April 19, 2024, 10:42 am

Phong Nhã: Nhạc sỹ của tuổi thơ

Sáng 28/03/2020, trên các trang báo điện tử cả nước, tin nhạc sỹ Phong Nhã, người tổng phụ trách đầu tiên của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh đã qua đời, khiến cả một thế hệ lớn lên, đồng hành cùng các ca khúc thiếu nhi của ông đều tiếc thương. Càng thương ông hơn, khi đúng lúc này, dịch bệnh Covid-19 đang là điểm nóng...

 

ÔNG “VUA” NHẠC THIẾU NHI

Ít ai biết rằng, người nhạc sỹ mà cả cuộc đời sáng tác của mình, với khoảng 250 ca khúc, trong đó đa số dành viết cho trẻ em từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, được coi là “nhạc sỹ của tuổi thơ” đó, lại chưa từng được đào tạo chuyên nghiệp về âm nhạc.

Nhạc sỹ Phong Nhã được sinh ra trong một gia đình nghèo vào năm 1924, lớn lên trên phố phường Hà Nội. Dù tuổi thơ nghèo khó, nhưng lúc nào cậu bé Nguyễn Văn Tường – tên thật của nhạc sỹ – cũng lạc quan, yêu đời, và dành trọn niềm say mê cho đàn, sáo – những loại nhạc cụ phổ biến thời bấy giờ. Ngoài say mê các loại nhạc cụ dân tộc, cậu bé Tường còn được ảnh hưởng bởi một người bạn của bố, người có dàn nhạc Vĩnh Tường ở phố Vĩnh Tường. Ông ấy yêu quý, tặng cho Tường nhị, đàn để bổ sung cho dàn nhạc, và dạy cậu về nhạc dân tộc.

Không những học tập chăm chỉ, cậu thiếu niên Tường còn tham gia phong trào Hướng đạo ở Hà Nội. Bạn bè biết tiếng cậu với các bài ca “đội ca”. Mỗi đội thành viên của tổ chức Hướng đạo lấy tên một con vật và phải có tiếng hô riêng, bài ca riêng thể hiện được đặc trưng con vật đó để đón chào các huynh trưởng mỗi lần xuống giao lưu.

Thấy Tường viết bài hát cho đội Gà hay quá, các đội Cò, Hươu, Sơn ca v.v... thi nhau nhờ cậu sáng tác hộ. Đó là cuộc tập dượt thú vị cho những ca khúc chính thức và nổi tiếng sau này.

Gần 75 năm đã trôi qua, từ bài hát nổi tiếng đầu tiên: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng những bài hát sau này nhạc sỹ Phong Nhã viết cho thiếu niên, nhi đồng vẫn còn mãi trong tâm tưởng nhiều thế hệ người Việt Nam: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Cùng nhau ta đi lên (nay là Đội ca), Kim ĐồngNhanh bước nhanh nhi đồng... Ngoài ra, rất nhiều bài hát rất hay, rất đáng nhớ khác của Phong Nhã như: Lê Văn Tám, Anh còn sống mãi, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Em yêu Đội nhi đồng, Bác sống đời đời, Hành khúc Đội, Đi ta đi lên, Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh v.v…

Điều đặc biệt là các ca khúc viết cho thiếu nhi của ông đều thể hiện được sức trẻ, sự vui tươi, niềm say mê lý tưởng cao đẹp của thiếu nhi Việt Nam, ca từ gần gũi, giàu hình tượng, giàu tính nhân văn.

 

CÁNH CHIM KHÔNG MỎI TRÊN BẦU TRỜI TUỔI THƠ

Khi biết tin Phong Nhã - người nhạc sỹ của tuổi thơ qua đời, tôi đã tìm nghe lại hầu hết các ca khúc viết cho thiếu nhi của ông, để sống lại tuổi thơ của mình và bạn bè cùng trang lứa. Ngày còn nhỏ, bên tôi lúc nào cũng có cái đài lắp chạy bằng một cặp pin Con Thỏ, mỗi lần pin hết, bố tôi lại mang ra nắng hong khô, lắp vào đài, lại rổn rảng được khá lâu. Chương trình thiếu nhi trên Đài Tiếng nói Việt Nam phát vào tầm 5 giờ chiều là chương trình mà tôi mong đợi nhất. Vừa nấu cơm canh, vừa băm rau nuôi gà lợn, tôi say đắm trong những ca khúc thiếu nhi được nhà đài phát sóng, mà sau này tôi mới biết phần lớn chúng được sáng tác bởi nhạc sỹ Phong Nhã. Cũng mãi sau này tôi mới được biết Phong Nhã được mệnh danh là “Vua âm nhạc thiếu nhi”, và đó là nhận định của nhạc sỹ Phạm Trọng Cầu, khi ông ấy đến tìm Phong Nhã ở phố Nguyễn Đình Chiểu vào năm 1976.

