April 17, 2024, 2:38 am

Preah Vihear, những năm tháng ấy…

Năm 2021, tôi tham gia Ban Giám khảo Cuộc thi “Chinh chiến miền xa” dành cho những người lính tình nguyện Việt Nam đã sống và chiến đấu ở chiến trường K.

Đọc và chấm chọn các bài viết do Ban Tổ chức cuộc thi gửi đến, tôi thấy bài viết về trận đánh Cứ điểm 547 của tác giả Phạm Thanh Chung là hay nhất, xuất sắc nhất. Các thành viên trong Ban Giám khảo Cuộc thi cũng có chung nhận xét như tôi. Bởi bài viết của tác giả phản ánh trận đánh cam go gian khó một cách sinh động, chân thực đến mức trần trụi. Kết cuộc, Phạm Thanh Chung đoạt giải cao nhất cuộc thi “Chinh chiến miền xa”.

Qua mạng xã hội facebook, sau đó Phạm Thanh Chung và tôi quen nhau. Anh cho biết quê anh ở Phú Yên nhưng hiện gia đình sinh sống tại Gia Lai. Anh đi bộ đội năm 1982, sống và chiến đấu ở Preah Vihear đến năm 1987 mới xuất ngũ. Tôi động viên anh tiếp tục viết về người lính Sư đoàn 307 trấn giữ nơi cửa ngõ Preah Vihear. Anh bảo: “Nhiều người, nhất là bạn bè lính một thời ở chiến trường K. cũng khuyến khích tôi tiếp tục viết những câu chuyện về người lính tình nguyện Việt Nam sống và chiến đấu ở bên ngoài Tổ quốc trong những năm tháng ấy. Tôi không biết sử dụng máy tính nên viết rất khó khăn. Để tôi cố gắng!”. Bẵng đi một thời gian, một hôm anh gọi điện thoại cho tôi, báo tin có người bạn đã giúp anh hoàn thành bản thảo tập Ký ức người lính Preah Vihear. Anh nhờ tôi đọc giùm bản thảo xem thế nào? Tôi nhận lời ngay. Mấy hôm sau tôi có trong tay tập bản thảo Ký ức người lính Preah Vihear được gửi chuyển phát nhanh. Tôi đọc liền một mạch là xong. Vì anh kể chuyện lính hấp dẫn. Vì chuyện lính do chính người lính kể lại trên giấy trắng mực đen theo kiểu “có chi nói nấy”, không “thêm mắm dặm muối” nên có sức hút với người đọc.

Rất khó nhọc và kỳ công, Phạm Thanh Chung mới hoàn thành bản thảo cuốn Ký ức người lính Preah Vihear và được Nxb Đà Nẵng xuất bản vào tháng 11/2022. Tác giả viết 42 bài viết trong tập sách trên điện thoại thông minh. Điều khiến tôi vô cùng ngạc nhiên là tác giả không biết sử dụng công năng của bàn phím trên máy tính, vì vậy không biết gõ thế nào để ra những chữ có dấu như “đồng đội”, “xuất kích”… nên phải dùng bút viết ở phần tra cứu để nó hiện ra và chấm vào đó cho nó tự động hiển thị trên văn bản. Phạm Thanh Chung cũng không biết “lưu” để nên phải viết liền một mạch một buổi hay một ngày cho đến khi xong mới post thẳng lên facebook. Tôi bảo: “Anh viết cực nhọc quá, không nản à?”. Anh cười: “Tôi bị bệnh K.dạ dày, trong những ngày nằm xạ trị ở Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh, thể xác đau đớn quá, tôi viết cho quên đi sự hành hạ của bệnh tật. Nhờ lọ mọ gõ như thế mà tôi thấy mình không phải là “tỷ phú thời gian”. Tôi viết và đăng facebook để đồng đội đọc và nhớ lại một thời nên sai chính tả tùm lum. Khi đọc lại, biết nó sai nhưng tôi không biết cách chỉnh sửa…”. Dù viết trực tiếp trên điện thoại thông minh và không chỉnh sửa nhưng những bài viết của anh, câu kéo rất chuẩn, ý tứ diễn đạt gọn gàng, mạch lạc không chê vào đâu được.

Cuốn Ký ức người lính Preah Vihear gồm hai phần. Phần I: Những lát cắt chiến tranh với ba mươi bốn câu chuyện của một thời hoa lửa, có thắng lợi huy hoàng và cũng có bại trận với hy sinh mất mát khiến người trong cuộc ám ảnh khôn nguôi. Phần II: Vĩ thanh 40 năm sau cuộc chiến với tám câu chuyện về những cựu chiến binh Sư đoàn 307 thăm lại chiến trường xưa, bồi hồi nhớ lại một thời tuổi trẻ cùng chung chiến hào với bao kỷ niệm khó quên, bồi hồi nhớ lại những mối tình Việt - Miên của bạn bè lính. Preah Vihear là nơi có dãy Đăng Rếch xuất phát từ khu vực ngã ba biên giới Campuchia - Lào - Thái Lan tới Siêm Riệp dài hơn trăm cây số, rộng hơn ba chục cây số. Dãy Đăng Rếch là bức trường thành biên giới của hai nước Campuchia - Thái Lan. Sau ngày 07.01.1979, từ bên kia biên giới, Pôn Pốt củng cố lại lực lượng, củng cố lại các sư đoàn chủ lực để quay về nội địa quấy phá, đánh nhau với quân tình nguyện Việt Nam. Sư đoàn 307 đứng chân ở Preah Vihear, một trong những cửa ngõ qua lại giữa Thái Lan - Campuchia, vì thế việc đụng độ với Pôn Pốt xảy ra như cơm bữa. Khi mùa khô đến, hai bên đánh nhau liên miên, nhỏ lẻ có, quy mô cấp trung đoàn, sư đoàn cũng có. Hy sinh mất mát là điều không thể tránh khỏi. Như trận đánh Cứ điểm 547 ngày 03.4.1983 đã trở thành “ngày giỗ trận” của Trung đoàn 95, bởi đó là trận chiến bi hùng, đau thương mất mát quá lớn!

