April 20, 2024, 11:31 pm

Phê bình sinh thái qua một số tác phẩm thơ đương đại

1.

Trong kỷ nguyên hiện đại, đồng hành với các ngành khoa học phát triển là nền kinh tế tăng trưởng, nhờ đó chất lượng sống của con người được nâng cao, nhưng cái giá của sự phát triển và thách thức mang tính toàn cầu là môi trường sống ngày càng bị tàn phá, nhân loại đang đứng trước nhiều mối đe dọa từ thời tiết khí hậu, nguồn thực phẩm, bệnh tật, thiên tai… Vấn đề môi sinh là trở thành sống còn và là mối quan tâm hàng đầu của các ngành khoa học. Văn chương cũng cùng chung sứ mệnh, nên từ nửa cuối thế kỷ XX, trên thế giới xuất hiện xu hướng sáng tác mới: Văn học sinh thái và ngành phê bình sinh thái được ra đời.

Hòa với dòng chảy văn chương nhân loại, Việt Nam cũng xuất hiện văn chương sinh thái và phê bình sinh thái. Tuy còn khá non trẻ nhưng xu hướng văn học này đã gặt hái một số thành tựu đáng quý và cần có nhiều động lực thúc đẩy để nó phát triển phục vụ cộng đồng. Văn học sinh thái đã xuất hiện trong các thể loại nhưng kịch thì còn ít ỏi. Truyện đã có các tác giả nổi bật: Nguyễn Ngọc Tư, Võ Diệu Thanh, Trần Duy Phiên… thơ thì có Mai Văn Phấn, Đặng Bá Tiến, Đỗ Hồng Ngọc, Trần Anh Thái, Nguyễn Văn Toan…

Tác phẩm văn học sinh thái lấy tự nhiên làm đối tượng trung tâm, quan tâm đến số phận của nó ảnh hưởng đến con người và con người ảnh hưởng đến tự nhiên, phơi bày thực trạng để lên tiếng cảnh báo và đánh động ý thức bảo vệ tự nhiên. Một tác phẩm có thể không có hình tượng tự nhiên nhưng có góc nhìn sinh thái, tư tưởng sinh thái thì vẫn xem là văn học sinh thái. Tư tưởng ấy là trách nhiệm sinh thái, phân tích căn nguyên đạo đức phản sinh thái; nhìn nhận sinh thái là một giá trị ngang hàng với các giá trị con người… nói chung là lý tưởng sinh thái.

2.

Nhà phê bình sinh thái hàng đầu Cheryll Glotfelty nói: “Phê bình sinh thái là phê bình bàn về mối quan hệ giữa văn học và tự nhiên… Phê bình sinh thái mang đến phương pháp tiếp cận trái đất là trung tâm (earth-centered approach) để nghiên cứu văn học”. Nguyên tắc của phê bình sinh thái là lấy chủ nghĩa chỉnh thể sinh thái làm tư tưởng chủ đạo và lập trường là đạo đức sinh thái, nhìn thế giới tự nhiên trong văn bản bằng ý thức sinh thái. Phê bình sinh thái thực chất là phê bình đạo đức sinh thái. Môi trường bị phá họai là do hệ thống đạo đức của con người, trách nhiệm bảo vệ môi trường còn bị xem nhẹ, từ cá nhân, tổ chức đến chính phủ. Hệ thống luật pháp chưa đủ tính răn đe trước hành động khai thác tài nguyên vượt mức cho phép. Do đó văn học sinh thái cần bồi dưỡng, khơi dậy năng lực sinh thái nhân văn trong cộng đồng.

Đề tài chính của văn chương sinh thái là thiên nhiên – môi trường. Thiên nhiên đã xuất hiện từ lâu trong văn chương nhưng đó là đối tượng thẩm mỹ, cái hình xác bên ngoài, nếu có sự sống, linh hồn riêng thì vẫn chưa quan hệ tương sinh với con người như trong văn chương sinh thái. Phần lớn thiên nhiên trong thơ cũ là hình tượng ẩn dụ, là đối thể trữ tình theo quan niệm Thiên – Nhân nhất thể của văn hóa phương Đông. Có khi thiên nhiên chuyển sang sinh thái tinh thần cho con người nương náu ẩn dật hay là một môi trường khắc nghiệt trong thế giới vô tri. Còn thiên nhiên trong văn chương sinh thái là hình tượng độc lập, được khám phá với sự sống riêng, những vận động nội tại riêng, chuẩn thẩm mỹ riêng mà không lệ thuộc vào ý chí con người: Thần rừng không bao giờ ngủ (Nguyễn Văn Toan) và Trái đất cũng biết rùng mình (Đỗ Hồng Ngọc). Trong thơ Trần Anh Thái, khi con người bổ chiếc rìu vào đất để khai phá thiên nhiên vì sự sinh tồn của nòi giống thì biển thức giấc gào lên giận dữ: “Sóng gào biển động”; “Sóng gió bập bùng”; “Sóng đổ dưới chân người tê buốt”. Có thể nói tri thức khoa học liên ngành giúp nhà thơ có cái nhìn mới về thiên nhiên, hình tượng thiên nhiên có sự sống riêng, đã và đang nổi loạn trước sự tàn phá của con người, khác hẳn với loại thiên nhiên vô tri khắc nghiệt của thơ xưa. Trong đề tài sinh thái, thiên nhiên là một chủ thể tự biểu hiện: rừng, biển, sông, núi, cây cỏ… Chúng bị tàn phá nên luôn ở trong trạng thái nổi giận và báo ứng thầm lặng mà dữ dằn. Mai Văn Phấn cho rằng: “Mục đích của thi ca là tạo lập một từ trường, để trong không gian đặc biệt ấy, tất cả từ đồ vật đến linh hồn đều được cất tiếng nói, được công bằng như nhau trong một trật tự mới”. Do đó, nhà văn là người nói hộ cho tự nhiên và thay lời cho nhà khoa học: Trái đất cũng đang rùng mình tự hỏi vì sao những ngọn núi cứ triền miên đổ sập? Là vì mũi đao cứ xoáy sâu vào lòng đất (Đỗ Hồng Ngọc) và tất nhiên cũng là do rừng bị phá, núi đồi bị trọc hóa.

