April 20, 2024, 5:38 pm

Phận ăn theo

 

Hồi đầu mới về nghỉ lão bị ngây một thời gian. Vu vơ buồn, cảm giác bị thừa ra trong cái xóm Nùng lúc nào cũng rộn tiếng quai búa, tiếng cối đá xay bột đậu, bột bún, tiếng giã gạo thì thụp lẫn tiếng bễ lò rèn phì phò đều đều trước những hiên nhà bụi bặm khiến lão lẻ ra như khách trọ.

Người Tày bao đời mang tiếng chân dài tay ngắn. Đàn ông ham chơi, du hý, hát lượn, tán gái, lại hay bày trò đánh chén, việc nặng nhẹ đều đè xuống vai phụ nữ. Lão có nằm trong số đàn ông đó? Có đấy, nhưng khác tí chút, bởi có lương hưu, không nhiều nhưng tiêu dè cũng sống tạm. Lão trở mình trên giường. Nghe tiếng kót két nằng nặng biết giường đã oải. Nó mà “rụp” xuống một cái chắc vỡ đít. Lẩn thẩn quá rồi! Ngày trước có bao giờ thế? Lão nhắm mắt hướng đầu óc tập trung. Đang nghĩ đây! Cách nào kiếm tiền. Việc nương rẫy, trồng rừng không còn hợp với sức. Phải tự khai hoang bản thân, vì trong não bộ lười nhác bấy lâu có lẽ nhiều thứ đã bị bỏ quên. Là thứ gì chưa thể gọi tên, nhưng gắng lục lọi cũng ló nho nhe. Nhất định phải thức dậy. Lão lặng lẽ dành dụm tiền mua sách, báo. Để làm gì chưa biết, nhưng nhất định phải tự khai sáng. Thấy lão ngoắc kính mốc cắm cúi đọc sách, báo như thư lại thời Tây, vợ con lão mới đầu lạ, sau quen, dần yên lòng. Sống thế cho lành.

Thạch Lâm là phố thị giáp biên, nhà cửa cũ rích, mái cao, mái thấp nối thành xóm giữa những dải núi đá bao bọc. Cuộc sống không tấp nập là mấy nhưng là điểm thu hút dân bản đến định cư. Vì thế cộng đồng ngày một đông. Người lũng mang theo từ làng quê lối sinh hoạt riêng nhưng chỉ thời gian ngắn tuốt tuột đều theo đòi lối sống phố thị. Ăn, ở, tiện nghi đều tỏ rõ a dua, kém người một miếng không chịu. Sống là thế, chết cũng vậy. Bày trò đình đám. Ngoài các thầy tào, bà bụt ra tay chém gió, hô, hát trừ tà, yểm bùa, bắc thang lên cõi  tiên, chặt đứt cầu sinh tử… đám còn dài lũ những đại diện cơ quan huyện, tổ phụ lão, phụ nữ đem vòng hoa đến phúng viếng, thành kính mặc niệm. Chỉ mặc niệm thôi chứ không ai điếu … Nghi lễ rõ là hơn lũng bản bởi sự thêm vào cái hơi văn minh phố thị. Lão Háy ngầm quan sát, gật gù…  

Tin loan khắp phố, vợ trưởng khu đột tử. Không ốm đau, sáng vẫn thấy ra quán đả bát phở xá xíu tú ụ, về nhà đột nhiên ngã vật xuống, ngáp một cái liền thăng. Lão Háy không lạ nhà này. Trưởng phố Thang cùng nhập ngũ với lão hồi chống Mỹ, bạn đồng niên, dân gốc Thạch Lâm. Cơ hội được thể hiện là lúc này đây. Trích ngang kẻ xấu số lão nắm rõ. Sau một hồi chau trán lão lấy ra tập giấy, đặt xuống bàn. Bóng ai vừa lướt qua. Không cần nhìn, chỉ nghe tiếng chân biết là vợ. Có lẽ thị vừa đi chợ về.

- Viết thư cho gái à?

Lão lắc đầu, hí hoáy viết.

- Lạ nhỉ, có còn nhớ mặt chữ nữa không đấy?

Nghe thế lão ngẩng lên, khẽ cười, rồi phẩy cây bút về phía vợ ý như, đi đi, để tao yên.

Mấy mươi năm rồi có thấy lão cầm đến bút. Ký ức những ngày chiến tranh chợt hiện. Hồi đó thỉnh thoảng thị nhận được thư chồng gửi về từ mặt trận. Còn nhớ, lão trông tẩm ngẩm thế mà nét chữ khá đẹp. Lời lẽ trong thư bay bổng. Nhiều khi đọc cho bố mẹ chồng nghe, có đoạn thị cứ ấp úng. Bố mẹ chồng thấy thế liền dục: “Đọc tiếp đi chứ!”. Thị ngượng ngùng, bèn nói dối: “Hết rồi ạ!”. “Hết rồi á, cái thằng này… cái tai đang sướng lại đột ngột ngắt đi. Lạ đấy, nó học ai, hay tự nghĩ mà lời lẽ hay như nghe đài…”.

