April 20, 2024, 1:58 am

Quán hủ tiếu đêm

 

1.

Buổi chiều, vào giờ tan tầm, quán Hủ Tiếu của cô Mai khách bắt đầu ra, vào tấp nập. Người đến, người đi, không khi nào vãn bớt. Cô Mai không ngớt tay, hết trụng hủ tiếu, sắp xếp khoanh giò heo vào tô, nêm thêm hành hẹ, bưng bê cho khách. Tiếng gọi của các khách hàng ngồi ăn hối thúc, hết người này kêu, đến người khác gọi, cô vẫn luôn tươi cười bằng thói quen hiếu khách cùng tấm lòng bao dung kiên nhẫn, để làm vừa lòng khách đến vui lòng khách đi. 

            Trời bắt đầu nhá nhem tối, dòng người tan sở, người lao động quần áo xốc xếch, học sinh, sinh viên tan học ghé quán huyên thuyên nói cười. Các con của cô cũng đi học, nhưng chưa về. Cô trông ngóng chúng về lắm, về để phụ mẹ.Vậy mà, không thấy bóng dáng đứa nào cả. Có thể, lại lân la với bạn bè đâu đó rồi. Ông chồng vừa nói đi tắm, đã hơn tiếng đồng hồ rồi, vẫn chưa chịu ra phụ. Khách đông, cô mừng lắm chứ, nhưng đổi lại là cả một quá trình lao động không mệt mỏi. Khi người đi ăn với tâm lý mong được phục vụ, Cô rất hiểu và chia sẻ cùng họ. Dù bận rộn cho mấy, cô vẫn cố giấu tiếng thở dài sâu trong lồng ngực đang căng thẳng, nhịp tim tăng nhanh, khi khối lượng công việc dày đặc. Cô gắng sức để phục vụ thực khách. Một đêm thu nhập sao cho đủ trang trải những chi tiêu cho gia đình, trả tiền thuê mặt bằng. Được như vậy, mới mong gánh nổi các khoản học phí, tiền sinh hoạt cho cả gia đình, họa may có chút đỉnh dư ra, tiết kiệm và dành dụm để mua miếng đất nho nhỏ ở ngoại thành xây dựng căn nhà mơ ước, sau bao năm lưu lạc đất Sài Gòn rộng lớn này.

           

2.

Thấm thoát, đã mười năm, kể từ ngày cô bắt đầu thuê vị trí này để mở quán hủ tiếu đêm. Tiền trả cho chủ nhà chắc cũng mua được cả căn nhà, nếu không tính lãi suất. Làm gì thì làm, cứ hễ mở mắt ra dọn hàng là phải trả cho chủ nhà tiền cứng ba trăm ngàn đồng, mặt bằng lên giá theo thời gian, song song với độ sốt của bất động sản, cho nên cô có dám nghỉ bán ngày nào đâu. Lấy công làm lời, cô chẳng dám mướn người phụ, cứ thế một mình cô cáng đáng hết mọi việc, từ sơ chế thực phẩm, rửa bát, quét dọn, phục vụ, tính toán lời lãi... Lúc các con còn học tiểu học, tụi nó còn thỉnh thoảng ra phụ, đứa dọn dẹp, đứa bưng bê. Giờ đứa nào cũng dậy thì rồi, nên cá tính cũng biến đổi theo, chúng đều có việc riêng cá nhân, với đủ những lý do chính đáng để chúng có cơ hội vắng nhà liên tục. Chỉ có việc xòe tay xin tiền đóng học phí, mua sắm quần áo, đồ dùng sách vở. Rồi mọi việc cũng đi dần vào thói quen vì tính chịu thương chịu khó cố hữu của người dân miền Trung lam lũ.

           

3.

