April 25, 2024, 6:02 pm

Phim Việt “xuất ngoại”

Trước Phượng Khấu, loạt phim cổ trang của Việt Nam do đạo diễn phim Huỳnh Tuấn Anh sản xuất, lọt top 10 chương trình được quan tâm nhất châu Á trong năm 2020 do tạp chí theo dõi văn hóa, nghệ thuật hàng đầu của Australia NME bình chọn, Việt Nam còn có Vợ ba, Ròm, Chị chị em em được xuất ngoại trong năm 2020 với vô số những ồn ào không chỉ trong giới mà còn từ chính công chúng yêu nghệ thuật, về những chuẩn mực trong cái gọi là “khuôn vàng thước ngọc” của điện ảnh Việt Nam trong những bộ phim được coi là đại diện nói trên. Đồng thời cũng đặt ra câu hỏi lớn về chiến lược xuất khẩu văn hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch liệu có khả thi?

 

Phim “Phượng Khấu”.

 

CÔNG NGHIỆP VĂN HÓA NÊN BẮT ĐẦU TỪ ĐÂU?

Nửa cuối năm 2020, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch, Nguyễn Văn Hùng đã có buổi làm việc với Cục Điện ảnh về việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhằm hoàn thiện Đề án quảng bá thương hiệu quốc gia - Liên hoan phim Việt Nam trong khuôn khổ Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Tại buổi làm việc, Thứ trưởng và lãnh đạo Cục đã đặt ra những yêu cầu cấp bách về sớm xây dựng và trình Bộ ban hành Đề án tổ chức Liên hoan phim giai đoạn 2021-2030; Xây dựng dự thảo Quyết định tiêu chí, tiêu chuẩn, nội dung quy trình và định mức kinh tế- kỹ thuật sản xuất phim truyện... Đây được xem là nền tảng cần thiết để định hình và phát triển thương hiệu Liên hoan phim quốc gia Việt Nam, một trong những nội dung chính của đề án phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa, trong đó, điện ảnh được xem là mũi đột phá chiến lược.

Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh: điện ảnh là một trong ba lĩnh vực có khả năng và tiềm năng phát triển công nghiệp văn hóa cùng với ca nhạc và du lịch. Tuy nhiên, cũng có nhiều vấn đề khiến việc thực hiện chiến lược công nghiệp văn hóa còn khó khăn trong đó có vấn đề sản xuất và phát hành phim.

Thực tế ghi nhận, đời sống điện ảnh nói riêng, nghệ thuật nói chung đã có nhiều đột phá nhờ khai thác triệt để các nguồn vốn từ công tác xã hội hóa, mở ra biên độ rộng lớn hơn cho nghệ thuật. Từ đó, kéo theo nhu cầu và thẩm mỹ nghệ thuật của công chúng cũng được nâng lên. Song, để có được một nền công nghiệp văn hóa thực thụ, trong đó diện ảnh nắm giữ vai trò chủ chốt vẫn còn là bài toán khó, bởi chỉ đường lối thôi chưa đủ mà cần những giải pháp căn cơ hơn về nguồn Quỹ phát triển điện ảnh; Về vấn đề thẩm định, kiểm duyệt phim trên truyền hình, trên môi trường số… vốn được xem là những thách thức không nhỏ đối với cả nhà quản lý và nhà sản xuất phim. Như đã nói ở trên, trước Phượng Khấu, Việt Nam có Vợ BaRòm xuất ngoại và “ẵm” được giải thưởng lớn, nhưng lại là những bộ phim không vượt qua được vòng kiểm duyệt của nhà quản lý. Ròm buộc phải chỉnh sửa, còn Vợ Ba cũng không được ra rạp do sử dụng diễn viên nhỏ tuổi đóng cảnh người lớn. Lý giải cho những số phận khác nhau của cùng một bộ phim  giới chuyên môn đã không ngần ngại chỉ ra rằng, đa phần những phim chiếu rạp, phim “xuất ngoại” có nhiều phiên bản và đôi khi phiên bản được gửi đến nhà quản lý xin cấp phép lại không phải phiên bản gốc, thậm chí khi phim đã được yêu cầu chỉnh sửa thì việc “lọt lưới” cảnh nóng, lời thoại thô vẫn còn, do công tác hậu kiểm chưa được thực hiện một cách rốt ráo, nếu như không muốn nói là còn bị buông lỏng. Vì vậy, công tác tiền kiểm và hậu kiểm phim cần được nhìn nhận lại, phải có những chế tài đủ mạnh không chỉ mang tính chất răn đe mà còn xử phạt nặng đối với những cá nhân, tổ chức, nhân danh điện ảnh để mưu cầu lợi ích, thông qua việc công chiếu những tác phẩm điện ảnh trái với thuần phong mỹ tục tại các hệ thống rạp hay trên môi trường số.