Sau đám ma vợ trưởng khu phố, dân Thạch Lâm nhìn lão Háy khác hẳn. Nể và kính trọng hơn. Tẩm ngẩm thế mà văn vẻ ra trò, trầm bổng thống thiết khiến bao kẻ trào lệ. Hay! Sao lão Háy lại có thể nghĩ ra việc này. Lần đầu tiên đám ma ở Thạch Lâm có điếu văn. Chỉ có hơn một trang viết mà đã lấy được nước mắt thiên hạ. Ngậm ngùi thương kẻ quá cố. Đương sinh thường như bao người, hóa thiên cổ thiên hạ mới tỏ đức nhẫn nhịn, hy sinh vì chồng, con của thị. Đoạn về tình phu thê, Háy  khéo đưa vào bài điếu những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, thư đi từ hậu phương, thư về từ mặt trận với bao nhớ thương tình vợ chồng xa cách, làm khối kẻ cay sống mũi. Có người lờ mờ nhận ra, hình như lão bệ nguyên cái tâm trạng nhớ vợ của mình ngày ấy vào trong văn cảnh. Thử hỏi, như thế có là hạng láu cá, láu tôm, là đồ thoóng cáy… Thì có sao! Cũng vì nghĩa vì tình cả.

Bây giờ gặp Háy ngoài đường hay đám cưới, hỏi, đầy tháng ai cũng dừng lại chào, muốn được ngồi bên. Trước đâu có thế, sao bây giờ cầu thân? Hay người ta muốn tỏ tình thân để dễ cậy nhờ về sau. Có thể lắm! Cũng có thể người ta trọng Háy thực lòng vì việc làm tâm đức, thông ngôn cho kẻ sống với người chết, không dễ ai cũng làm được. Chẳng bù cho hồi còn ở phòng văn hóa, ngồi như chó ba xu góc nhà có ma nào hỏi. Vậy mà từ nay bỗng thành người của công chúng.

Mới đầu không công, nhưng sau có chút bồi dưỡng. Hẻo thôi, một vài chục ngàn. Nhưng nghe có người bảo, còn hơn nhuận bút khối ông nhà thơ trên tỉnh. Có người quặc, sao chỉ mấy ông tỉnh, nhà thơ Trung ương chắc gì đã bằng. Anh hùng một cõi. Nói thế xem ra là có chút ghen tị đấy! Thử viết đi, liệu có được như thế? Thách đấy, mắt chữ trong ruột liệu có được mấy con? Còn đây, bài điếu có đầu có cuối, đủ đầy tình cháu con, họ hàng nội ngoại, có luyến tiếc xót thương của bạn bè, hàng xóm thân, sơ. Lại có cả một tiểu sử đủ đầy của kẻ xấu số. Cho dù đương sinh có là kẻ suốt đời đánh xe thổ mộ, thợ quai búa hay đồ tể, đóng gạch, đóng ngói, bán nước rong… cũng trở nên lung linh trong giọng đọc bi ai. Từ bao giờ tên tuổi “Háy điếu văn” đã thành thương hiệu. Người ta tìm đến gửi gắm cậy nhờ. Nhưng không phải ai Háy cũng nhận tiền bồi dưỡng. Kẻ nghèo khó trật đít ra quần, thất cơ lỡ vận lão tình nguyện chấp bút với lòng hiếu hảo thật tình. Tuy thế mà không đại khái. Mỗi người một phận, đoạn trường dù khổ ải, dụi dọ mấy cũng thành vinh dự tự hào làm nở mặt mày dòng tộc, cháu con. Qua lão thông ngôn, đang chơi vơi trên cao xanh hồn người chết nghe thấy chắc cũng vô cùng mát mẻ. Mấy ông quan huyện có khác hơn. Họ biếu đáp hậu hĩnh.

Nên nhớ cho, cái “hội hiếu” nó oai uy lắm. Là thứ  chuyên trông coi cửa hậu cho tất cả các hạng người. Vô ý để hội phật ý khi không sẽ vã mồ hôi lạnh. Ngán nhất ấy là nó toàn nhằm lúc sắp đưa linh cữu ai đó ra chân núi mà xướng tên những hộ còn lọt nghĩa vụ trong những đám trước mà răn đe, cảnh cáo. Mặt mo lắm! Còn dọa, nếu không sửa sai nhất định lĩnh hậu quả. Ô hô! Hậu quả là gì thì biết rồi đấy. Hội sẽ đứng ngoài cuộc, có để… thối ra đấy cũng mặc. Thế là sợ. Sợ là phải. Tiếng là hội trưởng, lão chỉ việc tổ chức tang lễ, ghi sổ những khoản đóng góp của mọi người và viết điếu văn. Ừ thì mấy cha là nể cái chức hội trưởng hội hiếu một phần, nhưng phần hơn là tài viết của lão. Lão miệt mài với công việc. Mỗi khi có tiếng kình côông cất lên lòng chợt hào hứng liền vớ ngay tập giấy, cây bút. Vì âm thanh đó báo cho lão hay, sắp biết thêm tiểu sử một con người.

