April 18, 2024, 7:47 am

Phát triển đang “gặm nhấm” không gian ký ức

 

Câu chuyện Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng lập đồ án quy hoạch thành phố Đà Lạt và đi đến quyết định dời Dinh tỉnh trưởng, xoá rạp hát Hoà Bình để xây dựng Trung tâm thương mại mặc dù đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của các tầng lớp nhân dân tại Đà Lạt nói riêng, tỉnh Lâm Đồng và những người yêu mến Đà Lạt trong và ngoài nước nói chung, như: Đà Lạt không cần quá nhiều trung tâm thương mại, trung tâm Hòa Bình (vùng lõi của thành phố Đà Lạt), chỉ cần chỉnh trang, để trả về với không gian thoáng đãng vốn có, trở thành không gian công cộng có tính điểm nhấn, biểu tượng của Đà Lạt, chứ không cần đập đi xây lại với chức năng chính là kinh doanh dịch vụ du lịch.

 

Hà Nội 36 phố phường. Ảnh Internet

Không gian ký ức

Xin được nói rõ thêm, đồ án nói trên đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xây dựng và hoàn thiện từ năm 2017, đến nay đã được hai năm, và nhiều khả năng đồ án nói trên sẽ trở thành hiện thực theo “tầm nhìn”  và “chiến lược” của nhà quản lý, nếu được Chính phủ chấp thuận. Song với những người đã trót đa đoan với thành phố mộng mơ này, thì không gian ký ức nơi đây giống như thể một phần máu thịt của họ. Và khi phần máu thịt ấy bị “xẻ thịt” ắt là sẽ thấy đau. Và lẽ dĩ nhiên nó chẳng hề dễ chịu.

Đà Lạt không ồn ào mà lặng lẽ trôi theo ký ức thời gian, nên vì thế mà được người đời yêu mền khoác cho chiếc áo “thành phố mộng mơ” và chiếc áo ấy sẽ bị lấy đi để thay vào đỏ là những mảng màu xanh đỏ của một đời sống hiện đại. Thử hình dung, khi ấy Đà Lạt sẽ thế nào?

Vẫn biết, cuộc sống vốn luôn hướng đến sự phát triển, nhưng sự phát triển ấy vẫn cần có gốc rễ để vững bền.  Thế nên, không có gì đáng ngạc nhiên khi thành phố Hà Nội, đã có những quyết định sáng suốt trong xử lý những bức xúc của người dân tại Làng cổ Đường Lâm và  mới đây là Thành phố Hồ Chí Minh khi có quyết định xem xét lại đồ án quy hoạch phá bỏ khu Dinh Thượng Thơ (hiện là trụ sở Sở Thông tin – Truyền thông TP Hồ Chí Minh), một kiến trúc tiêu biểu được người Pháp xây dựng và hoàn thành vào năm 1864 với chức năng là Nha Giám đốc Nội vụ, để thiết kế công trình mở rộng và nâng cấp trụ sở Hội đòng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân thành phố, do Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh mục bảo tồn.

Giờ không gian văn hoá Làng cổ Đường Lâm đã được Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tìm ra giải pháp để gỡ nút thắt. Đó là cấp kinh phí để người dân, chủ sở hữu những ngôi nhà cổ, trùng tu những phần xuống cấp của ngôi nhà, còn lại những ngôi nhà không phải nhà cổ thì được phép sửa sang xây mới theo mô hình và độ cao công trình xây dựng  đã được phê duyệt  chung. Và Khu Dinh Thượng Thơ cũng đã được đưa vào danh mục kiểm kê di sản theo quy định tại Luật Di sản.

