March 28, 2024, 10:51 pm

Phiêu trên mặt trống đồng

Từ đâu đó, câu thơ “Có đứa trẻ chạm tay vào đấy. Bất chợt vang lên một tiếng gầm. Gió và chim và giấc ngủ giật mình cùng tán loạn. Trên mặt trống đồng, bay, trên mặt trống đồng” (Lam chướng) cứ ám ảnh tôi mỗi khi chợt nhớ đến Nguyễn Bình Phương. Lại có người nói muốn đọc được tiểu thuyết ma mị của Nguyễn Bình Phương hãy khởi đầu từ thơ của anh. Và tôi đã bắt gặp “Bày ngựa phi tím tái lưng trăng” (Canh Tý). Rất phê.

 Nhà văn Nguyễn Bình Phương

Đường dài mới biết ngựa hay

Ai cũng kêu sách của Nguyễn Bình Phương rất khó đọc. Đến như nhà văn gạo cội Bảo Ninh cũng nói khi đọc Mình và họ của Nguyễn Bình Phương rằng: “Là một tiểu thuyết rất không dễ đọc đối với tôi, nó thách thức lối đọc văn học xưa giờ tôi vẫn quen”. Chính nhà văn Nguyễn Bình Phương còn nói tiểu thuyết của anh rất kén người đọc. Nhưng theo tôi đã đọc được vào mạch văn đậm nét liêu trai của anh thì ai cũng rất mê. Bởi cách chơi cấu trúc tiểu thuyết của anh có những cung bậc khúc khuỷu nhưng nghệ thuật kể chuyện lai rất hấp dẫn. Nhà văn Bảo Ninh sau khi kêu là khó đọc thì ngay sau đó lại anh bộc bạch: “Song trang này tiếp trang khác, trường đoạn này qua trường đoạn khác, “Mình và họ” hoàn toàn chế ngự tôi… Một tiểu thuyết tuyệt vời đối với tôi từ đầu tới dòng chót cùng”. Nhưng quả đọc sách của Nguyễn Bình Phương không dễ. Hồn ma bóng quỷ luôn nhập vào những chương đoạn có yếu tố bất ngờ đã làm nhiều người giật mình. Lại nhớ chính vì những hồn ma đó trong một truyện ngắn mà anh đã gặp tai nạn văn chương đầu tiên. Và người không ai khác liên quan đến sự kiện lại là nhà văn Bảo Ninh.

Nhớ lại ngày ấy, một lần Nguyễn Bình Phương đạp xe đi lang thang vọt qua cổng báo Văn nghệ ở 17 Trần Quốc Toản thì gặp nhà văn Bảo Ninh gọi giật lại. Khi đó nhà văn Bảo Ninh đang biên tập truyện ngắn cho tờ Văn nghệ trẻ. Anh hỏi Nguyễn Bình Phương có truyện ngắn nào đưa ngay để chữa cháy cho một truyện ngắn vừa bị gác lại. Vậy là Nguyễn Bình Phương đưa truyện ngắn Đi. Bảo Ninh sau khi biên tập đã đưa duyệt. Báo in ra nhưng ngay lập tức có dư luận không hay. Nguyễn Bình Phương bị kiểm điểm… Một lần gặp Nguyễn Bình Phương, tôi hỏi tai nạn đó xảy ra vào thời gian nào thì chính anh không nhớ cụ thể số báo (bị thu hồi) mà nói là vào năm 2000. Nhưng anh rất nhớ tin sét đánh đó ập đến đúng vào ngày mình cưới vợ… Truyện ngắn “dính tội” chỉ bởi một câu nói đưa tiễn khi người chiến sĩ lên đường, bị suy diễn một cách trớ trêu vào thời điểm chính trị quốc tế năm đó. Cả tuần trăng mật của anh bị chìm ngỉm trong những buổi làm kiểm điểm và nhận kỷ luật. Đó là tai nạn nhớ đời về con ma đầu tiên của Nguyễn Bình Phương trong văn chương. Biết sao được. Tai nạn từ trên trời rơi xuống. Bó tay!

