April 24, 2024, 5:03 am

Phước Yên trong tiếng rau xanh

Những ngôi sao hôm đã nhạt dần. Bốn bề tịch lặng, trũng sương. Sông Bồ ngoài kia như đang chìm trong giấc thở rất sâu, chốc chốc lại quẫy một hơi gió lạnh.

Ánh sáng yếu ớt từ những ngọn đèn pin nhấp nhóa lên nền trời đen đặc nửa đêm về sáng. Những người nông dân ra ruộng sớm, ánh đèn pin nhấp nhóa trên đầu mỗi khi họ dịch đến một khoảnh rau mới hoặc khi nghỉ tay liềm thở lấy sức. Giữa bao la đồng ruộng đẫm sương, hàng chục tay liềm cắt từng nạm rau má nghe rạt…rạt…, đồng loạt, như tiếng tằm ăn dâu. Cọng rau má qua mấy ngày tưới nước đã chát mọng, no căng, gặp lưỡi liềm sắc ngọt vang lên thành tiếng, nghe chát qua cổ họng. Tiếng rau xanh… Tôi thích vừa nghe tiếng rau xanh vừa đẫm mình trên cánh đồng rau má làng Phước Yên vào thời khắc sớm tinh mơ này. Thời khắc Phước Yên yên tịnh nhất. Xa xa đằng nền trời thẫm, vòm cây gối cổ thụ trùm bóng lên ngôi miếu cổ như hình con cóc khổng lồ chồm ra sông. Nghe nói chúa Sãi trước thờ ở đây, từ khi được cung thỉnh vào Thái Miếu, ngôi miếu thiêng này để dành thờ Chiêu Vũ hầu - danh tướng Nguyễn Hữu Dật. Đôi câu đối đề nơi cửa miếu“Ngân điện sơn hà triều hữu phước /Trần thanh ma giới giã vô yên” (Tạm dịch: Ngôi điện cao vời non sông thu nhiều phước/ Chốn trần gian ma quái chẳng thể được yên)1. Rồi xa xa nữa, mấp mô những cồn kho, mô súng, mộ voi…, những mất còn những ảo diệu “linh phủ tráng thanh thiên” thuở nào… giờ rau má tràn lên. Tiếng rau xanh rạt rào áp vào đất đai kể chuyện…

Theo sử liệu, làng Phước Yên (nay thuộc xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) được thành lập khoảng đầu đời Mạc, từ 1527-1546, trước thời điểm chúa Nguyễn Hoàng vào Nam năm 1558. Văn sớ khai canh tại đình làng có ghi một vị nhân thần “Giới Phiên vệ Đồng Tổng tri Nguyễn quý công tôn thần”. “Tại làng còn bảo tồn lăng mộ ngài, “nhưng xưa nay không ai nhận ngài thuộc họ Nguyễn nào hiện còn trong làng, vì không gia phả nào ghi chép cả”. Tuy nhiên theo thực tế thờ cúng ở đây, có thể thấy rằng ngài chính là vị khai canh làng Phước Yên, tuy không thể biết quê quán và hậu duệ về sau của ngài”2. Về sau, Phước Yên trở thành “chánh dinh” xứ Đàng Trong trong mười năm (1626-1636), cũng là mười năm cuối đời của chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1563-1635). Mặc dù chỉ là bước dừng chân bên sông Bồ trước khi vào Kim Long- sông Hương, nhưng cuộc sử mười năm Phước Yên đã kịp ghi dấu những sự kiện bi tráng đã làm nên diện mạo nước Đại Việt và định ân vị chúa Nguyễn trong hành trình trấn giữ và mở mang bờ cõi…

Tôi ngồi bên đám ruộng rau má. Nghe tiếng rau xanh dễ chừng cả trăm năm rào rạt, ngỡ như lộc Chúa còn xanh trên đất này, ngỡ như chữ “Phúc” Chúa Sãi hằng trao lại cho muôn dân vẫn còn hơi ấm. Truyền thuyết kể rằng lúc mang thai, bà vợ chúa Tiên chiêm bao thấy có vị thần đưa cho một tờ giấy trên có đề chữ “Phúc”. Nghe thuật chuyện, mọi người chúc mừng bà và đề nghị khi đứa bé ra đời thì đặt tên là “Phúc”. Nhưng bà nói, nếu chỉ đặt tên Phúc cho đứa bé thì chỉ một mình nó hưởng; còn nếu lấy chữ này làm chữ lót thì càng nhiều người trong dòng họ được hưởng phúc. Nên khi chào đời đứa bé được đặt tên là Nguyễn Phúc Nguyên. Phải chăng vương mẫu Minh Đức Thái phi đã nhìn thấy trước người kế nghiệp ngôi chúa, “Con ta thực là anh kiệt”, như chính lời ngợi khen của chúa Tiên Nguyễn Hoàng sau này dành cho đứa con thứ sáu được chọn làm thế tử.

