March 29, 2024, 2:20 pm

“Phồn hoa” – cuốn tiểu thuyết từng khuynh đảo văn đàn Trung Quốc

 

Ngay khi vừa xuất bản, “Phồn hoa” của nhà văn Kim Vũ Trừng đã được xếp đầu bảng danh sách tiểu thuyết Trung Quốc năm 2012, năm 2013 giành giải thưởng tiểu thuyết hàng năm của giải Văn hóa Lỗ Tấn lần thứ nhất, năm 2015 giành giải thưởng Mao Thuẫn – giải thưởng văn học danh giá nhất Trung Quốc. Với sức ảnh hưởng của mình, tiểu thuyết này đã được dịch và xuất bản tại các nước: Việt Nam, Anh, Pháp, Mỹ, Nhật…

Tiểu thuyết vừa ra đời đã gây tiếng vang lớn trên văn đàn, thậm chí dẫn đến cơn sốt lớn ở Trung Quốc. Đây là giai tác xuất sắc nhất của Trung Quốc trong một thập kỷ trở lại đây. Tác phẩm được cả giới phê bình tinh hoa và độc giả bình thường hết lời tán thưởng. Đối với độc giả bình thường, lượng tiêu thụ của Phồn hoa đã nói lên mê lực của nó: liên tục đứng trong danh sách các tiểu thuyết bán chạy nhất Trung Quốc. Từ tháng 3 năm 2013 xuất bản đến tháng 6 năm 2014, thống kê sách bìa mềm đạt lượng tiêu thụ 200 nghìn bản, tái bản 11 lần, giữa tháng 6 năm 2014 xuất bản bản bìa cứng. Đối với giới văn học, “Phồn hoa” trở thành tiểu thuyết được quan tâm nhất, hấp dẫn nhất trên văn đàn Thượng Hải và văn đàn Trung Quốc. Nhiều hội thảo về “Phồn hoa” được tổ chức, thu hút sự quan tâm của giới học giả cũng như đông đảo bạn đọc yêu văn học.

Ban đầu khi viết Phồn hoa, Kim Vũ Trừng chỉ muốn lên mạng viết về những câu chuyện của những con người vô danh, cho nên đã dùng bút danh Độc Thượng Các Lầu để viết. Phương thức xuất bản trên mạng đặc thù của tiểu thuyết đã thu hút sự quan tâm của người đọc, vô số lời bình luận tán thưởng, dẫn đến hiện tượng “Phồn hoa” trong giới phê bình và đông đảo độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ. Nhà văn đầu bạc Kim Vũ Trừng đã chọn cách đăng tải tác phẩm của mình giống với các nhà văn trẻ – đăng tải từng phần trên mạng trước. Sau nhiều lần gia công, chỉnh sửa mới in thành cuốn sách 30 vạn chữ, trở thành một đóa hoa rực rỡ của văn học Thượng Hải.

Tiểu thuyết “Phồn hoa” đã viết về những con người bé nhỏ có số phận khốn khổ trong bức tranh lịch sử rộng lớn. Điều đáng quý của tiểu thuyết này là đã xây dựng lại đời sống của những con người bình thường ở Thượng Hải, thông qua việc khắc họa tầng lớp thị dân trong 30 năm, tiểu thuyết đã cho chúng ta thấy toàn bộ diện mạo của thị dân Thượng Hải, và từ hai tầng diện lịch sử và hiện thực đã tiến hành phê phán, chỉ ra chân tướng của quan hệ giữa thành phố và con người trong cuộc sống ở thành phố Thượng Hải.

Tiểu thuyết viết về ba thế hệ nhân vật, mỗi số phận, bối cảnh gia đình, không gian sống chủ yếu, tính cách đều khác nhau. Từ những mảnh đời như vậy, tác giả đã phát hiện ra một bức tranh chỉnh thể về cuộc sống của con người Thượng Hải, phản ánh sâu sắc biến thiên của thời đại ẩn sau mỗi cảnh đời.

Tác phẩm sử dụng nhiều ngôn ngữ Thượng Hải, khiến cho tác phẩm mang đậm chất Thượng Hải, và ở phương diện ngôn ngữ, tác phẩm cũng khắc phục được khó khăn trong tự sự của các nhà văn phương Nam khi đối diện với ngôn ngữ phổ thông. Có thể nói, Phồn hoa đã thực hiện được một cuộc đột phá đối với vị trí lũng đoạn của ngôn ngữ phương Bắc, làm cho ngôn ngữ phương Nam đi từ biên duyên vào trung tâm trong sáng tác văn học ở Trung Quốc.

Ở một góc độ nào đó, tiểu thuyết Phồn hoa đã gợi mở một cách viết mới, trên phương thức tự sự, tác giả đã tự xưng là “người kể chuyện” trở về với người kể chuyện trong thành thị cổ đại, cần người kể chuyện, cần tác phẩm được kể, cần một hiện trường kể chuyện, cần một lượng người nghe nhất định…

Đã 10 năm kể từ khi xuất bản lần đầu tiên tại Trung Quốc, tiểu thuyết Phồn hoa vẫn đang tiếp tục giữ vững vị trí của mình trên văn đàn cũng như luôn áp đảo về số lượng sách được tái bản nhiều nhất trong thời gian qua. Khi được chuyển ngữ và xuất bản bằng tiếng Việt, cuốn sách đã được độc giả Việt Nam dành sự quan tâm đặc biệt và tìm đọc trong gần 10 năm qua.

PL (tổng hợp)


Có thể bạn quan tâm