THỎA KHÁT VỌNG “VƯƠN RA BIỂN LỚN”

Thông thường, phim qua kiểm duyệt và được cơ quan có thẩm quyền chọn làm đại diện của điện ảnh Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế, mặc nhiên đều là  những bộ phim đã hội đủ những chuẩn mực được xem là “khuôn vàng thước ngọc” của điện ảnh (bao gồm: nghệ thuật tạo hình, thẩm mỹ và đỉnh cao là kho tàng văn hóa dân tộc vô cùng độc đáo của Việt Nam). Vì vậy, có thể tin chắc một điều, ngoài những khung hình mang vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, thông điệp mà những bộ phim được chọn làm đại diện nói trên còn là tính nhân văn sâu sắc, những giá trị sống đã làm nên hồn cốt dân tộc Việt Nam trải qua hàng ngàn năm lịch sử. Những giá trị ấy, qua phim ảnh đã giúp cho người dân trên thế giới hiểu thêm nhiều hơn về văn hóa Việt Nam, con người Việt Nam với những bước chuyển không chỉ phù hợp với thời cuộc mà còn thích ứng nhanh với hội nhập sâu rộng thế giới. Có thể điểm qua những bộ phim Đảo của dân ngụ cư, Hai Phượng; Cô Ba Sài Gòn... xuất ngoại trong thời gian qua với vô vàn những khen chê và cả những giải thưởng danh giá, để thấy đã và đang có sự giao thoa, đồng cảm trong tiếp nhận ngôn ngữ điện ảnh giữa Việt Nam và thế giới. Từ cái nhìn chân thực về thân phận của những kẻ ngụ cư đi tìm bến đỗ của cuộc đời mình với những khắc khoải cô đơn (Đảo của dân ngụ cư):  “Có những người chỉ gặp thoáng qua trong những chặng dừng chân nhưng họ sẽ thay đổi đời ta mãi mãi”, không chỉ là  thông điệp về những khát khao của tuổi trẻ Việt Nam mà còn là khát khao của tuổi trẻ trên toàn thế giới. Bởi với tuổi trẻ, chẳng có gì trên đời có thể giam cầm được khát khao yêu đương, sự tự do và nếu phải chết để đạt được tự do, chắc chắn họ cũng sẽ đánh đổi... Thông điệp đầy tính nhân văn đó đã bắt gặp những tư tưởng tiến bộ của nhân loại thế giới và nhanh chóng nhận được sự đồng cảm. Với bộ phim Phượng Khấu loạt phim cổ trang gói trọn văn hóa truyền thống Việt Nam lọt top 10 chương trình được quan tâm nhất châu Á trong năm 2020 cũng không là ngoại lệ. Những thước phim mang thông điệp nhân văn về con người, về văn hóa truyền thống của Việt Nam đã được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chuyển tải hết sức chân thực, dù đây là lĩnh vực được xem là khô, khó và thiếu những giáo trình đào tạo bài bản về làm phim cổ trang trong nước. Theo chia sẻ của đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, hiện Phượng Khấu đã được lên kế hoạch sản xuất phần hai. Đồng thời, bộ phim cũng nhận được lời mời tham gia công chiếu phục vụ người Việt ở các nước Đông Âu và châu Âu. Nhóm làm phim dự định sẽ chọn Cộng hòa Czech là nơi công chiếu đầu tiên kèm theo những show diễn giới thiệu về cổ phục và âm nhạc truyền thống Việt Nam. Sau buổi công chiếu phim, sẽ tổ chức giao lưu để Việt kiều và người dân bản xứ hiểu hơn về văn hóa Việt Nam và quan trọng là giới thiệu văn hóa Việt Nam với thế hệ thứ hai, thứ ba người Việt ở các nước châu Âu.

Mong muốn mang Việt Nam đi xa bằng niềm tự hào về văn hóa độc đáo trên con thuyền phim ảnh, giờ đây không chỉ nằm ở những quyết định trên giấy. Mà đã định hình qua những dự án dài hơi như Phượng Khấu hay những bộ phim đơn lẻ đại diện cho Việt Nam tham dự đấu trường quốc tế, đã và đang thổi bùng khát vọng xuất khẩu văn hóa mang thương hiệu “Made in Việt Nam”, có thể khác hoặc giống với cách những nền điện ảnh lớn trong khu vực và thế giới đang làm đang dần hiện hữu. Song, cũng phải thừa nhận, chinh phục thị trường điện ảnh thế giới là một con đường gian nan, đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ của từng nhà làm phim mà cần có sự chung tay góp sức của Nhà nước. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần từng chia sẻ: Một bộ phim “xuất khẩu” được phải có tính toàn cầu, tức là đề cập đến những vấn đề ai cũng có thể tiếp cận, như tình yêu, thù hận, chiến tranh, gia đình…”; còn nữ đạo diễn Ngô Thanh Vân cũng đưa ra những tiêu chí rạch ròi để phim Việt tiếp cận khán giả nước ngoài. Đó là câu chuyện kịch bản đơn giản, dễ hiểu, mang tính toàn cầu, nhưng vẫn mang đậm bản sắc Việt Nam, nhằm tạo sự tò mò, mong muốn khám phá nơi khán giả. Bên cạnh đó, phim phải đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế từ diễn xuất, bối cảnh, đến kỹ xảo, âm nhạc… Chính vì vậy, để tiếp sức cho phim Việt, tại Liên hoan phim Busan 2019, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam đã được chính thức ra mắt bạn bè quốc tế. Việc ra mắt Hiệp hội đã mang đến những kỳ vọng mới cho sự chuyển mình của điện ảnh Việt. Bởi nói gì thì nói, các hoạt động của hiệp hội trong thời gian tới cùng với sự hoàn thiện hơn của Luật Điện ảnh sẽ là một bệ đỡ vững chắc, giúp cho các nhà làm phim Việt Nam vươn ra thế giới một cách dễ dàng hơn, tự tin hơn.

Nguồn Văn nghệ số 9/2021


Có thể bạn quan tâm