April 24, 2024, 2:49 am

Phát triển công nghiệp văn hóa: Bây giờ hay bao giờ?

 

Dự thảo Đề án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030” đã chính thức được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ( Bộ VHTT&DL) đưa ra bàn thảo, lấy ý kiến của các chuyên gia đầu ngành tập trung vào 5 nhóm ngành do Bộ VHTTDL quản lý gồm: Du lịch văn hóa; Điện ảnh; Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm; Nghệ thuật biểu diễn; Quảng cáo. Đây đều là những ngành tiềm năng, có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế. Nhưng khai thác thế nào và khai thác ra sao cho hiệu quả  vẫn là một câu hỏi khó.

 

Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực tiềm năng, có thể đóng góp tích cực cho nền kinh tế

Chọn thời điểm thích hợp cho từng nhóm ngành

Tính đến thời điểm hiện tại, lĩnh vực du lịch đã và đang được xem là mũi đột phá trong chiến lược hiện thực hóa giấc mơ “ phát triển công nghiệp văn hóa Việt”. Rất nhanh, sau quyết định  mở cửa nền kinh tế một cách toàn diện của người đứng đầu Chính phủ, Bộ VH,TT&DL đã tung ra nhiều “ áp chủ bài” để kích cầu du lịch. Kết quả là lượng khách trong và ngoài nước đến nghỉ dưỡng, du lịch tại các địa điểm văn hóa, du lịch biển tăng kỷ lục. Nhiều sản phẩm du lịch của Việt Nam được đánh giá tầm cơ thế giới. Ngoài những chính sách chung, các địa phương sở hữu những khu du lịch biển, du lịch sinh thái, văn hóa còn có những chính sách riêng nhằm quảng bá những nét độc đáo trong văn hóa tín ngưỡng, ẩm thực… để thu hút du khách. Có thể kể đến tỉnh Thừa Thiên Huế với chương trình: Festival Huế 2022; Thành phố Đà Nẵng với đại nhạc hội: Đà Nẵng, thành phố đáng sống và đáng đến… đã mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho du khách. Không bàn đến doanh thu của loại hình công nghiệp du lịch mang lại cho nền kinh tế của địa phương, mà chỉ cần bàn đến nguồn lợi về tri thức, vốn sống được tích lũy từ các sản phẩm du lịch khi du khách được tham gia, trải nghiệm mới thấy đây là hướng đi đúng và trúng đầu tiên của Chiến phát triển công nghiệp văn hóa từ Du lịch. Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế việc tổ chức và duy trì " Festival Huế” chính  là thể hiện nét truyền thống. các giá trị theo cách mới và thể hiện sự hội tụ của bản sắc văn hóa khu vực và quốc gia và giao lưu văn hóa. Bằng cách tập trung vào con người, lễ hội sẽ trao quyền cho người dân địa phương và du khách đóng vai trò vừa là chủ nhà vừa là người sáng tạo những sản phẩm văn hóa có tính kế thừa và phát triển. Đây chính là điểm mấu chốt để " Festival Huế” mời gọi, giữ chân được du khách.

Thực tế cho thấy, việc các địa phương khai thác giá trị văn hóa bản địa biến nó trở thành đặc sản của chuỗi du lịch đang trở thành hướng đi đầy tiềm năng đã tác động mạnh đến chỉ số năng lực phát triển của ngành du lịch Việt Nam. Chỉ tính riêng  năm 2021 du lịch Việt Nam đã xếp thứ 52, tăng 8 bậc so với năm 2019, nằm trong số 3 quốc gia tăng cao nhất trên thế giới. Đây chính là thắng lợi bước đầu trên lộ trình thực hiện “ giấc mơ” phát triển công nghiệp văn hóa.