Vốn là “lính trơn” được tôi luyện thử thách trong chiến đấu, Phạm Thanh Chung trở thành sĩ quan chỉ huy cấp đại đội của Trung đoàn 95, Sư đoàn 307. Đơn vị anh đã tham gia các trận đánh đã đi vào sử sách như trận đánh Núi Cụt, Núi Hồng, Cao điểm 400. Đặc biệt, đơn vị anh đã ba lần tham gia trận đánh Cụm cứ điểm 547, nơi có hai sư đoàn bộ binh và hai tiểu đoàn hỏa lực cơ động của Pôn Pốt đóng giữ. Hai lần trước thất bại vì nhiều nguyên do khác nhau. Đến lần thứ ba, đơn vị anh và các đơn vị khác như E29, E94, Trung đoàn 687 (Sư đoàn 307), E143 (Sư đoàn 315), E2 (Sư đoàn 2), Trung đoàn pháo tầm xa, Trung đoàn pháo cao xạ, v.v.v… thuộc Mặt trận 579 đã bao vây đánh lấn cả ngày lẫn đêm Cứ điểm 547. Địch chống trả quyết liệt nhưng cuối cùng quân ta cũng đã xóa sổ sào huyệt của Pôn Pốt, làm thay đổi cục diện chiến trường ở vùng đông bắc Campuchia. Trong “Lời thưa”, anh tâm sự: “…là một người lính đã tham gia cuộc chiến tranh này, tôi hồi tưởng và viết lại những gì tôi và đồng đội Sư đoàn 307 đã trải qua trong những năm tháng đó. Tôi mong muốn qua những trang hồi ký của mình, có thể chia sẻ được những điều mà bốn mươi năm qua tôi mang nặng trong lòng”.

Với người lính chiến trường K., tình đồng đội là tất cả. Trận đánh Cứ điểm 547 ngày 3/4/1983, do không có nước uống lính E95 chết khát nằm rải khắp rừng thưa. Năm đồng đội người Quảng Nam chỉ còn chút nước hiếm hoi, họ quyết định nhường hết cho một đồng đội để “may ra còn sống sót”. Khi người được “nhường nước” vừa lê lết khuất dạng, bốn đồng đội còn lại chia nhau một quả lựu đạn tròn, tiễn họ về thế giới bên kia là một tiếng nổ vang lên khô khốc! Một câu chuyện khác: Đông - một chiến sĩ C16, E95 trong lúc hành quân tiềm nhập căn cứ địch, anh giẫm mìn bị thương, đồng đội đi bên cạnh hy sinh. Do tình thế bất khả kháng, không thể đưa Đông và tử sĩ về tuyến sau, đơn vị đành để anh và đồng đội hy sinh bên đường với súng đạn, gạo sấy và nước uống rồi tiếp tục hành quân. 14 ngày sau, “giải quyết” xong chiến dịch, đơn vị quay lại kiếm tìm, Đông vẫn còn sống. Anh được đưa về trạm phẫu chữa trị lành bệnh. Trong quãng thời gian nằm giữa rừng già ấy, Đông vừa chống chọi với vết thương hoại tử, với ruồi muỗi vo ve suốt ngày đêm, vừa bảo vệ xác đồng đội ở bên cạnh đang phân hủy mạnh khỏi bị thú rừng rình rập tha đi. Chỉ với hai trường hợp điển hình trong bài “Tình đồng đội và kỷ vật liệt sĩ”, người đọc sẽ thấy tình đồng đội của người lính chiến trường K. thiêng liêng và cao cả nhường nào!

Sống và chiến đấu ở chiến trường K. trong những năm tháng ấy, bây giờ ở tuổi trên dưới sáu mươi nhưng những người lính Sư đoàn 307 vẫn không thể nguôi quên. Và họ cầm bút viết lại, kể lại một thời khó khăn, gian khổ, hy sinh ở Preah Vihear. Đoàn Tuấn với Mùa chinh chiến ấy, Mùa linh cảm, Lời nguyện cầu cho những linh hồn phiêu dạt. Nguyễn Tuấn với Cỏ cháy vùng biên. Trần Ngọc Phương với Mưa trên đồng À-na-cút. Và Phạm Thanh Chung với Ký ức người lính Preah Vihear. Cùng viết về một đề tài cuộc chiến tranh ở bên ngoài Tổ quốc nhưng mỗi người một vẻ, mỗi cuốn sách có một sức hấp dẫn riêng, khiến người đọc mở sách ra là bị cuốn hút ngay, phải đọc đến trang cuối cùng vì không thể dừng lại nửa chừng được. Điểm chung nhất ở họ và sách của họ là kể lại những gì họ và đồng đội đã trải qua một cách chân thực, sinh động, không tô vẽ màu mè. Chính vì thế, nó có sức luôn hấp dẫn người đọc…

Nguyễn Tam Mỹ

Nguồn Văn nghệ số 49/2022


Có thể bạn quan tâm