April 25, 2024, 8:00 pm

Phát triển du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa

Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, Thanh Hóa đẩy mạnh khai thác, phát triển đa dạng sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, từng bước tạo dựng dấu ấn riêng ở mỗi sản phẩm, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế. Trong đó, du lịch cộng đồng được tỉnh Thanh Hóa, các địa phương ở nhiều huyện miền núi, bà con dân tộc thiểu số rất chú trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội.

 

Bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước là một trong những bản làm du lịch cộng đồng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.

 

Pù Luông, điểm nhấn trong phát triển du lịch cộng đồng.

Pù Luông cách thành phố Thanh Hoá khoảng 130 km về phía Tây Bắc, cách Hà Nội khoảng 210 km bao gồm các phần đất thuộc 5 xã huyện Quan Hoá là: Phú Lệ, Phú Xuân, Thanh Xuân, Hồi Xuân, Phú Nghiêm và 5 xã huyện Bá Thước là: Thành Sơn, Thành Lâm, Cổ Lũng, Lũng Cao và xã Ban Công. Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với diện tích 17.662 ha, gồm 13.320 ha phân khu bảo vệ nghiêm ngặt và 4.343 ha phân khu phục hồi sinh thái. Pù Luông là tên gọi của đồng bào dân tộc Thái có nghĩa là đỉnh núi cao nhất trong vùng.

Pù Luông cách vườn quốc gia Cúc Phương 25 km, được nối liền với phần đuôi của vườn quốc gia Cúc Phương bằng hai dãy núi đá vôi màu xám chạy song song. Ở giữa là những thung lũng lúa. Phía bắc và đông bắc của khu bảo tồn Pù Luông giáp các huyện Mai Châu, Tân Lạc và Lạc Sơn của tỉnh Hòa Bình. Kéo dài từ phía tây xuống phía nam của khu bảo tồn là dòng sông Mã, từ điểm giáp giới của huyện Quan Hóa với huyện Mai Châu (tỉnh Hòa Bình) qua khu vực thị trấn Quan Hóa xuống gần thị trấn Cành Nàng (Bá Thước). Pù Luông đẹp nhất vào tháng 9 và tháng 10, hai tháng này là thời điểm Pù Luông bước vào mùa lúa chín, tất cả các khu ruộng bậc thang bên sườn đồi sẽ chuyển sang màu vàng rực rỡ, khiến cho Pù Luông mang một vẻ đẹp trù phú và mơ mộng.

Với vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng biệt của mình, khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đang dần trở thành khu du lịch phát triển của tỉnh. Ngày càng có nhiều du khách đến khám phá thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, Mường, được nghỉ chân tại chính những ngôi nhà mà người dân sinh sống. Nắm bắt cơ hội này, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm homestay đón khách. Những homestay của người dân trên đại ngàn Pù Luông với vẻ đẹp và sự độc đáo ngày càng thu hút du khách đến đông hơn, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây.

Với lợi thế thiên nhiên sẵn có, Pù Luông tập trung khai thác, chào bán các sản phẩm nghỉ dưỡng vùng núi, du lịch sinh thái núi, du lịch cộng đồng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông và hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng... Để phát triển sản phẩm du lịch toàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Hy vọng một tương lai gần địa danh Pù Luông sẽ có trên bản đồ du lịch toàn cầu, là điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng người dân thân thiện, hiếu khách.

 

Phụ nữ dân tộc Thái, xã Nam Xuân, huyện Quan Hóa duy trì nghề dệt thổ cẩm, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống, thúc đẩy du lịch phát triển

 

Đánh thức tiềm năng du lịch cộng đồng ở miền Tây Thanh Hóa

Nếu Pù Luông là điểm nhấn ấn tượng du lịch cộng đồng ở Thanh Hóa thì bản Ngàm xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn lại mang một vẻ đẹp đặc sắc riêng. Bản Ngàm bắt đầu xây dựng bản văn hóa cấp tỉnh từ năm 1998 và được công nhận năm 2000. Đây cũng là bản nông thôn mới kiểu mẫu của xã. Bản được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh năm 2019, có nhiều điều kiện thuận lợi trong phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng. Bản Ngàm có 75 hộ, 386 khẩu, hầu hết là đồng bào dân tộc Thái. Cả bản có 20 hộ làm du lịch. Nằm bên con sông Luồng thơ mộng và hùng vĩ, bản Ngàm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, xứ sở của những điệu xòe, điệu khặp Thái dặt dìu uyển chuyển. Nơi đây vẫn giữ được những ngôi nhà sàn bề thế, với kiến trúc truyền thống. Đến với bản Ngàm, du khách sẽ được khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân địa phương, thông qua các món ẩm thực mới lạ và các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ hấp dẫn với cư dân nơi đây. Đặc biệt, du khách sẽ được nghỉ ngơi thư giãn, tắm mó nước dẫn từ đầu nguồn khe suối, hay xuôi bè đánh cá trên sông Luồng, tận hưởng nét độc đáo trong cuộc sống của đồng bào Thái, cùng nghỉ ngơi trong ngôi nhà sàn rộng rãi với chăn, đệm sạch sẽ, thơm tho do chính đồng bào làm ra.