Sau du lịch, điện ảnh được xem là con át chủ bài thứ hai, khi chỉ trong một thời gian ngắn mở cửa nền kinh tế, nhiều bộ phim Việt Nam đã giành được các giải thưởng danh giá tại các liên hoan phim tầm cỡ quốc tế và khu vực. Có thể kể tên các dự án lớn của các nhà làm phim Việt cho doanh thu hàng trăm thậm chí ngàn tỷ đô như các phim: Bố già, Thiên thần hộ mệnh, Bóng đè…không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cho e kíp thực hiện, nộp thuế theo luật định mà còn khẳng định những bước tiến vượt bậc của nền điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế. Phim Việt đã có chỗ đứng, nền văn hóa Việt đã được thế giới ghi nhận như một phần không thể thiếu của bữa tiệc văn hóa toàn cầu. Đặc biệt Phim kinh dị “Bóng đè” (đạo diễn Lê Văn Kiệt), đã được mua bản quyền để phát hành tại 25 quốc gia trên thế giới, dù chưa ra mắt tại Việt Nam. Hay “Vệ sĩ Sài Gòn” được Hãng phim Universal của Mỹ mua bản quyền sản xuất lại hứa hẹn sẽ là bom tấn của Hollywood

Theo bà Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam, trong chiến lược phát triển điện ảnh Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, ngành văn hóa đã xác định rõ, phát triển điện ảnh theo hướng công nghiệp, hiện đại, hội nhập quốc tế, với mục tiêu đến năm 2030 xây dựng nền điện ảnh Việt Nam có bản sắc và uy tín ở châu Á, có tác phẩm chất lượng cao, tài năng điện ảnh tầm cỡ thế giới. Và muốn vậy, thì con đường dẫn đến đích phải là con đường phải phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp, đồng thời tăng cường xúc tiến, hợp tác, học hỏi các nền điện ảnh mạnh trên thế giới.

Những lộ trình cụ thể cũng được hoạch định cho Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và nghệ thuật biểu diễn. Hiện từng Hội chuyên ngành cũng đã xây dựng cho mình những kế hoạch cụ thể cho sáng tác, kích cầu giao lưu văn hóa để quảng bá nghệ thuật Việt Nam ra thế giới. Có thể điểm qua những hoạt động của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh trong nửa đầu năm 2022 như: Tổ chức lế trao giải và khai mạc cuộc thi Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế lần thứ 11, tại Việt Nam năm 2021 (VN-21); phát động cuộc thi ảnh quốc tế tại Việt Nam năm 2022 (VN-22). Đồng thời tổ chức tuyển chọn bộ ảnh đen trắng để đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế thường niên của Fiap. Bên cạnh đó là xuất bản những cuốn sách để quảng bá tác phẩm đoạt giải thưởng HCM, giải thưởng nhà nước và tác phẩm của các nghệ sĩ nhiếp ảnh nhận các giải thưởng danh giá quốc tế. Song song với những hoạt động kích thích sáng tạo của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh, lĩnh vực Mỹ thuật cũng  cho thấy một đời sống mỹ thuật khá sôi động.  Chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2022, Hội đã tổ chức 21 cuộc triển lãm, 3 trại sáng tác và 4 đoàn đi thực tế sáng tác, đồng thời chuẩn bị những điều kiện về cơ sở vật chất, con người cho Triển lãm mỹ thuật khu vực lần thứ 27 dự kiến sẽ được tổ chức  vào trung tuần tháng 8. Đây đều là những hoạt động thu hút sự quan tâm không chỉ trong giới mỹ thuật trong và ngoài nước, mà còn là điểm đến hấp dẫn của công chúng yêu hội họa, tạo nên thị trường mỹ thuật sôi động và hết sức ấn tượng. Ở lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, đây là lĩnh vực chưa bao giờ hết sôi động. Sau khi cuộc sống bình thường trở lại, nghệ thuật biểu diễn tiếp tục thăng hoa với nhiều chương trình nghệ thuật tầm cỡ quốc gia và thế giới. Đặc biệt, nhiều đoàn nghệ thuật của Việt nam đã xuất ngoại với các chương trình đặc sắc như; Nhà hát múa rối Thăng Long, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam. Trong nửa cuối năm 2022, sẽ có nhiều cuộc giao lưu nghệ thuật được diễn ra nhằm quảng bá nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam ra trường quốc tế như: Festival Hiệp hội âm nhạc đương đại quốc tế ( dự kiến vào tháng 9); tham dự Festival quốc tế Âm nhạc mới Á- Âu lần thứ IV- Việt Nam năm 2022 ( dự kiến vào tháng 12). Ngoài ra còn có nhiều hoạt động nghệ thuật trong nước không chỉ nhằm kết nối người yêu âm nhạc mà còn làm phong phú đời sống tinh thần, giúp tái tạo năng lượng cho cuộc sống.