Tôi ngồi bên đám ruộng rau má, ngay giữa lòng dinh phủ xưa.  Ánh ngày đã rạng cùng với muôn tiếng chim đua hót rộn rã khắp nơi. Đám chèo bẻo, chào mào, khướu, sâu, sẻ… làm loạn cả một góc nương, lại còn lảnh lói “Bắt cô trói cột”… nay chỉ còn được nghe ở chốn đồng quê. Tính ra cây rau má bén duyên với đất Phước Yên này cũng đã hơn hai mươi năm. Tôi nhớ hồi đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi theo ba mẹ qua Phước Yên chạp mộ, đời sống người dân ở đây vẫn còn nghèo lắm. Mà đâu chỉ Phước Yên, đâu cũng thế cả, những năm tháng đói kém sau chiến tranh, dài lê thê. Những mái nhà tranh vách đất, những con đường liên thôn nắng bụi mưa lầy ngoằn nghoèo bên những nương vườn xác xơ, khung cảnh buồn hiu hắt. Dân trong làng kẻ trước người sau vào Đà Lạt kiếm sống. Dòng sông Bồ trôi xuôi, soi bóng làng dã dượi. Người nông dân cặm cụi bên những ruộng lúa một nắng hai sương, mãi vẫn không khá nổi. Thế rồi cây rau má “xuất hiện”. Có thể nói cái loài cây mọc hoang từ đời nảo đời nào với những chấm lá tròn nhỏ li ti là đà sát mặt đất này đã làm nên cuộc đổi đời lớn cho người dân Phước Yên. Theo nhiều người xác nhận, người đầu tiên thử nhân giống và trồng rau má đại trà là anh Cao Quảng Thiện. Mấy năm nay anh Thiện cùng gia đình vào sống Đà Lạt, để lại trong ký ức người làng hình ảnh một người nông dân tháo vát, sáng dạ và rất hào sảng.Từ một, hai sào rau đầu tiên thu hoạch và có chỗ tiêu thụ, bà con bắt chước trồng theo. Từ một đồng đất nghèo khó, giờ đây đời sống người dân Phước Yên đã khá lên nhiều với những nương rau má chuyển đổi từ đất trồng lúa trước kia. Trung bình mỗi hộ làm 5- 7 sào rau. Chu kỳ rau má tầm hai mươi ngày cho một lứa mới. Rau cắt xong cứ việc dận vô bao để ngay bờ ruộng, có người đến lấy. Đến chiều tối, những chiếc xe đông lạnh tập kết rau má chở đi khắp các tỉnh thành, “đến cuối tháng thì nghe tiền nhảy vô tài khoản”. Mấy chị mấy mẹ không dừng tay liềm, thỉnh thoảng ngẩn đầu lên với những nụ cười hồn hậu trong hơi gió sớm, rỏn rang góp chuyện: “Bà con làng mình nhờ cây rau má mà nên nhà nên cửa, con cái được học hành đàng hoàng, có nghề nghiệp ổn định. Người trồng rau đã khá, người buôn rau còn khá hơn…”. Anh Nguyễn Lương Trí, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Quảng Thọ II cho hay: “Toàn xã có 55 ha rau má, chiếm 22,3% đất canh tác, trong đó riêng Phước Yên 40 ha. Bình quân mỗi ha cho sản lượng 50 tấn/ năm. Rau má cho năng suất gấp 5 lần trồng lúa, thu nhập tầm 300 triệu/ha mỗi năm. Tổ chức sản xuất theo quy trình VietGap từ năm 2013, hợp tác xã thu mua rau má của các hộ thành viên, chiếm khoảng 10% tổng sản lượng. Sản phẩm chủ lực chính là trà rau má, công suất chừng 300kg/ tháng; bên cạnh đó hợp tác xã cũng bước đầu sản xuất bột matcha rau má hữu cơ với đầu ra khá hứa hẹn …”