Theo hướng Quốc lộ 217, chúng tôi đến mảnh đất Sơn Thủy, huyện Quan Sơn. Nơi đây nổi tiếng với danh lam - thắng cảnh động Bo Cúng, lễ hội Mường Xia gắn với vị tướng quân Tư Mã Hai Đào, có núi Pha Dùa quanh năm mây mù bao phủ gắn với câu chuyện tình đẹp của đôi trai gái mảnh đất Mường Xia xưa. Mường Xia - Mường Chu Sàn bao gồm 2 xã Sơn Thủy và Na Mèo ngày nay - là một trong những Mường lớn của dân tộc Thái nằm ở khu vực biên giới phía Tây tỉnh Thanh Hóa. Tương truyền vùng đất Sơn Thủy ngày nay chính là nơi giao thoa giữa dòng suối Xia bắt nguồn từ nước bạn Lào, chảy men theo các chân núi đá thơ mộng, len lỏi qua đồi, qua núi chảy về hòa nhập vào con sông Luồng tạo nên vùng ngã ba sông suối - là nơi sầm uất nhất, trung tâm của đất Mường Chu Sàn. Được thiên nhiên ưu đãi cho vùng danh thắng kỳ vĩ, đất đai trù phú, con người nhân hậu, hiền hòa nên mọi dòng họ, gia đình đều sống bên nhau đoàn kết, cùng nhau xây dựng bản làng ngày một ấm no.

Sau lời giới thiệu về mảnh đất và con người nơi đây, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy Lữ Văn Tiên và anh Huân, văn phòng UBND xã, đưa chúng tôi vào thăm động Bo Cúng. Động nằm trên địa bàn bản Chanh, xã Sơn Thủy. Từ lâu động Bo Cúng được biết đến là điểm đến du lịch hấp dẫn du khách trên hành trình ngược ngàn đến với mảnh đất phía Tây xứ Thanh. Để tạo thuận lợi cho nhân dân và du khách khám phá động Bo Cúng, cây cầu bắc qua suối Xỉa vào động đã hoàn thiện. Anh Huân, cán bộ văn phòng UBND xã Sơn Thủy cho biết, Bo Cúng có nghĩa là Mó Tôm. Phía dưới động gần suối Xia là mạch nước từ trong động chảy ra, nơi đó nước trong vắt và trước đây người dân bắt được rất nhiều tôm nên động Bo Cúng cũng được người dân quen gọi từ đó. Giữa thiên nhiên hùng vĩ, bước trên những bậc đá chúng tôi đến trước cửa động Bo Cúng. Ngay lối vào hang, dòng chữ động Bo Cúng được khắc trên tảng đá đem đến cảm giác hồi hộp, tò mò cho người đi. Lách qua cửa động hẹp, vào bên trong khoảng 10m xuôi theo những bậc thang với độ sâu chừng 5m người đi bắt gặp một khoảng không gian rộng phía trước và dưới ánh đèn điện chiếu sáng, tôi choáng ngợp trước vẻ đẹp của những nhũ đá với hình thù sinh động, hình khối khác nhau. Anh Huân nói rằng, động Bo Cúng có chiều dài khoảng 1km. Động Bo Cúng được một người thợ săn ở bản Chanh phát hiện. Động Bo Cúng được công nhận danh lam - thắng cảnh cấp tỉnh. Sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, các hoạt động du lịch cũng đã phục hồi trở lại, động Bo Cúng là điểm nhấn trong phát triển du lịch ở Sơn Thủy.

Hành trình trên mảnh đất Sơn Thủy, chúng tôi ghé thăm đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào - người có công lập ấp, trấn giữ nơi vùng biên. Nơi đây gắn với Lễ hội Mường Xia diễn ra vào đầu tháng 2 âm lịch mang đậm nét văn hóa tín ngưỡng, tâm linh, là dịp gặp gỡ, giao lưu thắt chặt thêm tình đoàn kết của cộng đồng dân tộc gắn với nhiều trò chơi, trò diễn như tung còn, khua luống, thi đấu bóng chuyền...; thưởng thức ẩm thực cộng đồng các dân tộc nơi đây như canh uôi, cá nướng, măng rừng, cơm lam, cá chua, rượu cần, mật ong rừng.

Không chỉ Pù Luông (Bá Thước), bản Ngàm, Sơn Điện hay vùng biên Sơn Thủy – Na Mèo (Quan Sơn), ở các địa phương thuộc khu vực dân tộc, miền núi tỉnh Thanh Hóa đã và đang tận dụng tiềm năng, thế mạnh điều kiện tự nhiên, văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng. Trong đó nổi bật như điểm du lịch cộng đồng bản Mạ, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân); thôn Thượng thuộc điểm du lịch Thác Mây, xã Thạch Lâm (Thạch Thành); bản Bút, xã Nam Xuân (Quan Hóa), suối cá thần xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy…

Phải khẳng định, du lịch cộng đồng miền tây Thanh Hóa đang được các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa quan tâm sát sao và có bước phát triển mạnh trong những năm gần đây thông qua các chương trình đầu tư cơ sở hạ tầng, mở các lớp tập huấn chuyên môn về du lịch cộng đồng cho các hộ gia đình tham gia kinh doanh. Mặc dù du lịch cộng đồng Thanh Hóa dẫu còn nhiều khó khăn về vốn đầu tư cho các hộ kinh doanh, nhân lực tham gia ngành nghề kinh doanh du lịch còn thiếu và yếu về kinh nghiệm nhưng người dân trong tỉnh vẫn cảm nhận sự thay đổi từng ngày, người dân và chính quyền địa phương đã và đang tận dụng được tiềm năng thế mạnh để du lịch cộng đồng vươn lên mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Tây Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Lan Anh

Nguồn Văn nghệ số 51/2022


Có thể bạn quan tâm