April 24, 2024, 12:52 am

Pleiku chiều như vừa bong vỏ

Mỗi lần nhớ đến thành phố Pleiku là tôi lại vấp câu thơ “Em đi qua đường biến anh thành ngã tư/ Ngã tư chảy như dòng sông tháng Chạp” của nhà thơ Văn Công Hùng. Đến nay thơ anh vẫn thế luôn bất ngờ: “Thu hiện hữu vớt chiều trinh bạch/ Ngoài phố mùa đông-nắng tưởng đương tàn”. Mới đây gặp nhau tại Pleiku anh đánh xe tới gọi tôi lên đường. Hỏi đi hướng nào? Anh nói: “Cứ đi, cứ đi tới đâu thì tới”. Vậy đó!

Mưa hiền như nước mắt

Nhà thơ Văn Công Hùng

Văn Công Hùng nhanh như sóc, trực tính và tốt bụng. Tôi lên xe và chẳng hỏi han gì thêm. Kệ cứ đi cái đã. Con xe ghẻ (chữ của VCH) phóng nhanh trên đường nhựa phẳng lì. Bỗng xe bất ngờ dừng lại vì có tiếng điện thoại reo. Chắc phải có chuyện gì cần lắm. Nhà thơ nói oang oang với ai đó về việc cần phải chuyển sáu tạ gạo xuống trại trẻ mồ côi như đã hẹn. Trong câu chuyện tôi bỗng thấy anh rơm rớm nước mắt khi nhắc tới những đứa trẻ JRai đang thiếu ăn thiếu mặc ở Chư Sê, một huyện miền núi xa xôi. Thì ra anh đang đưa tôi lên đó để tặng sách của một cộng tác viên nhờ anh chuyển tới. Lúc này anh mới thấm nước mắt nói chuyện về nơi chúng tôi sẽ đến. Đó là một trại trẻ mồ côi có tới 128 em đang được một người cha chăm sóc nuôi dạy và cho ăn học. Nhà thơ Văn Công Hùng là một đầu mối làm từ thiện cho trại trẻ này đã dăm năm nay. Anh còn là một trong những người đỡ đầu làm từ thiện cho một trại gồm hàng chục người điên nữa. Mỗi lần kể về một trường hợp xót xa của một đứa trẻ anh lại ứa nước mắt. Tôi thực sự bất ngờ bởi anh trở nên khác lạ với dăm năm trước qua những câu thơ: “Chiếc lá xanh giãy lên cơn cuối cùng bứt cuống/ Lảo đảo một chân trời bầm úa/ Những ngọn núi nhọn hoắt/ Những mũi chông rách chiều” (Hướng-2021).

Thì ra đã có một Văn Công Hùng như thế, lãng tử và mau nước mắt. Mươi năm nay anh tìm đến người khốn khó để tìm cách chia sẻ. Trang Web và Facebook của anh luôn có sự đồng hành và cộng sự của nhiều người trong những chuyến đi này. Mỗi người góp một ít và chia sẻ tình yêu thương với những số phận khốn khó. Thơ anh những năm gần đây đã gắn kết với cộng đồng nhiều hơn, thể hiện tính công dân sâu sắc. Đó là trách nhiệm và lương tâm của nhà thơ trước thời cuộc và thân phận ẩn khuất con người. Thơ anh đã cất tiếng khóc cho núi rừng: “Những vết dao chém những cánh rừng khô/ Những đôi mắt buồn những ngày u lặng/ Con sói tru đêm con nai lẻ bạn/ Vệt khói vờn đỉnh Konkakinh” (Ngơ ngác Tây Nguyên-2019). Chìm ngập cảm xúc trong mùa dịch bệnh nhà thơ cũng không ngừng cơn đau tim và lau nước mắt trước may rủi đời người. Anh xúc động viết: “Có lời ru thắt ruột/ Ngấn nhựa tần ngần trên cây/ Mặt đường muối xát/ Ai đặt chân ai đặt lối mòn” (Hướng-2021). Hoặc có những câu thơ thật nao lòng khi ngày tết đến: “Hai tám Tết khẩu trang kín mặt/…Hai tám Tết những con gà sặc nước/ Bánh chưng tần ngần xanh như mây bay” (Hai tám Tết).