Khi đêm đã về khuya. Cô Mai dọn dẹp bát đũa, lúc này đã qua thời khắc giới nghiêm rồi, hai đứa con đi ngủ hết cả, ông chồng cũng nằm say trên chiếc ghế bố dài, mặc kệ muỗi đang bay vo ve khắp thân mình. Thương chồng, cô bước tới chỉnh lại cái quạt máy, cho đám muỗi  giải tán. Đi làm về, còn phụ vợ bưng bê, nên giờ chắc cũng đã mệt. Ông chồng thương vợ lắm, có hôm thấy cô mệt mỏi, cánh tay bên phải, bị bại, không nhấc lên nổi, cứ đơ đơ ra thế nào, khuyên cô đi khám ngay, vậy mà cô cứ ráng, ráng bán cho hết hàng, vì đã lấy một số lượng hủ tiếu rất lớn, thực phẩm chế biến như giò, xương, thịt, bò viên, rất lớn. Nghỉ một ngày, mọi thứ dôi ra, ứ đọng lại, lại thêm phần bị mất khách hàng thì tiếc lắm, nên nỗi đam mê của người đàn bà khắc khổ, là ham tiền, với ước mơ có một cuộc đời đủ đầy cho con cái bằng chị bằng anh, bằng bạn kịp bè. Có thể, là cô đang rất thương tiền, sau mỗi đêm bán hết nồi nước lèo trên xe, cảnh đếm tiền thấy phát ham. Mê lắm, nên cô chẳng nghĩ tới việc đi đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe. Việc sổ mũi, nhức đầu, đau bụng, buồn nôn, khó thở,... Cô chỉ cần qua tiệm thuốc Tây sát bên, mua vài liều uống là khỏe, có lúc cô còn dặn, phải cho thuốc thật nặng đô thì uống mới mau hết. Con bé gái bán thuốc tre trẻ nghe lời cô, cắt cho cô liều nào liều nấy, nặng ơi là nặng, nhìn vào là biết toàn kháng sinh, kháng viêm, đi kèm vài viên thuốc bổ. Riết rồi thành quen, cô khỏe ù ù, bằng chứng là sống ở đất này hơn mười năm, có khi nào mà cô nghỉ bán đâu. Dù trời mưa, hay bão, ngày nghỉ hoặc ngày lễ, cô vẫn luôn tay luôn chân, việc nhiều lên gấp ba gấp tư, vì những ngày này lượng khách luôn đông đúc. Buôn bán hàng ăn mà vào những ngày này, ai ai cũng sẽ mê lắm. Nhìn một núi công việc của cô, chị em phụ nữ nào ghé quán cũng thấy sợ, nào chén bát, nào xe nước mía, máy vắt cam, nồi nước luộc hột vịt lộn. 

           

4.

Có hôm, tôi lười nấu cơm, nghĩ rằng mình cần phải cho mình thời gian nghỉ ngơi, lê la quán xá, cho thảnh thơi, cứ buộc mình phải tự nấu ăn, rửa chén bát, sau một ngày tất bật ở cơ quan thì cũng mệt lắm, những vất vả, tù túng khi trong căn bếp, đủ thứ việc không tên, khiến cho một người phụ nữ dễ cau có, khó chịu. Hôm nay, thấy khó ở trong người thì đi ăn tiệm. Tôi ghé quán cô Mai, vốn gần nhà, cách nấu của cô cũng hợp với người xứ Quảng như tôi. Người cùng xứ nẫu, nói ra vài câu là như đã hiểu tường tận lẫn nhau. Tôi lau muỗng đũa, trong khi ngồi đợi, quán đang đông khách. Cô Mai luôn tay bên chiếc xe hủ tiếu. Nhìn dáng người gầy guộc, da đen sạm, hai gò má nhô lên lộ rõ bộ xương mặt, hàm răng cũng xô nhau ra phía trước, tóc thì buộc cao lên có loe ngoe, nhìn cô không ra dáng đàn bà, ba vòng không còn chút "điện nước", chút hấp dẫn - một cây khô giữa trời hạn. Là người dưng thôi, nhìn thấy mà mủi lòng. Trong khi ông chồng của cô thì trái ngược, dáng người to cao, đỉnh đạt, giọng nói sang sảng, đập vào mắt đủ biết là kiểu người rất quý trọng sức khỏe cho bản thân. Khoảng trống quan sát ấy, khiến tôi trở nên nhiều chuyện, tôi đứng lên, lại gần xe hủ tiếu, chọn khoanh giò heo ngon nhất, tôi có cơ hội để hỏi:

- Cô, dạo này hình như cô ốm hơn nhiều phải không? 