Dân Thạch Lâm bảo, lão Háy là bảo tàng sống của cả vùng. Gì lão cũng biết. Điếu văn nào cũng viết hay như tác phẩm văn chương. Mỗi cái mỗi kiểu, không chùng lặp, nếu đưa xuất bản sẽ là tập sách hay. In vài trăm cuốn nhất định sẽ bán hết veo. Nghe thiên hạ kháo, lão im lặng. Không hiểu lão đang nghĩ gì? Chẳng gì cả, có bồi dưỡng cũng viết, không có cũng viết. Hay như nhau. Có điều viết cho mấy anh cán bộ có nhỉnh hơn. Là tiền họ tự đưa chứ lão không đòi hỏi. Nhiều, ít đâu có màng. Lão dành tiền đó để tái sản xuất, là mua thêm sách báo về nghiền ngẫm. Được như hôm nay cũng là nhờ sách báo. Sách báo là thầy dạy khôn. Còn lại lão đem cho trẻ nghèo, những kẻ dốt nát khốn khó. Vốn sống lão dày thêm từng ngày. Thấy lão kiếm ra tiền, được người trọng vọng, vợ lão xem ra có vẻ nể, tịt cái lối ăn nói chỏng lỏn. Có tiền khác hẳn, thưa gửi đầu đuôi hẳn hoi, cứ như con nhà có giáo dục. Giáo dục cái con khỉ, bố nó chuyên nghề đục cối, quần đứt ống tới bẹn, ngồi ghế rơm, b… lúc nào cũng thò ra như đầu ba ba lấm bụi. Lạ gì. Lạ là mấy thằng cán bộ kia. Nghe lão đọc điếu văn xong, có người đến rỉ tai: “Cái thằng phó Chủ tịch huyện ấy, mày nói tốt cho bố nó quá. Trước khi theo cách mạng lão ta là thổ phỉ đấy. Sau được Việt minh tuyên truyền mới quay về theo. Đâu có nòi như mày nói”. Lại nữa: “Viết mà không tìm hiểu kỹ hả mày? Mẹ đẻ cái thằng trưởng Ban tổ chức sao có thể là cán bộ tiền khởi nghĩa được. Mẹ nó sinh năm bốn mươi, cách mạng thành công năm bốn nhăm, khi đó mụ mới có năm tuổi. Lão thành cách mạng…, nó khai man để lấy tiền nhà nước mày hiểu không. Mẹ kiếp, đồ ấy còn thiếu gì nữa mà còn tham như chó…”

Tai nạn nghề nghiệp thi thoảng xảy ra. Nghĩ lại cái vụ viết điếu văn cho cha thằng Món. Lão dồn tình cảm viết về cuộc đời một con người bình thường, suốt đời cha thằng Món, lão Cái chỉ kiếm sống bằng nghề hàn nồi, hàn chảo mà nuôi con ăn học nên người. Ba đứa con, hai trai, một gái đều tốt nghiệp đại học nhưng công việc làm chẳng đâu vào đâu, đều phải bỏ việc cơ quan về mở quán bán hàng. Nghĩ mà tiếc cho mấy đứa, thông minh giỏi giang… Công đó là của cha chúng, lão Cái. Nghèo mà không hèn, biết dạy dỗ con nên người. Háy tôn vinh công trạng lão với tình tiếc thương thực lòng, vậy mà có người bảo: “Mày thấy cây mà không thấy rừng! Lão Cái danh phận đâu chỉ có thế. Lão là cán bộ cách mạng tiền khởi nghĩa đấy. Người đầu tiên cắm cờ lên đồn thằng Tây ở giữa phố này là lão. Thân thể lão dính không dưới mười vết thương qua các chiến dịch Biên Giới, Sông Lô, với Điện Biên… cứ thấy người ta lẫn vào đám người bình thường mà tưởng là người thường sao? Viết gì thì cũng phải ngẫm cho kỹ chứ…”. Nghe thế lão buồn, lòng rấm rứt như thể vừa làm tổn thương một người vô tội. Sau lần đó tinh thần lão xuống lắm. Nhiều khi tính gác bút bỏ đi đâu đó. Nhưng đi đâu, làm gì? Ở tuổi này liệu còn cơ hội? Lão là con chim đã mỏi cánh, không thể chọn cho mình đại ngàn như ước. Giá như cách đây mấy mươi năm nhất định sẽ vỗ cánh bay cho thỏa, nhưng giờ thì không thể. Rừng đây đã chọn lão. Rời khỏi đây là hết, là ăn mày mạt hạng. Năm tháng trẻ trai chợt hiện về. Lão cố nuốt vào lòng những nuối tiếc ân hận. Lão đền đáp tình cảm của mọi người bằng chí thú với công việc. Nhưng lão không được yên.