Chưa biết, Dinh Thượng Thơ sẽ có số phận ra sao, nhưng quyết định trên cũng đã khiến những người yêu không gian ký ức tạm yên lòng và nuôi hy vọng: Dinh Thương Thơ sẽ không giống như Thương xá Tax, công xưởng Ba Son…

Nói như vậy sẽ có người cho rằng đây là một tư tưởng bảo thủ, rằng thời đại công nghệ 4.0 với trí tuệ nhân tạo, việc dựng một Đà Lạt mộng mơ, hay một Thương xá Tax có gì là khó, sao cứ phải cố giữ những cái đã cũ, thậm chí nhếch nhác… Vâng, trí tuệ nhân tạo hoàn toàn làm được điều đó, nhưng sản phẩm ấy chỉ là những mô hình được mắt ta cảm nhận, còn hồn cốt dân tộc, còn thứ văn hoá đậm chất Á đông ẩn chứa trong từng tầng vỉa của di sản thì trí tuệ nhân tạo không thể nào thay thế được.

 

Tìm sự hài hoà giữa phát triển và không gian kí ức

Một hội thảo tìm kiếm sự hài hoà trong phát triển và không gian kí ức vừa được diễn ra tại thành phố Hà Nội. Đây là hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Ngày Thiết kế Italia lần thứ 3 trên toàn thế giới, nhằm đóng góp những đề xuất để Hà Nội - "thành phố vì hòa bình" phát triển thành một thành phố thông minh. Sự kiện được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long có sự góp mặt của Đại sứ Italia tại Việt Nam, Antonio Alessandro; ông Michele De Lucchi, Đại sứ Thiết kế Italia tại Việt Nam năm 2019; ông Michael Croft, Giám đốc tổ chức UNESCO tại Việt Nam, và hơn 300 kiến trúc sư, chuyên gia và học giả trong và ngoài nước. Phát biểu khai mạc hội thảo, Đại sứ Italia tại Việt Nam, Antonio Alessandro, cho biết, Hà Nội cũng giống các thành phố khác đang phải đối mặt với thách thức về bảo tồn văn hóa bởi những nhu cầu tăng trưởng. Và chìa khóa cho một thành phố thông minh mà vẫn gìn giữ và bảo tồn văn hóa chính là việc kết hợp kiến trúc. Với một thành phố với nhiều bảo tàng cổ và sở hữu khuôn viên rộng rãi như Hà Nội, thì các lãnh đạo hoàn toàn có thể cân nhắc cái gọi là "một địa điểm - nhiều chức năng". Ví dụ, một bảo tàng vừa có thể là nơi để khách du lịch tới để thăm quan, nhưng cũng có thể kết hợp thành một thư viện, có quán cafe và tổ chức nhiều nhiều hoạt động cộng đồng. Đây là một mô hình đa dạng và mang đến nhiều năng lượng cho cuộc sống. Điều quan trọng nữa chính là hoạt động quản lý phải được chú trọng, thực hiện một cách nghiêm túc. Làm được điều đó, chính là Hà Nội đã tìm ra được chìa khoá để bào tồn không gian ký ức song song với sự phát triển hiện đại.

Trong những năm qua, lãnh đạo thành phố đã rất nỗ lực để thúc đẩy các hoạt động gìn giữ di sản. Và trong buổi hội thảo này, các chuyên gia, nhà nghiên cứu và quản lý một lần nữa lại tiếp tục bản thảo về các chiến lược, kỹ thuật, và công nghệ cần được áp dụng để bảo tồn di tích lịch sử, nhằm đóng góp cho các cuộc tranh luận về sự cần thiết để phát triển Hà Nội thành “thành phố thông minh” cùng với những di sản kiến trúc rộng lớn, các công trình văn hóa lịch sử vô giá, trong đó có tính tới sự phát triển bền vững của ngành du lịch. 

Để hiện đại hoá không tiếp tục “gặm nhấm” không gian ký ức, là điều mà mỗi chúng ta không chỉ đơn thuần là mong muốn mà cần phải nỗ lực để bảo tồn. Nếu như hôm nay những di sản kiến trúc ấy bị phá bỏ, chúng ta sẽ có lỗi với hậu thế. Bởi có cả ngàn cách sáng tạo để bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc đô thị mà vẫn không phải hy sinh di sản để đổi lấy sự phát triển, mà làng cổ Đường Lâm là một minh chứng hùng hồn cho sự trường tồn, song song của không gian ký ức và những giá trị thương mại.

 

 

 


Có thể bạn quan tâm