- Ốm chứ sao, bán xong dọn dẹp là trời đã gần sáng. Ngủ được vài ba tiếng là người ta tới giao thịt, giao xương. Thế là lui cui cho tới khi dọn hàng ra bán. Bán thì đứng suốt, có thời gian để ăn đâu em.

- Sao cô không thuê mướn người phụ? Có người phụ cô sẽ đỡ hơn, làm gì thì làm cũng thương mình chút cô ơi.

- Đã từng mướn rồi em ơi. Gặp toàn người tham lam, không thiệt tình. Buôn bán có lời lóm bao nhiêu đâu, sơ hở một tí xíu thôi là họ lấy luôn tiền của khách trả. Mướn người chỉ mang theo nỗi lo rồi tốn kém thêm chi phí trả lương. Nên thôi, phải ráng.

- Ráng nổi không đó. Nhìn cô giờ còn xương bọc da. 

- Không nổi cũng phải nổi em ơi. Mong tụi con nó phụ, mà tụi nó dạo này bận học nhiều quá. Có phụ được gì đâu.

 - Chồng cô có phụ không?

- Có chứ, phụ nhưng la suốt. Hôm nay bắt cô nghỉ, cho ổng chở đi viện khám cái tay. Mấy hôm nay đau nhức, đưa lên đưa xuống như cực hình. 

- Sao cô không nghỉ một hôm mà đến viện coi sao. 

- Thực phẩm họ đã giao hết rồi, không nghỉ được em ơi. Ráng bán thêm dịp cuối tuần, rồi tính tiếp. 

- Lại hẹn với sức khỏe của chính mình.

- Có khi thấy đỡ, ổn rồi thì lại lo bán suốt, bán đắt nên không nỡ nghỉ. Ông chồng càm ràm hoài. Mà ổng đâu có biết, nghỉ một ngày uổng lắm. Con cái lớn hết rồi, cô muốn có căn nhà khang trang.

           

5.

Cô vừa nói, vừa bưng tô hủ tiếu ra cho tôi, bụng đang đói, thưởng thức từng sợi hủ tiếu vừa dai vừa mềm, quyện với mùi thơm của khoanh giò heo, giá hẹ, vị cay của chanh ớt, khiến người ta như quên hết mọi thứ xung quanh. Câu chuyện được dừng lại, công việc của cô Mai vẫn tiếp tục, rất nhiều khách đi đường ghé lại mua về, khách tới luân phiên, trong quán lúc nào cũng có người. Có lẽ, đây là niềm vui của tất cả những người buôn bán. Khách tới càng đông thì càng có tiền. Ông chồng tất bật, với việc cắt chanh, lau bát đũa, dọn bàn. Đi kèm công việc luôn tay, tôi nghe bên tai là tiếng ông bực dọc, hằn lên trán cái sự âu lo. Từng nhát cắt chanh được thả xuống trên tấm thớt gỗ, miệng ông lẩm bẩm một mình:

- Con với cái, chỉ biết ngửa tay xin tiền. Không biết phụ mẹ là gì.Biết vậy, khỏi đẻ cho rồi. 

            Cô Mai nhìn liếc ông. Ông nói tiếp:

- Con hư tại mẹ, lúc nào cũng thương con. Chỉ biết bảo con ăn với học. Giờ này, khách đông, công việc lu bu, không có một đứa nào ở nhà.

            Ông chồng mặt hầm hầm phục vụ khách, những người khách đang đói bụng, chẳng ai quan tâm tới. Họ ăn xong, gọi tính tiền, họ về, những người khách khác lại tới. Họ tiếp tục ăn, tiếp tục nghe và chứng kiến cảnh một đôi vợ chồng thương nhau, xót nhau, cố tình làm việc tạo dựng nơi an cư, nơi một thành phố đất lành chim đậu. Tôi lên xe về nhà, trên đường, những cảm xúc đan xen. Dòng xe qua lại, dửng dưng, chẳng ai quen ai, dù nhận ra đang là hàng xóm của nhau. Tôi là một công chức, tôi có ước mơ như cô bán hủ tiếu kia, tôi dành dụm tất cả đồng lương có được, mục tiêu mua nhà cả hơn chục năm trước. Bây giờ, sau chừng ấy thời gian, số tiền tôi tiết kiệm được, khi bỏ qua hết các sở thích cà phê cùng bạn bè. Giờ vẫn chưa được nhà. Cô Mai chắc chắn còn tệ hơn tôi, không hề biết đến quán xá, hay giải trí. Cuộc sống mở mắt ra chỉ việc kiếm tiền, càng thêm đồng nào quý đồng đó. 

