March 29, 2024, 12:47 pm

Phồn Sinh Nguyễn Linh Khiếu

 

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, sinh năm 1959 tại Thái Bình. Ông là hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Giải thưởng thơ báo Văn nghệ (1995) và Tạp chí Văn nghệ quân đội (2010). Ông có các tập thơ và tùy văn đã xuất bản: Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995), Hoa linh (2000), Dọc sông Hồng (in chung, 2002); Sa hồng (2018), Phồn Sinh (2918), Beijing lá phong vàng (2018).

Ba tập ông xuất bản năm 2018 có tổng số trang là 1.144 trang, riêng trường ca Phồn sinh với 150 khúc thức, có độ dài hơn 13.000 đơn vị câu thơ, hơn 136 ngàn chữ, với 710 trang in khổ 16cm x 24cm và có thể là một trường ca độc nhất vô nhị về độ dài và cách thể hiện. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu cho biết, ông đang hoàn thiện các tập bản thảo để tiếp tục cho ra mắt hơn 10 cuốn sách nữa (gồm cả thơ, trường ca và tùy văn) cho trọn bộ 20 đầu sách văn chương.

1.

Nguyễn Linh Khiếu là một trong số các nhà thơ có dấu ấn riêng trong diễn trình đổi mới thơ Việt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước và xuất hiện cùng thời với các nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Dương Kiều Minh, Nguyễn Lương Ngọc, Nguyễn Bình Phương... Các tập Chùm thơ tiên cảm (1991), Mùa thiêng (1995) Hoa linh (2000) và Phồn sinh (in chung trong Dọc sông Hồng, 2002) đã minh chứng cho điều đó.

Cũng giống như các nhà thơ thuộc khuynh hướng này, người đọc trước hết cần phải có một cảm quan thẩm mỹ khác cùng cách đọc, cách thẩm thơ không giống như khi đọc thơ truyền thống hay thơ cách tân trên cơ sở truyền thống, cũng không giống như đọc và thẩm mảng thơ mới lạ do du nhập ý tưởng, giọng điệu, kỹ thuật chế tác ngôn ngữ từ nước ngoài, khi tiếp cận trực tiếp với văn bản thơ, nhất là trường hợp Nguyễn Linh Khiếu trong Phồn Sinh vừa mới ra mắt cách đây chưa lâu.    

Dẫu rằng thể loại hay khuynh hướng thơ nào cũng đều là nghệ thuật ngôn từ, nhưng với mỗi trào lưu, khuynh hướng và từng cá nhân nhà thơ có cách riêng của mình trong việc khám phá thế giới vô cùng tận và chuyển tải cách nhìn về nó bằng các hệ hình thẩm mỹ khác nhau, thông qua hệ thống hình tượng, ngôn ngữ, giọng điệu, cách tổ chức câu thơ, cách đặt tên từng bài, tập thơ với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh và độc lập. Thậm chí cả cách ngắt câu, xuống dòng, dùng các dấu chấm (.), dấu phẩy (,), dấu chấm phẩy (;), dấu hỏi (?), dấu cảm (!), dấu ba chấm (...), cũng như việc sử dụng từ láy, từ ghép, từ điệp, cách phân chia khúc thức, trường đoạn, chương hồi,... của Nguyễn Linh Khiếu cũng đều có sự cách tân riêng mà người khác không có.

Có thể nói trong tình hình văn hóa đọc hiện này cũng như đời sống thi ca nước nhà đang biến động không ngừng và vô cùng phức tạp, mà nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu dám in 3 tập sách trong cùng năm 2018, bao gồm Sa hồng (thơ và trường ca 120 trang), Phồn Sinh (trường ca, 710 trang), Beijing - Lá phong vàng (tùy văn, 312 trang) là một sự cố gắng rất đáng khích lệ.

 

2.