Bố Chủ tịch huyện chết. Cơ quan giao cho văn phòng viết điếu văn, nhưng xem qua thấy không ổn. Lãnh đạo huyện sau một hồi nghĩ, liền cho người đến nhà lão, bảo:

- Ông giúp cho một tay. Đây là ý kiến của đồng chí Chủ tịch. Gắng nêu bật được công lao thân phụ đồng chí những năm kháng chiến, và truyền thống cách mạng gia đình… bồi dưỡng ông một chút gọi là.

Nhìn viên thư ký Ủy Ban huyện, đẩy chiếc phong bì có hình chiếc máy bay in ở góc về phía mình, lão ái ngại.

- Bấy lâu tôi đâu như mọi người tưởng.

Viên thư ký khẽ cười:

- Đùa, có ai  làm không công. Nhiều nhặn gì, mấy đồng lẻ ấy mà.

Lão giật thót:

- Ấy dó! Thế mà gọi là mấy đồng lẻ á! Ngang với hối lộ còn gì.

- Ông nhận cho, không là tôi khuyết điểm với lãnh đạo.

Nhìn cái bóng tròn lủng khuất sau cửa, lão Háy thần mặt. Chưa nghe ai nói tới tai, nhưng xem ra cái việc nhận bồi dưỡng khéo đã thành chuyện loan khắp rồi cũng nên. Đúng là của nợ. Sao không từ chối ngay để bây giờ mặt mũi đần thối. Của nợ, đúng là của nợ. Biết làm sao bây giờ. Nhất định sẽ trả lại, nhưng đúng lúc thì tốt hơn, khí phách hơn nếu ngay tức thì cương quyết từ chối. Nước đôi, hèn quá. Để nguyên đó rồi tính. Nó đã cử người đến cậy nhờ kia mà, lại là cha mẹ dân nữa. Cái đồ cha mẹ dân này trước là giám đốc kho bạc huyện, từng để xảy ra sự cố ấy là mấy cán bộ nhân viên dưới quyền thông đồng, phù phép làm thụt quỹ, lấy tiền đánh đề. Chuyện lộ bem bị khởi tố bắt đi tù cả loạt. Giám đốc cũng bị kỷ luật, bị điều ra tỉnh làm trưởng phòng hành chính. Đùng một cái lại thấy đưa về huyện cơ cấu chức danh Chủ tịch. Có người bảo nó hưởng lộc cha nó. Lão Mần Ky trước là lão thành cách mạng, hồi nhỏ từng có công giấu được đôi giày của một cán bộ Việt Minh vào dưới cối đá, khi vị này bị Tây đuổi chạy vào nhà lão. Thế là được tặng một cái bằng có công với nước. Chỉ đồn, chứ chẳng có gì rõ. Vì nếu đúng thế đã được ghi vào lịch sử Đảng bộ huyện rồi.

Ấy là mấy lời nhỏ to của đám người ngụ cư, chứ dân Thạch Lâm bản địa không lạ nòi tổ nhà nó. Thời Tây ông nội nó chuyên buôn muối dưới xuôi lên bán khắp ba tổng miền đông. Bán một lãi một. Hồi đó muối quý hiếm hơn vàng, lại là muối đào nữa. Thứ muối có màu đỏ nhạt thế mới lạ. Mãi về sau mới biết, để tăng cân ông nội nó đã lấy đất đỏ nghiền thành bột trộn lẫn với muối. Là thứ đất lấy tận Thông Hòe, có người nhìn thấy. Giàu lại càng giàu. Chuyện đó sau này người ta mới dám nói, chứ hồi đó nhà nó giàu, uy danh, hé chuyện đó ra có mà họa. Chẳng thế mà bố nó, Mần Ky sướng quá hóa nghịch tử. Cho đến khi ra tay giết người vì tranh gái ở chợ hội Pác Gà, sợ bị bắt nhốt vào Căng ngoài Mục Mã đã bỏ trốn lên rừng. Tình cờ gặp mấy anh cán bộ Việt Minh, được giác ngộ thế là Mần Ky thành người cách mạng. Sau này hòa bình việc mua bán muối cho dân đã có nhà nước chuyên chở phân phối, cửa hàng nhà nó để mốc, rồi lụi hẳn.