Tiểu thuyết Mình và họ của anh cũng bị không ít các nhà xuất bản ở trong nước từ chối. Nguyễn Bình Phương nói anh viết xong tác phẩm vào năm 2010 mời chào mãi mới có một nhà in bên Mỹ xuất bản (2011). Nhưng tiểu thuyết đã đổi tên Xe lên, xe xuống. Mãi tới ba năm sau nhà xuất bản Trẻ đã mạnh dạn quyết định in với cái tên chính thức Mình và họ (2014). Tuy vậy sự lận đận của tiểu thuyết này cũng không sánh được với gian nan của tác phẩm Thoạt kỳ thủy. Đó cũng là một kỷ lục cho một tác phẩm bị tới hơn 20 nhà xuất bản trong nước từ chối. Nguyễn Bình Phương tâm sự thậm chí đưa xuống nhà xuất bản Hải Phòng cũng bị trả lại. Vậy là dòng dã vòng quanh tới 9 năm mới được nhà xuất bản Hội Nhà văn cho duyệt in  năm 2004. Người biên tập là nhà văn Tạ Duy Anh. Vậy ra người ta vẫn sợ những va đập của ma quái, điên và tội ác. Tiểu thuyết Thoạt kỳ thủy tuy có sự gào thét của điên rồ hay chết lịm của mộng mị nhưng không có những cái dữ dội và khốc liệt trong câu chuyện ma của Mình và họ.

Nguyễn Bình Phương có lần kể với tôi về nguyên cớ khi viết Mình và họ. Đó là câu chuyện về một tội ác của một cô gái trong đường dây buôn ma túy. Cô ta tên là Trang đã cho đổ xăng đốt lửa, giết chết kẻ đồng lõa với mình vì nghi kỵ lẫn nhau. Vụ án này có thật trong bài viết trên báo An ninh Thế giới (phụ bản báo Công An nhân dân). Nguyễn Bình Phương nói nhìn ảnh cô Trang đó rất xinh đẹp. Nhưng không ngờ dưới một nhan sắc xinh tươi ấy là ẩn chứa một thú tính dữ tợn. Hành động bạo lực ấy được coi là một tương phản làm rung động trái tim nhà văn. Nguyễn Bình Phương khai thác câu chuyện ở một cấp độ xã hội sâu sắc. Anh kết hợp hai tuyến nhân vật với những câu chuyện đan chéo nhau đầy kỳ dị. Một câu chuyện về chiến tranh hay tiễu phỉ xen lẫn vụ án thiêu xác người. Chúng được kể trong một vòng của chuyến xe lên vùng rừng núi đông bắc. Khi đi lên núi và khi xuống núi. Thời gian khép kín trong vòng vài ngày. Chuyến xe lên với những hiện thực của những ký ức đan xen. Còn với chuyến đi xuống là sự ám ảnh của một hồn ma cặp kè tham gia và câu chuyện.

Giữa hồn ma và người thật vờn nhau bổ sung cho nhau thể hiện đúng góc nhìn của tác giả về bạo lực, tội ác và lương tri của con người. Nghệ thuật kể chuyện của tác giả có nhiều cung bậc khi thì ám ảnh đến ghê rợn và khi lại buồn tủi nghẹn ngào về thân phận con người. Bạo lực và cái ác bị tác giả soi rọi và lên án dữ dội. Xung quanh những nhân vật như: “Chú”, “Cậu”, “Hắn”, “Anh” (anh của nhân vật Hiếu - hay xưng “mình” đậm đặc những sinh tử, oán hận và bạo lực. Nhà văn đã truy tìm và rất lạnh lùng trong cách nhìn để miêu tả làm người đọc sôi sục và quặn thắt cõi lòng. Chính vì góc nhìn sắc sảo và nghệ thuật “trình diễn sắp đặt” các tình huống và không khí lạnh lùng ma quái của tác giả đã hấp dẫn người đọc. Thành công của tác giả đã đoạt giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội cho tác phẩm “Mình và họ” (sách đã được tái bản năm 2019).

