April 25, 2024, 1:14 pm

Phương pháp đọc phân vai trong tác phẩm văn học

Để tìm hiểu, cảm nhận tác phẩm văn học một cách đầy đủ, sâu sắc thì trong mỗi giờ học, giáo viên và học sinh cần phải “đánh thức” tác phẩm bằng những phương pháp như: đàm thoại, thuyết trình, bình giảng, nêu vấn đề… Hoạt động đầu tiên, có vai trò hết sức quan trọng trong việc tái hiện tác phẩm là đọc văn bản, trong đó có phương pháp đọc phân vai. Với một số tác phẩm thì phương pháp này trở lên hết sức đắc dụng trong thực tế dạy học.

Xét về mặt loại thể, các tác phẩm văn học đ­ư­ợc chia thành 3 loại: tác phẩm tự sự, tác phẩm trữ tình và tác phẩm kịch. Thật ra, không có sự rạch ròi giữa 3 loại hình trên bởi giữa chúng vẫn có những vùng giao thoa, nhiều tác phẩm tự sự rất giàu tính kịch. Những tác phẩm tự sự loại này và các tác phẩm kịch giống nhau ở chỗ chúng đều có cốt truyện, nhiều nhân vật với những lời thoại, hoạt động, cử chỉ diễn ra nhanh, liên tục, bất ngờ. Và phương pháp đọc phân vai có thể vận dụng trong hoạt động đọc ở các tác phẩm này như: Ông lão đánh cá và con cá vàng, Thầy bói xem voi (Ngữ văn 6), Nỗi oan hại chồng (Ngữ văn 7), Tức nước vỡ bờ, Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục (Ngữ văn 8), Bắc Sơn, Tôi và chúng ta (Ngữ văn 9)…

Mặc dù phương pháp đọc phân vai tương đối khó và phức tạp song nếu được chuẩn bị chu đáo và thực hiện nghiêm túc thì phương pháp này sẽ đem lại hiệu quả rất to lớn. Điều dễ nhận thấy đầu tiên đó là tạo được sự hứng thú cho học sinh – một trong những yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự thành công của mỗi giờ dạy. Phương pháp này phù hợp với tâm lí của các em là muốn được thể hiện, bộc lộ khả năng bản thân mình. Mặt khác, phương pháp đọc phân vai còn rèn cho học sinh tính mạnh dạn trước đông người và tự tin hơn trong giao tiếp cũng như rèn luyện kĩ năng diễn đạt bằng lời một cách lưu loát, có ngữ điệu, truyền cảm. Và ưu điểm quan trọng nhất của phương pháp này là tái hiện tác phẩm một cách cụ thể, sinh động; bởi vì khi đọc phân vai  thì giọng điệu truyền cảm, cử chỉ, điệu bộ, trang phục phù hợp sẽ làm cho nhân vật và sự việc hiện ra rõ nét hơn. Kết hợp với trí tưởng tượng, các yếu tố trên sẽ giúp học sinh tiếp cận tác phẩm nhanh chóng, thuận lợi và như vậy việc tìm hiểu nội dung, nghệ thuật của tác phẩm sẽ đầy đủ, sâu sắc hơn.

Tuy nhiên để tránh rơi vào tình trạng phản cảm, phản tác dụng thì khi vận dụng phương pháp đọc phân vai, đòi hỏi giáo viên và học sinh phải có sự chuẩn bị chu đáo. Trong chương trình Ngữ văn trung học cơ sở, hoạt động đọc văn bản thường không quá 20 phút nhưng thời gian chuẩn bị của thầy – trò cần gấp nhiều lần hơn thế. Hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc rất nhiều vào công việc lựa chọn, tổ chức của giáo viên và sự tập luyện của học sinh.

Cụ thể, sau khi đã nghiên cứu kĩ văn bản và soạn giáo án, giáo viên cần chọn những học sinh có chất giọng truyền cảm, phù hợp với từng nhân vật để đọc lời dẫn chuyện và đọc phân vai. (Mỗi nhân vật đều có những đặc điểm, tính cách khác nhau, vì vậy không nên lúc nào cũng giao nhiệm vụ này cố định cho một vài học sinh). Sau đó cần hướng dẫn cho từng học sinh cách đọc sao cho phù hợp với nhân vật mà mình nhập vai. Ngoài ra, giáo viên cũng cần chuẩn bị các yếu tố phụ hoạ khác về trang phục, đồ dùng… trong điều kiện cho phép.

Yếu tố quyết định đến sự thành công của phương pháp này chính là khả năng nhập vai của học sinh đến đâu! Ngoài chất giọng vốn có, học sinh phải tìm hiểu kĩ về nhân vật mà mình sẽ nhập vai (và cả những nhân vật khác). Sau đó dành thời gian tập luyện để đảm bảo đọc trôi chảy, chính xác, diễn cảm thể hiện một cách tốt nhất tính cách cũng như những trạng thái tâm lí của nhân vật. Ở hoạt động này, không đòi hỏi học sinh phải như những diễn viên thực thụ nhưng người nhập vai phải có sự hoá thân vào nhân vật ở một mức độ nào đó. Đặc biệt, phải chú ý đến giọng điệu sao cho phù hợp với nhân vật. Đó là giọng trầm buồn thể hiện sự mệt mỏi, yếu đuối của ông lão đánh cá, giọng cao và đanh thể hiện sự chua ngoa, đanh đá của mụ vợ (trong Ông lão đánh cá và con cá vàng), giọng nhanh, mỉa mai, diễu cợt thể hiện sự hấp tấp, hiếu thắng và thiếu hiểu biết của các thầy bói (trong Thầy bói xem voi), giọng ngây ngô, hồn nhiên thể hiện sự đắc ý mà khờ khạo của ông Giuốc-đanh (trong Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục). Những học sinh (được phân vai) cần bố trí thời gian cùng đọc thử với nhau để thuần thục và chỉnh sửa (nếu cần thiết).

Vào giờ học, trước khi tiến hành đọc, giáo viên cần nhắc lại những yêu cầu của phương pháp đọc phân vai đối với văn bản sắp học để học sinh chú ý thực hiện, đảm bảo những yêu cầu đó. Mỗi học sinh cần phải đọc kịp thời, đúng vai và phối hợp ăn ý, nhịp nhàng. Sau đó, giáo viên cần cho học sinh nhận xét về giọng điệu, mức độ tái hiện tác phẩm… trong hoạt động này để sửa chữa, bổ sung ở các bài học sau.

Nguồn Văn nghệ số 30/2020


Có thể bạn quan tâm