Ông nội nó không khác chim ưng gãy cánh, ngày ngày ngồi trước hiên, cạnh cái cối đá giã gạo, ngậm tẩu thuốc coóc vài, mắt mơ mơ nhìn người qua lại. Có ít bạc vốn gia đình cất giấu, Mần Ky dồn lại được một bịch đem theo buôn trâu, đuổi sang chợ Hoa Động Trung Quốc bán. Đúng là buôn bán làm giàu cũng phải có nòi, chẳng mấy, nhà nó lại trở nên khá giả. Nhưng ông nội nó không tỏ ra mừng. Con lão, lão biết, thằng này hăng hái có vẻ, nhưng tham, thế nào cũng có ngày xảy chuyện. Quả nhiên thế. Trâu bán sang bên kia lãi gấp đôi, tiền thu về nhiều tới mức đè gãy cẳng. Tưởng bở làm thêm đôi chuyến. Chuyến thứ tư, giao bán xong, khách bảo: “Tiền sẵn đây rồi, xe ngựa thồ cũng không xuể, nhưng mắc việc giao hàng e cả tuần chưa xong, chưa thể thanh toán. Tin nhau không? Không thì đợi, có thể thời gian còn lâu hơn nữa kia”. Nghe nói thế, Mần Ky hơi chau mày. Đợi ư, ngồi đuổi ruồi ư? Mất tư thế lắm! Chẳng gì cũng người buôn lớn, với lại đối tác xem ra đàng hoàng, tiền đo bằng thước thế kia. Làm chuyến nữa lấy tiền một thể. Phen này giàu to. Nghĩ thế liền gật đầu. Vội quay về Thạch Lâm gom trâu. Tiền trao, cháo múc không thể, vốn vẫn nằm bên Tàu, đành nói khó mua chịu, nhất định sẽ trả, tính cả lãi mười phân theo ngày. Cả lãi nữa ư, được lắm! Dân Thạch Lâm sướng tai, gật đầu.

Nhưng một ngày, hai ngày, rồi cả tuần, hơn một tháng qua vẫn chưa thấy Mần Ky quay lại.

Hồi này khắp nơi rộ chuyện mất trâu. Hiện trường để lại xem ra kẻ trộm rất thông thổ. Trâu bán chưa lấy được tiền, nay lại mất thêm tức muốn nổ ruột. Súng ống nai nịt, tên nỏ sẵn tay dân Thạch Lâm chia nhau ra các ngả đón lõng.

 Là nó kia. Trong thái âm mờ tỏ, thấy có kẻ đội nón tu lờ, lưng đeo pja pì che mưa như áo giáp đang thúc đàn trâu hai chục con leo dốc keng khỉ vài. Chỉ chừng ba trăm mét là tới đỉnh dốc, xuống bên kia là đất Tàu. Không phải trộm sao lùa trâu lúc nửa đêm về sáng. Họ ra hiệu cho nhau chặn đầu khóa đuôi. Khẩu khai hậu lên tiếng, cò mổ, pép trước xì sau, có đến gần một giây mới nổ đánh “đùng”. Khói lửa cùng lúc phụt khỏi nòng. Tiếng hô đanh thép: “Dẳng chinh” (đứng im). Tên trộm thất kinh, vội quỳ mọp. Ngó trước, ngó sau đâu đâu cũng người lăm lăm súng, nỏ, đằng đằng sát khí. Một người tiến đến lật nón nó ra, hóa ra là thằng Dảu Ma chuyên ăn trộm. Lập tức hắn bị đè xuống.

- Khai ngay, còn thằng nào?

Mặt Dảu Ma nhạt hết máu, van vỉ:

- Không phải tôi, tôi chỉ là kẻ được được thuê đuổi trâu sang Trung Quốc thôi. Tha mạng cho tôi, tôi còn vợ con…

- Nói ngay, bằng không cắt gân gót.

- Khai, tôi khai ngay đây. Là Mần Ky, Mần Ky thuê tôi.

Mần Ky ư? Người chiến sỹ cách mạng năm xưa ư? Có thể thằng này vì sợ mà đổ tội cho lương dân. Sau một hồi bàn bạc, mới đầu mọi người tỏ ra ngần ngại, sau quyết định trói Dảu Ma đưa về.

Trước đầy đủ Đảng ủy, Chính quyền thị trấn, Dảu Ma khóc lóc, chỉ tay về phía Mần Ky, một mực, chính lão đã thuê, lão là thủ phạm. Hắn tuy mang tiếng là kẻ trộm nhưng chỉ là tên trộm vặt, chứ trộm trâu là tội gần với làm giặc. Thề có bàn thờ tổ tiên, thề trên đầu con cái hắn sẽ chết hộc máu nếu nói dối. Quả quyết quá! Mấy ông Chính quyền nhìn sang Đảng ủy. Đồng chí Bí thư đứng dậy, từ tốn:

- Đồng chí Mần Ky, đề nghị đồng chí cho ý kiến.

Không khí ồn ào chợt lắng xuống. Mần Ky mặt thường như không. Đưa mắt nhìn khắp lượt, chậm rãi:

- Thưa các đồng chí, tôi là một đảng viên. Gần một đời cống hiến cho dân cho đảng, chưa làm gì phải hổ thẹn. Tự làm tự chịu, sao nó có thể hành xử hèn hạ như thế mà chúng ta vẫn nghe là thế nào. Tôi lừa đảo, ăn trộm trâu ư?

Nói đến đây, lão cúi xuống lôi dưới ghế ra một bao tải gai:

- Thì đây, đây là gì?