Tư tưởng xuyên suốt trường ca của Nguyễn Linh Khiếu là khát vọng phồn sinh vừa róng riết, vừa thâm hậu. Đến mức, nhu cầu phồn sinh thường trực trong ông còn sục sôi hơn cả nhu cầu tồn tại về khía cạnh bản thể. Trong tư cách là một nhà thơ cách tân và trong tư cách một người nghiên cứu triết học và chính trị học, Nguyễn Linh Khiếu coi tồn tại bản thể chỉ mang ý nghĩa của cái tồn tại ở nấc thang thứ nhất trong tư duy và nhận thức của con người về thế giới vạn vật và vũ trụ bao la. Còn phồn sinh mới chính là nấc thang cao nhất của tồn tại ấy. Ở đấy, cái tồn tại bản thể luôn vận động và phát triển không ngừng nghỉ và luôn tuôn trào sức sống mãnh liệt của lịch sử dân tộc. Nó thực sự là một dòng chảy bất tận cuốn trôi, vượt qua và phủ định một cách biện chứng tất cả những gì cản ngăn để chỉ còn lại sự phồn sinh vĩnh hằng như con người, quê hương, đất nước, giống nòi, nhân loại và vũ trụ. Chính vì lẽ ấy, mà phồn sinh là một quá trình vô thủy, vô chung và luôn biến ảo không ngừng, đầy rẫy sự phức tạp, nhiễu loạn, rắc rối, đa chiều và đa kích, quá khứ, hiện tại, tương lai đan xen, xâm lấn, đồng hiện. Sẽ chẳng bao giờ có tồn tại bản thể nếu như bản thể ấy không đích thực phồn sinh, tức là tồn tại trong tư cách vận động và phát triển biện chứng, chứ không phải tồn tại trong tư thế đứng im, chết cứng, siêu hình.

Chúng tôi chưa vội bàn đến tác động xã hội và sức sống của tác phẩm, mà cần phải có nhiều thời gian, xem xét trên nhiều phương diện khác nhau. Nhưng trước hết cần phải thấy rằng trường ca Phồn Sinh được tạo tác bởi 150 khúc thức thơ. Với cách viết như Nguyễn Linh Khiếu thì có lẽ các định nghĩa, khái niệm về thơ và câu thơ từ trước đến nay đều cần cân nhắc. Bởi lẽ trong khoảng hơn 13 ngàn cái được gọi là câu thơ của Nguyễn Linh Khiếu chỉ căn cứ trên việc tính số lượng dòng trong hơn bảy trăm trang in là hoàn toàn không ổn chút nào. Mặt khác, trong ngần ấy trang sách, có không ít phần, đoạn, trang của Phồn Sinh được viết ra dưới dạng văn xuôi mà người ta vẫn quen gọi nó bằng một thuật ngữ kép là Thơ văn xuôi. Theo cách định dạng này, có thể hiểu thơ là chất lượng nội dung tác phẩm, còn văn xuôi là hình thức thể hiện của tác phẩm ấy. Tuy nhiên ở Phồn Sinh câu chuyện diễn ra lại không hoàn toàn như vậy mà xem ra còn phức tạp hơn rất nhiều. Trong số khoảng hơn 136 ngàn chữ được chia làm chừng 13 ngàn dòng (chúng tôi tạm gọi là đơn vị câu thơ) và được sắp xếp một cách có chủ đích trong 710 trang giấy in khổ 16x24cm không hề có bất kỳ một dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu chấm than… nào (trừ dấu chấm kết thúc tác phẩm). Theo các quan niệm truyền thống về thơ và câu thơ thì có thể nói câu thơ của Nguyễn Linh Khiếu trong Phồn Sinh dài tới 710 trang giấy in. Và chắc chắn đấy là câu thơ, bài thơ, trường ca dài nhất Việt Nam từ trước đến nay...    

 

3.

Nhưng theo tôi điều ấy chưa quan trọng bằng việc, Nguyễn Linh Khiếu dám cùng lúc vượt qua nhiều quy tắc, luật lệ của thơ, thơ văn xuôi và trường ca truyền thống để tự mình tạo tác những quy tắc, luật lệ riêng và mới cho chúng, mặc cho có được các nhà chuyên môn, cộng đồng bạn đọc chấp nhận hay không...

