April 24, 2024, 6:26 pm

Phố núi mùa dã quỳ vàng rực

Cao nguyên Gia Lai hình thành bởi dãy núi lửa đã chết hơn triệu năm. Bước chân đến Pleiku tôi đã mơ bao điều mới lạ đang chờ đón phía trước. Gặp họa sỹ Lê Hùng (Hội VHNT Gia Lai) trong một ngày cuối đông. Anh dong duổi lái xe đưa tôi đi khắp đó đây, trả lời hàng chục câu hỏi tò mò của tôi về miền đất có đôi mắt Biển Hồ. Và anh vừa huýt sáo vừa hát: “Em Pleiku má đỏ môi hồng…”. Tôi chết mê luôn.

PHỐ NÚI CÂY XANH PHỐ NÚI THẬT BUỒN

Em bé Jrai. Ảnh: VƯƠNG TÂM

Giai điệu ca khúc Còn một chút gì để nhớ quyến rũ tôi từng câu. Đây là bài hát do nhạc sỹ Phạm Duy phổ thơ Vũ Hữu Định. Để giới thiệu nét thú vị về thành phố từ một ca khúc, họa sỹ Lê Hùng cất lên giai điệu thơ mộng và đượm buồn này. Bài hát vẽ được chân dung Pleiku thuở ban đầu. Một quá khứ đầy u ám với những trại lính mọc khắp nơi. Tùy theo những vị trí then chốt và quan trọng của những trại lính và đồn bốt mà con đường hình thành. Cũng từ đó quán hàng và phố xá mọc lên. Nhưng tất cả vẫn chìm trong sương mù cùng những dẫy hoa cỏ dại. Mỗi khi xuân về, hoa Dã quỳ mọc vàng rực khắp chốn. Đó là những búp nắng thiên nhiên làm cho Pleiku mơ màng đôi chút. Cảm giác buồn trĩu nặng bên những thung lũng của tộc người Jrai bí ẩn. Họa sỹ Lê Hùng kể: Vào những năm (từ 1967 cho đến 1969) chiến tranh xảy ra. Trước là đồn binh Pháp, sau này là Mỹ mọc càng dầy đặc. Đây được coi là cửa ngõ của Tây Nguyên. Trong số lính chiến còn có những đội binh lên xây dựng cầu đường và đồn bốt. Nhà thơ Vũ Hữu Định là một lính đào ngũ đã bị bắt lên đây lao động cải tạo. Đội quân khổ sai này luôn phải mặc áo có in bốn chữ LCĐB phía sau lưng. Đây là chữ viết tắt cho bốn chữ “Lao công đào binh”. 

Nhà thơ Vũ Hữu Định (1942-1981) là người Đà Nẵng. Ông buộc phải đi lính nhưng đã đào ngũ và bị bắt trở lại. Nhà thơ bị lưu đầy lên xứ đầy sương mù và hoang dã này ở tuổi tuổi 25, trong lòng rất phiền muộn. Lao động khổ cực ngày đêm nhưng tâm hồn ông vẫn dạt dào cảm xúc về miền đất cao nguyên này. Có người kể ông đã làm quen và thân thiết với một cô gái người Jrai. Thỉnh thoảng hai người vẫn gặp nhau trên đường phố chợ. Nét đẹp hồn nhiên của cô gái đã làm xao xuyến tâm hồn thi nhân. Câu thơ đầu tiên đã cất lên: “May mà có em đời còn dễ thương/ Em Pleiku má đỏ môi hồng”. Từ đó bài thơ được viết với nỗi niềm an ủi: “Phố núi cao phố núi đầy sương/ Phố núi cây xanh phố núi thật buồn/ Anh khách lạ đi lên đi xuống…”. Bài thơ được hoàn chỉnh với tình cảm yêu thương thành phố Pleiku đã được nhiều người yêu thích và truyền bá khắp nơi. Sau đó bài thơ được in trên báo nên càng nhiều người biết tới. Đặc biệt nhạc sỹ Phạm Duy đã có ý định phổ nhạc vì rất yêu thích bài thơ Còn một chút gì để nhớ.