Một số tác phẩm còn theo thi pháp cũ thì thiên nhiên trong thơ sinh thái là đối thể trữ tình, cái tôi chủ thể cảm nhận sinh thái bị phá vỡ với niềm cảm thông sâu xa, những đau đớn, lo âu khắc khoải để truyền đi thông điệp về tai họa môi trường: Xin đổi kiếp này – Nguyễn Bích Ngân, Chiều trên dòng Vu Gia – Nguyên Cẩn, Tiếng tù-và Ma Kông – Đặng Bá Tiến... Và tự nhiên vẫn được thể hiện là một sinh thể riêng có linh hồn riêng cần tôn trọng.

Từ đề tài cho thấy chủ đề sinh thái là thái độ quan tâm, tôn trọng môi trường – trái đất, là phải nhận thức con người với trái đất song hành quyền lợi và tồn tại: Ta nương tựa vào nhau/ Nay đã có vẻ đã không cần nhau nữa! / Đất rùng mình phận đất…/ Người rùng mình phận người… (Đỗ Hồng Ngọc). Do đó khi mất cân bằng sinh thái thì môi trường rất nguy hiểm. Cảm hứng cơ bản của thơ sinh thái là cảm hứng phê phán. Phê phán thói cẩu thả, vô đạo, vô ơn của con người gây nên thảm họa sinh thái. Bao nhiêu cảm xúc giận dữ, ai oán, đau đớn, dằn vặt, buồn thương xa xót đã bật lên: Rừng xưa, giờ đã về đâu/ Hỏi ai đây giữa ngàn lau bạc đầu? / Ngàn lau xao xác u sầu: Rừng xưa đã hóa nỗi đau nhân tình… (Đặng Bá Tiến). Nhưng tất cả đều dồn vào chiếc túi phê phán: Người rùng mình hỏi vì sao động đất sóng thần cứ triền miên hết ngày này sang ngày khác/ Vì sao núi lửa cứ phun trào? (Đỗ Hồng Ngọc).

Từ cảm hứng và chủ đề, thơ sinh thái nói riêng và văn chương sinh thái nói chung góp tiếng nói phản biện để lay gọi, thức tỉnh thái độ, thay đổi tư duy của con người về môi trường.

Có thể nêu vài nét về thi pháp thơ sinh thái qua các bài thơ tiêu biểu. Không gian nghệ thuật sinh thái là không gian hẹp. Cho dù biển cả mênh mông nhưng cá vẫn chết hàng loạt vì ô nhiễm hóa chất và rác thải; rừng bị thu hẹp dần, núi lở lói nên bầy nai ngơ ngác vì bị đẩy ra khỏi môi trường của nó: Lời tha thiết vọng từ thăm thẳm núi/ Bầy hươu sao tán loạn chạy trên đồng (Nguyên Cẩn); nhiều không gian sinh thái tự nhiên chỉ còn trong nỗi nhớ xa xăm: … Còn đâu điệu múa xòe của những bầy công/ cánh rừng bên sông chỉ còn đất trống/ lau phơ phất một mầu tang trắng/ hồn cẩm, hương… cũng hết gốc nương nhờ/ Nơi đàn voi quần tụ dưới trăng mơ/ giơ những đống xương khô tàn lạnh/ mùa săn voi chỉ còn ảo ảnh/ trong hoài niệm hằng đêm lại vỗ cánh bay về (Đặng Bá Tiến). Không gian hẹp này cũng là không gian ô nhiễm, bức bách, phản ánh thế giới sinh thái trên đà rạn vỡ gần như không thể cứu vãn. Từ đó ảnh chiếu về sự sa đọa đạo đức con người: Nhoài lên mỏm đá sắc/ Thân thể gió trầy xước/ Máu của gió là mưa/ Nắng nhỏ xuống/ Núi cuốn nụ hôn lên cao/ Cụm mây xám đúc thành khối/ (Mai Văn Phấn). Bầu khí quyển ô nhiễm đến mức gió đi ngang qua, cọ xát bị thương rồi thổ huyết. Núi đá trần trụi lạnh lùng chém bất cứ vật gì bay ngang qua và dần hóa thành núi lửa phun khói độc muôn đời không tan. Hình tượng vận động thật khốc liệt, đầy dự báo.