Xa xăm gõ cửa

Thực ra nhà văn Nguyễn Bình Phương có lần tự xác định mình còn là nhà thơ. Bởi tác phẩm văn học đầu tiên của anh là tập thơ Lam chướng in năm 1992. Khi đó anh vừa tròn 27 tuổi (sinh năm 1965 “Ất Tỵ”). Trong một bài thơ anh đã viết ngày ra đời của mình đẫm chất hoang dã: “Con rắn mào rời núi. Một chú bé ra đời cười sằng sặc. Lăn hai vòng. Rồi đi. Đêm ấy gái làng nhìn trăng buồn rượi. Đêm ấy đám người điên. Khơi lên ngọn lửa hoang lạnh lẽo. Đêm ấy những hàng cây đại thụ. Long rễ và héo rũ” (Khách của trần gian - Trường ca-1996). Cho đến nay Nguyễn Bình Phương có tới 6 tập thơ bên cạnh 9 tiểu thuyết đã phát hành. Bạn đọc đã đón nhận anh từ cả hai lĩnh vực. Dường như thơ đã phần nào phản ánh từ sớm phong cách nghệ thuật văn chương của anh. Đó là tính huyền ảo trong hình ảnh hiện thực thơ ca. Rất mơ màng phiêu du. Đậm chất kỳ bí. Đó là những khúc ru: “Ngủ chưa người cái nhớ thắp đầy sân. Cái nhớ đội tán sen vàng ngày hạ” (Lam Chướng). Nhưng có lẽ tới tập thơ Buổi câu hững hờ (2011) đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội (2012), Nguyễn Bình Phương mới tỏ rõ chân dung thơ của mình hơn. Đây là một trong ba giải thưởng văn học của anh. Chúng ta có thể gặp 37 thi phẩm của Buổi câu hững hờ trong tuyển tập thơ Nguyễn Bình Phương (in năm 2014).

Nguyễn Bình Phương đã có lần tâm sự với tôi về sự ảnh hưởng của thơ tới tiểu thuyết của chính anh. Đó là sự huyền ảo đậm chất tâm linh. Thơ là thiền tự soi rọi lại bản thân và khám phá thế giới tâm hồn mình. Chính vì thế có lần anh đã tự ngộ rằng: “Tôi từng nghĩ, trong cả thơ và văn của tôi dường như có một con ma nào đó”. Hiện nay anh vẫn làm thơ và đặc biệt rất thuộc thơ mình cho dù đã viết cách đây chừng 20 năm. Có lần tôi đố anh đọc hoàn chỉnh bài Buổi câu hững hờ rất trúc trắc và ngưng ngắt liên tục. Không ngờ tôi chào thua khi theo dõi sách để kiểm tra văn bản. Và cũng từ đó tôi thấy phê những câu thơ ảo diệu của anh như: “Con mắt câu giọt sương. Cái cây ấy long lanh toàn mộng”. Hay những câu thơ đã găm vào trí nhớ của tôi: “Nước câu mặt trời. Mặt trời câu gió”; Hoặc có đoạn khá mộng mị: “Người chán nản câu cơn giông. Lũ trẻ online câu hy vọng…”. Toàn chữ bình dị những đã lập tứ tạo hình ảo là thế.