Sáng tác cho thiếu nhi, một mảng “khó” và hiếm có nhạc sỹ theo đuổi, hơn nữa, dành cả cuộc đời để theo đuổi lại càng hiếm. Có được thành công lớn với nhiều ca khúc thiếu nhi, nhạc sỹ Phong Nhã có thể có được may mắn khi những sáng tác đầu tiên ra đời đúng vào thời điểm người thanh niên sôi nổi ấy được hòa mình vào dòng chảy của phong trào cách mạng, kháng chiến, tuy gian khổ và nhiều đau thương, nhưng đầy những hoài bão đẹp.

Suốt những năm chống Pháp, Phong Nhã đi nhiều, hoạt động ở vùng địch hậu, phụ trách các đội liên lạc, viết ca khúc về thanh thiếu niên vùng tạm chiếm, vùng du kích, được trẻ em các nơi yêu thích... Ông khuyến khích các nhạc sỹ khắp nơi viết cho thiếu nhi, gây dựng một phong trào sáng tác sâu rộng, để những thế hệ thiếu nhi cả nước được sống với hàng loạt ca khúc trong sáng, hiền hòa, thắm thiết tình yêu quê hương, đất nước.

Thế nhưng càng về sau, phong trào sáng tác nhạc cho thiếu nhi càng ít được các nhạc sỹ để tâm. Điều tiếc nuối khôn nguôi của nhạc sỹ Phong Nhã là hiện nay Hội Nhạc sỹ Việt Nam không còn duy trì Ban Sáng tác thiếu nhi. Ông từng chia sẻ: Ông, Lê Bùi, Trần Viết Bính, Hoàng Lân, Hoàng Long..., cũng làm được khá nhiều việc khi công tác ở Ban này. Bây giờ thì không còn Ban nữa, mà bài hát cho thiếu nhi thì ít người quan tâm nên gần như đã thành một mảng trống.

Mong muốn của nhạc sỹ Phong Nhã rất giản dị: Các sáng tác cho thiếu nhi hiện nay và sau này, nếu đi vào truyền thống văn hóa dân tộc thì sẽ hợp với trẻ em hơn, trong khi vận dụng pop, rock cũng tốt, nhưng phần nào đó hụt hẫng và khó phổ biến. Không nên ngại tìm tòi cái mới lạ, tuy nhiên, không nên vì yếu tố mới, lạ, độc đáo mà chép lại nhạc của nước ngoài.

Ngoài sáng tác âm nhạc, Phong Nhã còn là tổng biên tập đầu tiên của báo Thiếu niên Tiền phong từ khi báo mới ra đời (năm 1954) đến năm 1978.

*

Năm 2001, bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng cùng hai sáng tác của ông là Nhanh bước nhanh nhi đồngKim Đồng đã được vinh dự đón nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, được chọn là một trong những bài hát hay nhất của thế kỷ XX.

Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp Cách mạng nói chung và sự nghiệp giáo dục Thanh - thiếu niên nói riêng, ngoài Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001, nhạc sỹ Phong Nhã còn được trao Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất, Huy chương Vì sự nghiệp âm nhạc, Huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, và nhiều giải thưởng khác. 

Năm 2015, nhân kỷ niệm sinh nhật 125 năm của Bác Hồ, lần đầu tiên ca khúc Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng đươc thực hiện MV với hơn 1.200 người cùng hát. Đó là Dự án của Hội đồng Đội Trung ương – Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Mở đầu MV chính là nhạc sỹ Phong Nhã tóc bạc da mồi, vai đeo khăn quàng đỏ, và giai điệu Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng vang lên, người nhạc sỹ già hướng ánh mắt ra cửa, như chìm đắm trong những hoài niệm đẹp nhất về tuổi thơ, về những cánh chim không mỏi trải mênh mông trên bầu trời lý tưởng.

Nguồn Văn nghệ số 15/2020


Có thể bạn quan tâm