Hệ quả của không gian tự nhiên ấy đẩy không gian con người cũng bó hẹp trong bốn bức tường bê tông, cả cộng đồng được dồn sống trong những tổ ong được gọi là những tòa chung cư chọc trời: khói bụi ngày đêm, ngột ngạt trưa hè (Nguyễn Bích Ngân). Cấu trúc sinh thái hài hòa với con người bị phá vỡ. Vì thương nhớ môi trường nên con người nghĩ ra cảnh giả, biển giả, ao giả, cây giả… nhưng làm sao thay thế. Con người đô thị thật tội nghiệp. Những tiện nghi vật chất có cứu sống muôn loài, những viên thuốc kháng sinh có thay thế mật ong rừng? Bên cạnh ấy còn có không gian tinh thần - không gian tâm hồn thi nhân. Được kết nối và cảm thông với sinh thái nên không gian tinh thần, nếu không ngột ngạt như lời con hổ trong vườn bách thú (Nhớ rừng, Thế Lữ) thì cũng trống rỗng: Bầy thây ma nhảy múa man dại quanh thần/ Người chỉ còn một mình trên đỉnh ngôi nhà hoang tàn (Nguyễn Văn Toan).

Chú ý đến không gian sinh thái nên thời gian nghệ thuật gần như vắng bóng, nếu có chỉ là một thời gian quá khứ giả định, thời gian hồi niệm lấp lánh những hình ảnh mỹ lệ; nó được nhắc đến để đối chiếu với thời gian hiện tại, do đó thời gian nghệ thuật thơ sinh thái là phi thời gian hay đồng chất với không gian.

Nếu cái tôi của Phong trào Thơ Mới (1932-1942) là cái tôi hướng nội thì cái tôi trong thơ sinh thái là hướng ngoại. Một cái tôi mở rộng các giác quan để thấu cảm với muôn loài (Nguyễn Bích Ngân…), cái tôi trải ra không gian ba chiều để lắng nghe gió rít, núi thở, sông than (Mai Văn Phấn, Trần Anh Thái, Đỗ Hồng Ngọc…). Nhờ tư tưởng sinh thái nâng đỡ mà cái tôi lớn lao, mang tầm vóc thời đại. Do cảm hứng phê phán nên các tác phẩm thường đượm chất bi ca, dư âm của mỗi tác phẩm là nỗi buồn thương khắc khoải, là niềm sám hối của lương tri con người. Chất bi ca này biểu hiện qua những hình ảnh sống động giầu tính biểu tượng: đồng ngập mặn, triều cường, núi lửa, sóng thần, cơn mưa đen, mưa máu… dội lên từng hình ảnh sinh thái là một niềm đau nhức nhối để từ đó bật lên tiếng nói của khát vọng gìn giữ, bảo vệ môi sinh. Chất bi ca còn biểu hiện qua giọng điệu. Mỗi tác giả có một giọng điệu riêng nhưng điệu hồn chung là buồn tha thiết như Đặng Bá Tiến và Nguyên Cẩn: Biết nói gì cho con khi tắt niềm vui/ Dòng điện sáng là rừng xưa vĩnh biệt/ Lời tha thiết vọng từ thăm thẳm núi/ Bầy hươu sao tán loạn chạy trên đồng/ Đêm qua ai khóc - không chỉ một dòng sông (Nguyên Cẩn). Giọng điệu buồn đau đắng đót ấy đã phản ánh thời đại bi kịch của chúng ta: khoa học phát triển nhưng bệnh tật thì có vẻ nhiều hơn, thậm chí bị trẻ hóa; mặc dù đã được y tế kiểm soát tốt hơn.

Thông điệp của văn học sinh thái có ý nghĩa giáo dục bằng con đường phản cảm. Nó cất lên tiếng nói đánh động ý thức, thay đổi quan niệm về sinh thái để cân bằng và bảo vệ sinh thái cấp bách.

3.

Cũng như văn xuôi sinh thái, thơ ca sinh thái đã xuất hiện tại Việt Nam gần ba thập niên trở lại đây, đạt được những thành tựu cơ bản về nội dung tư tưởng song về thi tứ và bút pháp thì vẫn còn vận động theo quỹ đạo của thơ ca nói chung, chưa thật rõ rệt hoặc nổi bật sắc thái; do đó, khả năng lôi cuốn độc giả còn hạn chế. Văn chương sinh thái đang thực hiện chức năng xã hội rất lớn, nó cùng đấu tranh bảo vệ môi trường cũng chính là bảo vệ ngôi nhà của chúng ta, bảo vệ tuổi thọ của trái đất.

Nguồn Văn nghệ số 08/2020


Có thể bạn quan tâm