Theo họa sỹ Lê Hùng: Vào đầu năm 1970, nhạc sỹ Phạm Duy từ Sài Gòn lên tìm gặp nhà thơVũ Hữu Định để xin phép được phổ nhạc bài thơ. Hay tin, Vũ Hữu Định chưa kịp ăn uống đã ra quán cà phê gặp Phạm Duy. Đây là một quán cà phê có ban nhạc sống thường là nơi tụ họp những anh em văn nghệ sỹ mỗi khi lên Pleiku. Khi ấy Vũ Hữu Định vẫn mặc chiếc áo đào binh còn dính bùn đất. Hai người tâm giao và chụm đầu bên ánh nến chập chờn và ca hát. Nhạc sỹ Phạm Duy vừa phổ vừa hát. Ông có giọng hát trời phú rất trong trẻo ngọt ngào. Bài thơ phổ một lèo không có chút gợn nào vì nhạc sỹ rất tâm đắc với bài thơ. Vũ Hữu Định rơm rớm nước mắt xúc động. Đây là món quà an ủi lớn nhất cho nhà thơ trong cuộc lưu đầy trên miền hoang mạc xa xôi. Không ngờ bài hát được hàng chục ca sỹ biểu diễn. Bài hát cùng tên Còn một chút gì để nhớ lập tức có sức truyền cảm sâu rộng trong lòng khán giả yêu âm nhạc. Đến nay dù đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng ca khúc vẫn được hàng triệu người yêu thích và biểu diễn nhiều nơi. 

Thật bất ngờ, họa sỹ Lê Hùng đưa tôi đến quán cà phê Thu Hà trên đường Nguyễn Thái Học. Anh làm tôi ngỡ ngàng vì quán cà phê này có một “Slogan” (Tiêu chí của kinh doanh thương hiệu) với chính tên bài hát Còn một chút gì để nhớ. Lúc này bài hát đang được ngân vang. Giai điệu ôm ấp tâm hồn tôi với những lời ca. Tôi nhẩm theo: “Em Pleiku má đỏ môi hồng/ Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông/ Nên mặt em ướt. Da em mềm trong như mây chiều buông…”. Họa sỹ Lê Hùng cho biết quán cà phê này ra đời vào năm 1969 và là hàng giải khát đầu tiên ở thành phố. Trong quán có trưng bày những tư liệu liên quan tới nhà thơVũ Hữu Định và nhạc sỹ Phạm Duy khi cùng sáng tác. Điểm nổi bật trên vách tường gỗ là bút tích bài thơ Còn một chút gì để nhớ của Vũ Hữu Định. Tôi bồi hồi nhẩm đọc những lời thơ gan ruột cho một cuộc tình: “Xin cảm ơn thành phố có em”.

MUÔN NỖI TƯỢNG NHÀ MỒ

Câu chuyện giữa tôi và họa sỹ Lê Hùng được tiếp tục ở làng văn hóa Pleiop. Đây là một trong những làng người Jrai đầu tiên ở Pleiku. Anh giải thích Plei nghĩa là làng còn Ku là cái đuôi. Tiện thể anh nhắc lại câu ca dao dạng tếu táo từ lâu được truyền bá về Pleiku. Tôi bật cười nhớ lại: “Anh đi công tác Pờ Lây/ Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra”. Lối nói ám chỉ một cách ngộ nghĩnh nhân cách hóa thành phố Tây Nguyên này. Làng OP được gọi là Pleiop theo đúng tên gọi địa phương, được hình thành (1927) sau khi hội tụ những người Jrai sinh sống trong thành phố. Vì vậy Pleiop (phường Hoa Lư) được coi là làng người Jrai ở trong lòng thành phố Pleiku. Khi mới đến cổng làng, chúng tôi dường như thoát được không khí rầm rập của thành phố. Ở đó là không gian bao la của cánh đồng và vườn cà phê xanh mướt trải dài theo thung lũng. Nếu ở thành phố là những nhà cao tầng và ồn ã tầu xe thì ở đây là những ngôi nhà sàn cổ xưa êm đềm bên suối reo chim hót.