Điều thú vị với những đề tài hoặc đầu bài tưởng như rất nhẹ thậm chí đến đơn giản như Ngoài cuộc, Chào hàng, Không phân biệt hay như Phân chim, Quanh quanh, Miêu tả những ngày mưa… Nhưng tâm hồn thi sĩ Nguyễn Bình Phương đã tạo nên cõi thơ riêng biệt. Đó là những cơn lên đồng với thanh điệu “Văn” khắc khoải và say đắm. Đó là “giá đồng” mộng mị như: “Ngờ như những lời ngang ngửa. Đã xanh rêu với u huyền. Những ánh bay ngọt lừ không còn mùa đưa tiễn. Chiều ra ngả bóng làm chi” (Bài thơ này đang ốm). Nhà thơ đã biết khai thác từ những gì đơn giản nhất nhưng đều ẩn chứa tâm trạng về nỗi đời: “Tôi cắt tóc. Buông lơi. Khuôn mặt ngoài mùa hạ. Sau bức tường kia sự thật đã già” (Cắt tóc). Đặc biệt trong Bài thơ cũ bạn đọc lại thấy nét hiện đại và tư duy nhân văn sâu sắc của Nguyễn Bình Phương. Anh viết: “Ta sinh ra cô đơn. Giờ cô đơn đã cũ. Ta trưởng thành bởi sợ hãi. Sợ hãi cũng cũ rồi”. Hay nói về cuộc đời con người, anh có những câu thơ trĩu nặng tâm tư: “Số phận già như trời. Lọm khọm đi giữa công viên đầy nắng. Nắng có gì hay hớm nữa đâu”. Dường như nhà thơ muốn kìm nén mọi cảm xúc tuôn trào mà chỉ kể và vẽ lên những hình ảnh khắc sâu vào tâm trạng người đọc. Đúng như phong cách viết tiểu thuyết của anh. Nguyễn Bình Phương muốn dành cho người đọc bước vào ma trận hình họa mà hét lên và yêu ghét những gì trong thế giới hồn ma bóng quỷ của mình. Phải chăng, đó chính là mục đích văn học của Nguyễn Bình Phương.

Vĩ thanh

Những thành công của Nguyễn Bình Phương đã thể hiện sự lao động nghiêm túc và hết sức coi trọng bạn đọc. Trong không ít cuốn sách anh đã đề ngày viết và ngày hoàn thành cách nhau chừng vài ba năm. Anh tâm sự thường một cuốn sách viết trong một năm thì phải sửa ít nhất hai năm mới hoàn thành theo ý mình. Khi đó mới cho xuất bản. Thậm chí có cuốn như Kể xong rồi đi, Nguyễn Bình Phương phải sửa đến lần thứ tư. Nhiều phần phải dỡ ra viết lại. Tác phẩm trong 4 năm mới tới tay bạn đọc. Anh cho tôi xem một số bản thảo viết tay khoảng đầu thập kỷ 90 mới thấy đáng nể trọng. Trang nào cũng chữa dầy đặc những nét mực xanh mực đỏ. Gần như chương đoạn nào đọc lên chưa sướng tai, không nhập hình trong liên tưởng là anh viết lại. Chữ của anh luôn tạo hình như thơ là vì vậy. Câu văn của Nguyễn Bình Phương cũng ngắn gọn như thơ chứ ít khi dùng nhiều mệnh đề. Hệt như những câu thơ cô đọng: “Hai đứa trẻ vò tai tôi sung sướng. Ngân nga ba đứa ba quả chuông” (Chơi với con).

Chính vì thế trong Mình và họ nhà văn đã dành cho những câu đối thoại, độc thoại tự bật ra tính cách nhân vật hay tình huống của câu chuyện trong chuyến xe lên, xe xuống. Bởi hồn ma đâu có nói dài mà buông vào cõi hư vô với những oán hờn, dận giữ và đau khổ vì tội ác. Tôi chợt nhớ đến những câu thơ thú vị đẫm chất văn xuôi mà ta đã gặp ở đâu đó trong bất kỳ tiểu thuyết nào của Nguyễn Bình Phương. Khi anh viết: “Họ nhổ nước bọt lên buồn đau, họ di chân vào hy vọng. Họ ăn nhẩn nha, nói nhẩn nha làm tình thì hối hả vì họ biết không ở đây được nữa” (Những cư dân vùng châu thổ sông Hồng). Và đọng lại trong tôi những câu thơ đã hóa thạch của anh: “Trong thanh gươm đã có sẵn nụ cười. Trong những nụ cười vô vàn gươm sắc” (Tượng đá cầm gươm). Tôi đã hình dung Nguyễn Bình Phương chính là một thanh gươm.

Nguồn Văn nghệ số 6+7+8/2021

 

  

                               

 


Có thể bạn quan tâm