Lão lật ngược chiếc bao, một đống tiền buộc thành từng cọc ào ra đất.

- Tiền đây, đây là tiền tôi kiếm được bằng khó nhọc bản thân, là đồng tiền chính đáng. Hôm nay tôi xin trả hết nợ. Những ai tôi còn thiếu nợ thì đến nhận đi.

Dảu Ma bị tuyên mười hai năm tù. Thanh danh Mần Ky được trả lại nguyên vẹn. Chuyện êm xuôi tận bây giờ. Những người chứng kiến việc đó nay chẳng còn mấy ai. Kẻ khuất núi, người thì chuyển vùng khác sinh sống, mọi sự chìm nghỉm như gỗ mục đáy sông. Chỉ Dảu Ma vẫn sống nhăn. May mà gân gót không bị cắt. Mười hai năm tù không thiếu một ngày, nay đã là một lão già đục cối. Chẳng quan hệ với ai. Một mình với búa đục suốt ngày nhìn xuống rãnh cối. Chỉ ngẩng lên khi có khách đến. Lạ nữa, chỉ ngẩng lên khi nghe bước chân Háy đi qua. Ánh nhìn lạ lắm, vừa nể trọng, vừa như thể Háy là người hành tinh khác đến. Đôi mắt sau cặp kính không chớp, đầu khẽ gật như chào, lại như thầm nhắc - “ Hãy bảo trọng”.

Mần Ky chết rồi. Chiếc phong bì in hình máy bay ở góc vẫn trên bàn. Gần hai tiếng hý hoáy, điếu văn đã viết xong. Lão Háy cầm lên dò lại từng chữ. Đủ cả, tiểu sử bố thằng Chủ tịch thật hoành tráng. Sớm tham gia cách mạng, truyền thống vì dân vì nước được cháu con tiếp bước phấn đấu trưởng thành. Còn quá khứ bán muối của ông nội nó, bỏ qua; Tranh gái đánh chết người ở Pác Gà, bỏ qua. Thời kỳ buôn trâu liệu còn mấy ai nhớ… có nên bỏ qua không? Hay phải thêm một chút cho nó sáng ngời phẩm chất đảng viên kiên trung? Đột nhiên trong cổ lão Háy bật  tiếng hừ hừ. Tật đấy, nó vẫn thường thế mỗi khi viết gặp điều khó nghĩ... Bây giờ thì đến lượt lão viết tổng kết cho cái phận đó đây. Tránh đi thì áy náy, viết ra lại lo. Tai họa như chơi. Đành vậy! Tạm thế đã. Lão đặt bút, vươn vai rồi đi ra cửa.

Ngang qua nhà Dảu Ma, lão lưỡng lự, rồi khẽ bước. Thử xem, tai phó cối thính độ nào. Chỉ nghe cánh cửa kẹt nhẹ, một khuôn mặt khắc khổ đeo cặp kính lão dính đầy bụi đá nhô ra. Mẹ khỉ, đúng là tai trộm. Dảu Ma nhìn lão thăm dò, cất giọng ồm ồm:

- Xong chưa?

Háy tưng tửng:

- Cái gì xong chưa?

- Lại còn vờ, mấy lời tụng ca bố cái thằng Chủ tịch chứ còn cái gì.

Lão Háy cười hè hè:

- Xong rồi.

- Chắc hay lắm á?

- Cũng như mọi lần thôi.

- Cứt, năm trăm bồi dưỡng…

Cả chuyện này Dảu Ma cũng biết, lạ thật. Hay lão rình mò, nhưng kẻ suốt đời nhìn xuống có mấy khi ra cửa. Lão tự hãm mình trong căn nhà gỗ mấy mươi năm rồi kia mà?

- Tiền đó nó có chân, đến rồi lại đi thôi.

- Đừng dại quá hóa ngu! Sức mình làm mình hưởng có ăn không của đứa nào. Nhà ấy truyền thống cái mẹ gì, có mà gian dối. Tiền nó đưa mày là của tham nhũng đấy. Xuống sổ thì cũng nên bớt lại một chút cho vợ con, đưa hết phí lắm. Tiền vào quan như than vào lò kia mà. Ờ, mà mày nói  không sai, tiền nhà nó có chân, đi ra cửa tự khắc biết tìm về. Hay, hay thật. Uống nước đi, chè dây đấy. Thứ này thải độc, ngủ tốt.

Lão Háy cầm cốc nước Dảu Ma đưa uống một hơi cạn, rồi rời bước. Sau lưng vang tiếng đục đá choang choác khô nặng.