Năm tháng vận hành và đổi thay từng ngày trong thế sự nhân gian. Nước mắt nhà thơ vẫn luôn sẻ chia với những nỗi niềm ẩn giấu trong mỗi thân phận đời người. Hành trình trải nghiệm sống của nhà thơ Văn Công Hùng luôn có sự âm vang trong nhịp đập trái tim thổn thức và day dứt. Trong tập thơ thứ 13 với cái tên ngắn gọn Chợt của anh đã nhập đồng với cảm xúc muôn nẻo truân chuyên. Thơ anh luôn gây ấn tượng ở những trạng huống bi kịch đang xẩy ra. Nhà thơ đứng trước cơn lũ cùng tiếng hú gọi và nước mắt trong vô vọng: “Hú! Còn ai không/ Có còn ai không?/ Chả ai thưa/ Chỉ còn nước mắt/ Cả một quả đồi san phẳng” (Vụn hơn nước mắt). Khi tới miền Trung nước mắt thi nhân lại tuôn trào: “Những ngày này buồn không thể tả/ Bão đến bão đi lũ lụt chờn vờn/ Những thân xác rữa trong dòng nước lạnh/ Những gói mì tôm ngơ ngác nấm mồ” (Những-2020) 

Chiều lơ mơ một côi cút tràn về

Tập thơ mới Chợt (NXB Văn Học-2022) của Văn Công Hùng đã cho người đọc thấy được thêm góc cạnh khác về thẩm mỹ thi ca của anh. Chợt có cái lạ về cấu trúc những mảng chủ đề trong tập sách. Ngay cả những bài thơ cũng vậy thể hiện sự tinh gọn và ấn tượng thú vị. Thơ anh luôn tạo dựng thi ảnh độc đáo và ám ảnh cùng những thanh âm bất ngờ. Trong mỗi bài Văn Công Hùng đều có những tìm tòi và để lại ký hiệu khác lạ. Tuy tập thơ “Chợt” mở rộng triền cảm xúc khá phong phú nhất là trong những chuyến đi xa. Tới nơi nào anh cũng có sự trải nghiệm và bày tỏ nỗi lòng. Đôi lúc thâm sâu, ẩn ức những luôn để lại những câu thơ đáng nhớ. Với Trường Sa nhà thơ đã viết: “Tháng Ba nâu non tháng Ba bạc tóc/ Nỗi nhớ dại đi dáng mẹ mỗi chiều/ Dẫu vẫn hoa xoan, dẫu còn hoa phượng/ Nỗi đau rúc vào tia nắng để dịu đi” (Tháng Ba Gạc Ma-2021). Hoặc ở đâu đó anh luôn viết trong tâm trạng dạt dào, hình ảnh và con chữ cũng tuôn chảy gợi cảm: “Ở Bến Tre bạn bè như kẹo/ Vừa ngọt vừa dai vừa hương tỏa nồng nàn” (Ám ảnh Phú Lễ). Hay như khá bất ngờ: “Miền Tây mây đa đoan câu thề bỏ dở/ Chín cửa sông như chín khúc khóc cười” (Về miền Tây).

Nhưng cho dù cảm xúc lãng du của nhà thơ theo con xe “Lăn mê ly” tới đâu thì thơ anh vẫn tụ về với Gia Lai. Thơ về quê hương thứ hai của anh vẫn đằm thắm và tài hoa hơn cả. Vậy là nhà thơ rời quê Thanh Hóa lên với Pleiku đã hơn 40 năm. Dòng máu của anh đã khảm khắc đỏ quạnh màu sắc Bazan. Thơ anh luôn trăn trở với rừng núi Tây Nguyên. Ở đây anh có những ký ức sâu nặng và nỗi ám ảnh dâng trào trong những đêm hội cồng chiêng của người Jrai. Đặc biệt ngoài gia đình vợ con, nhà thơ Văn Công Hùng có tình bạn, tình thơ sâu sắc ở Pleiku. Câu chuyện ba nhà thơ, trong đó có anh đi hoạn lợn lúc khốn khó ở Pleiku như một huyền thoại trên mảnh đất Tây Nguyên. Đến nay cả ba đều là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà thơ Văn Công Hùng có thuở còn đi giữ xe đạp đêm lấy tiền để dành cưới vợ. Ấy là chưa kể nghiệp làm báo của anh cũng gắn bó trọn đời với Tây Nguyên. Anh khoe làm nhà, mua xe chủ yếu là nhờ tiền nhuận bút viết báo. Chính vì thế Pleiku là cái nôi hạnh phúc và làm nên hành trình thi ca trong 41 năm qua của Văn Công Hùng.