Ngay ở khúc thức số 1, nhà thơ đã phải đắn đo, dằn vặt, tự cật vấn mình, nhưng cũng là một tuyên ngôn đầy mãn nguyện về khát vọng phồn sinh của mình như là tấm căn cước văn hóa để tham gia vào thế giới hiện đại nói chung và thế giới đàn ông đích thực nói riêng một cách thấm nhuần, hòa hợp, xứng danh. Đấy là một thế giới đa tồn vừa hỗn mang, vừa trật tự, vừa văn minh, vừa dã man, vừa có sinh, vừa có diệt, vừa đầy ắp những hương thơm trái ngọt, mùa màng tươi tốt, bội thu, vừa không thiếu những bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào đối với con người và vạn vật, từ hữu hình đến vô hình.  

có phải để thấm nhuần thế giới này

để hòa hợp với thế giới này

để tồn tại trên thế giới này

để khám phá ra khuôn mặt mình

để xứng danh một đàn ông đích thực

để chứng tỏ kho giống nòi quí báu nhân loại

ta phải bắt đầu từ khuôn mặt thiếu nữ

bắt đầu từ sự trinh trắng vẹn nguyên sinh nở và nuôi nấng thế gian

 

vang vọng từ đâu đó

trong gió xuân bảng lảng sương xanh

trong phì nhiêu đất đai rộn ràng mùa màng gặt hái

trong tưng bừng hội hè đình đám hiến dâng cúng tế linh thiêng

trong ráng chiều nồng nã trong hoàng hôn rực đỏ trong nhập nhoạng óng ả trong sáng tối chập chờn những lợn gà tí tởn những ngan ngỗng lơn tơn những chim chóc chành chọe những chó mèo chí chóe những trâu bò phởn phơ những ngựa dê động cỡn những chồn cáo đú đởn những cua cáy lồm cồm những ếch nhái ộp ạp những sâu bọ đong đưa những cá tôm ngúng nguẩy những ốc hến bầy nhầy những chuột dơi chạng vạng những rắn rết lằng ngoằng những quạ cú rình rập những cào cào lanh chanh những châu chấu cành cạnh những chi chi chành chành những bướm ong ve vãn những trai gái căng phồng những trống mái sặc sỡ những đực cái hào hùng những âm dương nức nở

Trong khúc thức số 127 và 128, của trường ca Phồn Sinh, nhà thơ dùng khá nhiều tính từ biểu đạt sự sinh sôi, nảy nở, hiển lộ rõ sức phồn sinh mãnh liệt không bao giờ ngừng nghỉ của cỏ cây, đất trời, vạn vật và cả con người nữa, như: 

non nớt, lấm tấm, phơn phớt, tinh tơm, mảnh mai, mềm mỏng, mơn mởn, long lanh, bổi hổi bồi hồi, miên man, díu dan, mỏng mảnh, buâng khuâng, thập thò, hoang hoải, mỡ màu, chan chứa, nồng nàn, mộc mạc, nâu non, tràn trề, lênh láng, hân hoan, dào dạt, rì rào, li ti, tin hin, nương  vương, dung dăng dung giẻ, thích thú, nắc nẻ, hít hà sừng sững, rung rinh, ngất ngây,... 

Đặc biệt các tính từ láy đôi như: sột soạt, nây nẩy, nồng nàn, hổn hến, mỡ màng,... rất giàu thanh âm và sắc màu phồn sinh, thật sự ám ảnh người đọc, đã được ông triệt để khai thác và dùng đi dùng lại nhiều lần ở hầu hết các bài thơ và trường ca, trong đó có đại trường ca Phồn Sinh.

Thế giới tự nhiên, trong đó bao gồm cả con người trong suy tư nghệ thuật của Nguyễn Linh Khiếu, là một thế giới luôn chuyển động và phát triển không ngừng nghỉ. Nhưng mọi sự phồn sinh chỉ có thể diễn ra từ căn cốt của sự tồn tại bản thể phồn và thực như ăn, uống, hít thở, cựa quậy và quan hệ tính giao, như là phương cách hữu hiệu nhất để duy trì sự sống và phát triển giống nòi, vạn vật:

những sớm mai trên bờ bãi sông Hồng

chập chờn trong sương tiếng sột soạt ngô dậy thì thẹn thùng thay xiêm áo

nây nẩy những bắp non tươi ẩn hiện

mùa nước sinh đang hổn hển trở về. (Phù sa sông Hồng)

Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ để Phồn Sinh cuốn hút những ai quan tâm đến sự đổi mới thơ trong dòng chảy thi ca nước nhà đương đại. Xin chúc mừng sự thành công bước đầu của nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu và hy vọng sẽ còn được đọc nhiều tác phẩm mới của ông./.

Nguồn Văn nghệ số 15/2019

                                                                  


Có thể bạn quan tâm