Mần Ky kia, trong cái quan tài dán giấy đỏ. Vậy là lão vĩnh viễn rời bỏ đời. Thương thay một thời gương sáng. Kẻ sống xót lòng, tiếng khóc ỉ i. Nào lão có còn nghe được gì mà than. Than cái nỗi gì. Sống thì no đủ sung sướng, chết cơ man nào là người đến viếng. Nhất lão đấy. Huyện có, Tỉnh có ô tô nối thành hàng dài dọc phố. Đồ cúng thì vô kể, luôn phải có người lo chuyển xuống nhà dưới mới có chỗ cho người đến sau bày biện. Nhiều lắm phong bì, con dâu lão, là vợ của Chủ tịch độc quyền trông coi khoản này. Không biết đã là cái túi thứ mấy căng phồng được cất vào buồng riêng. Người ta nhìn trộm, rồi áng, có đến tiền tỉ. Rồi lại thì thầm, Chủ tịch mà chết chắc gì được bằng cha. Là người ta nịnh kẻ sống, là Chủ tịch đấy. Chứ Mần Ky là cái cóc khô gì.

 Lão Háy xuất hiện. Lão trịnh trọng tiến đến trước linh cữu, rút nguyên chiếc phong bì in hình chiếc máy bay ở góc đặt lên đĩa, lùi lại vái ba vái. Có người chạm vào vai. Lão quay lại. Dảu Ma. Lạ quá, hôm nay lão cũng đến đây. Háy nghe có tiếng lào thào bên tai:

- Bớt lại chưa?

Háy không trả lời, lia vào Dảu Ma ánh nhìn khó chịu.

Hai ngày phúng viếng đã xong. Giờ tốt đã đến. Thầy tào mũ áo đỏ vàng lòe xòe, dẫn đầu đoàn người khăn trắng, áo xô đi quanh quan tài ba vòng. Thanh la, chũm chọe, trống da nổi tiếng dồn dập. Thầy áo đỏ hô hét rối tinh, bất ngờ vung dao chặt phăng cây cầu tượng trưng làm bằng cọng chuối. Vậy là từ nay đường nối kẻ âm với người dương đã chia lìa. Đám thanh niên lực lưỡng hăm hở tiến vào khiêng quan tài ra chân núi. Huyệt kia đã mở chờ sẵn, giờ là phần điếu văn. Lão Háy đâu? Kia rồi. Sao hôm nay cứ lớ ngớ. Mọi người hướng về lão chờ đợi. Phận sự đã đến, lão đâu có ngán, chỉ tội họng lúc này làm sao ấy. Cứ dính tịt, hễ mở mồm là ngứa, rồi ho, bây giờ thì khản lép như vịt đực bị vặn mỏ. Liệu có bị viêm họng cấp, hay xơi phải món độc gì? Trong đầu lão bỗng hiện ra cốc nước Dảu Ma đưa uống lúc trưa.

- Để tao giúp.

Là Dảu Ma. Thiện chí hay lão định giở trò gì? Chừng như đọc được lo ngại trong bụng Háy, Dảu Ma cười hiền:

- Nghĩa tử nghĩa tận mà, yên tâm đi.

- Lão cũng biết chữ?

- Mẹ mày, cái thằng điếu văn, tao đã học hết lớp bốn từ khi mày còn cởi truồng kia. Đưa đây.

Lão giật lấy tờ giấy trong tay Háy, không một phút chậm chễ, lão trần tình:

- Thằng Háy hôm nay trúng gió, không nói được, tôi xin ra tay giúp. Hay dở thế nào mọi người cố nghe, bỏ qua cho.

Lời lẽ mới khiêm nhường làm sao. Có lẽ là do lạ tai lần đầu được nghe giọng Dảu Ma. Háy cũng như mê đi trong ngôn từ đầy ý tứ cảm xúc, nở gan nở ruột trong tiếng xôn xao tán thưởng của mọi người. Đọc thì nhiều rồi, nhưng đây là lần đầu Háy được nghe văn mình qua giọng người khác. Khúc triết lâm li quá, lão không nghĩ mình lại viết được hay như thế. Tự đắc  quá thôi. Điếu văn sắp hết. Chỉ còn đoạn ngắn. Chỗ khó nói nhất lão cũng đã sửa, chắc không làm mếch lòng ai.

Đang trôi chảy Dảu Ma hơi dừng lại. Háy căng óc chờ đợi. Chỗ này lão sửa, có đoạn chữ đè lên nhau, có lẽ hơi khó đọc. Lão khẽ thở ra khi nghe Dảu Ma đọc tiếp: “…Thưa đồng bào đồng chí, tuy có một thời gian đồng chí Mần Ky bị hiểu lầm, bị mang tiếng là người không trung thực, quanh việc mất trâu ở vùng quê  chúng ta, nhưng nhờ có đồng chí, đồng đội đứng ra làm chứng, vụ việc đồng chí liên đới đã được sáng tỏ. Kẻ bôi nhọ thanh danh đảng viên cũng đã bị nghiêm trị…”.