 Trong tập thơ Chợt của anh cũng có nhiều nét sáng tạo mới cho Tây Nguyên. Qua những hành trình các chủ đề TƯỞNG - MÙA - TÌNH - SỰ - ĐỊA - THỜI - KHẮC cảm xúc về Tây Nguyên luôn luôn xuất hiện và được bạn đọc chú ý. Nào Ngơ ngác Tây Nguyên, hay Chợt tôi, hoặc Tháng Chín Pleiku; Hay như Chiếc nơ hồng treo giữa lặng im cùng Ngày lạnhMột buổi chiều tháng Bảy… Cho dù “đi tới đâu thì tới” những cuối cùng thơ Văn Công Hùng vẫn đóng triện ở những câu thơ hay về Tây Nguyên. Người đọc ắt sẽ bất ngờ với Phố tôi của anh với những câu thơ ấn tượng: “Phố đứt một tiếng kèn/ Người thổi vừa bị tai nạn gãy răng/ Buổi chiều thành ly cà phê thừa nước/ Không thể nhạt hơn” (Pleiku-2021). Chưa hết, anh còn viết khi liên tưởng hình bóng nàng thơ với hàng cây xanh còn sót lại trên phố: “Em cũng là một bóng xanh như thế/ Khô khát nào cũng hóa tơ non/ May còn em những trưa cạn phố/ Bùng binh vểnh lên rưng rức tiếng như cười”. Và ký ức với Pleiku còn mãi ám ảnh trong anh không giờ phai nhòa: “Pleiku chợt tôi vừa ngơ ngác/ Trận sốt rét run người như vừa mới hôm qua/ Chiều sương lạnh cái nhìn giễu nhại/ Em vội vàng cất một góc mùa đông” (Chợt tôi-2019).

Vẫn còn chiếc lá xanh vẫy mãi

Chúng tôi mới chia tay nhau cuối tháng Bảy vậy mà Văn Công Hùng lại tiếp tục những chuyến đi tràn ngập vào tháng Tám. Đó là cuộc du ký mùa thu trong thơ anh. Không gian thu luôn là sự bùng nổ trong con tim nhạy cảm với những câu thơ đậm dấu ấn Văn Công Hùng. Với tình yêu Pleiku trong anh luôn hình dung: “Pleiku chiều như vừa bong vỏ/ Tươi phập phồng những dấu cũ thân quen” (Chợt tôi). Những con đường thu bao giờ cũng để lại nỗi buồn man mác và dịu dàng: “Kia những sợi thu/ Vắt ngang góc phố/ Có một bông gió/ Dìu dòng sông đi” (Thôi thì họa mi).

Phía trước là những con đường mới dẫn anh tới những niềm an ủi cũ đã ngủ quên theo thời gian. Nhà thơ mong được chia sẻ với những phận đời mỏng manh trong gió núi mưa ngàn. Và cho dù chỉ là một “Chiều bâng quơ” anh cũng hình dung từ phía xa có ai đang chờ đợi: “Mưa hiền như nước mắt/ Ngày trôi không tận bờ/ Có người ngồi như tượng/ Trong một chiều bâng quơ”. Mỗi chuyến đi trên con đường vạn lý nhà thơ luôn hy vọng tìm được đồng xu gieo hạnh phúc cho người. Chính vì thế tôi đã mê muội với những câu thơ nhân ái của anh: “Tôi mang một ngọn lửa thiền/ Thắp trong miền gió những huyền cơ đau” (Thiền cuối năm).

Nguồn Văn nghệ số 38/2022


Có thể bạn quan tâm