Sông Bồ xanh mát đoạn qua Phước Yên cong hình lưỡi liềm trăng, tuyệt đẹp thế “Từ thủy quy triều” nhìn từ trung tâm đất phủ xưa, như muốn dồn hết phù sa cho cánh đồng rộng lớn. Phước Yên nay đã là làng quê nông thôn mới, đường làng ngõ xóm được bê-tông hóa sạch đẹp, quy củ. Những bờ rào với nhiều loài hoa khoe sắc. Những ngọn đèn đường sáng trưng dây điện chạy âm còn hiện đại hơn cả thành phố. Đình làng vừa được xây dựng lại khang trang với những nét hoa văn chạm trổ tinh xảo, gợi nét vàng son. Anh Trần Phú Thọ, trưởng thôn không giấu được niềm vui, tự hào: “Tất cả con dân Phước Yên khắp mọi miền đất nước và ở nước ngoài đóng góp từng viên gạch nhỏ, tổng kinh phí xây dựng đình làng trong hai năm lên đến 2,7 tỷ đồng”. Sâu thẳm từng tấc lòng lương dân một niềm kính vọng các bậc tiền nhân, họ mạc khai canh, khai khẩn, đã bồi tụ và làm rạng danh văn vật đất này. Nhiều thế hệ người làng tài đức ra đi gánh vác việc đời, việc nước… mà trở thành các bậc danh nhân, hiền nhân và, cả những giai nhân… Những Nguyễn, Hồ, Hoàng, Cao… quý công uy nghiêm dưới mái đình làng và những ngôi nhà thờ tộc họ, soi bóng cả “Phước Yên” như tên làng đinh ninh ngàn thuở. Có người học rộng làm quan đến chức Tổng đốc. Có người tu tập đắc đạo lên Hòa thượng. Có người khéo nết chỉ chuyên nấu ăn, bày dọn yến tiệc trong cung mà lừng danh phận. Có người được tấn nạp cung nữ phi tần… “Ai về đây làm danh tướng/ Ai người sửa soạn giai nhân/ Vàng son cả miền tâm tưởng/ Thơm trong một gói xôi đường”3. Đùa mà thật, người Phước Yên có số sướng, toàn được ở bên vua cạnh chúa! Rồi còn bao lớp người “trung nghĩa tòng quân” từ thuở theo chân chúa Tiên mở cõi cho đến những cuộc trường chinh giữ nước. Trải nhiều binh lửa can qua, đất này còn thấm máu xương bao bậc hùng anh. Tưởng như mới đây thôi, người làng chưa quên trận huyết chiến bi tráng kéo dài tám ngày đêm xuân Mậu Thân 1968 diễn ra ngay tại Phước Yên đã lấy đi sinh mạng của gần một tiểu đoàn quân chính quy cách mạng (K8) và hai trăm bộ đội địa phương. Đài tưởng niệm Liệt sĩ K8 được xây dựng ngay tại địa điểm mà các chiến sĩ K8 mở đường máu vượt vòng vây năm xưa. Trong quá trình đào đất dựng bia, và cả khi thi công các công trình giao thông nội đồng, mọi người đã phát hiện nhiều hài cốt, có người còn trong tư thế đang chiến đấu, bên người vẫn còn mang vũ khí, quân trang quân dụng… Phía chùa làng chợt giộng một hồi chuông. Chùa làng, vốn là ngôi Hà Khê cổ tự được xây dựng từ thế kỷ 17, trải qua nhiều lần trùng tu giờ vẫn trầm mặc nét xưa dưới tán cây cổ thụ. Tiếng chuông chùa lan khắp không gian, háp lên mặt ruộng, tưởng làm cho những chiếc lá rau như triệu triệu vành tai ngợp lên xanh gió. Dàn đồng thanh rau má rạt… rạt… hòa cùng với tiếng chuông chùa an nhiên như cất tiếng chào ngày mới. Như rau má xanh phát lộc trên đồng đất cũ, Phước Yên tươi mới mỗi ngày trên nếp cũ nền xưa. “Quảng Thọ cán đích nông thôn mới từ cuối năm 2018, giờ đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Biết là vô cùng khó nhưng phải nỗ lực…”. Nhớ trong một lần trò chuyện thân tình, anh Hoàng Công Phong, Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ cho biết, đầy vẻ hào hứng nhưng không giấu được nhiều lo nghĩ. Anh nói thêm, “Phước Yên là một trong hai thôn được chọn làm điểm xây dựng mô hình thôn kiểu mẫu, vườn kiểu mẫu. Ngoài rau má chủ lực, các loại rau màu khác cũng được chọn lựa phù hợp, rồi ứng dụng công nghệ cao, đầu tư hệ thống phun tưới tự động, v.v… Một loạt các tiêu chí được nâng tầm, trong đó khó nhất vẫn là làm sao tăng thu nhập bình quân đầu người/năm… Dù khó đến mấy, tôi tin Phước Yên sẽ làm được!”, anh Phong quả quyết. Rõ rồi, không có gì là không làm được, một khi các cấp chính quyền quyết liệt vào cuộc, và đặc biệt có sự đồng lòng đồng sức của tất cả người dân, như triệu triệu tỷ tỷ ngọn rau má xanh đồng loạt cất tiếng rào rạt những buổi mai này. Không hiểu sao tôi lại nhớ đến chiếc đu tre bà con vẫn dựng gần trước chùa làng mỗi mùa Tết đến, một nét đẹp văn hóa ngày xuân của làng Phước Yên. Trong quan niệm của dân làng, rằng luôn luôn tin tưởng những điều tốt đẹp, mới mẻ bay cao, vươn xa hơn nữa…, như từng nhịp “đu tiên” mạnh mẽ trong gió xuân.

________

1. Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Phước Hải Trung dịch nghĩa.

2. Hội Văn nghệ Dân gian Thừa Thiên Huế, Trần Đại Vinh (Chủ biên), “Làng Phước Yên”, trong “Làng văn vật Thừa Thiên Huế”, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2017, tr.222- 227.

3. Trích “Phước Yên” (Thơ Phạm Nguyên Tường)

Nguồn Văn nghệ số 48/2020


Có thể bạn quan tâm