Người tiếp chúng tôi là anh Vinh (gọi theo tiếng Việt). Anh là người Jrai chính gốc ở bản OP và là một trong những người trông coi nhà Rông. Làng OP có ngôi nhà Rông vào loại lớn nhất trong khu vực quanh thành phố. Hôm nay các bạn trẻ trong đội văn nghệ đang tập luyện chuẩn bị cho hội xuân. Tiếng cồng chiêng rộn ràng trong nhịp điệu của bài ca Đôi mắt Pleiku bay bổng. Đặc biệt chung quanh nhà Rông có hàng chục bức tượng gỗ khá lớn. Đó là chân dung người phụ nữ đeo gùi. Hoặc phía trước mặt chúng tôi là bức tượng người đàn ông ngồi ôm mặt suy tư. Tôi sững người khi đứng trước bức tượng cô gái đang bồng con trên tay. Anh Vinh đến gần bên cho biết, đây là những bức tượng gỗ lớn do chính nghệ nhân người Jrai tạc nên. Nói rồi anh đưa chúng tôi tới một cánh rừng bên suối, dừng lại trước một khu nhà mồ. Chung quanh nhà mồ là hơn hai chục tượng gỗ đã có nét hoang tàn theo thời gian.

Theo lời kể của anh Vinh, hiện nhiều bản người Jrai vẫn giữ tục lệ làm nhà mồ và tổ chức hội lễ bỏ mả. Mà người Jrai coi lễ bỏ mả là lễ lớn nhất trong năm. Theo quan niệm của tộc người Jrai thì người chết luôn luôn hiện hồn quanh quẩn bên nấm mộ. Linh hồn vẫn sống, vẫn cần cơm ăn áo mặc và trò chuyện như cuộc sống thật. Do vậy người nhà thường ngày vẫn phải mang cơm ra nuôi cho hồn ma ăn và trò chuyện để an ủi người đã mất. Việc làm lễ bỏ mả nghĩa là tiến hành một cuộc chia tay vĩnh viễn với người chết. Khi ấy hồn ma mới không hiện về. Hồn ma từ đó sẽ tái sinh làm người khi nhập vào một đứa trẻ sắp được sinh ra. Vậy việc làm lễ bỏ mả cũng có ý nghĩa đem lại một tương lai cho người đã chết. Họ sẽ tái sinh ở một cuộc đời khác. Do vậy sau một năm gia đình có người chết đã có thể làm lễ bỏ mả nếu điều kiện kinh tế cho phép. Ở những bản còn thủ tục chôn chung người chết thì các gia đình góp tiền của cùng tổ chức làm lễ bỏ mả. Bởi làm lễ bỏ mả rất tốn kém. Họ phải mời cả làng cùng tham gia và ăn uống trong năm, bảy ngày liền. Điều đặc biệt ngoài việc xây nhà mồ mới người nhà phải thuê nghệ nhân đúc tượng chung quanh hàng rào nhà mồ. Những bức tượng quanh nhà mồ được dựng lên với quan niệm tạo dựng một thế giới tâm linh cho những hồn ma. Khi ấy những linh hồn tiếp tục sống và sinh hoạt với cộng đồng mà người Jrai đã gửi trao.

Những cụm tượng sinh hoạt rất sinh động của đời sống được khắc họa khá phong phú. Mỗi nhà mồ cần đục tới 24 bức tượng với nhiều tư thế khác nhau. Chúng được chôn xen kẽ hàng rào nhà mồ.  Họa sỹ Lê Hùng cho biết, những hình tượng được khắc họa như Người ngồi ôm mặt, Phụ nữ ôm bầu, Mẹ ru con, hoặc Cô gái giã gạo, Cô gái đeo gùi, hay Ông già hút tẩu, Người thổi tù và… Đặc biệt không thể thiếu những bức tượng diễn tả cảnh vợ chồng giao hoan. Hoặc bức người đàn ông với của quý thể hiện sức mạnh và sự trường tồn của người Jrai. Những quan niệm phồn thực của người Jrai một phần nào ảnh hưởng văn hóa Chăm. Bởi dòng tộc cộng đồng người Jrai một phần đã được Chăm hóa chừng trăm năm qua do lịch sử để lại.

