ số 22/2019                                                                                


Có thể bạn quan tâm