           

6.

Tôi ít khi ra quán, buổi cơm tối, tôi thường vào bếp nấu cho mình, cho các con những món ngon. Tất bật với rất nhiều cuộc hẹn bạn bè vào dịp cuối năm. Chẳng còn thèm quá món hủ tiếu bình dân, lại thêm chỉ số cân nặng tăng lên. Bác sĩ cảnh báo, tôi phải tập thể dục, không được ăn khuya. Tôi dần tập được, từ bỏ được thói quen khi đói thì tìm ra quán hủ tiếu cô Mai làm một tô cho đã bụng. Cứ tưởng, bỏ một thói quen, một món ăn đi vào tiềm thức của mình sẽ dễ lắm, quên thì sẽ quên luôn. Nhưng không phải vậy. Mấy hôm nay, bão quần hết các tỉnh miền nam, bão sẽ tiến vào thành phố đông nhất nước. Các trung tâm dự báo khí tượng thủy văn khuyên người dân, không nên ra đường. Trời lạnh, khiến tôi nhớ đến tô hủ tiếu đang bốc khói đến kỳ lạ. Mặc áo mưa vào, tôi chạy xe ra quán hủ tiếu của cô Mai. Quán vẫn vậy, chỉ có thay đổi chút xíu về cách trình bày xương thịt trên xe hủ tiếu đêm, số điện thoại đã thay đổi, người đứng bán không phải là cô Mai. Người mang bát hủ tiếu ra cho tôi là cậu thanh niên khoảng vừa tầm mười tám tuổi. Nhưng không phải là con trai của cô Mai. Tôi hỏi cậu thanh niên:

- Cô Mai đâu rồi?

- Về quê rồi cô ơi. Nhập viện mấy tuần rồi bệnh viện trả về. Gia đình cô ấy sang lại xe hủ tiếu này cho mẹ của con. 

- Cô ấy bị bệnh gì vậy con? Mới hơn tháng trước cô còn ăn ở đây. Cô Mai vẫn khỏe mà. Còn nói chuyện với cô rất vui khỏe mà.

            Cậu thanh niên, chắc là thấy tôi bắt đầu hỏi nhiều, nên lơ đi, để kịp phục vụ cho khách đang vào. Không quên ra dấu hiệu như chừng mong tôi thông cảm cho.

           

7.

Tôi ăn hết ngon, khác hẳn với cách ăn uống khí thế của người có niềm vui ăn uống. Tôi thở dài.Tiếng thở dài nặng nhọc.Tiếng gió rít của ngày áp thấp nhiệt đới, sự ảnh hưởng của bão, đủ làm cho tôi phải giữ kín cổ áo của mình. Căn nhà mà cô Mai từng khao khát, con cái được học hành tới nơi tới chốn chưa, những dự định chắc chắn đã dừng lại. Nghe nói các tỉnh miền Trung đang khẩn trương đề phòng lũ quét, sau tâm bão vừa đi qua. Nơi tôi đang đứng, chỉ vài cơn mưa nho nhỏ, đi kèm với ít mây đen, đủ khiến cho trong tôi nỗi lo sợ không yên. Xe hủ tiếu vẫn đứng im, cảnh vật không thay đổi, giá thành thuê mặt bằng đã đứng lại, nghe nói chủ nhà không lên giá với mẹ con cậu thanh niên, vì quán bán chậm hơn. Chỉ có một sự thay đổi, dáng người nho nhỏ, thanh thanh, còm cõi của cô Mai chăm chỉ nhặt từng cọng rau, nêm nồi nước dùng, sắp xếp tô chén, quét dọn giữa đêm khuya không còn nữa. Mẹ con người chủ mới chỉ bán được đến ngày thứ 10. Rồi cũng chuyển giao mặt bằng cho người khác… Ngoài kia xã hội đang ngày một phát triển với tốc độ chóng mặt…

Nguồn Văn nghệ số 34/2019


Có thể bạn quan tâm