 

Đồng bộ nhiểu giải pháp

  

Theo Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL, Đoàn Văn Việt, để có thể phát triển ngành công nghiệp văn hóa, cần xác định trọng tâm, trọng điểm lộ trình đối với 5 ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại trên cơ sở xác định các tiềm năng, lợi thế của từng lĩnh vực; phát triển đồng bộ giữa các ngành, khâu sáng tạo, từ việc sản xuất, phân phối, quảng bá và tiêu dùng. Từ đó hình thành và phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và quốc tế để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao và mang lại thu nhập; từng bước trở thành những ngành có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Đồng thời, cần chú trọng đến sự phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc và sức sáng tạo của người Việt Nam, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại và kỹ năng kinh doanh.

Bên cạnh đó tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; khai thác tối đa lợi ích kinh tế trong văn hóa, gắn liền với việc quảng bá đất nước con người Việt Nam; góp phần bảo vệ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.

Công nghiệp văn hóa sẽ thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nếu chúng ta cùng lúc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trên cơ sở vận dụng linh hoạt các Nghị quyết, Chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước trong thời gian gần đây cho từng lĩnh vực ngành cụ thể. Tại Hội nghị lần thứ IX, Ban Chấp hành TƯ khóa XI đã xác định rõ Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, là động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt  ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Do đó Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với  xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa. Bên cạnh đó là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại. Và để hoàn thành những mục tiêu đề ra, yếu tố con người ( đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa), yêu cầu tăng nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa cũng đã được đặt ra và rốt ráo thực hiện. Gần đây nhất là Luật điện ảnh (sửa đổi) được Quốc hội phê chuẩn và đi vào thực tiễn với nhiều điểm mới, trong đó có quy trình kiểm duyệt phim, Quỹ hỗ trợ điện ảnh được xem là có lợi cho sự phát triển nền điện ảnh nước nhà, từng bước tạo sự bình đẳng cho phim trong nước và quốc tế, cũng như tạo đà cho các nhà làm phim trẻ thực hiện các dự án phim lớn bằng nguồn quỹ hỗ trợ điện ảnh.

Nền công nghiệp văn hóa đang chuyển động khi hội đủ thiên thời, địa lợi và nhân hóa, vì vậy không có lý do gì chúng ta không tận dụng cơ hội để khẳng định giá trị của từng lĩnh vực văn hóa trong sự phát triển chung của nền kinh tế. Sẽ cần có thời gian để đề án phát triển 5 ngành công nghiệp văn hóa trở thành các ngành có đóng góp quan trọng cho nền kinh tế quốc gia. Nhưng chúng ta có quyền kỳ vọng và tin tưởng vào sức mạnh nội lực chúng ta đang sở hữu về thiên nhiên, con người và sự độc đáo trong bản sắc văn hóa vùng miền mà thế giới ghi nhận. và chắc chắn rằng, chúng ta sẽ tiếp tục tạo ra các sản phẩm chủ lực, có thương hiệu và lợi thế cạnh tranh nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra tại Quyết định số 1755/QĐ-TTg (Quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030). Trong đó mục tiêu cụ thể là phấn đấu doanh thu của 5 ngành công nghiệp văn hóa có đóng góp quan trọng vào kết quả 7% GDP của các ngành công nghiệp văn hóa và tiếp tục tạo thêm việc làm cho xã hội theo mục tiêu đề ra đến năm 2030…

Hiện du lịch, Điện ảnh, Mỹ thuật, Triển lãm và nhiếp ảnh đã xác định được thời điểm và trọng tâm đột phá để sớm về đích trong cuộc đua trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa, khi hàng loạt những dự án mới được xây dựng và triển khai ở quy mô trong và ngoài nước.  Tin rằng với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nắm bắt cơ hội từ các Hội, Hiệp hội chuyên ngành,  chúng ta sẽ sớm sở hữu một ngành công nghiệp văn hóa đúng nghĩa.


Có thể bạn quan tâm