Trong tất cả mọi sính lễ thì việc đục tượng nhà mồ mang ý nghĩa là sự tiếp nối cuộc sống với thần linh không thể thiếu, nếu không nói là trọng yếu. Chính vì thế người Jrai và cộng đồng người Tây nguyên hàng năm đã tổ chức thi đục tượng nhà mồ. Đó là những bức tượng mang tính nghệ thuật dân gian sâu sắc và độc đáo. Với những hình tượng được khắc họa đơn giản đậm chất biểu cảm chứ không quá chi tiết mô tả. Ngắm những bức tượng cũ bên nhà mồ, tôi bỗng thấy rùng mình ngỡ như những linh hồn đang hiện lên. Đó là sự ám ảnh qua ánh mắt trầm tư hay qua những khoang miệng đang hú gọi một cách hoang dã trước đại ngàn.

DỐC PHỐ

Hành trình tiếp tục của chúng tôi là những con phố mới và dốc phố. Họa sỹ Lê Hùng nói, khi anh mới lên đây, hồi thập kỷ 80 đã bở hơi tai vì những con dốc Pleiku. Những dấu vết trại lính đã được thay thế bằng dẫy phố nhỏ với hàng chục căn nhà lúp xúp. Giờ đây đèo dốc vẫn còn đó nhưng phố xá đã mọc lên cao vút. Xe chúng tôi lượn vào con dốc cao trên đường Hùng Vương. Nhìn từ xa chân dốc là thung lũng nhỏ và con dốc dựng đứng. Hai bên đường là những tòa nhà cao tầng vươn lên trong làn sương giăng về chiều đẹp như tranh vẽ. Trên đỉnh dốc là tòa nhà mấy chục tầng của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sừng sững vút lên trời cao. Con dốc này chính là đầu mối dẫn về Ban Mê Thuột và Quy Nhơn. Họa sỹ Lê Hùng nói, có lần nhà thơ Nguyên Đỗ đã miêu tả về con dốc: “Con phố ngày xưa lũng dốc cao/ Hàng thông xanh ngắt ngả nghiêng chào”. Dốc đã mở rộng theo con đường chiều ngang tới 50 mét tựa như một tấm lụa phơi vắt lên lưng trời thật kỳ thú.

Để cho tôi thêm ngạc nhiên, họa sỹ Lê Hùng lái xe đưa tôi ra đường Nguyễn Tất Thành. Anh nói ở đó còn có con dốc cao nhất thành phố. Khi đêm về hai dẫy đèn trên phố lấp lánh tiếp nối như một dẫy sao bay lên trời xanh. Quả nhiên tôi khó tưởng tượng nổi về con dốc này. Đây chính là quốc lộ số 1 đi qua thành phố. Dãy nhà hai bên đường đúng là tiếp nối dần lên cao ngỡ như chạm tới trời xanh. Họa sỹ Lê Hùng nói còn hàng chục con dốc nhỏ khác rải rác trên các đường phố. Anh mỉm cười nói có lần nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn thời còn mặc áo lính đã lên đây và thốt lên: “Phố núi kia ơi, phố có con đường/ Lên xuống dốc không tìm ra bạn hữu/ Không có bạn làm sao tôi uống rượu/ Tôi làm sao sống nổi một ngày đây”. Xe chúng tôi đi như con tàu lượn lên xuống theo những con dốc nhỏ trong phố. Mươi phút sau gặp biển chỉ đường về Biển Hồ, họa sỹ Lê Hùng lái xe ngoặt vào con đường theo mũi tên. Phía trước chúng tôi là hàng phố điệp trùng theo sườn những con dốc cũ. Hai bên đường hoa dã quỳ vàng rực như nắng bên những hàng thông xanh chìm trong màn sương mỏng tang…

Nguồn Văn nghệ số 14/2021


Có thể bạn quan tâm