April 23, 2024, 11:49 pm

Phạm Đức - Một sự lặng lẽ đáng trọng

KHOẢNG LẶNG CHO NHỮNG  NGƯỜI ĐI TRƯỚC MÙA XUÂN

Năm nào cũng vậy, khi những giọt mưa Xuân còn chưa kịp đắm đuối tận hiến những làn hơi ẩm ướt cuối cùng để đánh thức dậy những tràn trề căng nhức từ bên trong những cỗi cằn xơ xác; để gột rửa tinh khôi lại những bụi bặm nhọc nhằn của một năm vừa hết; để vạn ngàn cây lá bùng ra xanh mướt những lộc non, để con người trào lên say đắm những khát khao của sáng tạo và dâng hiến...; thì giữa bao hồ hởi tươi mới khát khao ấy, lại vẫn có những chuyến ra đi lặng lẽ như không muốn làm kinh động đến mùa Xuân đang náo nức ngoài kia. Như những chiếc lá đã hết mình xanh, những cánh hoa đã vắt kiệt mình mà thắm thả mình về cội đắp điếm cho đời; những nhà thơ, nhà văn sau khi đã tận hiến những truân trải, những đam mê vào trang viết để lại cho đời; lại lặng lẽ gói ghém hành trang cho một hành trình cuối cùng đi vào vĩnh cửu giữa muôn ngàn chồi non lộc biếc, để lại những khoảng trống quạnh hưu mà mãi đến một ngày, sau bao nhiêu tất tả bận rộn mới chợt nhận ra, họ đã vội vàng đi trước cả một mùa Xuân…

Nhà thơ Phạm Đức có tên trong khai sinh là Phạm Văn Đức, sau này khi trở thành người cầm bút, ông có bút danh Bình Nguyên, Thủy Ngân. Sinh năm 1945, quê gốc ở Thanh Xá, Liên Hồng, Tứ Lộc, Hải Dương, trong một gia đình có cha là công nhân lục lộ, mẹ là một người nội trợ tảo tần.

Tốt nghiệp phổ thông, Phạm Đức nhập ngũ năm 1963 và trở thành người lính thông tin vô tuyến điện. Chàng lính thông tin không cao lớn nhưng đẹp trai những lúc được rời xa cần ma-nip lại say mê với cây bút và những ý thơ xuất thần trong đầu. Chàng lính thông tin khi mới 19 tuổi từng có bài thơ Ánh đèn được in trên Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1964. Xen kẽ giữa những chuyến đi B ngắn, mỗi đợt khoảng nửa năm, Phạm Đức được phân công làm công việc biên tập cho tờ Thông tin thuộc Phòng Chính trị Binh chủng Thông tin Liên lạc. Qua những năm tháng chống Mỹ, bền bỉ và lặng thầm, người lính và người tình, đó là hai vệt thơ tạo nên ấn tượng rõ nhất trong suốt chặng đường sáng tạo của nhà thơ Phạm Đức.

Nhà thơ Phạm Đức (1945-2022)

Giải ngũ, chàng chuẩn uý Phạm Đức được nhận về làm biên tập viên mảng sách chính trị - xã hội ở Nhà xuất bản Thanh Niên. Vừa làm việc vừa theo học và tốt nghiệp khoá 2 Trường Viết văn Nguyễn Du năm 1988 Phạm Đức được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam, và là tác giả của những tập thơ Có một khoảng đời (1984), Đơn phương (1990), Đàn đá (1996), Báo động (1998), Giật mình (2005)… bên cạnh đó là là những tập tản văn như Hương đồng cỏ nội, Muôn mặt tình yêu… và các tập truyện ngắn viết cho thiếu nhi.

Ông đã được nhận nhiều phần thưởng vinh dự: Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng 3, rồi hạng 2, Huân chương Kháng chiến hạng 3, Huy chương Vì thế hệ trẻ… Được nhận Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội nhà văn Việt Nam tặng cho tập tản văn Hương đồng cỏ nội năm 1994, và Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam tặng Giải thưởng văn học nghệ thuật năm 2005 cho tập thơ Giật mình…

Như vậy cũng có thể xem Phạm Đức là người được nhiều và có nhiều… Nhưng có lẽ cái được nhất mà có khi chính Phạm Đức không nghĩ tới – đó là sự phập phồng ấm áp mà nhà thơ truyền đến trái tim của rất nhiều người, nhất là những người trẻ hoặc những người có tâm hồn trẻ qua những tình cảm chân thật, sâu lắng của lứa tuổi yêu đương ở những bài thơ Đơn phương, Tình ca, Ví dầu, Thì anh lại sợ

Nhà thơ của những tinh tế trong tình yêu không hiểu sao lại luôn trăn trở với chính mình

Tới mình và giữ trọn mình

 sao trắc trở, gập ghềnh,

đắng cay

Trắc trở, đắng cay bởi đối phương, người trước người sau, vốn vô tình thành ra

Gần nhau mà chẳng yêu cùng

Đơn phương tôi cứ thuỷ chung

một mình

Ngày ông đơn phương rời xa cõi tạm, rời xa bạn bè, rời xa những người hằng đồng cảm, thân quý với mình vào những ngày cuối cùng của năm 2022. Để đi tìm thương nhớ của mình trong chuyến nhàn du phủ định tâm thế thuỷ chung một mình. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim, một bạn thơ vừa là đồng môn với ông tại trường Viết văn Nguyễn Du đã kể lại một kỷ niệm với nhà thơ Phạm Đức trong chuyến đi Hội An - Cù Lao Chàm của nhóm học viên trường viết văn Nguyễn Du vào giữa năm 1984: “Đến Cù Lao Chàm trong khi tôi mải đi tìm hiểu công việc của người dân làng chài, mải ngắm hoàng hôn trên biển, mải nhặt vỏ sò, vỏ ốc theo chân sóng dạt vào bãi biển... thì Phạm Đức đã “chộp” được cái tứ thật lạ trong khả năng chuyển hóa cái trải nghiệm đồng nhất với khoảnh khắc thu nhận được. Đó là bài thơ Đan lưới với những câu như sau:

… Nhưng em biết chăng

Tấm lưới nào vô định

Giăng ở đâu? Dưới nước, trên bờ?

Mà bắt hồn anh trong vô hình,

mềm mại

Ơi tình yêu, âm thầm chăng lưới

Vây anh giữa những mắt

dịu dàng...

Gần 40 năm trước, nhà thơ đã có những cảm nhận, rằng chúng ta luôn bị vây bủa trong những mắt lưới vô hình, vô định như vậy. Mắc vào mắt lưới đó đã đành mà thoát ra khỏi nó lại càng khó hơn…, để rồi đến tuổi tri thiên mệnh, ông đã ngộ ra rằng ở Cõi Vĩnh Hằng kia Không có gì ở đấy/ Chỉ còn có đôi ta/ Với rất nhiều ánh sáng/ Và dịu dàng hương hoa.

Cao Giang

Nguồn Văn nghệ số 7/2023


Có thể bạn quan tâm