Đến đây người ta thấy mặt Dảu Ma tái mét, miệng ấp úng như ngậm đá. Lão đưa mắt nhìn quanh. Đột nhiên lão cao giọng chửi:

- L… mẹ cái thằng Háy, thằng Háy đâu? Sao mày lại viết như thế. Nghiêm trị cái củ cứt, bị hiểu lầm cái củ cứt. Chính là Mần Ky, lão là kẻ chủ mưu trộm trâu, tao chỉ là thằng đi đuổi thuê cho lão, một thằng bị đổ thừa. Một mình lão ăn hết gần một trăm con trâu mộng, thế mà nuốt trôi đấy, tiêu sạch cả cứt lẫn đái đấy. Tài chưa, rồi đổ hết tội cho thằng tao đây. Mười hai năm tù có ai đền cho tao? Bây giờ thì xong đời rồi, lão đã nằm kia, ra ma rồi, nhưng cũng vẫn phải nói để lão nghe… thối lắm Mần Ky ơi… gương sáng cái con khỉ...

Chưa bao giờ đám tang ở Thạch Lâm lại xảy ra xô xát. Đây là lần duy nhất hiếm hoi, bởi thế không ai, từ tang chủ đến người giúp việc chuẩn bị sẵn tinh thần đối phó. Tất cả đều bất ngờ, nhưng lập tức tình huống được xử lý. Dảu Ma bị một đám người lao đến đè cổ, trói chặt lôi xuống chân núi. Bị dúi đầu, đẩy đi chắc đau muốn chết nhưng lão không cự lại, cũng không mở miệng la lối hay chửi bới. Thời như vừa đục xong cái cối, lão chỉ cảm giác nhẹ nhõm đầu óc, gan ruột. Trước khi bị đẩy lên xe còn ngoái cổ nhìn Háy, ánh nhìn vừa như cảm ơn, vừa như xin lỗi. Thấy lão già yếu bị người ta hành động quá tay nhiều người không khỏi trạnh lòng. Nhưng sao dám mượn cớ ngoa ngôn. Thế cũng đáng đời lắm.

Mần Ky mồ yên mả đẹp, nhưng chuyện xảy ra hôm đó dân Thạch Lâm còn bàn mãi. Từ đâu người ta lại lôi thêm được bao chuyện lâm ly, kỳ khu hệt những chuyện về lục lâm thảo khấu. Nhưng rỗi hơi thổi phồng thêm mà làm gì, chuyện đã hóa đất rồi, trên cao kia giả thử có nghe được chắc Mần Ky cũng cười khẩy. Nói thế, hoặc hơn nữa cũng chẳng thể thay đổi số phận. Chỉ Dảu Ma thiệt thân, ai đời lại nhằm lúc trọng việc mà tố khổ, phỉ báng thân phụ Chủ tịch. Bị tống giam nửa tháng, lúc được thả, mắt Dảu Ma trũng sâu như hai lỗ đáo, nhưng mặt thì hơn hớn như thể vừa cắt phăng khỏi bụng một khối u nhức nhối bao năm.

Gặp Háy, lão bảo:

- Khéo tao sẽ làm mày mất nghiệp, đừng trách nhé. Hết khản tiếng chưa? Dễ chữa thôi, lấy cục than hồng bỏ vào bát nước cho xì hết khói, rồi đem uống, từ từ mà uống cho hết bát là khỏi.

Nhưng lão không yên. Sáng nay có người đến tìm, là tay chuyên viên Ủy ban huyện dáng người lung lủng, ngón tay trắng tròn như bột nặn, nói với lão:

- Tôi đến để thông báo, qua nghiên cứu bài điếu văn, mấy lời nói về quá khứ của cụ Mần Ky lẽ ra không nên đưa vào nhưng lão đã cố ý xới lên, nên đã làm cái cớ châm ngòi cho sự việc đáng tiếc, ảnh hưởng lớn lắm. Lãnh đạo huyện chỉ đạo, từ nay lão thôi không được viết nữa. Dừng ngay. Thế, thế... thống nhất như vậy nhé.

Lão thần người. Đúng là tai họa. Lão đâu có lường được chuyện xảy ra. Với lại đâu có ý chọc que vào tổ ong. Vậy mà bị đốt. Nhức nhối quá. Chợt đâu đó  vọng đến tiếng kình côông báo hiệu kẻ nữa ở Thạch Lâm vừa thăng. Thói quen bấy lâu khiến lão liên tưởng ngay tới tập giấy với cây bút bi mực đen. Thoắt lại thót ruột, cái tinh thần thằng chuyên viên Ủy ban vừa quán triệt, liệu có ai còn dám đến cậy nhờ. Tưởng đến những ngày trước, sẽ lại nằm bẹp đếm tích tắc đồng hồ. Giờ sẽ thêm cả tiếng búa đục cối choang choác thuốn vào ngàn sâu tịch mịch bao đời những âm thanh buồn khô nữa. Lão cúi nhìn đôi bàn tay, lại nhìn Dảu Ma. Dảu Ma nhổ bãi nước bọt xuống đất, giọng thách thức:

- Cứt thằng nào cấm được.

Nguồn Văn nghệ số 32/2018

 

 

 


Có thể bạn quan tâm